Kính chào Thầy. Trở về lại đây được vài tuần, bận rộn thu xếp vài chuyện nhà nên chưa có dịp viết thư thăm hỏi Thầy. Sáng nay trời lại mưa nhiều. Tôi nhớ hôm ghé thăm Thầy, lúc ra về thì trời chợt đổ mưa tầm tã. Về đến nhà quần áo tôi ướt sũng và lạnh run cả người. Sài Gòn trời nóng nhưng mưa cũng lạnh ghê! Sáng hôm nay trời mưa to, tôi ngồi lại viết vài hàng thăm Thầy.
Hôm tôi ghé qua chào Ôn trên Am Thị Ngạn, và tình cờ gặp Thầy đến thăm. Tuy mới gặp lần đầu mà tôi cứ tưởng như mình đã quen biết Thầy từ lâu. Có lẽ tôi cảm thấy mình đã quen các Thầy và những huynh tỷ khác qua những tờ Tập San, Nội San Phật học mà quý thầy vẫn thường gửi tặng. Như vậy thì tuy chưa gặp mặt mà chúng ta cũng đã biết nhau từ lâu rồi phải không Thầy?
One World
Hôm ghé qua chùa ngồi uống trà với Thầy, Thầy có kể cho nghe về một buổi hội thảo Thầy vừa tham dự về đề tài Phật Giáo Trong Thời Đại Mới. Đạo Phật có thể mang lại và đóng góp những gì cho thời đại này của chúng ta? Vấn đề cũng khá lớn Thầy nhỉ! Tôi quên hỏi về những cảm nghĩ và chia sẻ của các Thầy như thế nào. Mình nghe nói nhiều về những danh từ như là "toàn cầu hóa", "thời đại mới" nhưng thú thật rằng sao tôi thấy chúng vẫn còn chút gì xa lạ.
Có lẽ mình vẫn ngại rằng nó sẽ đánh mất đi những gì rất gần gũi với mình như là chiếc cầu ao, lũy tre, hàng cây cao sau nhà… dẫu sao đi nữa thì chúng vẫn là những gì rất riêng tư và thơ ấu mà mình cứ muốn ôm ấp mãi…
Nhưng có lẽ tại tôi không theo dõi những chia sẻ của người chung quanh và cũng không hiểu rõ chữ "toàn cầu hóa" đó thôi. Chứ làm sao mình lại có thể chối bỏ được thực tại của một thế giới đang phát triển quá nhanh chóng này! Tôi chỉ ngại phát triển nhanh chóng và vội vã quá cũng dễ gây nên những hư hao và mất mát mà có thể mình sẽ không bao giờ bù đấp lại được, Thầy có nghĩ vậy không?
Thầy biết tôi nghĩ thời đại mới này có thể mang lại cho chúng ta những lợi điểm gì đặc biệt không? Theo tôi nghĩ thì sự toàn cầu hóa sẽ giúp người ta dễ dàng nhận thấy được sự liên hệ rất mật thiết của mọi sự sống với nhau hơn, sự tương quan của những vấn đề khổ đau và hạnh phúc hơn… Và có thể nhờ vậy mà chúng ta dễ có một sự cảm thông với nhau hơn.
Không có khổ đau nào mà lại không dính dáng đến một khổ đau nào. Chúng ta sẽ có thể thấy được rõ rệt hơn về sự thật rằng cái này đang có mặt ở trong một cái kia, tôi nhớ trong kinh gọi đó là một tuệ giác về tương tức.
Ngày xưa khi chúng ta còn sống xa cách nhau, phương tiện truyền thông còn xa xôi, cách trở, nhiều khi mình không dễ dàng thấy được những điểm ấy. Trong thời đại này, khi một việc xảy ra ở bên kia địa cầu mà tận bên này mình đã thấy được ngay ảnh hưởng của nó thì chuyện ấy cũng dễ hiểu thôi!
Chắc Thầy cũng còn nhớ vào khoảng thập niên trước, có một chiếc tàu chở dầu tên Exxon Valdez đã chạm phải đá ngầm và làm đổ dầu thô ra ô nhiễm hết một vùng biển Alaska. Chiếc tàu chở dầu ấy đã làm lan ra hơn 11 triệu gallons dầu thô trên khắp biển Alaska. Và đó cũng là một tai nạn ô nhiễm dầu thô lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
Ngày ấy có một anh chàng tình nguyện đi thu dọn và cứu vớt những con chim hải âu, những con thú nhỏ bị dính đẵm dầu nằm hấp hối trên bãi biển. Khi được một phóng viên hỏi là anh có trách hay giận gì người thuyền trưởng của chiếc tàu ấy không, anh đáp, "Tôi có giận chứ nhưng cũng ít thôi, tại vì tôi cũng có một phần trách nhiệm trong việc này nữa. Vì tôi cũng cần đổ xăng đi làm, lái xe đi chơi mỗi cuối tuần, đi ăn uống với bạn bè. Tôi có tiêu thụ thì người ta mới cung cấp, tôi có cần thì người ta mới đào mỏ dầu, chuyên chở đi, rồi mới có cơ hội cho tai nạn xảy ra. Người thuyền trưởng có trách nhiệm, mà tôi cũng thấy mình phần nào có trách nhiệm."
Trong kinh cũng có nói "cái này như thế này là tại vì cái kia như thế kia", phải không Thầy!
Tôi nghĩ, nếu mình có một cái nhìn rộng lớn ấy thì vấn đề toàn cầu hóa của thời đại mới này sẽ mang lại cho con người nhiều yếu tố hạnh phúc lắm. Mình sẽ thấy được rằng san sẻ tình thương của mình đến với một người nghèo khó bên cạnh cũng có thể làm thế giới này hòa bình hơn, giúp cho người đang tranh dành với mình được thành công, cũng có thể làm cho sự nghiệp của chính mình được cao thượng hơn, phải không Thầy?
Một con bướm vỗ đôi cánh nhỏ ở Trung hoa mà còn tạo nên được một cơn bão ở bên này, thì chuyện tôi nói đó chỉ là việc nhỏ thôi mà! Mình giúp cho người khác cũng là giúp cho chính mình, mình thương người khác cũng là thương chính mình… trong tuệ giác tương tức thì không có cái gì mất đi hết, san sẻ bao nhiêu thì mình sẽ có nhiều hơn bấy nhiêu, không có ai lấy gì được của ai hết. Miễn là tình thương ấy được chân thật, phải không Thầy?
One Dharma
Thầy biết không, ở bên này ông Joseph Goldstein có viết một quyển sách tựa đề là "One Dharma", tức là Nhất Pháp. Tây phương đang là nơi gặp gỡ của nhiều tông phái Phật giáo khác nhau. Ông Goldstein đã có dịp học hỏi và hành trì sâu sắc nhiều năm theo các trường phái khác nhau như là Vipassana, Zen, và các tông phái Tây tạng…
Ông chia sẻ rằng, có một thời gian ông đâm ra bối rối và ngờ vực, vì các trường phái Phật giáo đôi khi lại có những quan điểm và cái nhìn rất khác biệt nhau. Nhưng sau một thời gian tu học và trực tiếp chứng nghiệm, ông thật sự nhận thấy rằng tuy mỗi tông phái có những phương pháp thực tập, giáo lý, ngôn ngữ và quan điểm khác biệt nhau, nhưng tất cả đều chỉ có chung một Pháp, One Dharma.
Và dù vậy, tuy là một Pháp thôi nhưng ta cũng không thể bắt buộc chúng phải nhất thiết giống y như nhau, và không thể trái nghịch nhau được.
Trong một buổi hội thảo tôn giáo tại Gethsemane Abbey, nơi tu viện mà Thomas Merton đã sống và viết lách trong nhiều năm, đức Đạt Lai Lạt Ma có chia sẻ như vầy, "Phương cách này là đúng với tôi. Và cũng vậy, đường lối suy nghĩ của các bạn có lẽ là đúng cho chính bạn." Và có lẽ trong thời đại "toàn cầu hóa" này chúng ta sẽ chứng nghiệm được điều ấy rõ rệt hơn.
Hôm về bên nhà tôi có vào chùa và các hiệu sách đi tìm mua những tờ báo Phật học, tôi thấy có đăng những bài dịch của các tác giả Tây phương khá nhiều, Thầy có để ý điều này không? Tôi nghĩ đó cũng là một điều rất hay vì ta có dịp học hỏi và tiếp xúc với những quan điểm và sự tu học mới. Nhưng ở ngoài này chúng tôi đã có dịp đọc và dịch lại nhiều sách và chia sẻ của các tác giả Tây phương, lúc về thăm nhà mình lại thích tìm kiếm những gì là đóng góp của nền Phật học bên nhà.
Trong thời đại toàn cầu hóa này, hy vọng chúng ta vẫn còn giữ được và đóng góp cho mọi người những bài viết mang hình ảnh chiếc ao, ruộng vườn, con sông nhỏ của mình Thầy nhỉ… ở những nơi xa xôi chúng tôi tìm về chỉ thích và ước mơ có bấy nhiêu thôi.
Chúng tôi lớn lên ở Tây phương nên cũng chịu ảnh hưởng của nền văn hóa bên này. Tôi có nhận xét là người Tây phương họ học Phật theo một đường lối rất cụ thể và thực tế, những giáo lý cao xa được họ cụ thể hóa và làm cho nó được dễ hiểu và dễ ứng dụng hơn cho mọi người. Đạo Phật được họ mang vào ứng dụng trong đời sống gia đình, nơi công sở, ngoài xã hội.
Họ sẵn sàng nêu lên và thẳng thắng luận bàn về những vấn đề như là quan điểm của Phật giáo về các vấn đề như tự tử, trợ tử (euthanasia), đồng tình luyến ái, chiến tranh, luân lý… trong các kinh điển.
Tôi nhớ có lần nghe Sư Ông nói tương tự như thế này là "Ở Đông phương, chúng tôi uống trà bằng cách pha những lá trà, khi trà du nhập vào Tây phương người ta lại sáng chế ra loại trà tea bags."
Cái gì người Tây phương cũng "thực tiễn hóa" cho tiện lợi và dễ sử dụng! Tôi nghĩ đó cũng có cái hay, vì nó giúp cho những giáo lý không trở thành những lý thuyết suông, dẫu siêu việt quá mà ít người có thể thực hành và hiểu được thì cũng khó mang lại lợi lạc.
Vấn đề là làm sao mình vẫn giữ cho nó đừng mất đi những tinh hoa, hương vị sâu sắc của nó phải không Thầy!
Cây Phật giáo được mang từ Đông phương sang trồng ở Tây phương từ nhiều thập niên trước, bây giờ thì cây ấy cũng đã trổ những quả trái rất đẹp. Và dường như trong giai đoạn toàn cầu hoá này ta lại có khuynh hướng mang cây Phật giáo ấy từ Tây phương sang trồng lại ở bên nhà, qua những bài dịch và sách vở, và những pháp môn mới.
Đó cũng là một điều rất tốt Thầy nhỉ, nhưng tôi nghĩ mình cũng phải cần biến đổi ít nhiều để chúng có thể thích hợp được với hoàn cảnh của ta. Pháp môn rất hay mà không hiểu rõ được nhu cầu và hoàn cảnh của người ta thì cũng khó mà áp dụng được Thầy có nghĩ vậy không?
Tôi có cảm nhận rằng người học Phật ở Tây phương vẫn còn có một thói quen nắm bắt và giữ rất chặt những gì họ học được, đối với họ thì đa số sắc vẫn là sắc và không vẫn là không Thầy ạ!
Thì Đi Thì Ở Bận Tâm Chi
Thầy biết không, thời gian ở bên nhà đi đến đâu lúc nào tôi cũng vẫn cố gắng nhớ thực tập chánh niệm như khi còn ở bên này, nhưng lúc đầu thì cũng cảm thấy hơi khó. Đi mà không có tăng thân, và chắc cũng vì ham chơi, nên đôi khi cũng dễ quên! Về đây mỗi nơi là một khung trời mới, và mỗi ngày là một hoàn cảnh mới.
Có lúc tôi phải tạm bỏ qua một bên những hình tướng thực tập chánh niệm bề ngoài, và cứ tiếp xúc, hành xử bình thường, nhưng vẫn giữ cho tâm được an tĩnh là được. Tâm an thì cảnh cũng yên phải không Thầy. Chứ mình đâu cần gì phải có những hình thức đi đứng kiểu cách hoặc cung đình quá mà không đúng chỗ!
Có mặt với những gì đang xảy ra, tập mở rộng tâm mình và sẵn sàng tiếp nhận. Vậy mà tôi cũng thấy nhiều hạnh phúc lắm. Tôi định có dịp sẽ chia sẻ lại kinh nghiệm này với tăng thân của tôi ở bên đây.
Mấy hôm trước khi trở về, bác Phạm Khắc Trí có tặng cho tôi một bài thơ bác dịch của Lý Thương Ẩn, xin phép được chia sẻ với Thầy.
Khúc Trì
Nhật hạ phồn hương bất tự trì
Nguyệt trung lưu diễn dữ thùy kỳ
Nghinh ưu cấp cổ sơ chung đoạn
Phân cách lưu đăng diệt chúc thì
Trương cái dục phan giang diễm diễm
Hồi đầu cánh vọng liễu ti ti
Tòng lai thử địa hoàng hôn tán
Bất tín hà lương thị biệt ly.
Ao Khúc
Hương trời theo gió thoảng tan đi
Trăng nước lung linh chẳng hẹn kỳ
Trống lắng chuông ngân sầu vạn cổ
Đèn tàn nến lụi buổi chia ly
Rắp đi huống ngại trời muôn hướng
Quay lại khôn đành chuyện thị phi
Trời đã về chiều thân lữ thứ
Thì đi thì ở bận tâm chi.
Bài thơ ấy hay phải không Thầy, nó mang một tình cảm man mác nhưng cũng chẳng có gì để cho mình phải bận tâm. Như cuộc đời này vậy. Được gặp Thầy tôi rất vui vì có thêm nhiều niềm tin trong sự thực tập. Được chia sẻ với Thầy những điều này cũng là một hạnh phúc.
Buổi sáng nay trời mưa to, tôi ngồi lại đây và viết vội vài dòng cho Thầy. Chúc Thầy được nhiều niềm vui và mọi thuận duyên, tôi vẫn nhớ mãi nụ cười của Thầy trong lần gặp đầu tiên. Hôm chào Thầy ra về tôi có xuống sân nhặt vài lá bồ đề ép vào trong những quyển sách Thầy gửi tặng. Về đây tôi mang những chiếc lá ấy ra để trên bàn viết của mình để tập thở và mỉm cười.