Trang chủ Người thời nay Nghệ sĩ Ca sĩ Phi Nhung: Thiện nguyện từ thiện tâm

Ca sĩ Phi Nhung: Thiện nguyện từ thiện tâm

100

Ca sĩ Phi Nhung đã rời quê hương trên một chuyến bay đặc biệt mà cô không muốn và cũng chẳng ai muốn như vậy. Cô đã sống và cống hiến bằng trái tim, tấm lòng của nhà Phật và đã về với cõi Phật. Từ nay sân khấu dòng nhạc trữ tình Việt đã vắng bóng cô ca sĩ đa tài, đa cảm, đa đoan và đa mang. Xưa nay ít thấy ca sĩ gốc Việt nào qua đời mà hàng loạt các ngôi chùa từ trong đến ngoài nước đã làm lễ cầu siêu để tưởng nhớ, tưởng niệm như ca sĩ Phi Nhung. Và cũng hiếm có ca sĩ nào khi nằm xuống đã khiến cho biết bao người khóc thương cô.


Ngay từ lúc sinh ra, Phi Nhung đã gặp bất hạnh là không biết bố là ai. Đến năm 8 tuổi thì mẹ mất vì một tai nạn, bố dượng sau đó lấy vợ khác. Mất thêm một điểm tựa, Phi Nhung phải đưa 5 em rời Cam Ranh về Pleiku sống, thay mẹ nuôi 5 em nhỏ cùng mẹ khác cha. Đó là những quãng đời trong một tuổi thơ sớm chịu nhiều khổ đau, mất mát và cơ cực, sống những năm tháng lạnh lùng tình thiếu vắng tình yêu thương của đấng sinh thành.

Phi Nhung trở thành ca sĩ không trải qua một trường lớp đào tạo nào. Nhờ giọng hát trời phú, cô đã vươn lên khẳng định mình để mưu sinh và cống hiến. Từ khi sang Mỹ theo diện con lai, trước khi đi hát cô đã làm đủ nghề. Cái nghề thợ may đã giúp cô từng bước khẳng định bệ phóng vững chắc trước khi sang nghiệp cầm ca. Như một cái duyên để cô may vá áo quần và sau này, cô đã “may vá” luôn những mảnh đời bất hạnh, khâu lại những vết thương lòng và làm lành lặn những cuộc đời .

Làm mẹ đơn thân lúc 20 tuổi nơi xứ người càng gian nan, vất vả. Để có những ca khúc đầu tiên ra đời khi cô không hề được đào tạo bất cứ nốt nhạc lý nào, cô đã khổ luyện, vào các studio tập học xướng âm, hát theo giọng Bắc để theo đuổi dòng nhạc trữ tình, tập hát thật tròn vành, rõ chữ. Cô vừa hát, tự thu, tự in đĩa và cũng tự đi tiếp thị bán đĩa của mình cho một trung tâm ca nhạc lớn ở hải ngoại suốt 7 năm trời mới có hợp đồng chính thức.

Trong nhiều ca sĩ gốc Việt ở hải ngoại, Phi Nhung là ca sĩ thể hiện thành công nhất, sâu sắc nhất, xúc động nhất nhiều bài hát trữ tình về miền Tây Nam Bộ. Phi Nhung đã hát về quê hương bằng đúng chất giọng Nam Bộ với chiếc áo bà ba, khăn rằn quen thuộc của miền sông nước với mở đầu những câu hò thiết tha, sâu lắng. Chỉ có một tình yêu sâu sắc với quê hương, với nguồn cội mới giúp cô có thể hát như rút ruột các ca khúc trữ tình, chạm đến trái tim của hàng triệu khán giả như vậy. Tôi tin rất nhiều người trong cộng đồng người Việt đang ở xa Tổ quốc vì mưu sinh, bỏ Tổ quốc vì nhiều lý do khi nghe Phi Nhung hát những ca khúc về quê hương sẽ gợi cho họ sự thổn thức, nhớ nhung, muốn trở về với quê nhà.

Năm 2005, Phi Nhung về nước biểu diễn và bắt đầu một hành trình hát để thiện nguyện từ tâm nguyện. Hát để kiếm tiền làm từ thiện. Hát bằng một tấm lòng của một phật tử. Năm 2007, cô thành lập trại trẻ mồ côi tại chùa Pháp Lạc, xã Bù Nho, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước và bắt đầu nhận nuôi 13 đứa con mồ côi và cho đến thời điểm trước khi cô mất cô đã có 23 người con nuôi.

Là một ca sĩ xinh đẹp, tài năng, nổi tiếng, cô đã hy sinh nhiều thú vui của đời thường và cả một mái ấm hôn nhân gia đình để dồn hết thời gian, tâm sức, dồn hết tình thương yêu, chăm sóc, dạy dỗ trẻ em mồ côi, cơ nhỡ. Cô đã chọn sống độc thân để nuôi đàn con vì cô cũng đã từng là đứa trẻ mồ côi từ nhỏ nên thấu hiểu nỗi đau khổ, sự thiệt thòi của những trẻ em mồ côi. Cô nuôi các con, làm mẹ của nhiều đứa con, dạy dỗ và trao gửi tình yêu thương cho các con để bù đắp cho những đứa trẻ thiệt thòi. Song đó cũng là cách để cô tự chữa lành những vết thương lấp đầy những trống vắng, nỗi đau của bản thân với những ký ức tuổi thơ cô đơn và bất hạnh.

Điều mà tôi thấy cách thiện nguyện của cô rất khác so với nhiều người khác. Không thông qua các tổ chức mang tên “Thiện nguyện”, không ồn ào, ầm ĩ trên truyền thông báo chí, không gửi một cục tiền cho người khác làm thiện nguyện hộ mình. Nuôi một đứa con đẻ đã không hề đơn giản, đằng này nhận nuôi 23 đứa trẻ mồ côi, cưu mang, nuôi nấng, dạy dỗ khi các con mới chỉ mấy tháng tuổi nếu không có tình yêu thương như biển lớn, cô không thể làm được. Cô đi hát, mở thêm các nhà hàng cơm chay, làm mọi thứ cũng chỉ để có tiền nuôi các con nuôi, để làm thiện nguyện trong cộng đồng. Các con nuôi của cô được đi học ở trường tư với chi phí cao, được có xe đưa đón, và được cô dạy dỗ trao truyền nghề hát cho những bé có năng khiếu.

Khi đại dịch COVID-19 bùng phát ở Việt Nam, cô không nỡ nhìn đồng bào mất mát trong khổ đau, không đành rời quê hương về Mỹ để bảo toàn và an toàn. Phi Nhung đã ở lại, đã lăn xả, xông pha thân mình giữa Sài Gòn trong tâm dịch đầy nguy hiểm. Cô góp cho quỹ vaccine, đóng góp mua máy thở, chở gạo, rau cho người nghèo, xắn tay tham gia nấu bếp ăn tình thương, mang cơm đến những người vô gia cư.

Có nhiều lần Phi Nhung đã tâm sự, thuở ấu thơ cô có 1 trong 3 ước nguyện: Làm thợ may giỏi, làm ca sĩ hát hay và trở thành sư cô. Cả 2 ước nguyện đầu, Phi Nhung đã làm tốt. Ước nguyện thứ ba để trở thành sư cô giúp đời thì Phi Nhung đã không còn cơ hội nhưng cô đã là một phật tử mang nhiều thiên chức thiêng liêng. Cả cuộc đời đầy khổ cực của cô như một con tằm rút ruột nhả tơ, cả một cuộc đời nhiều giông bão nhưng đầy ý chí và niềm tin để vượt khổ, lập thân, lập nghiệp để thành danh. Cô đã thay mẹ nuôi 5 em khôn lớn, mua đất, làm nhà cho các em. Cô đã tảo tần nuôi nấng con gái ruột Windy Phạm trưởng thành. Cô đã thay đời cưu mang nhiều thân phận mồ côi và nhiều người con nuôi của mẹ Phi Nhung bây giờ đã chọn và đang đi vững chắc trên con đường nghệ thuật mà cô dẫn đường.

Đó là những lý do để cắt nghĩa tại sao sau khi nghe tin cô bị nhiễm COVID-19, rất nhiều người đã lo lắng và cầu nguyện cho cô mau khỏi. Nhưng số phận một lần nữa đã không may mắn với cô. Cô ra đi đã kết lại một hành trình thiện nguyện bằng thiện tâm còn dang dở. Cô đã ngoan cường chiến đấu để giành giật sự sống đến hơi thở cuối cùng ở Bệnh viện Chợ Rẫy.

Khi biết tin Phi Nhung tắt thở, hàng triệu khán thính giả trong và ngoài nước mến mộ cô đã bàng hoàng, các đồng nghiệp đã rất sốc và thương nhớ cô. Rất nhiều chùa đã tổ chức lễ tưởng nhớ, tưởng niệm, cầu siêu cho linh hồn của cô. Họ khâm phục cô ở tài năng và tất cả những cống hiến cho nghệ thuật chân chính, cho quê hương. Họ kính quý cô ở ý chí vượt khó, vượt khổ để thành danh. Họ cảm phục và biết ơn cô ở tấm lòng nhân hậu, yêu thương. Và họ thấy vô cùng nuối tiếc đau xót vì không còn thấy một ca sĩ Phi Nhung tài năng, một phật tử Phi Nhung với đức hy sinh vô bờ bến trên cõi đời này.

Đó cũng là lý do đầy thuyết phục để ngay sau khi Phi Nhung mất, Ban Văn hóa của Giáo hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh tặng Phi Nhung pháp danh Tịnh Bình bằng tuyên dương công đức vì những đóng góp, tận tụy quên mình giúp đỡ đồng bào bị F0 trong chiến dịch chống COVID-19 vừa qua. Đó cũng là lý do rất xứng đáng để ngày 2-10 vừa qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Đảng, Nhà nước nhắc đến các cá nhân đã xả thân vì cộng đồng, hy sinh cả tính mạng trong cuộc chiến phòng, chống COVID-19, trong đó có Phi Nhung. Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc nói: “Đã có nhiều hy sinh, tổn thất, mất mát, đau thương và cả sức mạnh kiên cường, đoàn kết, lòng nhân ái, tinh thần lạc quan trong mọi nghịch cảnh. Đất nước và dân tộc không bao giờ quên những khoảnh khắc phi thường ấy”.

Tôi vẫn luôn tin, cuộc đời này vẫn còn rất nhiều người dù không theo đạo Phật nhưng luôn có tấm lòng của Phật, vẫn thay thế Phi Nhung để tiếp tục hành trình thiêng liêng ấy cho cộng đồng, cho quê hương, Tổ quốc. Khi đất nước trải qua gian nan, mất mát bởi thiên tai, dịch bệnh thì nghĩa đồng bào, tình quê hương là một sợi dây vô hình kết nối lại với nhau để đưa đất nước từng bước vượt qua gian khó, khổ đau.

Trần Trung Hiếu/VĂN NGHỆ CÔNG AN