Trang chủ Đời sống Nghệ thuật sống Buông xã

Buông xã

213
Đến một ngày nào đó, bạn sẽ nhận ra buông xả là hạnh phúc. Từ tài sản, tình cảm, thanh danh, quyền thế cho đến bản ngã, bạn buông được bao nhiêu, bạn sẽ tăng hạnh phúc bấy nhiêu. Càng buông xả, bạn càng trải nghiệm tự do và giải thoát.
Buông xả là một nhiệm mầu của sự sống. Đến một ngưỡng nào đó trong đời, bạn buộc phải buông xả. Bạn có cố giữ bao nhiêu cũng sẽ không bao giờ được. Mọi thứ luôn có giới hạn tồn tại, quá giới hạn tồn tại, nó sẽ tan rã chính nó. Tan rã để mới.
Càng cố giữ, bạn sẽ càng khổ đau. Vĩnh hằng chỉ có trong không vĩnh hằng và hoàn hảo chỉ có trong không hoàn hảo. Nếu bạn không biết thưởng thức vĩnh hằng ngay trong hiện tại và hoàn hảo ở bây giờ, bạn sẽ đánh mất cơ hội hiện hữu như một con người. Bạn chỉ còn lại là một con gì đó mang hình dáng một con người.
Không buông xả, bạn sẽ không bao giờ chạm tới được điểm cao của điểm cao hạnh phúc. Từ thân cho đến tâm, không có buông xả sẽ không có khoẻ mạnh và an bình. An bình cao nhất trong các trạng thái an bình là xả niệm thanh tịnh (Tứ Thiền) cũng bắt đầu bằng buông xả (ly dục, ly bất thiện pháp).
Một người sinh ra đời với hai bàn tay không và chết đi cũng hai bàng tay không. Người ta có thể thưởng thức, sử dụng, nhưng không có cách nào cố giữ mãi được. Nếu muốn giữ cái này, ít nhất cũng phải bỏ xuống cái kia và ngược lại. Ai u mê và cố giữ một cái gì đó mãi mãi, người ấy sẽ khổ đau cho đến chết. Càng cố giữ, càng khổ đau.
Thế giới không vận hành theo ý muốn của bạn và bạn cũng không thể tồn tại theo quyết định của bề trên nào được. Bạn càng buông xả, cái tôi của bạn càng biến mất, bạn càng nhỏ đến vô biên, thì bạn càng sống động, bao dung, tự do và giải thoát. Cái ly không là cái ly có thể chứa đựng nhiều nhất và linh động nhất trong thế giới cái ly. Đôi kính trắng trong là đôi kính có thể nhìn thấy sự thật cao nhất trong thế giới đôi kính. Một khi bạn buông xả được, tuỳ mức độ, khả năng thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm và suy nghĩ của bạn sẽ rất đặc biệt. Không gian trên mặt đất và không gian trong tâm hồn bạn sẽ rộng mở vô tận. Bạn đẹp và tự do theo một cách mà người ta không thể gọi tên được, không thể từ chối được và cũng không thể cố giữ được.
Đức Phật Gotama nói cuộc đời sở dĩ có khổ đau là vì có mê thích (Ái) và cố giữ (Thủ). Nếu mê thích và cố giữ còn, thì khổ đau còn. Buông xả được mê thích và cố giữ, mọi khổ đau sẽ được giải thoát. Tất nhiên để buông xả được mê thích và cố giữ, bạn cần phải nhìn thấy: Càng mê thích, càng u tối; càng cố giữ, càng khổ đau.
Buông xả, cánh cửa cuối cùng bạn phải đi qua, không còn cánh cửa nào khác, nếu bạn muốn có hạnh phúc, tự do, bao dung, từ ái, hồn nhiên, tĩnh lặng, an bình và giải thoát thật sự.

NHUẬN ĐỨC