Chùa Hương đón 1,5 triệu du khách
Ngay từ những ngày đầu năm mới, hàng vạn du khách đã trẩy hội Chùa Hương. Ngày khai hội mùng 6 tháng Giêng, BTC cho biết, ước tính đã có khoảng 6 vạn du khách tới lễ hội.
Một tín hiệu vui là ngày khai hội Chùa Hương năm nay đã không xảy ra tình trạng tắc nghẽn. Mặc dù trời không mưa kéo dài nhưng suối Yến vẫn đầy nước; dòng suối trong xanh, có đò văn nghệ phục vụ du khách trong một khung cảnh sơn thủy hữu tình, vừa tạo được không khí lễ hội, vừa mang nét văn hóa mới. Vệ sinh môi trường cũng đã được BTC và nhân dân địa phương chú trọng, bảo đảm cảnh quan xanh sạch đẹp và tôn nghiêm nơi cửa Phật.
Công tác đảm bảo mỹ quan lễ hội đã được BTC thực hiện khá tốt. Đến hội Chùa Hương những ngày đầu năm mới, đã không còn cảnh người ăn xin dọc đường cũng như nơi sân chùa. Khác với các năm trước đây, lễ hội Chùa Hương năm nay có gần 200 đò chất lượng cao trong số 4.600 đò phục vụ du khách trẩy hội Chùa Hương. Những chiếc đò này được sơn màu xanh nước biển; tùy kích cỡ, đò to được lắp 12-15 ghế và đò nhỏ từ 6- 8 ghế nhựa. Mỗi ngày ban tổ chức sẽ phát hành 500 vé đò chất lượng cao với giá 35.000 đồng (giá vé đò thường là 25.000 đồng).
Đến với lễ hội Chùa Hương năm nay, du khách không chỉ được thưởng ngoạn phong cảnh son thủy hữu tình, lễ Chùa cầu may đầu năm mà còn được thưởng thức những hoạt động văn hóa mới như được chiêm ngưỡng những cổ vật Phật giáo và Triển lãm Mỹ thuật sơn dầu Phật giáo lần đầu tiên được trưng bày tại nhà Tả Vu, Hữu Vu (mới khánh thành đúng ngày khai hội năm nay). Hàng ngàn cổ vật Phật giáo và tranh sơn dầu của các tăng ni thể hiện văn hóa Phật giáo, văn hóa dân tộc sẽ được trưng bày đến hết hội Xuân Chùa Hương. Hiện, Tuần Văn hóa Phật giáo (bắt đầu từ ngày 19/2) đang diễn ra tại Chùa Hương với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc như Lễ thả đèn hoa đăng, hoa sen trên suối Yến, lễ cúng đạo tràng, trò chuyện với các Phật tử… BTC lễ hội Chùa Hương cho biết, lễ hội năm nay, Chùa Hương sẽ đón gần 1,5 triệu lượt khách trẩy hội.
Hội đền Mẫu Âu Cơ
Trong những ngày đầu năm, trẩy hội đến vùng đất Tổ thể hiện niềm thành kính hướng tới tổ tiên, uống nước nhớ nguồn, du khách có thể tham gia lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ.
Năm nay, lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ ở xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ sẽ bắt đầu từ ngày 18/2 (tức từ ngày mùng 5 Tết).
Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ năm Canh Dần là hoạt động có ý nghĩa gắn với Chương trình về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam 2010 của tỉnh Phú Thọ và Chương trình hợp tác phát triển du lịch của ba tỉnh Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai.
Lễ hội Mẫu Âu Cơ là hoạt động văn hóa tín ngưỡng linh thiêng của người dân vùng đất Tổ. Theo truyền thuyết, vào ngày 7 tháng Giêng, tiên nữ Âu Cơ giáng trần, sau đó gặp gỡ và kết duyên với Lạc Long Quân là giống Rồng, rồi sinh bọc trăm trứng và nở thành 100 người con, khởi nguồn của nòi giống Lạc Hồng. Sau khi nuôi các con khôn lớn, Lạc Long Quân đưa 50 người con về miền biển, mẹ Âu Cơ đưa 50 người con lên miền núi khai hoang, lập ấp, mở mang bờ cõi, hình thành vùng đất của người Việt cổ. Tại nơi đây (nay là xã Hiền Lương), phong cảnh hữu tình, mẹ Âu Cơ đã ở lại dạy dân trồng lúa, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải, cho đến khi cùng bầy tiên nữ bay về trời vào ngày 25 tháng Chạp.
Ngoài các nghi lễ cúng tế, lễ hội còn có các trò chơi dân tộc như đu tiên, cờ người, chọi gà, tổ tôm… có treo giải thưởng của Ban Tổ chức lễ hội.
Lễ hội Hai Bà Trưng
Lễ hội Hai Bà Trưng năm nay kỷ niệm tròn 1970 năm hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị khởi nghĩa chống quân xâm lược. Lễ hội khai mạc ngày mùng 6 Tết Canh Dần tại Mê Linh (Vĩnh Phúc). Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã tới dâng hương tại lễ khai hội.
Đền thờ Hai Bà Trưng là di tích lịch sử văn hóa linh thiêng không chỉ của người dân Mê Linh mà còn với người dân cả nước. Đây là minh chứng cho tinh thần yêu nước, bất khuất của người phụ nữ Việt Nam. Lễ hội là hoạt động tưởng nhớ công ơn Hai Bà, cũng là hoạt động thiết thực nhằm giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ.
Những năm qua, huyện Mê Linh đã quan tâm đầu tư bảo tồn, tuyên truyền vận động nhân dân tham gia phát huy giá trị các điểm di tích về Hai Bà Trưng trên địa bàn. Hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, từ năm 2007, toàn bộ khu di tích Đền thờ Hai Bà Trưng tại xã Mê Linh đã được quy hoạch và trùng tu tôn tạo với cảnh quan trang nghiêm, sạch đẹp, nhưng vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống.
Hội Đền Sóc
Ngày khai hội đã từ mùng 6 Tết Canh Dần song người dân vẫn đổ về với Đền Sóc trong những ngày đầu xuân năm mới.
Hội Đền Sóc (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) năm nay được tổ chức lớn hơn mọi năm bởi hồ sơ lễ hội đã được trình UNESSCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của thế giới. Lễ hội Đền Sóc năm nay diễn ra lành mạnh nhờ lực lượng chức năng đã ra quân mạnh mẽ và triệt để, hạn chế hết mức các tụ điểm cờ bạc, các trò chơi mang tính trúng thưởng ăn tiền…
Ngày ngày, hàng ngàn người dân vẫn đến với đền Sóc nơi tương truyền, tại chân núi Sóc, Thánh Gióng, sau khi đánh thắng giặc ngoại xâm, trừ giặc cứu nước đã cùng ngựa sắt bay về trời. Đền Sóc hiện không chỉ là di tích lịch sử, văn hóa mà còn nổi tiếng với Học viện Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam và là nơi đặt pho tượng Phật bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á.
Chợ Viềng đông kỉ lục
Theo BTC Chợ Viềng (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định), từ đêm 20 và ngày 21/2, tức mùng 7 và 8 Tết Canh Dần, phiên chợ đặc biệt này đã thu hút tới khoảng 90 nghìn khách thập phương tới dự, đông gần gấp hai lần năm ngoái.
Chợ Viềng là chợ “mua may, bán may”, bởi thế đi chợ ai đi cũng cố mua cho mình một món đồ để cầu may. Giá các sản vật, đồ vật đều phải chăng, người bán không nói thách, người mua không mặc cả nhiều, chỉ mong lấy may. Sản phẩm truyền thống của Chợ Viềng là những đồ vật dụng trong lao động, sản xuất như cuốc, liềm, dao, cây cảnh, cây con…
Ngày 21/2 mới là chính phiên nhưng từ 19 giờ chiều 20/2, du khách thập phương đổ về chợ Viềng rất đông khiến cho đoạn đường 10, 12 và đường 56 luôn trong tình trạng tắc nghẽn. Lực lượng cảnh sát giao thông phải làm việc cả đêm để đảm bảo giao thông được thông suốt. Nhiều du khách không đi được đường chính phải xuống cả những con đường bờ vùng, bờ ruộng. Cách chợ vài cây số, ô tô từ khắp các địa phương xếp hàng dài chờ vào chợ. Theo BTC, số lượng du khách tăng đột biến là do năm nay, phiên chợ họp vào đúng ngày nghỉ, đêm thứ Bảy và ngày Chủ nhật.
Năm nay hoạt động đỏ đen chợ Viềng xuân không nhiều như những năm trước. Có được kết quả này là do lực lượng hữu quan của huyện Vụ Bản (Nam Định) được tăng cường hơn 200 cán bộ trực ở 23 điểm quan trọng để đảm bảo an ninh, trật tự. Đồng thời có những biện pháp kiên quyết đối với những đối tượng có hành vi phạm