Chương trình bao gồm nhiều hoạt động, giúp cho Phật tử gần xa về dự lễ, tăng trưởng thêm niềm tín tâm đối với Phật pháp.
Đến tham dự buổi lễ có Chư tôn đức Tăng Ni các Tự viện và tại Bổn tự. Ngoài ra còn có rất đông đảo tín đồ Phật giáo và các Phật tử trực thuộc Tổng Đạo Tràng Phật Quang trong cả nước.
Vào đêm 14/07, số lượng Phật tử về tham dự Lễ Khai Mạc lên đến đỉnh điểm là hơn 2 vạn người. Tuy nhiên, do Phật tử có nhu cầu hành hương thập tự, nên số lượng ở lại chùa dự lễ vào sáng ngày 15/07chỉ còn khoảng gần 7 nghìn người.
Mở đầu chương trình, vào lúc 8h00’ sáng ngày 14/07, tại ngôi Chánh điện đã diễn ra khóa lễ Cầu siêu, cầu nguyện cho hương linh người thân trong gia đình, các chiến sĩ trận vong, các oan hồn uổng tử chưa siêu thoát sẽ được siêu sanh về cảnh giới an lành; đồng thời cầu cho quốc thái dân an, thế giới được hòa bình và ông bà cha mẹ còn hiện tiền được tăng phước tăng thọ.
Kế đến, ĐĐ.Thích Nghiêm Tịnh và ĐĐ.Thích Nghiêm Giám, thực hiện nghi thức Quy y Tam Bảo cho gần 700 Phật từ mới.
Cứ mỗi dịp Lễ lớn của Phật giáo, Thiền Tôn Phật Quang đều tổ chức buổi giao lưu nói chuyện của các nhân vật nổi tiếng, có sức ảnh hưởng lớn đối với cộng đồng, cho các Phật tử được dịp học hỏi, mở mang kiến thức xã hội, kiến thức Phật học. Đặc biệt là giới sinh viên có cơ hội chiêm nghiệm những tấm gương của người anh người chị đi trước, sống có lý tưởng cao đẹp, sống để phụng sự mọi người. Vì vậy, vào lúc 14h00, tại Lễ Đài đã diễn ra chương trình giao lưu giữa Chư tôn đức, các Phật tử với nhóm làm phim Sen Việt, mà hai nhân vật điển hình là đạo diễn Điệp Văn và biên tập Lâm Ánh Ngọc. Họ là những người Phật tử thiện nguyện xuất sắc, đã đem sức trẻ và tâm huyết của mình để phụng sự Phật pháp thông qua hoạt động từ thiện, cũng như các dự án: Sen Vàng Ngát Hương – hành trình Phật Ngọc, đặc biệt là dự án giáo dục mang tên Chia Sẻ Mầm Yêu Thương, với phát tâm kết nối Phật pháp và đời sống theo phương châm “Tốt đạo – đẹp đời”, trên tinh thần giáo dục đạo đức cho giới trẻ.
Để mở đầu buổi giao lưu, toàn thể hội chúng được xem những đoạn Video clip giới thiệu về các dự án cũng như các sản phẩm đã được phát hành của hãng phim Sen Việt.
Kế đến, thầy Khải Pháp – người dẫn chương trình, thay mặt thính giả đặt những câu hỏi xoay quanh cuộc đời, sự nghiệp, nhân duyên của họ đến với Phật pháp, cùng một số hoạt động nổi bật của hãng phim Sen Việt từ khi được thành lập đến nay và sau cùng muốn biết ước mơ trong tương lai của nhóm Sen Việt là gì.
Trên tinh thần giao lưu, anh Điệp Văn và chị Lâm Ánh Ngọc đã mang đến cho các thính giả một cuộc trò chuyện thân tình, thú vị, sâu sắc, kể lại những điều kỳ diệu trong nghề nghiệp khi có niềm tin với Phật Pháp. Buổi nói chuyện đã tạo dấu ấn, đầy cảm xúc đối với người xem, thông qua hình ảnh sống động, những người đệ tử Phật biết ứng dụng Phật pháp hoá giải khó khăn để đi đến thành công. Vinh dự nhất có lẽ là 4 câu thơ mà Hòa thượng thượng Giác hạ Toàn đã tặng cho đoàn làm phim Sen Việt về dự án hành trình Phật ngọc tại Việt Nam, đó là:
Sen vàng sử Phật ngàn năm báo
Việt quốc thiêng liêng bát ngát tình
Phim truyện Tổ tăng lưu dấu tích
Ảnh hình từ biển đẹp tâm linh.
Để kết thúc chương trình giao lưu, TT.Thích Chân Quang thay mặt nhà chùa tặng hoa, kèm với những lời động viên, tiếp thêm sức mạnh cho nhóm phim Sen Việt trên con đường phụng sự Phật pháp, làm đẹp cuộc đời.
Thể theo chương trình, đúng 18h30’, ĐĐ.Thích Tánh Khoan hướng dẫn nghi thức Lễ tưởng niệm những vị quá cố trong Bổn tự, đó là Sư chú Thích Thông Thái, sư cô TN.Liễu Nghiêm, sư cô TN.Viên Hạnh, là những tấm gương tu hành vẫn còn sống mãi trong tâm tư, trong ký ức của Đại chúng và Phật tử Thiền Tôn Phật Quang.
Tiếp theo, tại sân Chánh điện, toàn thể hội chúng tọa thiền 30 phút dưới sự hướng dẫn của ĐĐ.Thích Tánh Khoan. Và TT.Thích Chân Quang mở đầu đêm khai mạc đại lễ bằng bài Pháp thoại có tựa đề CẢM TÍNH – CẢM TÌNH – LÝ TRÍ – DUY Ý CHÍ. Nội dung bài Pháp này nhắm đến việc phân tích tình cảm thương ghét của chúng sinh và cảnh tỉnh mọi người phải cẩn thận với dạng tình cảm thương ghét đó, vì tình thương làm cho ta hạnh phúc, cũng làm cho ta đau khổ và làm ta hư. Ta phải hết sức dè dặt sử dụng tình yêu thương của mình cũng như đón nhận tình yêu thương của người khác.
Ngoài ra, trong mùa lễ Vu Lan này, Thượng tọa còn truyền tải một thông điệp đầy tính nhân văn, đó là, nhắc nhở lòng hiếu của con cái đối với cha mẹ cũng như tình thương của cha mẹ dành cho con. Trong đó nhấn mạnh nếu cha mẹ thương con thì đừng có thương theo cảm tính, đừng có duy ý chí mà phải thương con mình trong trí tuệ, trong lý trí, trong khôn ngoan. Tức thương mà không để con mình hư, không để chúng ỷ lại, yếu đuối. Cha mẹ thương con phải dạy dổ, phải bắt con tu tập tạo phước để nâng cái giá trị con mình lên trong mắt mọi người.
Ngược lại, phận làm con đối với cha mẹ cũng vậy, đừng vì lòng hiếu kính đối với cha mẹ mà chiều cha mẹ, phụng dưỡng cha mẹ không có nghĩa là chiều cha mẹ những điều sai. Con cái báo hiếu, phụng dưỡng cha mẹ là đem đạo lý, làm sao giúp cha mẹ tu. Ngoài ra, mọi ân nghĩa khác trên cuộc đời cũng như vậy, ta yêu thương ai hãy cho họ đạo lý thì tình yêu thương đó sẽ bền bỉ. Còn yêu thương ai mà ta nuông chiều, quỳ lụy sẽ có ngày chia tay.
Đến đây thời Pháp kết thúc, BTC nhường sân khấu lại cho MC Xuân Chánh và Hạ Trâm điều khiển chương trình Văn nghệ có chủ đề THEO MẸ LÊN NÚI THEO CHA XUỐNG BIỂN. Được biết, đêm văn nghệ tại Thiền Tôn Phật Quang thật hoành tráng, mang đậm màu sắc văn hóa của nơi diễn ra Lễ hội và đem đến cho người thưởng thức nhiều cảm xúc theo từng cung bậc khác nhau khi nhớ về ân cha nghĩa mẹ.
Sáng hôm sau (15/07), buổi lễ Vu Lan chính thức bắt đầu lúc 8h00’.
Mở đầu là nghi thức Niệm hương, bạch Phật. Và bài Pháp thoại có chủ đề THEO MẸ LÊN NÚI THEO CHA XUỐNG BIỂN, được Thượng tọa khúc chiết trình bày thật sâu sắc từ nội dung lẫn ý nghĩa, khơi dậy lòng biết ân đối với người cha người mẹ đầu tiên của dân tộc. Và để thể hiện lòng hiếu kính vô biên đối với tổ tiên, ta nguyện sẽ là người con hiếu của cha Lạc Long Quân và mẹ Âu cơ. Ta nguyện cầu Người đưa bước cháu con ta về đến bến bờ tươi sáng. Chúng ta nguyện tu dưỡng đạo đức sâu sa để xứng đáng là con rồng cháu tiên.
Để thực thi được ước nguyện tu dưỡng đạo đức sâu sa, xứng đáng là con rồng cháu tiên, Thượng tọa truyền trao cho mọi người 3 khẩu lệnh để sống. Nếu là người trẻ thì tự ghi khắc những khẩu lệnh này thành mệnh lệnh suốt đời của mình. Còn người lớn tuổi thì truyền dạy lại ngàn đời cho con cháu 3 khầu lệnh, đó là: “Tu để diệt trừ bản ngã; Sống để phụng sự mọi người và khi tổ quốc bị xâm phạm thì kiên cường bất khuất”.
Nếu tất cả trong tâm hồn người Việt Nam đều có 3 khẩu lệnh này thì chắc chắn chúng ta sẽ xây dựng đất nước mình trở thành giàu đẹp, để đóng góp nhiều nhất cho nền hòa bình thịnh vượng của thế giới, chứ không phải ta xây dựng Việt Nam thành một quốc gia giàu đẹp để tự hào, kiêu hảnh cho riêng mình. Nếu người nào mà tâm ta thay đổi cái quan điểm, không còn sống cho mình nữa thì dần dần ta sẽ thấy sự mầu nhiệm của trời đất đến với ta. Nếu từng người có thể sống vì mọi người được thì cả đất nước, sẽ có lúc ta sẽ sống vì cả thế giới này được.
Hôm nay, ngày Vu Lan Báo Hiếu, chúng ta nghĩ đến, mẹ ta ngày xưa dắt bao nhiêu người con lên núi để mở mang bờ cõi – cha dắt bao nhiêu người con về biển khơi để mở rộng biên cương. Vì vậy, ta ước mong, ngày nào đó lên đến đỉnh núi ở địa đầu biên giới phía Bắc, sẽ có đền thờ Mẹ Âu Cơ ở đó. Hoặc ra tận Trường Sa – Hoàng Sa sẽ có đền thờ Lạc Long Quân. Thấy gốc tích mà nhớ Người, để biết rằng mẹ và cha đã dạy ta, gìn giữ cho ta biên cương xa xôi mênh mông mà bao nhiêu nghìn năm qua ta chưa hiều lắm. Nay ta cũng ca ngợi công lao của nhà Nguyễn, từ những vị Vua Gia Long, Minh Mạng đã hết sức chú ý tới chủ quyền biển đão. Ta cũng nhớ đến công lao của nhà Trần, hoặc những người Lãnh đạo của Việt Nam gần đây mà biết giữ gìn bờ cõi biên cương, khiến cho đất nước ta có được bộ mặt như ngày hôm nay.
Trước khi kết thúc bài Pháp thoại, Thượng tọa còn gửi gắm tình cảm thiêng liêng của mình đến với cha mẹ đầu tiên của dân tộc Việt Nam trong ngày nhớ ơn, một bài thơ thật cảm động, rất ý nghĩa:
Đứng trên non cao như được nhìn thấy mẹ.
Hiểu trái tim Người như trời đất bao la
Đứng giữa biển khơi như được về với cha
Hiểu tấm lòng người như lời ca sóng vỗ
Hơn bốn nghìn năm khi bình yên hay bão tố
Non nước này còn đó những người con
Với Tổ tiên một lòng dạ sắt son
Nước chảy mãi dẫu đá mòn mà tình yêu thêm lớn
Mái chùa cong, tiếng chuông vang, trái tim người vô tận
Chúng con quỳ nghe lòng sâu đậm một niềm thương
Mong Phật pháp nhiệm mầu soi tỏa mười phương
Để pháp giới vang hồi chuông giải thoát.
Tiếp theo, toàn thể hội chúng tụng bài SÁM VU LAN. Sau đó, Chư tôn đức Tăng Ni cài lên áo mỗi Phật tử một biểu tượng có hình ảnh cha Lạc Long Quân – mẹ Âu Cơ rất đẹp, thầm nhắc nhở con người tìm về nguồn cội tổ tiên. Nhân ngày biết ân cuộc đời, Thiền Tôn Phật Quang không cài hoa hồng để nhắc riêng về MẸ mà cài các biểu tượng thay đổi từng năm để nhắc đến từng ý nghĩa khác nhau như vậy.
Đến đây, lễ hội Vu Lan đã khép lại, nhưng dư âm của nó chưa thể phai nhòa trong tâm thức của những người mang trái tim mình đến với Phật. Cảm xúc chắc là không ai giống ai, nhưng biết đâu tất cả những người con Phật nhân mùa Vu Lan đều hòa chung một niềm vui, một hạnh phúc lớn, đó là mong làm cái gì có ý nghĩa để dâng cho cuộc đời ./.
Dưới đây là hình ảnh của những hoạt động diễn ra từ ngày 14 – 15/07/năm Nhâm Thìn về Lễ Hội Vu Lan tại Thiền Tôn Phật Quang: