Cái sai ở đây là những người ấy muốn nhanh quá nên “dục tốc bất đạt”, hãy buông cái muốn giác ngộ nhanh đó đi, và buông luôn cả những lý tưởng mà những người ấy muốn áp dụng hay đạt được. Nếu hiểu đúng thì chữ “buông” ở đây không phải là buông cái này hay cái kia, mà buông chỉ là trở về trọn vẹn với những gì đang xảy ra, và cái đang là thì không có chỗ nào nhất định hay cố định là cái gì cả.
Bởi cho rằng ra trái là mục đích sống nên cây ổi non cứ mong có trái, nếu cứ mong mỏi như vậy thì ngay cả khi ra trái chắc cũng chưa hài lòng, vì lúc đó lại so đo trái ít hay trái nhiều, khác xa với cây ổi biết sống trọn vẹn, là hạt ổi thì trọn vẹn thấy mình là hạt ổi, khi một tháng thì thấy là một tháng, khi ra trái ít hay nhiều thì cũng chỉ thấy như vậy, nên từ khi còn non cho đến khi ra trái đều thanh tịnh và an lạc.
Ít người hiểu câu “Niết-Bàn không phải là một cõi giới”, một số người còn hiểu lầm theo nghĩa “Niết-Bàn là trạng thái không không vậy thôi”, hiểu như vậy là chưa đúng. Nói “Niết-Bàn không phải là một cõi giới” vì khi sống trọn vẹn thì lúc ăn cơm cũng là Niết-Bàn, lúc đi cầu cũng là Niết-Bàn, khi đứng là Niết-Bàn, khi ngồi cũng là NIết-Bàn. Vì ở đâu cũng Niết-Bàn nên mới nói nó không phải là một trạng thái nhất định.
Các cõi giới thì cũng là do tâm mình vẽ ra thôi, khi tâm không còn vẽ vời thêm thắt vào cái đang là thì ngay đó đã là Niết-Bàn. Khi tâm rỗng lặng trong sáng, không tìm cầu bất kỳ điều gì thì mọi lúc mọi nơi đều là Niết-Bàn… đơn giản vậy thôi.
Hoà thượng Viên Minh trả lời hỏi & đáp với các Phật Tử.
Nguồn: YouTube Phật Pháp Vấn Đáp
Nguồn: YouTube Phật Pháp Vấn Đáp