Trang chủ Tin tức Các bậc phụ huynh thấu chăng nỗi lòng con trẻ

Các bậc phụ huynh thấu chăng nỗi lòng con trẻ

86

Mỗi ngày 24 giờ con phải đối diện với gương mặt trầm lắng của ba, với sự càu nhàu của mẹ. Con không muốn điều đó, nhưng mọi tội lỗi dường như lại ám vào người con. Con cảm thấy ngột ngạt, khó thở, bất an và không còn niềm tin vào cuộc sống. Con mong nhận được sự thấu cảm của mọi người”

Khóa tu mùa hè Thiện Tài Đồng Tử lần 9 (27/31/7/2016) được tổ chức tại chùa Liên Trì, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc đã đi hơn nữa đoạn đường. Chỉ còn 1 ngày nữa các bạn tu sinh sẽ trở về với cuộc sống thường nhật bên gia đình, người thân, người thương, sẽ tiếp tục việc học tập trong 365 ngày sắp tới. Trong suốt 4 ngày qua, BTC đã thành lập một số chương trình tu học để giúp các bạn gặt hái những lợi ích thiết thực từ trong khóa tu ngắn hạn tại chùa. Qua những trải nghiệm từ các chương trình đã tổ chức, quý thầy cô trong BTC đã hiểu hơn về từng hoàn cảnh, những mãnh đời và cuộc sống thực tế của các em.

Mỗi bạn trẻ khi đến chùa tham dự khóa tu đều bắt đầu từ những lý do riêng biệt. Tất cả những lý do này đều không phải chỉ dành riêng cho một khóa sinh hay khóa tu mùa hè nào, mà nó là mẫu số chung của rất nhiều phụ huynh và khóa sinh trong xã hội.

Khi cánh cửa lòng được mở ra, trái tim các bạn trẻ cảm nhận được tình yêu thương, sự quan tâm lo lắng của quý thầy cô và các anh chị tình nguyện viên trong BTC. Các em đã không ngại mở lòng, chia sẻ những tâm sự thầm kín mà đôi khi, những đấng sanh thành của các bạn cũng không thể nào hiểu nỗi. Nhiều bạn trẻ đã tâm sự thật lòng rằng, nếu không đến với khóa tu tại chùa Liên Trì, nếu không kính trọng, yêu mến quý thầy cô và các anh chị tình nguyện viên, chắc chắn nỗi lòng này sẽ được chôn vùi trong tim mãi mãi.

Chúng tôi xin tạm dấu tên tất cả các khóa sinh đã mạnh dạn nói lên những tâm tư thầm kín của mình với những sẻ chia rất thật từ tâm hồn bé nhỏ của các em:

Bạn thứ nhất thổn thức: “Con đến với khóa tu mùa hè lần này một phần vì thích, nhưng cái chính là muốn giải tỏa nỗi buồn, sự tuyệt vọng cho kỳ thi đại học vừa rồi. Con thấy mặc cảm, bế tắc khi ngày biết kết quả, bạn bè nhìn con bằng đôi mắt khác. Mỗi ngày 24 giờ con phải đối diện với gương mặt trầm lắng của ba, với sự càu nhàu của mẹ. Con không muốn điều đó, nhưng mọi tội lỗi dường như lại ám vào người con. Con cảm thấy ngột ngạt, khó thở, bất an và không còn niềm tin vào cuộc sống. Con mong nhận được sự thấu cảm của mọi người”.

Cùng hoàn cảnh như trên, một bạn khác cũng tâm sự: “Con vừa thi đỗ Đại học nhưng con không vui. Vì đó là ngành ba mẹ chọn cho con, ba mẹ con muốn con trở thành nhà kinh doanh tốt, trong khi con tự biết mình không có khả năng đó và yêu thích một nghề khác. Con không biết rồi đây mình sẽ sống thế nào, mình sẽ vượt qua cuộc đời thế nào khi đôi diện với học tập, với công việc mà mình chẳng đam mê! Không biết ngày xưa ông bà hai bên có từng áp đặt ba mẹ con không, mà sao bây giờ con phải chạy chung guồng máy khổ sở thế này. Con mất phương hướng lắm, ba mẹ chẳng bao giờ chịu nghe con giải thích…!”

Bạn thứ 3 tâm sự: “Từ nhỏ đến lớn, chùa với sư là những từ ngữ rất xa lạ với con. Một lần vô tình nghe thằng bạn bên nhà rục rịch hành trang đi khóa tu, con về xin mẹ nhưng bị từ chối kịch liệt. Thật ra con chẳng tha thiết khi đến đây, vì con nghỉ vô chùa chắc chán lắm, các sư thì toàn đầu trọc, nhìn rất ghê. Chùa thì tối ngày chỉ có niệm phật, ngồi thiền, tụng kinh, ăn uống thì kham khổ, chẳng có gì vui vẻ, cũng chẳng thú vị. Nhưng con vẫn thích đi, vì con muốn thoát khỏi những ngày hè bận rộn với lịch học thêm dày đặc. Nhiều lúc con bị áp lực, căng thẳng, đầu óc muốn nổ tung vì lúc nào trong con cũng chỉ có bài tập, bài tập và bài tập.

Vào chùa rồi con mới thấy những suy nghĩ ban đầu của mình là sai. Chính nơi đây, mái già lam Liên Trì đã cho con tìm thấy lại tuổi thơ bị đánh mất của mình. Con được học tập, vui chơi, tu niệm đúng giờ giấc. Con đã cân bằng lại cuộc sống của mình, không còn áp lực, lo lắng, căng thẳng như trước. Con mong ba mẹ hiểu được điều này và cho con một chế độ học tập khoa học, để con được sống với đúng lứa tuổi của mình”.

Một bạn khác nói rằng: “Con đến chùa Liên Trì tham dự khóa tu học hè đến nay là lần thứ 2 rồi. Con thích lắm, con yêu quý thầy cô, yêu các anh chị và các bạn. Tuy mọi người rất nghiêm khắc, nhưng con cảm nhận được tình yêu thương, sự quan tâm lo lắng của mọi người dành cho chúng con. Lần tham dự khóa tu này con mong mình cai được game.

Con biết điều đó là sai, là có hại cho sức khỏe, mất thời gian và tốn tiền của ba mẹ. Nhưng con rất buồn vì ba mẹ lúc nào cũng bận rộn và bận rộn, nhiều khi con phải ăn một mình, phải ngủ với người giúp việc, con chán nên giết thời gian vào game. Một tuần ở khóa tu, con mong ba mẹ thấy thiếu con mà sắp xếp thời gian để gần con hơn. Con biết, người lớn phải kiếm tiền để lo cho lớp trẻ như con, nhưng con nghĩ rằng chỉ lao vào kiếm tiền mà không vun bồi cho đời sống tinh thần là một thiếu sót lớn. Con không mong nhà mình quá giàu sang, con mong một cuộc sống bình thường nhưng được sống trọn vẹn trong tình thương yêu và sự chăm sóc của ba mẹ”.

Và có một khóa sinh đã nói trong nước mắt rằng: “Sau bao nhiêu cố gắng hàn gắn của con, ba mẹ đã chính thức ra tòa cách đây hơn tháng. Con buồn và hụt hẫng. Nhiều khi con tự hỏi, ngày xưa ba mẹ yêu nhau nhiều như thế, vượt qua bao khó khăn thử thách mới đến được với nhau, nhưng tại sao bây giờ chỉ vì những lý do rất nhỏ, lại không thể vì con, vì em mà sống hòa thuận. Cả ba và mẹ đều bảo có nỗi khổ, có lý do riêng và mong chúng con thông cảm. Vậy thì có bao giờ ba mẹ thật sự hiểu chúng con không, có bao giờ ba mẹ đặt mình vào vị trí của con để biết con đang cần gì? Con mệt mỏi khi bước ra đường với sự thị phi của xã hội, sự dòm ngó của xóm giềng. Con thật sự không muốn nghĩ ngày mai cuộc sống của mình như thế nào nữa. Nhiều lúc tự hỏi, tại sao nhà mình không vui vẻ như trước kia, tại sao mình không thể hòa hợp cùng nói cùng cười, cùng làm việc với nhau như trước kia! Có phải cơm áo gạo tiền, có phải sự nghi ngờ đã giết chết tình yêu mà ba mẹ dành cho nhau. Ba đi mấy tháng rồi, con buồn và nhớ ba lắm nhưng không dám nói ra vì sợ mẹ giận, mẹ chửi. Con thương ba và cũng thương mẹ. Con ước nhà mình sẽ quay về cuộc sống của trước kia, nhưng đã muộn quá rồi…”.

Vẫn còn rất nhiều tâm sự của các bạn khóa sinh đã chia sẻ với quý thầy cô. Có bạn nói rằng tham dự khóa tu để rèn luyện tính tự lập. Có bạn bảo đi khóa tu vì muốn được gần người mình thương. Có bạn muốn tham gia tu tập ở chùa vì muốn thoát khỏi bệnh tự kỹ, sợ đám đông và nhút nhát. Cũng có bạn đến chùa vì yêu mến quý thầy cô, muốn giao lưu với các bạn cùng trang lứa, muốn rèn luyện kỹ năng sống và muốn được trải nghiệm, học hỏi nhiều kiến thức bổ ích, đạo đức mà quý thầy đã dạy trong khóa tu.

Như vậy, ở mỗi bạn trẻ là một trang đời khác nhau, dẫu giàu sang, sung sướng, đủ đầy hay nghèo khó, các bạn vẫn cần được sự chăm sóc và định hướng đặc biệt cho tương lai. BTC của khóa tu đã giúp các em sống tốt, sống có ý nghĩa, rèn luyện đạo đức nhân cách trong 7 ngày tu tập. Thế nhưng, trong 359 ngày còn lại, ai sẽ thay chúng tôi làm điều đó để hướng vào tương lai tốt đẹp cho các em! Nhiều phụ huynh phản hồi sau mỗi khóa tu, rằng các bạn trẻ đi tu tập 1 tuần ở chùa về rất ngoan, lễ phép, biết phụ giúp ba mẹ… nhưng chắc chắn một điều rằng theo thời gian, nếu không được rèn luyện, nhắc nhỡ, chúng sẽ quên và trở lại trạng thái ban đầu.

Bài viết này chỉ là một gốc trong cái toàn thể của nhiều mãnh đời của các em. Chúng tôi hy vọng quý phụ huynh nếu đọc được, sẽ có cái nhìn toàn diện hơn về phương pháp giáo dưỡng con em của mình. Xin quý vị hãy cùng chúng tôi, mỗi người một đôi tay giúp các bạn trẻ chắp cánh ước mơ, tiến về một tương lai tươi sáng. Vì vậy, vẫn rất mong gia đình, nhà trường và xã hội sẽ quan tâm giới trẻ nhiều hơn. Hãy giúp các em có những định hướng tốt cho tương lai, hiểu các em như hiểu chính trái tim mình. Hãy quan tâm đến đời sống tinh thần, đạo đức nhân cách cho các bé, giúp chúng tìm được tương lai tốt nhất có thể. Rất mong lắm thay!