Họ này có tên chung là Gotama. Hoàng hậu là Maha Maya (Vô Minh Lớn). Một hôm, hoàng hậu Maya nằm mộng thấy một con voi trắng to lớn (thân tứ đại) đến bên mình và chĩa vòi ngà trắng vào bụng bà. Hoàng hậu Maya mang thai từ đó. Khi gần đến ngày sinh nở, Hoàng hậu yêu cầu được đi đến thành phố Devadaha. Ði được nửa đoạn đường, ngang qua công viên Lumbini (Lâm Tỳ Ni), Hoàng hậu trông thấy một bông hoa trắng nở ra từ một cành cây cổ thụ lớn trong vườn. Người dân địa phương cho Bà biết rằng cánh hoa mới nở hôm đó – và là lần nở hoa duy nhất sau cả ngàn năm cây cổ thụ đã tồn tại ở công viên này. Ngày ấy là Rằm tháng Tư âm lịch, giữa mùa hè nóng ẩm của xứ nhiệt đới. Hoàng Hậu Maya vươn tay trái ra đụng vào cành hoa. Từ trong nách trái, vào giây phút cánh tay Bà đụng đến cánh hoa, Phật Thích Ca đản sinh. Ngài nhảy xuống đất, bước đi bảy bước. Mỗi bước chân Ngài đặt xuống có một đoá sen hồng nở lên đón chân Ngài. Ðến bước thứ Bảy, Ngài dừng lại, tay phải chỉ lên trời, tay trái chỉ xuống đất bằng ngón tay trỏ, tuyên bố, “Thiên thượng địa hạ, duy Ngã độc tôn.”
Nếu ai đã đọc kinh Cựu Ước, chương Sáng Thế, thì biết rằng ở đó câu chuyện cũng gần như vậy. Vào ngày thứ bảy, Thượng đế ngừng sáng thế và hoàn tất tác phẩm của Ngài. Khởi đi từ số Một, sáng tạo bằng số Ba và tồn tại với số Bảy. Nhưng ở thời đại bây giờ, không còn mấy ai hiểu ý nghĩa huyền nhiệm trong huyền thoại đản sinh của Phật Thích Ca. Đây là một chuyện kể về sinh mệnh con người trên bình diện siêu hình. Nó ẩn dụ rằng tất cả nhân loại đều là con cháu từ một bà mẹ duy nhất – “Vô Minh Lớn.” Phật Thích Ca, với bảy bước của Ngài khi chào đời, hiện thân cho sự vượt thắng Vô minh để trở về cái chân Ngã nguyên thuỷ. Kẻ vượt thắng Vô minh là bậc Đại giác (Buddha). Phật Thích Ca Mâu Ni là hiện thân cho khả thể chuyển hoá của cá nhân từ Vô minh đến Tỉnh thức. Ngài là một con người lịch sử mang gánh nặng biểu dấu về nguồn gốc và cứu cánh hiện hữu. Nếu không ý thức được chủ đích cho cuộc đời, vốn là hiện thân của duyên nghiệp trong một chuỗi dài vô hạn từ Vô minh (Samsara), thì cá nhân sẽ mãi mãi lạc loài và chìm đắm trong vòng quay bất tận của Luân hồi, mà bản chất chỉ là Khổ Đau (Duhkha).
Đản sinh của Thích Ca Mâu Ni không đặt biện minh bằng một bản thể luận từ phía Trên vốn mang tính tuyệt đối, mà là một lý giải thực nghiệm ở phía Dưới, đến từ trong bằng chứng của bối cảnh nhân sinh. Ở đây, không có mặc khải, không có ân huệ cứu độ từ một bình diện linh thiêng bên ngoài cá nhân muốn tỉnh thức. “Nirvana” (Niết Bàn) không phải là một đối thể cho tư duy, ý niệm hay ngôn ngữ. “Nó” là sự “không-còn-nữa” trong liên hệ đến cái Ta nhỏ bé và vòng Luân Hồi nghiệt ngã. So sánh với Ấn giáo hay các tôn giáo của truyền thống Abraham gốc Do thái (Judaism, Christianity và Islam), đạo Phật là con đường ngược chiều. Hãy nghĩ đến người đang leo vách núi hiện hữu để lên được đỉnh cao giải thoát, hay Thượng đế. Các đạo của Ấn giáo hay Do thái cống hiến cho tín đồ một chiếc dây thừng ân huệ từ cao. Bạn hãy nắm lấy bằng đức tin để được cứu. Còn Phật giáo là tiếng chuông tỉnh thức, bằng kỷ luật cá nhân, thúc dục hắn bám chặt lấy vách núi, tận dụng hết sức lực của mình để leo lên. Cứu rỗi là giải thoát. Và nó chỉ có thể đến từ chính mình – vì bạn không ai khác mà là một khả thể tỉnh thức, một vị Phật sẽ thành. Động từ “thành Phật” trở thành mệnh lệnh hiện sinh – đồng thời là nền tảng bản thể, khác với truyền thống Ấn giáo và Abraham vốn căn cứ trên một đối tượng nhân thể, a Being, tức là Chúa Trời. Người tu Phật, ở mỗi nấc leo hiểm nghèo, đức tin của họ được minh chứng bằng trực nghiệm thân xác và tâm thức đã vượt qua. Không ai khác có thể uống cho cơn khát của mình. Cây lúa trổ bông và đơm hạt bằng chính nó. Tôn giáo, đạo học, và ngay cả đức Phật lúc còn tại thế cũng đã nhấn mạnh đến tính ngụ ngôn rằng, “Ta có thể dắt con lừa đến dòng suối, nhưng chính con lừa phải uống nước cho nó.” Khi lên được đỉnh núi giải thoát, cá nhân sẽ thấy giá trị cuộc đời nằm trong năng ý vật lộn với khổ đau trong tỉnh thức. Câu chuyện Đản sinh còn nhắc nhở thêm lý do và hoàn cảnh cho sự ra đời của Phật. Ngài sinh ra thế gian giữa mùa hè cháy lửa ái dục, vô minh của một Á châu nheo nhóc; Chúa Jesus giáng sinh giữa đêm đông sa mạc Trung Đông lạnh giá trống vắng đời sống tinh thần. Cả hai Bậc đã hiện thân để hoàn tất cơ trình Tạo hoá.
Khi bước chân vào đời, Thích Ca Mâu Ni không “từ chính mình mang vào hữu thể (being) bằng hình ảnh biểu hiện qua cảm giác của chúng ta; mà khác hơn, Ngài hiện thân tất cả sự thể của vũ trụ cho chúng ta qua những hình ảnh đó.” Tôi diễn ý của Hermes M. Trismegistus, một huyền nhân Ai Cập, trích bởi Coomaraswamy trong The Door in the Sky, 1977. Theo Coomaraswamy, dẫn từ một văn bản Hoa ngữ, “Khi ta cảm nghiệm được những thể tướng tuyệt vời và tính chất diệu vợi của đức Phật thì ta sẽ thấy như chính Ngài hiện ra cho ta một tính thể huyền nhiệm siêu thoát. Núi Hy Mã tuyết trắng phủ, các chư thần xuất hiện trong các tầng mây; hoa bay ngập cả khung trời; nhạc thinh không rung tiếng. Khi ta thấy được vẻ huy hoàng của ngôi Lời (Body of the Word) trong Chuyển Pháp Luân, ta tránh được tám đường lạc lối. Khi nghe được lời Ngài qua kinh từ bậc Đại Trí, ta đến được thiên đường thứ Bảy.” Thích Ca Mâu Ni là một nhân thể mang sử tính biểu trưng cho những bản ngã đang bị vướng vào võng lưới hiện thân – của cái hiện tượng trùng trùng mà ta gọi là “con người”.
Cái Ta này, do đó, là một hình ảnh, một chiếc bóng, một phương tiện cho cái không-còn-là-Ta. “Hễ kẻ nào thấy Pháp thì sẽ thấy Ta” (Yo kho Dhammam passati mam passati). Lạ thay, thánh Thomas Aquinas cũng đã nói, “He who sees the Word sees Me” (Ai thấy được Lời sẽ thấy Ta) khi ông giảng về ngôn từ của Tân Ước. Khi ta thấy được Lời, tức là trực nhận được ý niệm giải thoát qua con mắt trí tuệ, thì ta sẽ vượt qua ảnh tượng cái Ta. Lúc đó, lẽ huyền bí và nhiệm màu của Ta sẽ hiện ra đẹp tuyệt vời. Giá trị và cảm nhận mỹ thuật, vì vậy, không nằm trong hình ảnh được trình bày – mà là một gợi ý, một tỉnh thức về một cái đẹp cao hơn. Và cái đẹp cao khác không thể là thực nếu nó không được hiện thân qua hình ảnh của cái đẹp giác quan. Tuy nhiên, hãy cẩn thận ở đây. Không có một tính liên hệ nhân quả nối liền thẩm mỹ chân thực với nghệ thuật biểu dấu. Cũng như thế cho ngôi Lời của đạo Pháp. Không có một chân lý nằm đằng sau ngôn từ. Ngôn ngữ kinh sách tự chúng là chánh Pháp – không về ý nghĩa liên đới, cũng không vì nhân quả, hoặc là sự vận hành của văn phạm hay logic – mà mỗi lời kinh là một tiếng chuông cho năng lực tỉnh thức. Bởi vậy, nhà Phật có truyền thống tụng kinh rất dài, tức là đọc to những câu chuyện về đức Phật, với những câu vấn đáp với các đệ tử, để từ trong ngôn từ, giữa âm vọng lễ nghi, người đọc kinh thấy được cái Ta hiện ra. Hạnh phúc thay cho những ai biết đọc kinh vì kẻ đó sẽ nhìn thấy được chính mình.
Trong lịch sử Phật giáo, và trong ý nghĩa của đạo Phật, chỉ có Thích Ca Mâu Ni là vị Phật hiện thân. Nhưng phải chờ đến năm trăm năm sau Phật qua đời, tức là cho đến đầu thế kỷ thứ nhất của tây lịch, thì Phật Thích Ca mới được trình bày qua nhân dạng con người. Cũng theo Coomaraswamy thì cho đến thời đó, các tôn giáo Ấn Độ mới bắt đầu sử dụng thánh tượng nhân thể (anthropomorphic iconography). Trước đó, muốn trình bày một hình ảnh về đức Phật, các hoạ sĩ chỉ vẽ lên những dấu chân, hay là cây Bồ đề, hoặc là vòng bánh xe chuyển Pháp. Phật Thích Ca là tổng hợp của tất cả những khả năng tỉnh thức mà trong đó bao gồm Phật của tiếng gọi (âm) tình yêu, Quán Thế Âm, Đại Thế Chí của ý lực tinh tấn, A Di Đà của ánh sáng tri kiến. Còn bao nhiêu vị Phật khác, từ Phật y tế (Dược sư), Phật hỉ xả (Di lặc), Phật nơi chốn (Điạ tạng). Sau khi Phật Thích Ca được trình bày qua hình ảnh con người thì các vị Phật khác cũng dần dần xuất hiện qua hình ảnh và nhân dạng khác nhau. Nói khác đi, các vị Phật trong truyền thống Phật giáo là của một nghệ thuật biểu trưng cho cái đẹp thể tướng – khi mà con người thấy và hiện thực hoá được khả thể linh thiêng, tức là giải thoát, của chính mình bằng những hình tượng nhân thể khác nhau. Mỗi lần một hình ảnh của một vị Phật được biểu trưng là mỗi lần từng vị Phật tương ứng đản sinh. Từ trong từng hạt bụi, cành hoa, thớ thịt của muôn loài, trong mỗi ý tưởng của cá nhân, mỗi sát na chuyển hoá là một thời khắc mà Phật tính ra đời, nâng độ tiến hoá chung cho tạo hoá ra khỏi mùa hè giữa biển lửa khổ đau luân hồi.
Mỗi đản sinh là một nấc chuyển tiếp từ nhân sang quả mà trong đó thể tướng của quả đã được quyết định từ bản tính của nhân. Nhưng khi được sinh ra là lúc cái nhân được tiêu thụ, đã được giải hoá khỏi tiềm năng nội tại – đồng thời cái quả đã bị rơi vào vòng hữu hạn để phải chấm dứt bằng cái chết. Cuộc đời của Thích Ca Mâu Ni cũng phải trải qua những khó khăn trong vòng sinh tử với thân người. Huống chi như chúng ta, đứng dưới những đẳng cấp thấp kém về quả báo, sự sinh ra làm người là một hiện tượng nghiệp thân đã ghi chép sẵn từ muôn kiếp. Mỗi cá thể tự trong nó dung chứa cả nhân lẫn quả. Ngươi là nguyên nhân và cũng là hậu quả cho chính ngươi. Nói như thế, bỏ qua âm hưởng bi ai, không có nghĩa là con người không thể thoát khỏi hiện tượng làm người chính hắn. Làm sao mà một hư tưởng, cái gọi là tự-ngã cá nhân, lại có thể giải phóng được chính mình ra khỏi sinh tử luân hồi?
Điều khó khăn trong bản thể luận của Phật giáo là ở điểm này. Đâu là nền tảng cho cái hư tưởng về ta? Nếu câu trả lời là vô minh, thì giác ngộ chính là bản thể cho tự-ngã. Trong hình ảnh phác hoạ bởi Hermes M. Trismegistus, và sau đó bởi Jacob Boehme, một triết gia Đức ở đầu thế kỷ 17, thì hư tưởng này tương tự như một người đứng soi gương để thấy bóng mình trong đó. Ảnh tượng về mình chỉ là sự phản chiếu, và nó được duy trì bởi ý thức và sự thấy của người soi gương. Hình ảnh trong gương soi không có thực tính, nhưng nó hiện hữu. Vấn đề bắt đầu khi cá nhân soi say đắm với bóng mình trong gương. Từ ái dục với bóng hình, Tánh Giác (Intelligence) đánh mất chính Nó vào trong ảnh tượng, và ban cho ảnh tượng một thực tính, một hãnh tiến tự túc, độc lập với người soi gương. Chiếc bóng trong gương đó là hiện tượng “con người” – nó là ảnh tượng, “image”, của Thượng Đế, như trong Cựu Ước đã nói. Nếu ở đây ta thay Chân Tâm cho Thượng Đế thì bản thể luận Phật giáo đã có câu trả lời. Khởi đi từ ái dục, hiện tượng “con người” là một ảo tưởng tự túc mà bản chất của nó là số không. Khi ảo tưởng này không còn, thì tự tánh chân Tâm được sáng tỏ, và tự ngã cá nhân sẽ không về đâu cả. Do đó, “linh hồn” là một ý niệm sai lầm cơ bản của các tôn giáo, và thiên đường hay địa ngục cũng chỉ là những con áo ngộp cám dỗ hay đe doạ cho vọng tưởng về cái Ta này mà thôi.
Hai mươi lăm thế kỷ trước, đức Phật ra đời. Ngài hoá thân mình vào trong hiện tượng con người, trong cõi ảnh tượng của hư tưởng để nhắc nhở chúng sinh bước ra khỏi màn vô minh bao trùm đầy bóng tối và mê vọng của trần thế. Những chúng sanh đi theo bước chân Ngài, “trông thấy Đạo huy hoàng” đã đem ánh sáng đến cho bao “sinh linh vô số điêu tàn, sống u hoài trong kiếp lầm than.” (Kinh Khánh Đản). Ngài nói, “Ta đến không đem gì mới, không sáng tạo chủ thuyết, mà chỉ hoàn tất ngôi Lời của đạo Pháp. Ta đã thấy, đã hiểu những con đường đi qua bởi thánh nhân, những người đã tỉnh thức. Đó là con đường mà ta cũng sẽ đi theo.” Trên bình diện biểu tượng và huyền thoại, Phật Thích Ca hoàn tất quy trình của đạo Pháp trong sự dấn thân của Ngài vào và hoàn tất vòng sinh tử trong cơ sự làm người. Từ đó, đạo Phật không thể là một hệ thống tín điều đã toàn mãn; nó mãi mãi vẫn là sự bắt đầu.
Mừng Phật đản 2551 năm nay, tôi xin nhắc lại câu kinh, “Hiếm thay ta được làm người. Lành thay, đức Phật ra đời”.