Trang chủ Blog chùa BRVT: Những hoạt động ngày xuân tại chùa Phật Quang

BRVT: Những hoạt động ngày xuân tại chùa Phật Quang

81

Từ sáng sớm mồng 1, nơi Thiền Tôn Phật Quang đã đón chào nườm nượp người đến xông đất chùa, lễ Phật, chúc tết Thầy, xin lộc cho năm mới và nghe thuyết Pháp. Có thể nói, lâu nay nơi đây đã trở thành một địa điểm du xuân được Phật tử yêu thích mỗi độ xuân về tết đến.

Đế́n chùa đầu năm không chỉ là để ước nguyện, mà ở đó mỗi người chúng ta còn có được giây phút quý giá để hòa mình vào chốn linh thiêng, bỏ lại những nhọc nhằn công việc trong cuộc sống thường ngày. Như thông lệ hàng năm, từ đêm giao thừa đến mùng 6 tết, Thiền Tôn Phật Quang thường tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa nhằm phục vụ nhu cầu tâm linh cho các Phật tử đến chùa.

Từ sáng sớm mùng 1, không khí trên núi có phần se lạnh do sương đêm vẫn chưa tan hết nhưng tất cả Chư Tăng Ni Phật tử đã tề tựu nơi cốc để dâng lời chúc – mừng tuổi Thầy. ĐĐ.Thích Tánh Khoan thay mặt Đại chúng đọc bài tác bạch thật cảm động. Tiếp theo, TT.Thích Chân Quang ban huấn từ đầu năm, sách tấn Chúng đệ tử tu hành và hành đạo sao cho ngày một tăng tiến hơn. Buổi lễ diễn ra đơn giản nhưng thấm tình đạo vị. Sau đó, TT.Thích Chân Quang đã chúc phúc và tặng bao lì xì cho toàn thể Tăng Ni Phật tử, kèm theo tấm thiệp được thiết kế đẹp mắt, mang màu sắc văn hóa Việt và có nội dung là lời Phật dạy, hoặc các câu thi kệ, hàm ý trưởng dưỡng đạo tâm tu hành của người đệ tử Phật.

Sau nghi thức chúc tết Thầy, TT.Thích Chân Quang cùng toàn thể Tứ chúng trang nghiêm nơi chánh điện, thực hiện khóa lễ cầu an đầu năm. Và tiếp theo đó, vào sáng mùng 1, Thượng tọa đã chia sẻ bài Pháp thoại có tựa đề ĐỊNH LƯỢNG TỘI PHƯỚC. Bài Pháp này nhằm giúp quý Phật tử hiểu một phần nào ý nghĩa của TỘI PHƯỚC, biết rõ cái gì là tội, cái gì là phước để biết cách xử lý trong từng trường hợp với tội và phước của mình. Từ đó có thể giải được nghiệp cũ và không gây thêm nghiệp mới. Đồng thời biết cân nhắc tội phước kỹ lưỡng.

Mở đầu bài Pháp thoại, Thượng toạ khẳng định “Ai cũng có tội phước mang theo từ kiếp trước, còn tất cả những thứ khác như tiền tài, người thân, uy tín, danh dự, vinh quang,…ta đều bỏ lại hết. Khoa học chưa thể gắn số tính tội phước cụ thể cho mỗi người. Vì chưa tính toán được nên đây vẫn còn là một phạm trù mơ hồ, dễ bị người ta gán cho là mê tín.

Trong cái triết lý tội phước này, Thượng toạ đã trình bày một số khía cạnh căn bản nhất để minh họa cho những luận sau:

          Tội phước có lúc cấn trừ được cho nhau, có lúc không.

          Ta còn mang theo cái duyên khiến đời này ta sẽ gặp ai, thương hay ghét ai.

          Ta còn mang theo cái duyên gặp hoàn cảnh gì, hay thăm viếng nơi nào.

          Ta chọn ngành nghề gì cũng là cái duyên nhưng còn tội phước sẽ khiến mọi người có đẳng cấp chênh lệch nhau.

          Ta cũng được một phần tự do đối với cái tội phước cùa mình, chẳng hạn ta chọn lựa hưởng cho hết phước hay tiết kiệm phước đó cho tương lai. Người biết đạo thường hay chủ trương kiệm phước để dành dụm làm phước tiếp. Ví dụ: có sức khỏe, người này sẽ biết giữ sức khỏe đó để công quả, lao động, tu tập. Nếu ăn chơi chác táng, phước sẽ hết sạch. Người khôn ngoan sẽ biết số phước mình so với Chư Phật, các vị Đại Bồ Tát chỉ là bèo bọt, nên biết sống kiềm chế, thúc liểm, siêng năng tạo thêm phước, chứ không dại khờ hưởng hết phước. Nếu hết phước mà ta vẫn còn muốn hưởng thì ta âm phước. Lúc đó, phước sẽ thành nợ. Do đó, ta phải làm sao để phước dư chứ đừng để âm phước.

          Ta muốn trốn nghiệp hay trả nghiệp. Sự thật có những cái khổ đến với ta, ta phải đi vào cái khổ đó, để vẫn tha thứ, từ bi, yêu thương, nhẫn nhục mà trả nghiệp, chứ không căm ghét, giận hờn.

          Ta muốn làm phước giải nghiệp hay muốn gây thêm nghiệp. Ví dụ: ta bị nghèo là do nghiệp bỏn xẻn, ta phải bố thí và sử dụng đồng tiền đúng thì mới gọi là làm phước giải được nghiệp nghèo đói. Còn nếu ta lừa đảo để kiếm tiền thì chỉ gây thêm nghiệp và tội sẽ nặng hơn. Nếu ta đến được với Phật Pháp, ta biết cách xử lý trong từng trường hợp với tội và phước của mình. Hoặc người mẹ bênh con chăm chăm, tưởng là thương con, đem hạnh phúc cho con, nhưng không ngờ lại là hại con. Thương con như vậy là ép nó hưởng phước từ tình thương của mình và làm bản ngã của nó tăng lên. Vì vậy, ta phải cân nhắc tội phước rất kỹ.

          Ta phải chiến thằng được sự lười biếng, nhu nhược, thụ động nơi chính mình. Có 3 hạng:

1.    Ta chưa đợi có người khác nhờ mà đã tự kiếm việc để làm. Đó là việc tạo phước để giải tội. Cả đời ta cứ tạo phước mãi như vậy thì đi đâu ai cũng yêu quý.

2.    Còn ai nhờ gì là ta làm liền thì cũng được, nhưng chưa bằng hạng thứ 1.

3.    Còn có ai nhờ mà ta không làm thì ta trở thành người vô dụng, không tăng phước được để giải tội.

          Ta làm sao tạo phước mà không có tâm tự hào bí mật. Mà muốn kiểm soát được tâm hồn mình như vậy là nhờ Thiền định.

Ở mỗi lý luận trên, Thượng toạ đều dùng nhiều ví dụ minh hoạ để làm sáng tỏ vấn đề, mang nét đặc thù của tội và phước.

Cuối cùng, chúng ta có ước nguyện là hứa với Phật sẽ tạo nhiều phước, tránh được nhiều tội, giải được nhiều nghiệp, hóa độ được nhiều người và ngồi thiền được nhiều hơn nữa.

Bài Pháp thoại sáng mùng 2 tết đã kết thúc trong tinh thần hoan hỷ của những người tham dự. Đầu xuân! dòng người hành hương lên chùa để hướng về cõi Phật với bao ước vọng thật là ý nghĩa, khiến không khí ở chùa đầu năm càng thư thái, an lành hơn bao giờ hết.

Ngoài ra, tối mùng 2 tết, theo lời dạy của TT.Thích Chân Quang, Chư Tăng Ni của Bổn tự chia nhau thành các nhóm, có vài đề tài đạo lý nho nhỏ đàm đạo với quý Phật tử tại Chánh điện. Mỗi đêm có 4 nhóm. Ngày mùng 2 tết:

– Nhóm 1: Chú Khải Duy, Khải Tuyên, Khải Thành chia sẻ đề tài: “Phong bao lì xì”.

– Nhóm 2: SC. Thành Duệ, Thành Nghi, Thành Lương chia sẻ đề tài: “Nếu biết rằng”.

– Nhóm 3: Chú Khải Vi, Khải Tính, Khải Thịnh, trình bày đề tài:”Mục đích cuộc sống”.

– Nhóm 4: SC. Thành Chương, Thành Tông, Thành Lý, trình bày đề tài: “Lòng biết ơn”.

Đây cũng là dịp Chư Tăng Ni trẻ rèn luyện khả năng giáo lý để nói trước quần chúng. Bởi vì theo quan điểm của TT.Thích Chân Quang, để thành Giảng sư giỏi, chúng ta phải có một nguồn đạo lý sung mãn tràn đầy mới có thể chia sẻ với mọi người mãi mãi. Mà “Đàm đạo” là bước đầu của diễn giảng, phải tự rèn luyện trên thực tập này đến thực tập kia. Từ đó mới ứng khẩu diễn giảng về sau được./.

Dưới đây là một số hình ảnh về các hoạt động mừng xuân ngày mùng 2 tết tại Thiền Tôn Phật Quang – BRVT: