Trang chủ PGVN Nhân vật Các cư sĩ trí thức Bắc Kỳ với chấn hưng Phật giáo

Các cư sĩ trí thức Bắc Kỳ với chấn hưng Phật giáo

226

Trong đó có 27 cư sĩ gồm: 1 người làm nghị trưởng dân biểu Bắc Kỳ; 2 người làm việc tại phủ Toàn quyền; 1 người làm việc tại sở Đốc Lý Hà Nội; 5 người là phán sự Thương chính Hà Nội; 2 người là tham tá trường Viễn Đông Bác Cổ, 6 người là Đốc học, Kiểm học hoặc giáo học, 2 người là thương gia, chủ nhà in và 5 người là nhà văn, mở hiệu sách.


Họ đã có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp chấn hưng Phật giáo Bắc Kỳ những năm 1935 – 1945, ở đây chỉ giới thiệu Phật sự của 4 vị .


1. Lê Dư


Tên thật là Lê Đăng Dư (Lê Dư là tên thường gọi và là bút danh), tên hiệu là Sở Cuồng, không rõ ông sinh năm nào. Quê ông ở Nông Sơn, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Thuở nhỏ ông học tại quê nhà. Từ năm 1900 – 1907, ông tham gia phong trào Duy Tân. Cũng trong thời gian này, ông cùng Nguyễn Bá Trác, Phan Khôi ra Hà Nội học tiếng Pháp và tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục do Lương Văn Can làm Thục trưởng.


Lê Dư từng tham gia phong trào Đông Du, hoạt động ở Trung Quốc, Nhật Bản. Trong thời gian ở nước ngoài, Lê Dư có sang Cao Ly (Triều Tiên) và chính nhờ dịp này mà ông là người đầu tiên phát hiện ra dòng họ Lý ở đây là hậu duệ của Lý Long Tường – Hoàng tử thứ hai của Lý Anh Tông.


Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, Lê Dư về nước, làm việc ở phủ Toàn quyền Đông Dương, và ở Viện Viễn Đông Bác Cổ, Hà Nội. Từ đó, ông chuyên tâm cho sự nghiệp văn hóa.


Công trình của ông chủ yếu thuộc về lịch sử và văn chương, hầu hết đăng tải trên các tờ Nam Phong, Đông Thanh, Đông Tây, Hữu Thanh như Thảo Trạch anh hùng (Anh hùng nơi đầm cỏ), Tây Sơn ngoại sử, Lịch sử Bằng quận công.


Loạt bài Hà thành kim tích khảo đăng trong tạp chí Nam Phong phần chữ Hán, số 80 – 81 ra tháng 2 và tháng 3 năm 1924 của ông khảo sát rất nhiều đình, đền, chùa và các di tích lịch sử ở Hà Nội (sau này được các học giả miền Nam dịch đăng trên tạp chí Vạn Hạnh năm 1967) …


Ông còn viết Nữ lưu văn học (1929), Bạch Vân thi văn tập, Phổ chiếu thiền sư thi văn tập (Tập thơ văn của Thiền sư Phổ Chiếu,1932), Vị Xuyên thi văn tập (1931), v.v…   


Năm 1933, thông qua Lê Toại bấy giờ đang làm việc tại Sở Đốc Lý Hà Nội, Lê Dư tham gia Phật học Tùng thư ở chùa Mai Xá, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam do sa môn Trí Hải đứng đầu đang tìm cách lập Hội để chấn hưng Phật giáo Bắc Kỳ.


Một lần, hai nhà sư Trí Hải và Thái Hoà từ Hà Nam lên Hà Nội rẽ vào thăm chùa Quán Sứ được vị trụ trì chùa là ni sư Nguyễn Thị Đoan cho biết: “Ở đây Sở Đốc Lý đã xây tường và lấp các ao rãnh, đổ đất làm vườn hoa. Các vị có cách nào giữ lại được chúng tôi xin cúng lại để làm việc Phật ở trên này cho tiện. Chùa tuy cũ nhưng là một nơi cổ tích… gần ga đi lại rất thuận tiện, nếu để mất thì hoài.”(11  Sa môn Trí Hải. Hồi ký thành lập Hội Phật giáo Việt Nam (từ đây gọi tắt là Hồi Ký). Nhà xuất bản Tôn Giáo, 2004.)


Hai vị liền đem chuyện này bàn với các cư sĩ trong Tùng thư. Ai nấy đều hoan hỷ. Vốn là một người chuyên khảo cứu về lịch sử nên Lê Dư rất quí trọng các di tích Phật giáo. Ông nói:  “Chùa Quán Sứ chính là nơi cổ tích lịch sử của nước nhà, chúng ta có bổn phận phải duy trì không thể để mất chốn di tích ấy được.”


Cả nhóm quyết định nhận chùa và lo thủ tục pháp lý. Chùa thuộc thôn An Tập, huyện Thọ Xương, bấy giờ chỉ còn có hai chú cháu ông Quản Năng nên không đủ người thành lập hội đồng làng. Nhóm bàn nhau để các ông Lê Dư, Văn Quang Thuỳ, Nguyễn Văn Cảnh,v.v… nhập tịch vào làng ấy rồi đem ra sở Đốc Lý chứng nhận, xong mới cùng ni sư Nguyễn Thị Đoan làm giấy nhượng lại chùa.


Nhờ có sự giúp đỡ của Lê Dư, lúc đó đang làm việc ở Phòng Chính trị phủ Toàn quyền và của cư sĩ Lê Toại, nên công việc được tiến hành nhanh chóng và kết quả.


Tháng 3 năm Giáp Tuất (1934), Tùng thư làm xong thủ tục giấy tờ. Đúng ngày Phật Đản năm đó (mồng 8 tháng tư năm Giáp Tuất), nhóm làm lễ nhập tự và chuyển trụ sở từ chùa Mai Xá, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam lên chùa Quán Sứ, Hà Nội. Từ đây nhóm đã có trụ sở tại Hà Nội, rất thuận tiện cho việc đi lại và giao thiệp.


Tháng 8 năm 1934, Lê Dư tham gia hội nghị trù bị thành lập Hội Phật giáo Bắc Kỳ tại chùa Quán Sứ. Tháng 11 năm 1934, Hội chính thức được thành lập, ông được bầu làm Quản lý của Hội tới tháng 2 năm 1945, tại Đại hội đồng thường niên Hội Phật giáo Bắc Kỳ đã bầu Lê Dư  vào Ban Cố vấn.


Hơn 10 năm làm Quản lý và cố vấn Hội Phật giáo Bắc Kỳ, Lê Dư đã có nhiều đóng góp cho công cuộc chấn hưng Phật giáo. Ông là người thay mặt Ban Trị sự đón tiếp các khách nước ngoài đến thăm Hội như Hòa thượng Thúy Tuệ – một vị bỉ khâu ở Tùng lâm Hồ Bắc, Trung Quốc tháng 6 năm 1937; HT Thái Lan pháp danh Bỉ Khâu Bồng Chi (Bleikhu Budha Bonchuey) trụ trì chùa Chang Say phố Frarama, Băng Cốc; Đại sư Thái Hư năm 1940.


Lê Dư là đại diện Hội Phật giáo Bắc Kỳ giao dịch với sở Đốc Lý Hà Nội thông qua bản vẽ xây dựng chùa Quán Sứ; tham gia soạn thảo Điều lệ bầu Hậu quyên tiền làm chùa… Ông thường thay mặt Hội đi dự lễ khánh thành các CHPG địa phương. Lê Dư mất tháng 8 năm 1967.   


2. Bùi Kỷ


Ông sinh năm 1887 trong một gia đình khoa bảng, ở làng Châu Cầu, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.


Năm 1908, Bùi Kỷ thi đậu Cử nhân rồi năm sau đậu Phó bảng. Từ năm 1910 đến năm 1912, ông sang Pháp học và đỗ bằng Thành chung tại trường Thuộc địa ở Paris. Tốt nghiệp về nước, ông không ra làm quan, chủ trương kinh doanh thực nghiệp, buôn hàng của ta đem ra nước ngoài bán nhưng thất bại, ông chuyển sang dạy Việt văn và Hán văn tại Trường Cao đẳng Sư phạm và Cao đẳng Pháp chính, tư thục Thăng Long.


Năm 1932, ông viết báo và làm sách, nghiên cứu về văn học và tiếng Việt.
Năm 1934, ông cùng các học giả Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Ngọc… tham gia Phật học Tùng thư rồi dự hội nghị thành lập Hội Phật giáo Bắc Kỳ tháng 8 năm 1934.


Là một Phó bảng Hán học lại có Tây học nên Bùi Kỷ tiếp xúc giáo lý đạo Phật khá nhanh và trở thành một nhà nghiên cứu Phật học. Tuy viết không nhiều và chỉ viết vào những năm 1935 – 1937, nhưng những bài viết của Bùi Kỷ chứng tỏ ông là một người có một căn bản vững chắc về đạo Phật.


Trong các bài đăng nhiều kỳ trên Đuốc Tuệ: Tôn chỉ đạo Phật (số 6-12), Học Tiểu thặng và Đại thặng (số 16-31) … Trong bài Nghĩa chữ “Không” trong đạo Phật (số 47-52), Bùi Kỷ cho rằng Đức Phật Tổ lập ra thuyết “Không” chính là để phá tan Tam giới tức Tam hữu (âm giới, sắc giới, vô sắc giới).


Ông trình bày những lý luận thuộc về nghĩa chữ Không ở trong học Phật đó là nhị không gồm ngã không và pháp không. Bùi Kỷ cho rằng có nhiều người chưa hiểu nghĩa chữ không mà ngờ là quái đản, lại vì hiểu nhầm mà chê là yếm thế, cho nên ông mới đem nghĩa nhị không mà lược giải ra đây.


Theo ông thì “đạo Không là một triết lý rất quan thiết với cuộc sống, thấu suốt hẳn được đạo Không là bậc thánh, bậc Phật, hiểu được phần to trong đạo Không là hiền nhân quân tử, thể nhận được phần nhỏ trong đạo Không cũng đủ gỡ dần được mọi đường phiền não, làm cho tâm thần vui vẻ và nhẹ nhàng… chúng ta muốn tin đạo Không cần phải tự lĩnh hội lấy, mà hiểu nhận ra dần dần lại cần phải tinh tiến mà thực hành, rồi sẽ chứng đến cõi không.”


Lời bàn của Bùi Kỷ đến nay vẫn đúng. Bài báo của ông gây một tiếng vang lớn trong giới học Phật lúc bấy giờ.


Vì lẽ gì mà chúng ta nên tin theo đạo Phật là bài Bùi Kỷ diễn thuyết tại chùa Quán Sứ nhân ngày Phật Đản (16.5.1937). Sau khi nêu vai trò của đạo Phật đối với sự thực tế của loài người … đối với những quan niệm thuộc về tôn giáo; đối với khoa học bấy giờ, ông kết luận: “Theo như 4 lẽ kể trên, tuy cách diễn giải còn sơ lược, song nếu chúng ta lưu tâm mà suy xét thêm ra thì chúng ta sẽ nhận rõ cái chân tướng của đạo Phật là một đạo gồm cả triết học, khoa học, luân lí học, chính trị học, xã hội học, không phải chỉ là một nền tôn giáo, mà lại là một nền giáo dục hoàn toàn quán thống từ bậc thấp tới bậc tối cao, ở vào thời nào, chỗ nào cũng thích hợp, mà thứ nhất lại cần cho xã hội ta về thời bây giờ”.


Bài này đã được đăng lại trên phụ trương báo Đuốc Tuệ số 66, sau đó Hội cho in một vạn cuốn để tặng cho chư tôn tháng 8 năm 1937.


Bùi Kỷ tham gia Ban Biên tập báo Đuốc Tuệ tới cuối năm 1944. Tháng 2 năm 1945 tại Đại hội đồng thường niên Hội Phật giáo Bắc Kỳ, ông được bầu vào Ban Cố vấn.


Sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, ông tham gia Hội Văn hóa Cứu quốc và cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Bùi Kỷ mất năm 1960.


3. Nguyễn Trọng Thuật


Ông sinh năm 1883, ở xã Mạn Nhuế, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Ông xuất thân là giáo học, viết báo, từng là đảng viên Việt Nam Quốc Dân đảng thời Nguyễn Thái Học. Ngay từ năm 1917, ông đã là cây bút sáng giá ở tạp chí Nam Phong và là một trong số ít người Việt Nam viết tiểu thuyết bằng chữ Quốc ngữ ở Bắc Kỳ.


Nguyễn Trọng Thuật bắt đầu nghiên cứu Phật giáo từ những năm 1932 – 1933 với các bài viết trên tạp chí Nam Phong như Bình luận về sách Khoá hư (1933), Phật giáo tân luận (1934) và được bằng hữu suy tôn là Phật tử trong Khổng môn.


Năm 1934, cùng với các ông Lê Dư, Nguyễn Hữu Tiến… những cây bút chủ lực của tạp chí Nam Phong, Nguyễn Trọng Thuật cộng tác với nhóm Phật học Tùng thư rồi tham gia Hội nghị thành lập Hội Phật giáo Bắc Kỳ. Ông là thành viên Ban Khảo cứu và Giảng diễn Phật học của Hội do Trần Trọng Kim đứng đầu.


Nguyễn Trọng Thuật từng tâm sự với bằng hữu rằng ít năm nữa con cái ông khôn lớn, gia luỵ sạch rồi thì ông quyết xuất gia, hiến thân làm Tăng, trụ trì hẳn một nơi am tự để dìu dắt các bạn nhà Nho đều cùng đầu thân Tăng giới cho có chỗ thi triển cái chí nghiệp giác thế giác nhân.


Nhờ văn tài, lại sẵn có hoài bão chấn hưng Phật giáo nên Nguyễn Trọng Thuật làm việc rất dũng mãnh, tinh tiến, tận tuỵ, không quản sức quản công với toà báo Đuốc Tuệ mà ông là Thư ký Ban Biên tập.


Chỉ trong 5 năm (1935-1940), ông đã viết ngót 60 bài (không tính các bài chuyên khảo, bài dịch) trên mọi lĩnh vực từ chính luận, lịch sử Phật giáo đến truyện dài đăng nhiều kỳ như Cô con gái Phật hái dâu  kể lại cuộc đời của một cô gái nông thôn chuyên nghề hái dâu nuôi tằm ở làng Siêu Loại (Bắc Ninh) được vua Lý Thánh Tông đem về cung thành Ỷ Lan nguyên phi sinh ra vua Lý Nhân Tông – một ông vua sáng, đã đem tinh thần đạo Phật mà dựng nước và cải tổ những bất công xã hội ở nông thôn.


Theo Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 3, thì “đây là một truyện dài viết rất có nghệ thuật, hơn hẳn tác phẩm Quả dưa đỏ của cùng một tác giả”.


Sinh động hơn, Nguyễn Trọng Thuật còn Phật học hoá tiểu thuyết qua các bức thư (Thư cô Mai gửi chị Băng Tâm, Sài Gòn đăng nhiều số Đuốc Tuệ).


Với các bài Câu chuyện đạo Phật với việc làng, Tinh thần Phật giáo đối với thanh niên ngày nay, Nhân gian Phật giáo…, Nguyễn Trọng Thuật đã tuyên truyền mạnh mẽ và rộng rãi cho việc đem đạo Phật vào cuộc sống hằng ngày, cải tạo và hướng dẫn cuộc sống nông thôn bằng tinh thần đạo Phật tiến tới xã hội hoá Phật giáo.


Ông là người đề xuất việc Phật tử từ nay trở đi nên làm lễ kết hôn nơi cửa Phật trước sự chứng kiến của một vị Tăng sĩ làm giới sư. Vị giới sư này trước Phật đài phải nhắc nhở cặp tân hôn phải nhớ đạo lý Tứ ân của Phật dạy mà đền đáp công ơn cha mẹ, ơn đất nước, ơn sư trưởng và ơn chúng sinh.


Ngoài ra, Đồ Nam Tử Nguyễn Trọng Thuật còn giới thiệu với độc giả báo Đuốc Tuệ các chuyên khảo về Phật giáo Cao Miên (Campuchia), Xiêm La (Thái Lan), Nhật Bản, Phật giáo Trung Hoa, Hội Phật học nước Anh. 


Dựa vào sách Thiền uyển tập anh, Nguyễn Trọng Thuật đã viết Việt Nam Thiền tông thế hệ đăng trên báo Đuốc Tuệ từ số 52 (1.1.1937) đến số 120 ra ngày 15.11.1939.


Ông cũng cho đăng thiên biên khảo Việt Nam cao tăng khảo nhiều kỳ trên báo. Chuyên đề này ông dựa vào Kiến Văn Tiểu Lục của Lê Quí Đôn để viết. Việt Nam cao tăng khảo, Việt Nam Thiền tông thế hệ của Nguyễn Trọng Thuật vừa có giá trị triết học, vừa có giá trị văn học.


Công bằng mà nói, Nguyễn Trọng Thuật phải là đồng tác giả cuốn Phật Lục của Trần Trọng Kim xuất bản năm 1940 vì phần lớn chương 1,2,3 là những bài báo do Nguyễn Trọng Thuật viết đăng nhiều kỳ trên báo Đuốc Tuệ.


Cư sĩ Quảng Tràng Thiệt, Đồ Nam Tử Nguyễn Trọng Thuật thực sự là một nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu kiêm thông Nho Phật tài năng và đa dạng. Tiếc thay ông lâm bệnh mất sớm tại Hà Nội hưởng dương 57 tuổi.


5. Thiều Chửu


Cuối năm 1920, được tin cha là cử nhân Nguyễn Hữu Cầu – một trong những người thành lập Đông Kinh Nghĩa Thục và tham gia phong trào Đông Du mãn hạn tù ở Côn Đảo trở về mở hiệu đông y Lợi Nhân Đường ở Ngã Tư Sở, chàng thanh niên 18 tuổi Nguyễn Hữu Kha đang bán thuốc kiếm sống ở Đồ Sơn quay về Hà Nội phụ giúp cha.


Tuy làm việc vất vả nhưng hằng tuần Nguyễn Hữu Kha vẫn dành 3 buổi tối đến chùa Sở (tức chùa Phúc Khánh ngày nay) dạy các nhà sư học. Ông đến với đạo Phật từ đó.


Có lẽ do đồng cảnh và có nhân duyên nên tình cảm giữa Hòa thượng Trí Hải và cư sĩ Thiều Chửu thực sự sâu sắc. Năm 1965, trong Hồi Ký, Sa môn Trí Hải kể “hai người vừa gặp nhau mà tưởng như đã quen nhau từ bao đời”. 18 năm sau ngày Thiều Chửu qua đời, năm 1972, trong lời tựa Hoài Cảm Hòa thượng Trí Hải viết: 


May mắn thay! nhưng cũng rất đau đớn và thương tiếc lắm thay: Không  ngờ đến nay tôi lại được gặp quyển “Nghiên cứu Duy thức theo khoa học” của soạn giả Thiều Chửu, lại cũng chính tay chú Thanh Tuấn đã chép  ra.


Soạn giả với tôi là bạn đồng tâm, đồng nguyện, ước nguyện cùng nhau lo việc chấn hưng Phật giáo nước nhà. Tuy chưa phải nằm gai nếm mật, nhưng cuối năm 1933, hàn thử biểu ở Hà Nội xuống tới 7-8 độ mà hai chúng tôi chỉ có một cái chiếu với một cái chăn mỏng (Nam Định) trải nằm ở nền nhà trong phố Sinh Từ (nay là phố Nguyễn Khuyến), Hà Nội trong lúc tổ chức lập Hội Phật giáo lần thứ nhất bị thất bại”.


Có lẽ ngọn lửa canh tân đã sưởi ấm lòng hai người và họ luôn đã có mặt bên nhau suốt chặng đường chấn hưng Phật giáo 1935 – 1945. Đóng góp của Thiều Chửu cho phong trào chấn hưng Phật giáo Bắc Kỳ có nhiều và đa dạng, ở đây chỉ nêu một số việc mà trước đây ít hoặc chưa nói tới:


Xây dựng cơ sở hạ tầng cho Hội


– Xây dựng chùa Hội quán Trung ương: sau ngày Hội làm lễ động thổ xây dựng chùa Quán Sứ, suốt hai năm 1936 – 1937, công việc hầu như dậm chân tại chỗ, tiền gây quỹ chỉ còn 6 đồng, làm nhiều người chán nản. Thấy được vấn đề, năm 1938, Trung ương Hội quyết định cử Thượng tọa Trí Hải và cư sĩ Thiều Chửu tham gia Ban Hưng công.


Trên cương vị là người lo việc tài chính, Thiều Chửu đã tổ chức công nhân nhà in Đuốc Tuệ làm thêm giờ in sách báo cho bên ngoài, làm hương trầm, bản thân ông đã dành toàn bộ số tiền xuất bản cuốn Hán Việt tự điển và những kinh sách do ông biên dịch biên soạn từ năm 1938


– 1942 cho quỹ xây dựng chùa.


Những năm 1941-1944, Thiều Chửu được Hội ủy nhiệm dựng chùa Tế Độ; lập nghĩa trang Tế Độ; xây trường vừa học vừa làm Phổ Quang, nhiệm vụ nào ông cũng tận tâm, tận lực hoàn thành.


– Năm 1936, lập nhà in Đuốc Tuệ, bản thân ông cho nhà in mượn một máy in và dụng cụ phụ tùng đủ dùng trong 2 năm. Dưới sự điều hành của Thiều Chửu, nhà in làm ăn luôn có lãi, đã chi viện cho báo Đuốc Tuệ đứng vững trong những năm tháng khó khăn (1943 – 1945).


Với sự bảo trợ của Viện Viễn Đông Bác Cổ, từ năm 1940, Hội Phật giáo Bắc Kỳ đã giao cho hai ông Nguyễn Hữu Kha và Trần Văn Giáp khởi công khắc ván những thư tịch Phật giáo Việt Nam bằng chữ Hán.


Tới tháng 6 năm 1943, hai ông đã cho ấn hành một số tác phẩm trong bộ Việt Nam Phật điển Tùng san gồm Chư kinh nhật tụng của (chùa Vĩnh Khánh, Chí Linh, Hải Dương) 1 bộ 2 tập, Thụ giới như phạm 1 bộ 2 tập, Thiền uyển kế đăng lục (của HT Như Sơn, được HT Phúc Điền bổ sung phần cuối) 1 tập, Pháp Hoa đề cương, Bát Nhã trực giải mỗi cuốn 1 tập (của HT Thanh Đàm, chùa Bích Động, Ninh Bình đầu thế kỷ 19), Khoá hư lục (của chùa Quất Du, huyện Yên Thế, Bắc Giang năm 1850) 1 tập, Trần triều dật tồn điển lục (gồm Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục, bản của sa môn Thanh Cù, chùa Pháp Vũ có lời dẫn của tổ Vĩnh Nghiêm huyện Yên Dũng, Bắc Giang năm 1903 và Tam Tổ thực lục) 1 tập, Lễ tụng hành trì tập yếu 1 tập.


Việt Nam Phật điển Tùng san là công trình biên soạn kinh sách lớn nhất của Hội, được một hội đồng gồm các bậc thiện tri thức, danh Tăng giỏi cả Hán học lẫn Phật học tuyển chọn, khắc ván in ấn tới 3000 bộ (Viện Viễn Đông Bác Cổ cúng dàng Hội 200 bộ).


Sách in khổ to, giấy bản trắng, chữ đẹp và rõ, lại có tranh minh hoạ. Nhiều thư viện trong nước và ngoài nước nhờ sự có mặt của bộ sách này mà có được một số tác phẩm xưa của Phật giáo Việt Nam.


Do biến động của thời cuộc nên công việc bị đình trệ, các sách Thiền uyển tập anh, Thánh đăng lục, Trần triều thiền tông bản hạnh không ấn hành được. Việt Nam Phật điển Tùng san đã không ra được trọn bộ, thật đáng tiếc.


Hoằng dương Phật pháp


– Thiều Chửu tham gia diễn giảng thường xuyên tại chùa Quán Sứ. Ông còn là giảng viên tại các trường Phật học của Hội ở chùa Quán Sứ, chùa Bồ Đề.


– Thiều Chửu là cây bút chắc chắn và sâu sắc, thuỷ chung với báo Đuốc Tuệ từ số đầu tiên với tư cách cộng tác viên cho tới số cuối cùng trong vai trò Trưởng ban Biên tập (thay ông Trần Trọng Kim được người Nhật đưa đi Singapore năm 1943). Ông đã viết và dịch ngót trăm bài cho báo Đuốc Tuệ quảng bá về Phật giáo nhân gian, về tu Tịnh độ, Thiền – Tịnh song tu  và cao hơn là về duy tính, duy thức.


– Bút lực của Thiều Chửu thật đáng khâm phục. Ông là tác giả, dịch giả của gần 90 tác phẩm trong đó có các tác phẩm nổi tiếng như Giải thích truyện Quan Âm Thị Kính, Hán Việt tự điển, Phật học vấn đáp, Con đường học Phật ở thế kỷ thứ XX.


Ông còn là tác giả của các sách giáo khoa Sách tập đọc phổ thông, Lịch sử phổ thông, Cách trí phổ thông, Vệ sinh phổ thông phục vụ tốt cho phong trào truyền bá Quốc ngữ.


Theo Hồi Ký của Sa môn Trí Hải thì Phật học từ điển tập yếu đăng trên nhiều số báo Đuốc Tuệ chính là tác phẩm của ông Kha biên tập từ năm 1933 đến 1936 mới hoàn thành, rất tiếc đến nay sách này bị thất lạc.


Công tác từ thiện xã hội


– Ông tham gia cứu trợ cho đồng bào Bắc Ninh, Bắc Giang bị nạn lụt năm 1937.


– Năm 1943,  ông mở am Tế Độ chữa bệnh Đông y miễn phí cho bà con nghèo vùng Thanh Xuân, Kim Giang.


– Tổ chức cứu đói tại trường Phổ Quang, chôn cất hàng trăm người chết vì nạn đói Ất Dậu 1945, sau đó cùng các Thượng tọa Trí Hải, Tố Liên thành lập Tổng Hội Cứu tế cứu giúp cho hàng nghìn người sau nạn đói năm Ất Dậu 1945 ở Hà Nội.


Có lẽ vì những kinh nghiệm và thành tích làm từ thiện xã hội nói trên của Thiều Chửu mà khi cách mạng thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời ông ra làm Bộ trưởng Cứu tế Xã hội.


Nguyễn Hữu Kha đã từ chối để tập trung cho Phật sự. Hồ Chủ tịch đã mời ông Nguyễn Văn Tố – một sáng lập hội viên Hội Phật giáo Bắc Kỳ làm Bộ trưởng và Thượng tọa Trí Hải làm cố vấn Bộ này.


Thay lời kết


Ngày 16 tháng 01 năm 1927, trên tờ Khai Hóa nhật báo số 1640, Tỷ khiêu tự Lai trụ trì chùa Tiên Lữ, tục gọi chùa Hang, đồn điền Đồng Bẩm, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên là người đầu tiên khởi xướng Chấn hưng Phật giáo ở Bắc Kỳ với chương trình 3 điểm.


Nhưng cuộc vận động chủ yếu là trên báo chí của sư ông Lai và một số chùa ở Hải Phòng, Hà Nội đã không nhận được sự hưởng ứng của các sơn môn Bắc Kỳ, rồi tắt hẳn vào năm 1928.


Một trong những nguyên nhân dẫn tới thất bại đó chính là sư ông Lai cho rằng chấn hưng Phật giáo là công việc của các tăng sĩ mà bỏ qua cư sĩ. Vì thế, khi bị sơn môn Bà Đá bác bỏ, bị sư Thiện Chiếu phê phán sư ông Lai đã thối chí trở về làm Đương gia chùa Phương Lăng, huyện Thủy Nguyên, tỉnh Kiến An.


Năm năm sau, nhà sư thanh niên 26 tuổi Trí Hải – trí tuệ như biển cả, bước đầu vận động chấn hưng thất bại nhưng “cũng như con cá sông càng bị ngược nước càng cố tiến lên, việc có khó mới là những việc của những người có chí lớn, thua keo này bày keo khác?” đã không nản lòng và xác định hướng đi đúng đắn là quay sang liên kết với các cư sĩ.


Nhờ đội ngũ cư sĩ đông đảo, có tâm, có tài lại có đức đoàn kết chặt chẽ với các tăng sĩ nên công cuộc chấn hưng Phật giáo lần 2 ở Bắc Kỳ đã thành công. Đạo hạnh, tài năng và sự dấn thân của một số tăng sĩ lúc bấy giờ mà Hòa thượng Trí Hải là một thành viên là một trong những lực hấp dẫn các cư sĩ đó.


Bài học đó đến nay vẫn còn tính thời sự.