Trang chủ Văn học Truyện Bức họa chân thật về sự thanh thản lúc cuối đời (phần...

Bức họa chân thật về sự thanh thản lúc cuối đời (phần cuối)

106
 
 
 
 
Còn nhớ, vào tháng 03 năm 2008, đã xảy ra một trận động đất lớn tại tỉnh Tứ xuyên-Trung quốc. Lúc đó sư phụ đang ở trong Tịnh viện, song Người vẫn liên lạc thông qua điện thoại để hiểu rõ hơn về diễn biến, đồng thời nắm bắt tình hình công việc cứu nạn của Hội từ thiện Pháp Cổ Sơn. Không chỉ có vậy, ngoài việc mời gọi những vị bác sỹ, y tá có tâm, tình nguyện tới những nơi người dân gặp nạn để giúp đỡ, Sư phụ còn liên hệ với các doanh nhân, xí nghiệp tại thủ đô Bắc Kinh để kêu gọi sự đóng góp . Sư phụ thường nói: Khi không có đủ sức khỏe,chúng ta sẽ dùng ý chí để cống hiến. Khi không đủ ý chí, chúng ta sẽ dùng nguyện lực của mình gởi đến mọi loài . Thông qua những việc làm của Người , Tịnh viện đã thành một trung tâm chỉ huy, lãnh đạo về mặt tinh thần cho việc cứu nạn, đồng thời cũng là “nơi phát đi tín hiệu của sự cầu nguyện và tình yêu thương” đối với tha nhân. Người đã đem tâm Từ , tâm Bi hướng đến chúng sinh khắp nơi, làm xoa dịu nỗi đau mất mát.
 
 
HT.Thích Thánh Nghiêm lúc sinh tiền
 
Tháng 11 năm 2008, trong buổi ăn sáng cùng với chúng Tăng, sự phụ đã sách tấn, động viên: Phàm là người xuất gia thọ nhận bát cơm của mười phương tín chủ cúng dường, chúng ta quyết không thể trở thành “những người vô tích sự”. Lời dạy đó cũng chính là mục đích, là tinh thần tu tập mà sư phụ theo đuổi : “Cả cuộc đời tu hành, nguyện đem thân mệnh này cứu độ chúng sinh” . “Một ngày làm hòa thượng, một ngày đánh chuông”. Sư phụ đã giáo huấn các đệ tử như vậy, đồng thời chính bản thân Người cũng luôn nỗ lực thực hiện. Không chỉ là khi còn sinh tiền, mà ngay cả khi đã viên tịch trở về với Đức Phật, sư phụ luôn là một tấm gương của thân giáo và hành giáo. Có thể nói, cuốn sách "Cuộc sống thanh thản lúc cuối đời" chính là bức họa sống động về đời sống của một người xuất gia, mà sư phụ muốn gởi gắm cho nhân gian. Nhắc nhở chúng ta phải biết quý trọng sinh mệnh, làm nhiều việc thiện không chỉ cho bản thân, mà còn cho mọi người. Đây cũng là một món quà vô giá mà sư phụ dành tặng cho những đệ tử của mình. 
 
Sư phụ thường căn dặn chúng đệ tử : Người xuất gia cần phải mang cái tâm của mình chia sẻ với mọi người. Cũng chính vì vậy, các tác phẩm mà sư phụ đã viết luôn thể hiện được những điều giản dị, gần gũi và rất chân thật trong cuộc sống. Cuốn "Từ Đông Dương tới Tây Dương", ghi lại những việc mà sư phụ mắt thấy tai nghe khi còn đang du học tại Nhật bản; cuốn "Ngũ Bách Bồ Tát Tẩu Giang Hồ", "Một năm tốt lành"… ghi lại khoảng thời gian sư phụ sống bên ngoài, những lời nhắc nhở, cảnh tỉnh chúng đệ tử. Còn cuốn "Cuộc sống thanh thản lúc cuối đời ", ghi lại chân dung của một con người đã khai sáng thúc đẩy tư tưởng "tịnh độ nhân gian" đương đại. Tuy rằng thân mang trọng bệnh, thế nhưng vì tâm nguyện phụng sự chúng sinh, Người đã nỗ lực cố gắng, vượt lên trên cả những nỗi đau về thể xác.
 
 
Những ghi chép trong quyển sách này không phải là một sự tán dương về một con người, mà là muốn khắc họa một cách rõ nét hình ảnh một vị Tăng sĩ xuất gia phật giáo Hán truyền, về sự nỗ lực hoằng pháp, hộ pháp, cũng như những phấn đấu của bản thân để phật giáo Hán truyền có thể tồn tại và phát triển xuyên suốt trong nhiều thập kỉ khác nhau. Đồng thời cũng phần nào thể hiện được tính "Chân Không" – “Diệu hữu” của phật pháp.
 
Ngày 13 tháng 01 năm 2009, đây là khoảng thời gian sư phụ lại một lần nữa trở về từ ranh giới giữa sự sống và cái chết. Sư phụ dặn dò, muốn  chỉnh sửa nội dung lời tự thuật chuyển thể thành tác phẩm "Cuộc sống thanh thản lúc cuối đời". Và chính vì điều đó, cuốn sách này ra đời không chỉ đơn giản là một tập kí sự, mà chính là một cuốn hồi ức về Người, là sự hoàn thành tâm nguyện, cũng như lời dặn dò cuối đời trước khi sư phụ ra đi về cõi vĩnh hằng, Tuy rằng tác phẩm còn một số hạn chế, chưa thể hiện được hết một cách tường tận, thế nhưng đó chính là sự nỗ lực, cố gắng mà sư phụ đã để lại trong những ngày cuối của cuộc đời. 
 
Cuốn sách đặc biệt có sử dụng hai bức viết tay mới được tìm thấy trong căn phòng nhỏ của sư phụ. Một bức nói về việc lâm bệnh và quá trình điều trị của Người, bức còn lại chính là:"Những lời răn dạy chúng đệ tử", được viết vào ngày 12 tháng 3 năm 2006. Lời lẽ ân cần, thiết tha, mong Tăng Ni phật tử Pháp cổ sơn, tinh tấn, tiếp nối sứ mệnh kế thừa nghiệp Tổ, không được quên đi nguồn gốc của mình. Có như vậy, Hán truyền phật giáo, tông phái Pháp Cổ Sơn mới không bị mai một. 
 
Trong suốt quá trình biên tập cuốn sách này, đọc những lời tự thuật của sư phụ được ghi lại khi đang mang trọng bệnh, cảm xúc trong lòng bỗng trào dâng mãnh liệt, khiến tôi không khỏi nghẹn ngào. Mặc dù sư phụ đã không còn nữa, song tôi vẫn cảm nhận được hình ảnh của Người như đang hiện hữu bên tôi – từng nét, từng nét, thật rõ ràng và chi tiết.
 
 
Trong mắt những người bình thường, khi một người đã về già phải chống chọi với những căn bệnh, đối diện với sự đau đớn về thể xác. Tại sao lại có được sự thanh thản và bình an đến như vậy? Đọc xong cuốn sách chúng ta mới phát hiện ra rằng, vốn dĩ cái được gọi là sự thanh thản và bình an, thực ra không hề tồn tại trong hoàn cảnh bên ngoài, trong sự hài lòng, vừa ý của con người về các sự vật, hiện tượng, và ngay cả trong những cái đẹp đẽ, mỹ lệ, cũng không hề có. Mà  nó chính là một loại tâm cảnh, là một cách nhìn nhận trực giác, giao thoa và tiếp xúc với sự sống. Từ đó, mới có thể hiểu được những điều mà sư phụ đã nói : "Trong những ngày tháng cuối cùng, những người đã gặp, những việc đã làm đều khiến Thầy cảm thấy rất mãn nguyện. Cuộc sống của Thầy lúc cuối đời thực sự vô cùng an lạc và thanh thản" .  
 
 
Thích Quảng Hiền (Tổng biên tập Văn hóa pháp cổ) 
 
(Bức thư tay của HT. Thích Thánh Nghiêm sẽ  đăng tải trên PTVN vào số tới)