Trang chủ Văn học Tùy bút Bút ký: Thỉnh an bậc Thiền lâm thạch trụ

Bút ký: Thỉnh an bậc Thiền lâm thạch trụ

213

Vu Lan- Mùa Hiếu Hạnh, tưởng nhớ đến Cha Mẹ đã khuất bóng, nay về từ đường không còn được ôm Cha hôn Mẹ nữa, con tìm đến chốn lan nhã tịnh tu mà sinh thời song thân phụ mẫu thường lui tới vào ra lễ Phật bái Tăng…

Sáng mồng 7 tháng Bảy âm lịch (22/8/2023), sau sinh nhật của tôi một ngày, tôi đến lễ Phật ở Chùa Liên Hoa (số 8 đường Hiền Lương, phường Phước Hoà, thành phố Nha Trang) và thỉnh an Sư Bà, Ni Trưởng trụ trì Thích Nữ Lưu Phương.

Hiện, Ni Trưởng Liên Hoa, chư Tăng Ni và phật-tử thường gọi vậy, là Đại lão Hoà thượng Ni, bậc trưởng thượng cao niên nhất bên Ni giới của tỉnh Khánh Hoà. Ni Trưởng từ tông phong Tổ Đình Từ Hiếu (Huế) hướng vào Nam hoằng pháp, đã chọn miền đất Nha Trang hiền hoà để tịnh tu và hành đạo.

Năm nay, Ni Trưởng đã “cửu thập bát niên” mà vẫn còn minh mẫn, sáng suốt, gương mặt luôn tươi tỉnh với đôi mắt sáng chiếu quang hiền từ. Ngài quả là bậc thạch trụ thiền gia, là cội tùng gốc bách toả bóng mát đạo hạnh chở che cho hàng hậu sinh đệ tử nương vào để hành tu Chánh pháp.

Trước năm 1972, Ni trưởng đã chọn nơi hẻo lánh đường đi còn là đất cát này để dựng nên am thất đơn sơ hằng ngày trì tụng cùng chuông mõ, sau mới kiến lập nên ngôi Chùa nhỏ an danh là Liên Hoa. Qua thời gian dài thăng trầm với thế sự, Chùa được tôn tạo tu bổ vào năm 1997 để cầm cự với nắng mưa gió bão. Đến năm 2019, Chùa mở cuộc đại trùng tu, xây nên ngôi bửu điện khang trang huy hoàng. Cũng trong năm đó, Hoà thượng Trừng Sơn- Thích Chí Thắng “tam tự trụ trì” (3 ngôi chùa Phước Thành, Phước Hải và Phước Sơn), thuộc tông phong Từ Hiếu – Cố đô Huế đã phụng cúng một chiếc Đại hồng Chung để Chùa Liên Hoa từ đó có được tiếng hồng Chung ngân vọng khắp khu vực “ô bàn cờ” của phố thị ngày càng xô bồ nhộn nhịp…

Khi nghe Sư Cô thị giả báo cho hay là “Có con trai của bà Tâm Tấn đến thỉnh an Sư Bà”, Ni Trưởng mặc dù mới thức dậy sau đêm dài, đã cho phép tôi vào yết kiến.

Tôi quỳ dưới đất cạnh giuờng, Ni Trưởng ngồi xếp bằng bên trên, vừa mang tất vừa hỏi:

“Con của bà Tâm Tấn mà là con thứ mấy?”

“Dạ, con là con thứ 11 ạ!”

“Sao con biết Sư Bà ở đây mà đến thăm?”

“Dạ, con có nghe Me con kể nhiều chuyện về Sư Bà… Kỳ Đại giới Đàn Trí Nghiêm vừa rồi, con đã được yết kiến và hầu chuyện Sư Bà rồi ạ.”

“À, Nhớ rồi, con chụp hình đó phải không?”

“Dạ đúng rồi. Con được quý Thầy giao nhiệm vụ chụp hình Tam Sư, Thập Sư Ni… Sư Bà làm Đàn Đầu Hoà Thượng đó ạ!”

“Ừ, Sư Bà nhớ mà.”

Khi tôi cung kính dâng phong bì cúng dường tịnh tài, Ni Trưởng để tay lên đè nhẹ xuống, giọng thật hiền dịu:

“Thôi, con đến thăm Sư Bà là được rồi, cái ni con mang về cho em, cho con cháu ở nhà đi hỉ!”

Tôi phải thưa thật lòng mình:

“Dạ thưa, tụi nó lớn hết rồi Sư Bà. Nhân mùa Vu Lan báo hiếu, Me con không còn ở nhà từ đường với các con nữa, nên con tìm thăm Sư Bà cho đỡ nhớ… Me con!”

Ni Trưởng cười, nói:

“Con nói vậy thì Sư Bà nhận, hồi hướng công đức cho con và các cháu trong nhà hỉ!”

Tôi đứng dậy chắp tay xá Ni Trưởng, chưa kịp thưa lời cáo từ thì Sư Trưởng cười nói:

“Thời gian khi nãy giờ, nếu là gặp bà Tâm Tấn thì bà đã làm xong một bài thơ tặng cho Sư Bà rồi đó. Me con làm thơ đã hay mà còn nhanh nữa!”

Nam mô Phật! Tôi nghe mà cảm động, nhớ Me của mình quá chừng. Ni Trưởng lại nói khẽ:

“Con có làm thơ không?”

“Dạ thưa con biết chút ít ạ…”

“Vậy con làm thử một bài rồi về!”

Tôi cung kính chắp tay, vừa tác ý vừa ứng khẩu đọc từng tiếng chậm rãi:

“Liên hoa… đại đoá… nở bừng

Thiền lâm… Ni giới… bách tùng… lưu phương!”

Câu lục có tên của Chùa. Một đoá hoa sen to lớn đã nở bừng, mãn khai, ý cũng nói về đạo hạnh và hành trạng cũng như tuổi đời tuổi đạo của bậc Ni Trưởng.

Câu bát có pháp hiệu của Ni Trưởng là Lưu Phương, cũng mang nghĩa là lưu lại cho đời tiếng danh thơm, giới hương thơm ngát ta bà.

“Ui chao, con giỏi lắm. Đúng là con của bà Tâm Tấn rồi!”

Tôi thật hạnh phúc vào những giây phút đó, những giây phút Me Tâm Tấn của mình được Ni Trưởng nhắc đến với sự mến mộ nhớ thương.

Tôi xá Ni Trưởng xin cáo từ, cũng để xin phép được lên Chánh điện lạy Phật và chụp ảnh quanh Chùa, thì Ni Trưởng nói:

“Ừ, con ra chụp hình Chùa đi, nếu có thấy thầy thợ đang trang trí lễ Vu Lan ngoài sân  thì con phụ giúp họ một tay cho mau hỉ!”

Tôi vâng lệnh, bước ra sân và thấy một chú đứng tuổi đang một mình khiêng tấm bạt đóng khung có hàng chữ “Vu Lan Báo Hiếu” dựng nơi cổng sắt của tam quan. Có thấy Ni Trưởng còn minh mẫn lắm chưa?! Ở trong tịnh thất suốt ngày mà biết hết mọi động tịnh bên ngoài, nắm được mọi sinh hoạt hắng ngày của bổn tự, của Ni chúng, chứ đâu phải không biết gì, hay không màng đến những chuyện phải lo toan lễ lạt.

Tôi bước lại hỏi chú “thầy thợ”:

“Anh có cần phụ giúp treo tấm bảng kia lên không anh?”

“Ồ, thôi được rồi anh, tôi treo một mình cũng được, nhẹ mà. Bây giờ do mới lau rửa xong, phải phơi cho ráo rồi mới treo anh ạ!”

“Dạ, tại mới nghe Sư Bà sai biểu…” Tôi cười.

“Sư Bà lúc nào cũng vậy, ở trỏng mà biết hết bên ngoài này đó anh!”

Đúng như tôi đã nhận định. Ni Trưởng vẫn còn lo toan, chưa chịu nghỉ ngơi với Phật sự đâu.

Tôi lên Chánh điện lạy Phật, nhằm lúc chư Ni đang hành lễ cúng Ngọ, nên tiện thể ghi nhận hình ảnh qua ống kính giờ phút trang nghiêm mõ dội kinh vang. Riêng về hình ảnh của Ni Trưởng, mặc dù có máy ảnh đeo sẵn trước ngực, nhưng khi được yết kiến đảnh lễ bậc Trưởng lão Hoà thượng Ni lúc Ngài chưa chỉnh trang y áo nên tôi tự biết mình không được phép bấm máy, cũng không được xin phép luôn cho khỏi thất lễ.

Cùng vì vậy, nay minh hoạ cho bài viết này, tôi chỉ xin gửi kèm theo ảnh tôn dung từ bi và tướng mạo uy nghiêm của Ni Trưởng mà tôi đã có phước duyên chụp được vào kỳ Đại Giới Đàn Trí Nghiêm năm ngoái 2022 tại Chùa Tỉnh Hội Long Sơn.

… Trên đường về nhà, nhớ lại mình đã được Ni Trưởng khen ngợi, tôi như bước trên mây, ngồi lên xe chạy rề rề mà như đang tung cánh đại bàng giữa trời không mênh mông…

 

 

Vĩnh Hữu Tâm Không