Nếu đứng xa khoảng 3 mét để chiêm ngưỡng tranh, du khách tại bảo tàng có thể nhận ra bức họa không chỉ vẽ một vị Di Lặc mà còn có 2 nhân vật khác.
Thâm trầm, sâu sắc là một trong những đặc trưng nổi bật trong văn chương, nghệ thuật Trung Quốc xuyên suốt nhiều thời kỳ lịch sử. Có thể thấy rõ điều này trong nhiều tác phẩm thơ Đường quen thuộc với độc giả Việt Nam như Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng, Thu hứng, Khuê oán, tuy kiệm ngôn từ nhưng “ý tại ngôn ngoại”.
Hội họa cổ đại Trung Hoa cũng làm được điều này. Nhiều bức tranh dân gian chỉ vỏn vẹn vài nét nhưng lại hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu xa, có những bức tranh cung đình hoành tráng với hàng trăm nhân vật rồi khi zoom vào cận cảnh mới nhận ra nhiều chi tiết thú vị.
Các bức họa này thường cần được xem lâu, nghiền ngẫm về bối cảnh lịch sử và tìm hiểu về tác giả mới hiểu được giá trị thực sự. Bức “Nhất đoàn hòa khí đồ” trong Bảo tàng Cố Cung (Bắc Kinh) cũng là một tác phẩm độc đáo như thế!
Nhất đoàn hòa khí đồ – Vẽ 1 ra 3
“Nhất đoàn hòa khí đồ” (tạm dịch: Hòa hợp êm ấm) là bức họa có kích thước 48.7cmx36cm được vẽ bởi Hoàng đế Minh Hiến Tông (1447-1487) của triều đại nhà Minh. Thoạt nhìn có thể thấy tranh vẽ cảnh một vị Di Lặc đang ngồi khoanh chân, gương mặt tươi cười, thân hình tròn trịa.
Theo kinh điển Phật giáo, Di Lặc vốn là vị Bồ tát đạt được giác ngộ hoàn toàn, giảng dạy Phật Pháp, giáo hóa chúng sinh, điều này khiến nhiều người xem tranh cho rằng “Nhất đoàn hòa khí đồ” là bức họa ca ngợi Phật giáo, song đó chưa phải là tất cả!
Nếu đứng xa ra vài bước và chiêm ngưỡng toàn cảnh bức tranh, các du khách của Bảo tàng Cố Cung có thể nhận ra trong tranh này không chỉ có vị Di Lặc mà có tới 3 nhân vật. Gương mặt của Di Lặc thực tế được tạo ra từ góc nghiêng của 2 người đàn ông khác.
Người bên trái đội mão Đạo sĩ, người bên phải búi tóc khăn vuông kiểu Nho sinh Trung Quốc, cho thấy đây là 2 nhân vật đại diện cho Đạo giáo và Nho giáo. Cùng với Phật giáo, 2 trường phái tôn giáo và triết học này được coi là Tam giáo có ảnh hưởng sâu sắc tại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng từ nền tảng văn hóa Trung Quốc.
Đúng với nhan đề bức họa, ba nhân vật trong tranh có những tương tác rất nhịp nhàng, trong khi vị Đạo sĩ và Nho sĩ cần chung một cuốn kinh, nhìn thẳng và mỉm cười thì vị Di Lặc lại dịu dàng đặt tay lên vai họ, bên tay phải còn cầm theo một chuỗi tràng hạt nhà Phật.
Bố cục độc đáo, sáng tạo của bức tranh đã khéo léo diễn tả mong ước về sự hòa hợp của Tam giáo trong xã hội từ góc nhìn của tác giả Minh Hiến Tông.
Nguồn cảm hứng từ một điển tích
Bức họa “Nhất đoàn hòa khí đồ” được Minh Hiến Tông hoàn thành khi mới chỉ 18 tuổi, lúc ông vẫn còn là một thái tử. Nhiều chuyên gia cho rằng ý tưởng của bức tranh được Minh Hiến Tông lấy cảm hứng từ 3 nhân vật trong điển tích “Ba tiếng cười bên khe Cọp”.
Điển tích kể rằng đại sư Huệ Viên đã sống tại ngôi chùa trên núi hơn 30 năm không đặt chân ra ngoài, khước từ mọi liên lạc với người đời. Khi có khách đến viếng, lúc ra về Đại sư chỉ tiễn chân tới cầu suối Hổ Khê trước chùa rồi trở vào.
Có một lần, hai danh nhân là Nho sĩ Đào Tiềm và Đạo gia Lục Tu Tĩnh tìm đến yết kiến. Vì trò chuyện vui vẻ, khi đưa khách ra về, bất giác đại sư đã bước ra khỏi cầu suối Hổ Khê lúc nào không hay. Vừa lúc ấy, ánh tịch dương chợt rọi đến, in bóng người bên vách núi. Cả ba như bừng tỉnh, đứng lại nhìn nhau cả cười, rồi chia tay tạm biệt.
Điển tích xuất phát từ thời Đường được cho là vô căn cứ vì thời đại sinh sống của Huệ Viên và 2 nhà tư tưởng kia là khác nhau, song câu chuyện này vẫn thể hiện một cách xuất sắc tư tưởng “tam giáo đồng nguyên” trong văn hóa Trung Quốc.