Trang chủ Blog chùa BRVT: Không khí mồng 3 Tết tại chùa Phật Quang

BRVT: Không khí mồng 3 Tết tại chùa Phật Quang

200

Riêng tại Thiền Tôn Phật Quang (BRVT), vào ngày này có trên 3000 Phật tử viếng chùa, lễ Phật và chúc tết Thầy, bởi trong đạo Phật vai trò của người Thầy tâm linh là vô cùng quan trọng, vì Người dẫn dắt chúng ta tu học để đạt đến sự  giác ngộ giải thoát. Do đó, người Thầy tâm linh sống mãi với thời gian bởi cái chân giá trị mà Thầy hướng tới và dẫn dắt Phật tử cùng đi.

Khi mặt trời dần dần nhô ra khỏi ngọn núi, từng tốp người đã kéo nhau về chùa, khuôn viên Thiền Tôn Phật Quang lúc nào cũng tấp nập cảnh người vào – người ra. Thế là chùa Phật Quang cũng sống vì tâm của mọi người, nên vui với niềm vui của họ, vui với trời đất. Mùa xuân của đạo Phật, mùa xuân của người Phật tử là như vậy. Do đó cứ theo cái lệ của Thiền Tôn Phật Quang, vào những ngày đầu xuân năm mới, chùa cũng chuẩn bị cái Tết sao cho trọn vẹn trong niềm vui hỷ lạc của mùa xuân. Thượng tọa Trụ trì tổ chức cho Phật tử vui xuân đơn giản, nhẹ nhàng, không cầu kỳ và sống vì người, nên mọi người cùng hòa vui trong đạo lý, vui trong sự tỉnh thức. Thường thì Thiền Tôn Phật Quang lấy giáo lý làm niềm vui chính trong các dịp Lễ hội. Một triết lý sống mà Thượng tọa Trụ trì hay nhắc nhỡ Chúng đệ từ xuất gia và hàng đệ tử tại gia là “Ta sống hòa đồng với mọi người, nhưng ta có cái đạo lý riêng của mình, không chìm đắm trong thế tục”. Đó là cái khéo của người tu theo đạo Phật.

Nơi Thiền Tôn Phật Quang, có một điểm nổi bật mà ai cũng nhận biết khi một lần đặt chân lên con đường dẫn vào chùa, đó là Phật tử đến chùa luôn được đón tiếp ân cần trong tình thương yêu tôn trọng. Đặc biệt trong những ngày đầu năm mới, thường có chương trình sinh hoạt dành cho Phật tử như làm Lễ Quy Y, tổ chức lễ cầu an, cầu siêu đầu năm, tổ chức buổi thuyết Pháp do TT.Thích Chân Quang đảm trách, rồi toạ đàm sinh hoạt giáo lý do Chư Tăng Ni Bổn tự chia sẻ với các Phật tử, trong không khí vui xuân đầm ấm, vô cùng đạo vị. Ngoài ra, các nhu cầu sinh hoạt của Phật tử như ăn uống, ngủ, nghỉ, cũng được nhà chùa quan tâm đãi ăn chu đáo. Hơn nữa, nhà vệ sinh  tại chùa lúc nào cũng sạch sẽ, đáp ứng được nhu cầu cá nhân cho khách thập phương đến chùa. Đó là lý do mà ngôi chùa dù trên núi cao vẫn thu hút rất đông giới trẻ và Phật tử đến viếng vào các dịp Lễ lớn của Phật giáo, hay các dịp tết Trung thu, tết Nguyên đán, v.v…

Bài Pháp thoại sáng mùng 3 tết có chủ đề ĐIỀU THIỆN HOÀN HẢO. Mở đầu bài Pháp thoại, TT.Thích Chân Quang ca ngợi những Phật tử đến chùa lễ Phật vào các ngày đầu năm, tức là người biết đặt tâm đạo lên cao, xem những chuyện lạc thú trò chơi tầm thường của cuộc đời là không quan trọng nữa. Nhìn một người muốn giải trí phải tìm vui, mà người ta đi tìm cái gì thì mình biết bản chất của con người đó. Con người ta hay lấy cớ để bộc lộ bản chất của mình ra. Ví dụ người uống rượu thì hay tìm cớ để biện hộ cho mình.

Thường ngày đầu năm mới, mọi người buộc phải vui vì truyền thống bắt buộc như thế, nếu ta không vui, ta có lỗi với mọi người. Mà một khi quy định truyền thống văn hóa bắt buộc ta phải vui thì mỗi người sẽ tìm vui một cách theo bản chất của mình. Có người trong ngày tết, để vui với mọi người có thể tổ chức đánh bài, vì không còn tìm thấy cái gì vui hơn. Có người thì vui quá rủ nhau ăn nhậu, nhưng tuyệt vời nhất là vui quá ta đi chùa. Đó là người số một trong cuộc đời này, có người đôi khi hạnh phúc quá – vui quá lại nghĩ đến Phật thì cái chất thiện trong tim bừng dậy, người này có cơ may sớm xuất gia.

Để định nghĩa “Điều thiện là gì”, Thượng tọa phân tích: Từ khi ta sinh ra trên đời cho đến khi lớn lên có chút nhận thức thì tự nhiên xã hội quy ước, ta phải sống tốt. Có thể có người không tốt nhưng họ khéo giấu cái xấu của mình lại mà chỉ bày cái tốt ra để sống với mọi người, vì trên phương diện xã hội, người ta chỉ giao dịch với nhau bằng cái điều thiện, chứ không cho phép cái điều ác xen vào. Đây là điều Đạo lý cấm và Luật pháp cấm. Tuy nhiên, nếu ai đem điều ác đối xử với nhau một hay hai lần thì được, còn nhiều quá thì sẽ bị loại khỏi cuộc đời bằng cách Luật pháp bắt giam.

Ngày xưa khi sống ở xã hội, trong Luật pháp người ta chỉ được quyền đem cái điều thiện để bày tỏ giao dịch với nhau, thì trong Đạo cũng vậy, cái điều thiện cũng là phương tiện để con người sống với nhau. Đó là bắt buộc, nghĩa là ta phải nói thật với nhau nhẹ nhàng; hoặc trong hành động, nếu giúp được ai thì giúp, v.v… Thế là những quy ước điều thiện như vậy nó tràn ngập cuộc đời, và ai để có thể sống tốt đẹp trong cuộc đời này thì phải cư xử theo điều thiện.

Tuy nhiên, chúng ta sinh ra không phài tự nhiên thánh thiện hết. Ta vẫn còn điều xấu trong tâm nhưng mà vì xã hội quy định điều ác không được đem ra để giao tiếp với nhau. Do đó ta giấu cái điều xấu trong tâm. Còn những ai giấu không được thì bộc lộ ra ngoài. Riêng người nào kiềm chế được, không làm gì lầm lỗi thì ta gọi họ là người tốt – người thiện trong cuộc đời này, nhưng không chắc vì điều ác vẫn còn trong tâm, chỉ là họ kiềm chế thôi. Như vậy, cái thiện là cái quy định mặc nhiên của toàn thể xã hội, và ta hiểu một điều rằng phải sống sao cho thiện. Nhưng với người có trí tuệ, có lý tưởng thì cái gọi là “Thiện” vẫn chưa đủ, mà người này lúc nào cũng vươn tới cái điều thiện hoàn hảo.

Kế đến, Thượng tọa phân biệt sự khác nhau giữa người tầm thường và người trí tuệ:

          Người tầm thường thấy mình không hại ai là được rồi.

          Còn người trí tuệ thì đòi hỏi mỗi ngày họ một hoàn thiện hơn, tốt hơn, vì họ không chấp nhận chỉ tốt, mà phải tốt mãi… tốt mãi, cho tới tột cùng của điều thiện.

Nhân đây, Thượng tọa kêu gọi mọi người đừng bao giờ chấp nhận cuộc sống bình thường với điều thiện nho nhỏ. Khi chưa biết Phật pháp thì thôi, nhưng đã làm một con người đầy đủ căn lành, có duyên biết Phật pháp thì phấn đấu làm sao trong đời mình, phải vươn lên đạt được những điều thiện hoàn hảo.

Nói “Điều thiện hoàn hảo”, là không phải khuyến khích ta bố thí hay cúng dường quá mức mà làm vừa sức với mình, lại còn đúng người; đúng việc; đúng lúc. Mặt khác, khi làm phước phải coi chừng thiện với người này nhưng ác với người khác thì cũng không phải là điều thiện hoàn hảo. Và bằng nhiều ví dụ đơn giản 

cụ thể, Thượng toạ đã chứng minh làm rõ cho những quan điểm rất là
then chốt trong đạo Phật, vừa trình bày trên.  

Sau đó, Thượng tọa đưa ra những yếu tố để nhận biết thế nào là điều thiện hoàn hảo:

1/ Khi giúp ai, ta đừng nghĩ chỉ có vật chất rồi dừng ngang ở đó, mà phải nghĩ đến mục tiêu tinh thần. Ví dụ, ta đem quà đến tặng cho đồng bào bị thiên tai, thì với gói quà đó họ sống chừng vài bữa, lúc khác họ đói trở lại. Đây là điều thiện không hoàn hảo. Muốn trở thành điều thiện hoàn hảo, ta phải gửi gắm vài câu đạo lý kèm trong gói quà, làm sao cho họ tin nhân quả, làm sao cho họ phải chịu cực giúp đời giúp người. Một khi cái ý niệm đó lọt vào tâm họ thì ngày nào có người khác nữa đến cho, sẽ khơi lại ý niệm đó và họ sẽ thay đổi. Như vậy, ta không chỉ cứu họ trong một thời gian ngắn mà ta cứu họ trong đời đời kiếp kiếp, thì đó là điều thiện hoàn hảo.

2/ Làm phước thật nhiều nhưng không bao giờ chấp công. Đó là đạo đức kinh khủng mà Phật dạy trong 600 quyển kinh Bát nhã.

3/ Để làm được điều thiện hoàn hảo, ta phải biết tôn trọng người mình giúp, tức ta giúp họ mà không có ý coi thường.  

4/ Khi ta làm điều phước như bố thí; cúng dường thì chắc chắn có quả báo lành trở lại.  Nếu một đời hay bố thí giúp người thì kiếp sau sẽ trở lại cõi người. Còn như tâm mình tốt hơn nữa thì chắc chắc sau khi chết sinh lên cõi trời. Tuy nhiên, người nào vui thích nghĩ đến quả báo lành khi làm phước thì điều thiện đó không hoàn hảo, vì cái ích kỷ vẫn ngự trị trong tâm mình. Đến đây, Thượng tọa đặt giả thiết, một người làm phước không màn quả báo nhưng khi quả báo đến thì phải làm sao. Lúc ấy, ta phải nguyện với Phật: Xin cho con để dành phước báu này mà làm phước tiếp, cầu cho phước này hướng về tất cả chúng sinh.

5/ Đừng bao giờ bỏ xót cơ hội nào đến với tay ta khi có cơ hội làm phước. Người được mệnh danh làm điều thiện hoàn hào thì luôn chủ động tìm việc để làm, và biết điều gì cần làm không đợi ai rủ.

Lại nữa, đêm mùng 3 tết, cũng vẫn chương trình đàm đạo giáo lý do 4 nhóm Tăng Ni khác thực hiện với sự tham dự ủng hộ tinh thần của đông đảo Phật tử. Mỗi nhóm trình bày một đề tài đạo lý. Qua đó, các vị Tăng Ni trẻ mới xuất gia được dịp xác định vị thế và trách nhiệm của mình trong thời đại mới là gì, để rồi tự nỗ lực phấn đấu tu hành.Với người biết tự đốc thúc bản thân thì khó khăn nào cũng vượt 

qua. Quan trọng không phải ở đích đến mà là sự phấn đấu của một quá trình rèn luyện vất vả để tự tin vào năng lực bản thân, mà bước vào đời phụng sự Phật pháp và nhân sinh. Có thể nói “Tuổi trẻ là thời gian phấn đấu để phát triển và tự định hình mình./.

Xin giới thiệu một số hình ảnh về các hoạt động trong ngày mùng 3 tết tại Thiền Tôn Phật Quang (BRVT)