Trang chủ Tu học Thiền Tứ Niệm Xứ Buddho (Bút-thô) (tiếp theo và hết)

Buddho (Bút-thô) (tiếp theo và hết)

743

 

Chân tâm và tâm trí, bây giờ chúng ta sẽ nói thêm một chút về chân tâm và tâm trí để bạn có thể hiểu được chúng. Bởi cuối cùng thì chúng ta đều đang nói về quá trình luyện tập tâm để đạt tới định, nếu không hiểu biết về mối quan hệ giữa chân tâm và tâm trí, bạn sẽ không thể biết được mình đang ở chỗ nào và cách thực hành ra sao. 
 
Tất cả mọi chúng sanh được sinh ra – dù là con người hay động vật – cũng đều có chân tâm và tâm trí, song chân tâm và tâm trí có những chức năng, nhiệm vụ khác nhau. Tâm trí suy nghĩ, lang thang và tạo nên đủ loại ý tưởng theo sự dẫn dắt của các loại phiền não. Còn chân tâm, nó chỉ đơn giản là cái hay biết.   Nó không tạo tác nên bất cứ một ý tưởng nào cả. Nó nằm ở giữa, trung lập với tất cả mọi thứ. Chánh niệm trung lập đó chính là chân tâm.
 
Chân tâm không hề có một cơ thể vật chất. Nó là một hiện tượng của tâm mà thôi. Nó chỉ đơn giản là sự chánh niệm. Bạn có thể đặt nó ở bất cứ đâu. Nó không hề nằm trong hay nằm ngoài cơ thể. Khi chúng ta gọi trái tim cơ bắp trong lồng ngực này là tâm, nó không phải là chân tâm thực sự. Nó chỉ là một cơ quan nội tạng bơm máu đi khắp cơ thể để nuôi sống chúng ta mà thôi. Nếu trái tim này không hoạt động nữa thì cuộc sống cũng chấm dứt. 
 
Mọi người nói chung vẫn thường nói về tâm như thế này: “Tôi cảm thấy niềm hạnh phúc trong tâm.. tôi cảm nhận nỗi buồn… sự nặng nề … sự thanh thản, nhẹ nhàng… trong tâm”. Tất cả đều quy về tâm. Các học giả chuyên về Vi diệu pháp (Abhiddhamma) nói rằng: có tâm bất thiện, tâm thiện, tâm vô nhân, tâm sắc giới, tâm vô sắc giới, tâm siêu thế và vân vân… nhưng không ai trong số họ hiểu được thế nào là tâm và thế nào là chân tâm.
 
Tâm là cái suy nghĩ, lý luận và tạo dựng nên các ý tưởng. Nó phải sử dụng đến sáu giác quan làm công cụ. Ngay khi mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân cảm giác sự xúc chạm – nóng, lạnh, cứng, mềm – và ý suy nghĩ, nắm bắt các ý tưởng theo dòng phiền não, tốt hay xấu: nếu bất cứ điều gì cảm nhận là tốt, tâm liền thích thú, nếu xấu, nó chán ghét. Tất cả những điều này đều là công việc của tâm, hay của phiền não. Ngoài sáu giác quan này, tâm trí không sử dụng được cái gì nữa. Trong kinh điển, chúng được chia ra thành sáu căn, sáu trần và sáu giới, đại loại như vậy, nhưng không có thứ nào nằm bên trong sáu giác quan cả. Do vậy, những thứ này cũng đều là đặc tính của tâm: cái không bao giờ chịu ngồi yên. 
 
Khi bạn huấn luyện tâm mình, hay nói cách khác là tu tập định, bạn phải chế ngự tâm mình vốn luôn lang thang chạy theo sáu giác quan và buộc nó đứng yên tại một điểm: đó chính là đề mục niệm Buddho. Đừng để nó tuột chạy đi đằng trước hay thụt lại đằng sau. Làm cho nó an trụ và hay biết rằng nó đang an trụ: đó chính là chân tâm. Chân tâm không có việc gì phải làm đối với sáu giác quan cả, chính vì thế nó được gọi là chân tâm. 
 
Nói chung thì mọi người nói về chân tâm, họ thường ám chỉ về nơi tâm điểm của nó. Thậm chí, ngay cả khi họ nói về chân tâm của mình, họ cũng chỉ vào giữa ngực mình. Thực ra chân tâm chẳng nằm ở một nơi nào trong thân này cả, mặc dù nó vẫn luôn nằm ở nơi trung tâm của tất cả mọi thứ. 
 
Nếu bạn muốn hiểu thế nào là chân tâm, bạn có thể thử làm một thí nghiệm sau đây: Hãy hít vào một hơi và giữ một lúc. Vào lúc đó, chẳng thể có cái gì sất cả, ngoại trừ một điều: chánh niệm đơn thuần, hoàn toàn trung lập. Đó chính là chân tâm, hay là “cái hay biết”. Nếu bạn cố gắng nắm bắt chân tâm mình theo cách này, bạn sẽ không thể nắm giữ nó được lâu, chỉ lâu đến mức có thể nhịn thở được mà thôi, nhưng bạn có thể thử làm như vậy, chỉ để thấy ra được thế nào là chân tâm thực sự mà thôi. 
 
(Giữ hơi thở có thể giúp làm giảm nhẹ cơn đau trên thân. Những người phải chịu những cơn đau đớn vật vã thường giữ hơi thở như là một cách giảm đau khá hiệu quả). 
 
Khi bạn đã nhận ra rằng tâm trí và chân tâm có những chức năng và đặc tính khác biệt nhau như thế, bạn sẽ thấy công việc huấn luyện tâm của mình trở nên dễ dàng hơn nhiều. Thực ra thì chân tâm và tâm trí cũng chỉ là một mà thôi. Như Đức Phật đã nói, chân tâm cũng chính là tâm trí. Khi thực hành thiền chỉ, thì chỉ cần huấn luyện tâm mình là đủ; một khi tâm đã được huấn luyện, thì ngay tại đó chúng ta sẽ thấy được chân tâm của mình.
 
Khi tâm đã được huấn luyện hoàn toàn đầy đủ bằng chánh niệm, an trụ trong Buddho như một đề mục duy nhất, nó sẽ không chạy theo ngoại cảnh nữa mà sẽ quy tụ vào một điểm. Đề mục niệm sẽ biến mất mà bạn không hề hay biết và bạn sẽ cảm nhận được một cảm giác bình an và dễ chịu không gì so sánh nổi. Những người chưa từng cảm nhận được sự bình an này trước kia, khi lần đầu tiên cảm nhận được nó, họ không thể nào diễn tả được, bởi vì không có ai trên thế gian này từng được kinh qua sự an lạc và bình yên đến thế. Mặc dù nhiều người khác cũng đã kinh nghiệm được, nhưng nó cũng không hoàn toàn giống y hệt như nhau. Chính vì lý do đó mà bạn thấy rất khó diễn tả được nó – mặc dù bạn có thể tự diễn tả cho chính mình. Nếu muốn diễn tả lại cho người khác hiểu, bạn phải dùng đến lối nói ẩn dụ, so sánh hay những ví dụ tương đương. Những thứ như thế này thường là những kinh nghiệm rất cá nhân: chỉ một mình bạn tự biết, tự hiểu mà thôi. 
 
Ngoài ra, nếu bạn đã phát triển một số tiềm năng trong quá khứ, thì sẽ có rất nhiều điều lạ lùng xảy đến. Chẳng hạn như bạn sẽ thấy được những cảnh giới chư thiên hay ngạ quỷ. Bạn có thể nhớ được những kiếp quá khứ, thấy trước được tương lai của mình và của người khác. Trong kiếp trước bạn đã là thế này, kiếp sau bạn sẽ thế kia… Mặc dù bạn không dự định thấy những điều đó, song khi tâm đã đắc định nó có thể tự biết được nhiều điều rất lạ lùng.
 
Những điều lạ lùng như thế thường làm cho những thiền sinh mới mê mẩn. Khi những điều này xảy đến với họ, họ rất thích đem đi khoe khoang với người khác. Những người khác cố gắng hành thiền, nhưng không đạt được những khả năng như vậy thì đâm ra chán nản, thất vọng và nghĩ rằng mình không có đủ phước hành thiền và rồi bắt đầu đánh mất đức tin vào pháp hành. 
 
Còn đối với những người thấy được những điều đó, khi khả năng đó bị suy thoái đi – bởi vì họ đã bị những thứ bên ngoài lôi đi và không lấy chân tâm làm cứ điểm cho mình – thì họ không thể bám víu vào bất cứ cái gì được nữa. Khi nghĩ lại những điều họ đã thấy, tâm họ càng trở nên bất an, khuấy động hơn. Những người đã trót khoe khoang với người khác về khả năng của mình thì thường dựa trên những gì trước kia mình hay thấy để mà nói phóng đại lên. Những người khoái chuyện lạ rất thích nghe những chuyện như thế,nhưng đối với những thiền sinh nhiệt tâm thì họ không thèm để ý – bởi vì, một thiền sinh đích thực chỉ muốn nghe những điều thực tế và ngay trong hiện tại mà thôi. 
 
Đức Phật dạy sau này giáo pháp của Như Lai có được phát triển hay suy tàn đi là phụ thuộc vào những người thực hành giáo pháp. Giáo pháp sẽ ngày càng suy tàn khi những thiền sinh mới chỉ biết được chút ít đã vội đi khoe khoang, khoác lác với người, nói những chuyện trên trời dưới biển mà chẳng có thực chất chút nào, thay vì việc chính phải làm là giảng giải nguyên tắc hành thiền căn bản để hướng dẫn mọi người thực hành. Khi làm như thế, chính họ đang làm cho giáo pháp suy tàn mà không hề ý thức được điều đó. 
 
Người làm cho giáo pháp hưng thịnh là những người chỉ nói đến những điều lợi ích và chân thật. Họ không nói chỉ vì muốn vui vẻ. Họ nói về nhân quả: “Khi bạn thực hành như thế này, niệm câu đó lặp đi lặp lại theo cách này, nó sẽ giúp tâm bạn quy tụ về một điểm, dập tắt phiền não và bất an như thế này…” 
 
Khi bạn thực hành thiền với đề mục niệm Buddho, hãy kiên nhẫn. Đừng nóng vội. Hãy đặt lòng tin vào đề mục thiền và sử dụng chánh niệm để an trụ tâm mình trong Buddho. Đức tin sẽ là cái làm cho tâm bạn vững vàng, không dao động, có thể buông bỏ tất cả mọi hoài nghi, do dự trong mình. Tâm bạn sẽ quy tụ về câu niệm đó và chánh niệm sẽ giữ cho nó an trụ trong Buddho suốt trong mọi lúc. Dù bạn đang đi, đứng, ngồi, nằm hay trong bất cứ công việc gì bạn làm, chánh niệm sẽ luôn tỉnh giác với chỉ Buddho mà thôi, không hề để tâm đến bất cứ điều gì khác ngoài nó. Nếu chánh niệm của bạn còn yếu, kỹ thuật còn non thì bạn phải bám chắc vào Buddho làm nền tảng cho mình. Nếu không pháp hành của bạn sẽ không thể tiến triển được, hoặc nếu có thể tiến triển đi nữa thì nó cũng không có một nền tảng nào cả. 
 
Để đạt được định tâm vững mạnh, bạn phải có quyết tâm. Khi chánh niệm vững mạnh, và bạn có quyết tâm, bạn quyết định rằng đây là điều chính mình muốn làm: “Nếu tôi không nắm bắt được Buddho, không thấy Buddho trong tâm mình, hay không an trụ tâm được trong Buddho, tôi sẽ không đứng dậy khỏi chỗ ngồi thiền. Ngay cả khi mạng sống của tôi chấm dứt, tôi cũng không cần”. Khi bạn quyết định như vậy thì tâm của bạn quy tụ về nhất tâm nhanh hơn rất nhiều. Đề mục niệm Buddho, hay bất cứ cái gì có thể gây xao lãng, bối rối cho bạn sẽ biến mất trong nháy mắt. Ngay cả cái thân này bạn đã dính mắc với nó bao lâu nay cũng sẽ không còn hiện lên với bạn nữa. Tất cả những gì còn lại chỉ là chân tâm – chỉ còn lại chánh niệm đơn thuần – tĩnh lặng, mát lạnh và vô cùng dễ chịu. 
 
Người hành thiền sẽ thích thú khi cảm giác này xuất hiện. Lần sau, họ mong ngóng cảm giác đó xuất hiện trở lại, và chính vì thế nó không đến nữa. Đó là vì tâm tham đã ngăn cản không cho nó xảy đến. Định là một thứ rất vi tế và nhạy cảm. Bạn không thể ép buộc nó phải xảy ra như thế này hay như thế khác được- và bạn cũng không thể cưỡng ép tâm mình nhập định được.
 
Nếu bạn nóng vội thì mọi việc sẽ chỉ lại càng rối hơn mà thôi.  Bạn phải rất kiên nhẫn. Dù tâm có đắc định hay không, nhưng bạn đã thực hành niệm Buddho từ trước tới nay rồi thì cứ tiếp tục niệm Buddho như vậy đi. Hãy thực hành như thể trước đây bạn chưa bao giờ niệm Buddho vậy. Hãy làm cho tâm quân bình và trung lập, để cho hơi thở điều hòa nhẹ nhàng, và dùng chánh niệm chú tâm vào mỗi Buddho mà thôi, không để ý đến bất cứ cái gì khác ngoài nó. Khi thời điểm đã chín muồi để tâm nhập định thì nó sẽ tự làm việc đó. Bạn không thể bố trí, thu xếp cách nó phải xảy đến như thế nào. Nếu nó là thứ mà chúng ta có thể sắp xếp được thì hẵn tất cả mọi người trên thế giới này đã trở thành bậc Alahán từ lâu rồi. 
 
Biết cách thực hành thiền, nhưng không làm đúng theo nó; làm đúng được một lần,r ồi sau đó lại muốn nó tiếp tục xảy đến theo cách như vậy nữa, nhưng nó không xảy ra: tất cả những điều đó đều là những trở ngại cho bạn trong quá trình thực hành thiền định. 
 
Khi thực hành thiền với đề mục niệm Buddho, bạn phải thực hành cho đạt đến mức độ thuần thục và có thể nhập định nhanh chóng. Mỗi khi có trạng thái tình cảm tốt hay xấu nào đó tấn công bạn, bạn phải có khả năng nhập định ngay lập tức. Chớ để tâm của mình bị tác động bởi trạng thái tình cảm đó. Mỗi khi nghĩ đến Buddho, tâm bạn sẽ quy tụ ngay lập tức: khi đã có thể làm được điều này, tâm bạn sẽ trở nên vững chắc và có thể tự nương tựa nơi chính mình. 
 
Khi thực hành theo cách này đến mức thuần thục và dày dạn kinh nghiệm, sau một thời gian, bạn sẽ phát hiện ra những phiền não dính mắc trong mình với tất cả mọi thứ dần dần tự biến mất. Bạn không phải cố công dọn dẹp phiền não này, phiền não kia nữa, không còn phải tự bắt mình phải đoạn trừ phiền não này, phiền não nọ bằng phương pháp này, phương pháp kia nữa. Hãy bằng lòng với phương pháp nào mà bạn cảm thấy thích hợp với mình. Thế là đủ! 
 
Làm cho phiền não dần dần biến mất với phương pháp tôi trình bàn ở trên thì hay hơn là phải cứ cố thu xếp, sắp đặt mọi việc, phải nhập bốn tầng thiền chỉ, loại bỏ tầm, tứ, hỷ, lạc để chỉ còn lại nhất tâm và xả; hay hơn là phải cố sắp đặt đến tầng giác ngộ đầu tiên bằng loại bỏ thân kiến, hoài nghi và giới cấm thủ; hoặc bằng cách xem xét các loại phiền não và tự nói với mình rằng: “ với loại phiền não đó, tôi có thể quán chiếu như thế này, thế này để vượt qua nó. Tôi còn rất nhiều loại phiền não như thế, như thế trong mình, nếu có thể quán chiếu như vậy, các phiền não đó sẽ đoạn tận”. Nhưng bạn không hề nhận ra rằng chính cái tâm muốn thấy, muốn biết biết và muốn đạt đến những điều đó lại là một loại phiền não gắn chặt trong tâm bạn đó. Khi không còn quán chiếu nữa, tâm bạn sẽ quay lại vị trí ban đầu và cũng chẳng đạt được cái gì cả. Tệ hơn nữa, nếu có ai nói điều gì ngược với tư kiến của bạn, bạn sẽ bắt đầu nổi sùng lên, như lửa đổ thêm dầu.
 
Vì vậy, hãy bám chặt vào đề mục niệm Buddho của mình. Ngay cả khi bạn không đắc được cái gì đi nữa thì ít nhất bạn cũng lấy đề mục niệm đó làm nền tảng cho mình. Những thứ linh tinh thường chiếm giữ tâm bạn sẽ ngày càng bớt dần đi và thậm chí còn mất hẵn, điều đó còn tốt hơn là chẳng có một nền tảng nào cho mình bám víu vào cả. 
 
Thực ra, tất cả mọi thiền sinh đều phải neo chắc vào đề mục niệm của mình. Chỉ khi đó họ mới có thể được coi là đang hành thiền với một nền tảng căn bản. Khi thiền của họ bị suy thoái, thì họ còn có thể sử dụng nó như một chỗ để bám víu, neo đậu vào. 
 
Đức Phật dạy rằng những người đang cố gắng đoạn trừ phiền não phải hành động như những chiến binh. Thời xưa, các chiến binh phải xây dựng những bức thành rất vững chắc với những bức tường dầy, với những hào nước bao quanh, với những cửa thành và tháp canh để chống đỡ lại những cuộc tấn công của quân địch. Khi một chiến binh ra chiến trường và thấy rằng quân mình không thể địch lại với quân thù, anh ta sẽ rút lui vào trong thành của mình và phòng thủ không cho quân địch phá thành. Đồng thời anh ta cũng chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vũ khí và quân lương ( củng cố định tâm vững chắc) rồi tiếp tục ra trận chiến đầu với quân thù (là các loại phiền não của mình). 
 
Định là một sức mạnh rất quan trọng. Nếu không có định, thì sự quán chiếu, phân biện của bạn sẽ lấy đâu ra sức mạnh đây? Sự quán chiếu của thiền tuệ quán không phải là thứ có thể chế tạo ra được. Mà thay vào đó, nó sanh khởi từ định tâm đã được làm chủ thuần thục cho đến khi trở thành vững chắc. 
 
Ngay cả đối với những người được cho là đạt tới giác ngộ bằng  thiền “khô tuệ” ( tức bằng thiền quán Vipassanā thuần túy, không qua con đường thiền chỉ), nếu không có chút định tĩnh nào trong tâm thì họ lấy đâu ra tuệ giác? Trường hợp đó chỉ đơn giản là định của họ chưa được làm chủ hoàn toàn một cách đầy đủ và thuần thục (như người hành thiền chỉ) mà thôi. Chỉ khi chúng ta hiểu theo cách này thì sự việc xem ra mới hợp lý. 
 
Khi định của bạn đã vững chắc đến mức bạn có thể xuất nhập tùy ý, thì khi đó bạn có thể an trú trong nó thời gian dài và quán chiếu những phẩn thể trược của cơ thể mình hay quán chiếu các thành tố vật lý của nó (tứ đại). Hoặc nếu muốn, bạn có thể quán chiếu mọi người trên thế giới này cho đến khi thấy họ là những bộ xương mà thôi. Hoặc bạn có thể quán cả thế gian này chỉ là hư không… 
 
Một khi tâm bạn đã hoàn toàn tập trung, thì dù khi bạn đang ngồi, hay đi, hay đứng, hay nằm, tâm vẫn luôn luôn tập trung trong mọi lúc. Bạn có thể thấy rõ những phiền não trong mình – tham, sân, si, những thứ sanh khởi từ trong tâm – khởi lên do những nhân này, duyên kia như thế nào, cách nó duy trì theo các thức này hay cách thức kia ra sao, và bạn sẽ có thể tìm ra được những phương cách để loại chúng bằng phương pháp này, phương pháp nọ. 
 
Điều này cũng giống như nước trong hồ đã bị vẩn đục từ cả trăm năm nay, bỗng nhiên trong sạch trở lại và bạn có thể nhìn rõ được tất cả mọi thứ dưới đáy hồ- những thứ mà trước kia bạn chưa từng bao giờ nằm mơ thấy nó nữa. Chính điều này được gọi là tuệ giác – thấy mọi thứ như thực sự chúng đang là. Dù bất cứ thực tại nào chúng có, đó cũng chính là thực tại mà bạn đang thấy, thấy thực sự không hề bẻ cong, bóp méo. 
 
Ép buộc tâm mình để trở nên tĩnh lặng cũng có thể loại bỏ được phiền não, song nó giống như một người cắt cỏ, chỉ cắt phần cỏ ở trên mặt đất mà không đào tận gốc. Gốc rễ cỏ chắc chắng sẽ mọc lại khi trời mưa xuống. Nói cách khác, bạn thấy được những điều nguy hại du nhập qua sáu giác quan, nhưng ngay khi vừa thấy nó, bạn đã vội rút lui vào sự tĩnh lặng mà không quán chiếu nó một cách cẩn thận như bạn đã làm khi tâm đang còn trong định. Tức là bạn chỉ muốn thụ hưởng sự vắng lặng trong tâm mà không muốn mất thời gian quán chiếu – giống như một con thằn lằn ru rú trong xó hang của mình để mong được an toàn. Khi vừa thấy kẻ thù tới là nó đã rụt ngay vào trong hang để trốn tránh nguy hiểm được một lúc nào đó mà thôi. 
 
Nếu muốn nhổ tận gốc rễ phiền não, thì khi thấy phiền não sanh khởi lên từ sáu giác quan – chẳng hạn, mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, thân xúc chạm khiến bạn khởi yêu ghét, thích thú hay chán ghét, và rồi sau đó chấp thủ, nắm giữ chúng, khiến tâm bạn u ám, động loạn, buồn đau và đôi khi còn đến mức làm cho bạn mất ăn, mất ngủ hay thậm chí còn tự tử vì chúng nữa – khi bạn thấy được nó một cách rõ ràng, hãy làm cho tâm định của mình vững chắc và rồi chú tâm hoàn toàn để quán chiếu, xem xét nó. Chẳng hạn khi bạn thấy hình ảnh đẹp làm cho bạn cảm thấy thích thú, hãy tập trung quán chiếu chính cảm giác thích thú đó, để tìm ra xem nó sanh khởi từ mắt hay từ hình sắc bên ngoài. 
 
Nếu xem xét hình sắc bên ngoài, bạn sẽ thấy nó chỉ là một hiện tượng vật lý mà thôi. Dù nó tốt hay xấu thì nó cũng không cố thuyết phục bạn phải thích thú hay chán ghét nó. Nó chỉ đơn giản là một hình sắc xuất hiện rồi biến mất theo đúng bản chất tự nhiên của nó.
 
Khi bạn quay sang quán chiếu cái mắt thấy cảnh sắc đó, bạn sẽ thấy mắt bạn đi tìm đối tượng và ngay khi vừa tìm được một đối tượng nào đó, ánh sáng sẽ được phản chiếu lên các tế bào thần kinh thị giác và làm cho các hình sắc được xuất hiện. Mắt không cố thuyết phục bạn phải thích thú hay chán ghét, phải yêu hay ghét bất cứ thứ gì. Chức năng của nó chỉ đơn giản là nhìn mà thôi. Một khi nó đã thấy được một hình sắc nào đó, thì hình sắc đó rồi cũng biết mất. 
 
Đối với các giác quan khác cùng các đối tượng tương ứng của chúng, dù là đối tượng hấp dẫn hay không, cũng đều được xem xét theo cùng một cách như vậy. 
 
Khi bạn quán chiếu theo cách này, bạn sẽ thấy một cách rõ ràng rằng tất cả mọi thứ trên thế gian này đối tượng của phiền não là do bởi sáu giác quan này. Nếu bạn quán chiếu sáu giác quan này để không bị lôi theo chúng, thì khi đó phiền não sẽ không thể sanh khởi trong bạn được nữa. Ngược lại, thay vào đó tuệ giác và sự phân biện sẽ sanh khởi, tất cả cũng chính từ sáu giác quan này. Sáu giác quan là cội nguồn của thiện, ác. Chúng ta có được một cuộc sống tương lai hạnh phúc hay đau khổ là phụ thuộc vào cách chúng ta sử dụng sáu giác quan này. 
 
Thế gian dường như quá rộng lớn là do bởi tâm chúng ta không được định tĩnh, nó buông thả tự do, lang thang với các đối tượng của sáu giác quan.  Thế gian sẽ thu hẹp lại khi tâm đã được huấn luyện trong định, để nó nằm dưới dự kiểm soát của bạn và có thể quán chiếu sáu giác quan hoàn toàn trong chính nó.  Nói cách khác, khi tâm đã hoàn toàn tập trung, các giác quan bên ngoài – mắt thấy sắc, tai nghe tiếng… sẽ không còn xuất hiện nữa.  Tất cả những gì xuất hiện khi đó chỉ là những hình sắc và âm thanh, là những hiện tượng tâm linh chỉ hiện hữu trong định. Bạn sẽ không còn chú ý bất cứ thứ gì ở bên ngoài nữa. 
 
Khi sự chú tâm của bạn hoàn toàn vững chắc, bạn sẽ có thể quán chiếu cảnh giới của tâm, chính nó đã làm sanh khởi lên mọi xúc chạm giác quan, tưởng, hành và tất cả các phiền não.  Tâm bạn sẽ rút lui khỏi mọi thứ, chỉ còn lại mỗi chân tâm, mỗi sự hay biết thuần túy mà thôi. 
 
Tâm trí và chân tâm có đặc tính khác nhau.  Tâm trí là cái suy nghĩ, tạo tác tưởng và hành đến mức dính mắc và chấp thủ là chính mình.  Khi nó đã thấy được sự đau khổ, sự nguy hiểm và tai hại đến từ sự chấp thủ vào các loại phiền não, nó sẽ rút lui ra khỏi tất cả những phiền não đó.  Khi đó tâm trí sẽ là chân tâm. Đây chính là sự khác biệt giữa tâm trí và chân tâm. 
 
Chân tâm là cái trung lập và tĩnh lặng. Nó không hề suy nghĩ. Nó chỉ đơn giản hay biết về sự tĩnh lặng của mình. Chân tâm chính là cái trung tâm, cái trung lập đích thực.  Trung lập với tất cả, không quá khứ, chẳng tương lai, không tốt, chẳng xấu: đó chính là chân tâm.  Khi chúng ta nói về tâm điểm của mọi thứ, chúng ta muốn nói rằng nó là trung tâm. Ngay cả tâm của con người, đó là một thứ thuộc về phần tâm linh, mà chúng ta cũng nói nó nằm ngay giữa lồng ngực.  Nhưng chân tâm thực sự nằm ở đâu, chúng ta không hề biết.  Hãy thử chú tâm vào bộ phận nào trên cơ thể mà xem,bạn sẽ cảm thấy có sự hay biết ở điểm đó. Hay nếu bạn chú tâm ra ngoài cơ thể – chú ý vào một điểm mốc hay ngôi tường của một ngôi nhà lớn chẳng hạn – thì đó cũng chính là điểm mà bạn hay biết. 
 
Do đó, chúng ta có thể nói rằng, chân tâm chính là sự hay biết tĩnh lặng và trung lập. Nơi nào có sự chánh niệm trung lập, thì nơi đó có chân tâm. 
 
Khi mọi người nói về trái tim một cách chung chung, đó không phải là chân tâm.  Nó chỉ đơn giản là một hệ thống cơ bắp và van tim để bơm máu đi nuôi cơ thể mà thôi.  Nếu nó không bơm máu đi khắp cơ thể như vậy thì bạn đã không thể sống được.  Não bộ cũng như thế. Tâm chúng ta nghĩ đến thiện và ác, sử dụng não như một công cụ mà thôi.  Hệ thống thần kinh trong não bộ chỉ là một cơ quan vật lý. Khi những nhân duyên, điều kiện khiến chúng tồn tại bị cắt ngang, thì cơ quan vật lý này cũng không thể tồn tại. Nó phải ngừng hoạt động. 
 
Nhưng đối với tâm, là một phần thuộc tâm linh, Đạo Phật dạy rằng nó sẽ tiếp tục tồn tại và có thể tiếp tục sanh lại nữa.  Phần tâm linh này chỉ ngừng lại khi tuệ giác phân biện các nguyên nhân khiến nó sanh lên và nhổ rễ hoàn toàn những nguyên nhân ẩn tàng  đó. 
 
Không có ngành khoa học nào trên thế giới đạt tới điểm tận cùng cả. Bạn càng nghiên cứu, chúng lại càng mở rộng thêm. Chỉ có Đạo Phật mới có thể dạy bạn đạt tới điểm chấm dứt cuối cùng đó.  Trong giai đoạn đầu tiên, Đạo Phật dạy chúng ta hãy tìm hiểu về cơ thể mình, để thấy nó được cấu thành từ 32 thể trược như thế nào và chức năng của chúng ra sao.  Đồng thời, Đạo Phật cũng dạy chúng ta thấy ra rằng thân này chẳng có gì đáng ham thích. Đạo Phật dạy chúng ta hiểu biết thế giới này (thế giới loài người này), được tạo nên từ sự đau khổ và cuối cùng cũng phải tann hoại theo bản chất tự nhiên của nó. 
 
Giờ đây, chúng ta đã nhận thức được cái thân này –mặc dù thấy nó đầy bất tịnh và đáng nhờm gớm, và mặc dù nó được tạo nên bởi đủ loại khổ đau – nhưng chúng ta vẫn có thể nương tựa vào nó để sống trong một lúc nào đó, vì vậy chúng ta cần phải tận dụng nó để làm những việc tốt đẹp, để trả món nợ đời trước khi rời bỏ nó khi cái chết đến bên mình.  
 
Đức Phật dạy rằng, mặc dù bản chất tự nhiên của con người (và cả thế giới này)là phải tan hoại và chết, song cái tâm của họ vẫn phải quay trở lại tái sinh chừng nào nó vẫn còn phiền não.  Do đó, Ngài dạy chúng ta thực hành thiền định, đó là một việc hoàn toàn thuộc về tâm.  Một khi đã thực hành thiền định, chúng ta sẽ cảm nhận được mọi cảm giác và xúc chạm bên trong, ở ngay trong tâm chúng ta. Chúng ta sẽ không còn phải quan tâm đến cái nhìn, cái nghe ở mắt hay tai nữa.  Mà thay vào đó, chúng ta sẽ cảm nhận được sự xúc chạm đó ngay chính trong tâm mình. Đây chính là ý nghĩa của việc thu hẹp thế giới quanh mình. 
 
Đề-bà-đạt-đa, con người đã tạo ra bao nhiêu là rắc rối cho Đức Bồ Tát trong suốt con đường tu của Ngài, nếu không có ông ta, ắt là Đức Bồ Tát đã không thể hoàn thiện được đầy đủ các Ba-la-mật của mình đến viên mãn. Chỉ khi Ngài đã hoàn thành đầy đủ, viên mãn các Ba-la-mật đó thì mới có thể đạt tới giác ngộ và trở thành Phật.  Trước khi giác ngộ, Ngài đã phải chống lại cả một binh đoàn cám dỗ to lớn, và ngay sau khi Ngài giác ngộ, ba con gái của Ma vương vẫn còn tiếp tục đến cám dỗ Ngài thêm một lần nữa.  Từ thời khắc chiến thắng huy hoàng đó, tất cả mọi con người trên thế gian này đã ca ngợi , tán thán Ngài, người đã vượt qua được tất cả mọi phiền não trên thế gian, một lần và mãi mãi. 
 
Chừng nào các giác quan bên trong vẫn còn hiện hữu, chừng đó sự xúc chạm  trong tâm vẫn còn chiếm giữ tâm trí của chúng ta. Vì thế, những con người thiện trí, thấy ra sự nguy hiểm và tai hại của những điều này, đã sẵn sàng từ bỏ chúng, chỉ để lại một chân tâm trung lập… không thiên vị, không suy nghĩ, không tưởng tượng, không phóng chiếu về bất cứ thứ gì.  Nếu làm được như thế thì thế gian này còn tạo thành ở nơi đâu được nữa? Đây chính là cách Đức Phật dạy chúng ta để đạt tới nơi mà thế gian này chấm dứt. 
 
Rừng thiền Viên Không tháng 12/2006 
Người dịch: Tỳ kheo Tâm Pháp