Trang chủ Tuổi trẻ BRVT: Hội thảo nói không với việc ăn thịt Chó tại khóa...

BRVT: Hội thảo nói không với việc ăn thịt Chó tại khóa hè Phật Quang

76

Buổi thảo luận với sự góp mặt của tất cả 8 Chánh. Mỗi đợt sẽ có 2 Chánh cùng lên thảo luận, hai bên đối đáp trình bày quan điểm của mình, tức là bên phản đối đưa ra ý kiến trước nhằm bảo vệ quan điểm của mình, còn bên kia sẽ dùng lập luận ngược lại để thuyết phục đối phương. Nếu Chánh nào phân tích vấn đề chưa chuẩn xác thì các thành viên trong Chánh đó, hoặc Chánh khác được quyền xung phong lên trợ giúp.  

Mở đầu, Chánh Cần đặt vấn đề: Chó tôi nuôi nên thuộc quyền sở hữu của tôi, vì vậy tôi có ăn thịt nó cũng không có gì sai cả. 

– Chánh Hạnh đáp lại: Nếu nói tôi nuôi nó, tôi có quyền ăn thịt là vô lý. Chẳng lẽ cha mẹ đẻ con ra thì có quyền ăn thịt con sao? Không phải tất cả những gì mình sở hữu là đều có quyền giết hại và ăn thịt. 

Chó là con vật nuôi có mối quan hệ gần gũi thân thiện với những thành viên trong nhà. Nó biết thể hiện tình cảm khi thấy chủ đi xa về, thậm chí có con rất thông minh biết cứu chủ thoát nạn, và bao giờ cũng trung thành với chủ. Vậy tại sao ta nở giết mổ con vật trung thành với mình ăn thịt. Bạn có thấy xấu hổ khi con người là loài cao quí nhất lại đối xử tệ bạc với con vật có ân nghĩa với mình không. 

– Chánh Cần: Một bạn khác trong Chánh Cần nói: Tôi mua chó ngoài chợ bán để ăn, tôi không ăn chó do tôi nuôi, cho nên vấn đề tôi ăn thịt chó đâu có gì sai. 

– Chánh Hạnh phản biện: Nếu nói những con vật bạn nuôi thì khi giết nó bạn buồn, bạn mang tội. Vậy thì bạn đi mua những con khác sử dụng cho nhu cầu của bạn thì bạn không có gì áy náy trong lương tâm cả. Bạn ơi xã hội càng văn minh chừng nào thì người trong xã hội đó càng có đạo đức chừng ấy. Một đứa trẻ chưa được cha mẹ dạy gì nhưng một hôm nó không ăn thịt. Cha mẹ hỏi thì nó trả lời là không ăn vì không muốn một con vật bị đau. Vậy người nào ăn thịt chó là người không văn minh và thiếu đạo đức. 

Bạn mua con chó người khác nuôi để ăn cũng giống như bạn không ăn thịt con mình, bạn ăn thịt con của người khác, nghĩa là bạn không thấy đau, không thấy thương nhưng có người khác thấy đau, thấy xót vì mất con chó thân yêu của họ. Phải chăng bạn đã xúc phạm đến gia đình nào mất con chó đó. Vậy vẫn là một sự tổn hại, một sự tổn thương, một sự xúc phạm giữa người và người.  

Nếu không có người ăn thịt chó thì sẽ không có người ăn trộm chó bán cho người ăn. Và người ăn trộm chó đôi khi bị người mất chó giết hại như vụ việc người trộm chó bị đánh chết vì vừa trộm chó vừa bắn người truy bắt ở H.Thạch Thành (Thanh Hóa) mà Báo Thanh Niên mới đưa tin cách nay một tuần.

– Chánh Cần quyết bảo vệ lập trường của mình nên đổ lỗi cho người ăn trộm chó, còn mình chỉ là mua thịt ăn nên không có tội lỗi gì cả. 

– Chánh Hạnh không đồng ý cách nghĩ này, cố gắng thuyết phục tiếp: Bạn nên biết không phải chỉ người ăn trộm chó có lỗi mà cả người ăn thịt chó và người giết tên trộm chó cũng có lỗi; nếu không có người ăn thịt chó thì không có người ăn trộm chó để cung cấp theo nhu cầu ăn thịt. Do người ăn trộm thiếu tiền để mưu sinh nên sinh ra nạn trộm cắp chó. Và người chủ con chó vì bức xúc trước cái chết đối với con vật trung thành mà họ xem như bạn hay một thành viên thân thiết trong gia đình, vì vậy họ sinh ra phẩn nộ rồi đi đến hành động giết người đã trộm chó. 

– Những ý kiến khác thuộc Chánh Hạnh:

Các bạn thử nghĩ: Ví dụ có người nào đó bắt tay mừng rỡ, nói yêu thương mình, đối xử tử tế với mình, hai người trở thành bạn thân với nhau. Bỗng một ngày người đó lấy dao cắt cổ, giết hại mình thì người đó là loại người gì? – Có phải họ là người phản bội, không trung thành, hai mặt, tráo trở, bất thiện không. Người ăn thịt chó là người như vậy.  

Con chó hàng ngày mình vuốt ve, bồng ẵm, mình đi đâu về nó vẫy đuôi chạy đến bên cạnh mừng rỡ, nó tốt bụng biết giữ nhà cho mình, biết an ủi khi mình buồn (nó liếm vào chân, vào tay, rúc đầu vào lòng chủ của nó) vậy mà khi thèm ăn thịt chó mình đem nó đi đập đầu, cắt cổ hoặc bỏ bao nhận xuống nước cho đến chết, rồi đem thui, lột da, mổ bụng, xẻ thịt chế biến thành món ăn để phục vụ cho mình và bạn bè vui chơi…Người như vậy xài không được, vì đối xử với con chó như vậy thì đối xử với con người cũng không khác mấy. Đó là điều mình không chấp nhận người ăn thịt chó.

 

Không có trại nuôi chó, tất cả chó ăn thịt đều là chó nhà, nếu không phải chó mình nuôi thì cũng là chó của người khác nuôi, không thể nói con chó đó mình không nuôi nên cứ ăn thịt bình thường, không có gì phải dằn xé lương tâm. Mình mất đi cái mà mình yêu quý thì có buồn không? Người khác cũng có tâm trạng như mình vậy. Chúng ta tôn trọng người khác là tôn trọng chính mình, đừng lấy đau khổ của người khác làm niềm vui cho mình. Các bạn ơi! Mình rất mong muốn những ai từng ăn thịt chó hãy bỏ thói quen này và những ai chưa ăn thì đừng nên ăn.   

Tiếp theo, đồng cảm với Chánh Cần, Chánh Niệm cãi tiếp: Pháp luật không quy định việc ăn thịt chó là có tội, thế nên tôi ăn thịt chó là không phạm pháp, không có tội.

– Lý lẽ này không thuyết phục, Chánh Nguyện liền phản biện:

Chó là con vật có linh tính và có lòng trung thành đặc biệt, thử hỏi một con vật đã quyến luyến con người, giúp đỡ con người, thế chúng ta không để cho nó có một vị trí xứng đáng trong lòng mà phải giết nó một cách man rợ chỉ để phục vụ cho nhu cầu ăn uống của mình. Hành động này có tàn nhẫn, ác độc, đủ kết thành tội không, vì nó là cái gì đó nhói buốt trong tâm khảm của bất cứ ai có lương tri.

– Chánh Niệm: Trong xã hội ngày nay, ai làm sai pháp luật thì bị bắt, nhưng tôi là công dân mẫu mực, tôi thích ăn thịt chó thì có gì phạm pháp đâu, bạn lấy lý luận nào mà nói tôi sai? 

– Chánh Nguyện: Hiện tại pháp luật chưa cấm hành động ăn thịt chó nhưng đạo đức đã quyết định nền tảng cho xã hội. Bạn có tiền có thể mua được những món ăn như vậy nhưng tiền bạc có đền bù được sinh mạng của những con vật đó không. Chúng là một sinh linh, cũng có mạng sống. Ai biết quý mạng sống của con vật cũng là một cách tích đức, bằng ngược lại là tạo tội. Mặt khác, hành động ăn thịt động vật như thế liệu có làm cho đất nước phát triển hay chỉ làm người phương Tây nhìn vào bằng ánh mắt khinh bỉ đối với dân tộc Việt Nam. Người công dân tốt thì không bao giờ hành động để hình ảnh của đất nước bị ảnh hưởng.

Tiếp theo, một bạn bên dưới xin trợ giúp, bạn ấy kể rằng: Ở Tây phương, con chó gần gũi với con người, ai ăn thịt chó bị coi là man rợ. Cho nên, khi họ đến phương Đông thấy cắt cổ chó, ăn thịt là họ xem như man rợ, rừng rú và đáng khinh bỉ. Mình nghĩ điều họ khinh bỉ là đúng. Nếu không muốn dân tộc mình bị người ta khinh thường, vậy đừng ăn thịt chó. Tại nhiều quốc gia Tây phương và Hồi giáo, việc giết chó làm thịt và ăn thịt chó được coi là tàn bạo và bị cấm. Ở Việt Nam, tuy pháp luật không quy định việc ăn thịt chó là có tội nhưng vì tinh thần tự tôn dân tộc, chúng ta hãy nói không với việc ăn thịt chó.

Một ý kiến khác từ Chánh Trí: Nói theo Nhân quả – Luân hồi, con chó rất gần gũi với con người. Thực sự nó là người thân của mình ở kiếp nào đầu thai lên chứ không xa lạ lắm đâu. Giết một con chó là bằng giết nửa con người, nhân quả đó sẽ có ngày phải trả. Khi nhìn con chó ta thấy cái đầu, cái má, cái bụng nó là thân hình nó… Kỳ thực đó là cái gì thân yêu của nó, là cuộc sống của nó. Nhưng người ăn thịt chó lại thấy cái má, cái bụng, cái mông của nó là những miếng thịt chiên, thịt hầm gì đó. Phải chăng mình ác! 

Đặt vấn đề có người ngoài hành tinh đến đây, họ nhìn cái má phúng phính của chúng ta, họ nói lóc ra một miếng nấu ngon lắm thì các bạn nghĩ sao? Mình thấy cái thân của con người yêu quý như vậy mà lại đem đi chế biến làm thức ăn, nhai rau ráu thì tàn nhẫn quá! đau đớn quá!

Việc giết một con vật thì pháp luật không ngăn cấm, nhưng lương tâm các bạn không an ổn vì các bạn đã chà đạp những tình cảm mà chính mình đã gầy dựng, để rồi cuối cùng kết thúc trong một sự nhẫn tâm. Dân gian ta có câu: “Khuyển – mã chi tình”, tức chó và ngựa là những con vật có nhiều tình cảm với con người, đã giúp đỡ con người rất nhiều, đáng ra con người phải biết mang ân chúng. Và đối với con vật có ân với chúng ta, chúng ta phải quý trọng, thương yêu, đằng này con người lại ăn thịt chính con vật trung thành với mình.

Mình biết, cách đây nhiều năm, có ông đó hay bắt chó đem về nhà đâm cho nó mù mắt, nuôi làm chó thịt rồi bán. Sau đó ông ấy chết thê thảm, không nhắm mắt. Phải lấy con dao ngày trước giết mổ chó đưa qua đưa lại trước mặt ông và cầu nguyện thì ông mới nhắm mắt ra đi. Các bạn thấy không, dù pháp luật không cấm, không bắt thành tội nhưng Luật Nhân Quả cao hơn tất cả và sẽ xử tất cả.  

Không chịu thua, Chánh Trí cố gắng đưa ra lập luận là: Tôi chấp nhận Luật Nhân Quả, bạn hãy phân tích cho tôi thấy khi giết một con chó thì có gì khác biệt với giết một con gà, con kiến hay không, tôi nhìn vào đâu để biết đúng hay sai? 

– Chánh Tín đáp: Thịt chó khác với thịt gà thịt heo là vì con chó được nuôi bằng sự vun bồi tình cảm. Có những chú chó thông minh đã xả thân cứu chủ khi chủ gặp tai nạn, trong khi những con vật khác không làm được điều này. Chó có ích trong đời sống tình cảm của chúng ta như vậy, thế mà mình nở ra tay tàn nhẫn với nó, đã giết nó man rợ, ăn thịt nó, đó là việc làm phản bội lại những gì chó đã làm cho chúng ta. Các bạn thử đặt mình vào hoàn cảnh của con chó, tức là các bạn đã cống hiến trọn đời mình cho người nào đó, cho một xã hội nào đó, mà nếu như ngày kia xã hội đó nổi lên phong trào ăn thịt các bạn, lúc đó các bạn mới trải nghiệm hết nỗi đau đớn về tinh thần và thể xác của mình khi bị phản bội là thế nào. 

Ăn thịt chó là sự nhẫn tâm đến tột cùng. Nó không phải sự nhẫn tâm để so sánh loài động vật này hay loài động vật khác mà sự nhẫn tâm ở chỗ là con người có thể tráo trở 

Nếu các bạn có nhu cầu ăn thịt chó thì chắc chắn sẽ có những tiệm mở ra để bán thịt chó, có những tiệm thu mua chó, sẽ có những người tìm mọi cách bắt chó để cung cấp cho những tiệm thu mua đó. Thế là dần dần thành tệ nạn, thành những vụ án như chúng ta vừa mới nghe Báo chí đề cập đến. Những người trộm chó bị những người nuôi chó căm phẩn khi mất đi người bạn, dẫn đến bạo lực, thậm chí giết người, đó là mức tội sâu xa hơn nữa. Thịt một con chó là làm tăng thêm tội lỗi của con người. Hiện nay ăn thịt chó gây xung đột xã hội ở khắp nơi. Những vụ ăn trộm chó bị đánh chết đã xãy ra ở nhiều nơi rồi. 

Chánh Trí: Giết chó khác giết con vật khác thế nào?

– Chánh Tín trả lời rất hay rất ý nghĩa, theo Chánh Tín, ở đây sự giúp đỡ hay tội phước được tính theo cái thang đẳng cấp về đạo đức của con người. Ví dụ khi ta giết một người đạo đức, rất có công với cuộc đời thì tội đó rất nặng. Còn khi giết một tên cướp quá ác thì không kết thành tội mà nhiều khi còn có phước. Vậy hành động giết một ai đó được quy tội nặng hay nhẹ là tùy thuộc vào đối tượng. Cũng như việc bố thí, nếu ta cho tiền người đánh bài thì có tội, ngược lại cho tiền học sinh nghèo mua vở viết thì có phước. Tương tự, động vật cũng có nhiều đẳng cấp. Có những động vật không có giá trị tinh thần, cả cuộc đời nó sống vô nghĩa, đối với trái đất nó chỉ là một chấm nhỏ của sinh thái thì khi ăn con vật đó (con tép, con hào) bạn cũng có tội nhưng không bao nhiêu nhưng cái đẳng cấp mà lên cao dần tới con chó thì là loài cao cấp, vì con chó là loài vật có chuyển động, có tinh thần, có tình cảm thương mến, có tác động lớn đối với văn hóa và cuộc sống con người. Cho nên khi ăn con vật như vậy tạo thành tội rất nặng. 

Nghe Chánh Tín trả lời hợp lý quá, lúc này Chánh Đạo không thể nào cực đoan cố chấp mãi nên rối rít hỏi: Giờ biết ăn thịt chó là có tội nhưng mình lỡ ghiền rồi, các bạn có cách nào giúp mình từ bỏ không? 

– Chánh Tâm đáp ngay: Vì đạo đức chúng ta hãy bảo vệ, chăm sóc chúng như người bạn đồng hành thân thiết trong cuộc sống. 

Chúng ta cần nâng cao ý thức yêu thương, chăm sóc, bảo vệ loài động vật này nhiều hơn. 

Chó là loài động vật cực kỳ thông minh, có tầng số tâm linh cao. Khi giết một con chó làm nó đau đớn, giận dữ, sợ hãi thì chúng sẽ tiết ra chất độc ở trong thịt, mà khi ăn thịt đó con người cũng đồng thời ăn cả chất độc này. Cho nên, với người không hiểu biết, họ ăn thịt chó thấy có vẻ ngon nhưng người ăn không ngờ mình đã ăn phải thịt nhiễm nhiều độc tố. Vậy có nên ăn thịt chó không, khi mà món ăn này không chỉ gây ra đau đớn cho con vật thông minh gần gũi với con người, mà còn mang đến nguy cơ về sức khỏe đối với người ăn thịt nó. Ở thời đại này, thực phẩm đã đầy đủ hơn, chúng ta có nhiều sự lựa chọn nên không cần phải ăn thịt chó. 

Nếu mọi người biết nguồn gốc loại thịt chó mà họ đang ăn, chắc không ai dám ăn nữa. Rất nhiều chó bị bệnh, đầy vi trùng vi khuẩn, giun sán vì không được tẩy giun, tiêm thuốc, có con còn mắc bệnh dại. Và những loại này có thể lây sang người ăn thịt. Tỷ lệ mắc bệnh dại, bệnh tả là mối đe dọa đối với những ai chuyên ăn thịt chó. 

– Chánh Tín: Mình không ăn thịt chó nhưng ăn con khác thay thế được không? 

– Chánh Tâm trả lời: Bạn nên tập ăn những con rất thấp như con tép, cá nhỏ, rồi tiến dần lên ăn chay và có thể đến chùa tu tập là hay nhất. 

– Chánh Tín: Bạn có thể nói cho mình biết lợi ích của việc ăn chay không? 

-Chánh Tâm: Ăn chay tránh được những tội ác về sát sinh, tránh được quả báo oán thù. Ông Léonard Da Vinci cho rằng “Những ai không biết quý trọng sự sống của những sinh vật khác là những kẻ không đáng sống”.

– Ăn chay phòng chóng được nhiều bệnh tật. Ông Albert Einstein là một người yêu chuộng hòa bình, tôn trọng sự sống của muôn loài và đã từng phát biểu: “Không gì ích lợi cho sức khỏe của con người để có cơ hội sống lâu trên quả địa cầu này bằng cách ăn chay”.

– Ăn chay để được tươi trẻ, sống thọ. Hãy nhìn Tổng thống Bill Clinton nhờ ăn chay mà có sức khỏe tốt. Còn Tổng thống Bút, để giữ hòa bình trên toàn thế giới, ông đã quyết một đời chỉ toàn ăn rau, và ông Bill Gates cổ võ ăn chay để bảo vệ môi sinh.

– Ăn chay vì môi trường, vì bảo vệ động vật. Ông Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen, Lê Phước Vũ là người ăn chay trường và rất yêu động vật.

– Khi ăn chay lòng bạn thanh thản, nhìn cuộc sống bằng ánh mắt nhân từ và bao dung hơn, v.v… 

– Chánh Tín: Nếu bạn có lời khuyên cho các bạn ăn thịt chó thì bạn khuyên thế nào?

– Chánh Tâm: Bạn hãy suy nghĩ đến nỗi đau của con vật mà dừng lại, đừng ăn nữa, chuyển sang ăn chay đi bạn. Hãy nghĩ đến đạo đức và sức khỏe của chính bạn mà từ bỏ ăn thịt chó. Hãy ăn chay vì thương xót súc vật, nhất là vì lòng từ bi, biết là tất cả chúng sinh đều muốn có hạnh phúc và không muốn đau khổ. 

Và buổi hội thảo đã thực sự nóng lên ở phần cuối chương trình. Nhận thấy các em học sinh rất thông minh, đặc biệt các em từ lớp 9 đến lớp 11 có những nhận định đối với vấn đề thật sâu sắc. Đáng khen hơn là các em nhỏ chỉ mới lớp 5, lớp 6 cũng xin phát biểu, về mặt ý nghĩa, ý kiến của các em lại không thua các anh chị của mình.

Một em thuộc Chánh Hạnh chia sẻ: “ Em thấy buổi hội thảo này thực sự rất ý nghĩa. Sau khóa hè này, khi về nhà em sẽ nhắc nhở người nhà, bạn bè, những người chung quanh thích ăn thịt chó hãy cố gắng từ bỏ không ăn nữa. Vì đạo đức chúng ta hãy bảo vệ, chăm sóc chúng như người bạn đồng hành thân thiết trong cuộc sống của mình. Chúng ta cần nâng cao ý thức yêu thương, chăm sóc, bảo vệ loài động vật này nhiều hơn.

Với sự tham gia ý kiến nhiệt tình của các bạn học sinh, buổi hội thảo đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng mỗi người tham dự./.

Dưới đây là một số hình ảnh về quang cảnh của buổi hội thảo NÓI KHÔNG VỚI VIỆC ĂN THỊT CHÓ diễn ra tại Thiền Tôn Phật Quang: