Đồng thời, còn có sự tham dự của gần 1,5 vạn lượt Phật tử, khách thập phương, các văn sĩ, nghệ sĩ, các giới trí thức thuộc các tỉnh thành trong cả nước và 1400 sinh viên thuộc các trường Đại học tại Tp.HCM, Đồng Nai, Thủ Đức về tham gia công quả phục vụ cho Đại lễ.
Đặc biệt, trong kỳ lễ này có sự hiện diện của vài người nước ngoài, có vị còn tham gia công quả làm việc nhiệt tình như một người phật tử nằm trong các Ban phục vụ Lễ. Hình ảnh ấy khiến mọi người không khỏi khâm phục bởi đạo tâm của vị ấy.
Được biết, chương trình Đại lễ Phật đản tại Thiền tôn Phật Quang đã diễn ra nhiều hoạt động bắt đầu từ ngày 14 – 15/04/Ất Mùi, bao gồm: Khoá tụng kinh cầu an, cầu siêu, quy y Tam bảo, thuyết Pháp, giao lưu nhân vật, văn nghệ, v.v… Chương trình nào cũng mới lạ, hấp dẫn, mang tính giáo dục cao để nâng tình yêu đạo trong tâm của mỗi người khi đến chùa. Đây là mục đích chính mà Thượng tọa Trụ trì đã định hướng khi tổ chức một buổi lễ lớn của Phật giáo. Dù rằng ngàn năm xưa nào ai biết; trăm năm qua nào ai hay, chỉ biết hiện tại trong giờ phút nhiệm mầu này mọi người đã thấy trong lòng mình có Đức Phật thị hiện qua việc tiếp xúc với môi trường lúc nào cũng ngập tràn đạo lý giữa người với người trao cho nhau.
Nếu không có đạo thì không dễ gì mấy chục ngàn con người sống chung nhau mà mọi sinh hoạt đều diễn ra tốt đẹp, nề nếp, không có hiện tượng chen lấn xô đẩy, không có tình trạng phân biệt, không vứt rác bừa bãi, không có khói thuốc lá, không nói lời khiếm nhã, v.v…Đó là lý do mà ngày càng nhiều người rũ nhau về chùa Phật Quang tham dự Lễ hội. Ôi hạnh phúc cho những ai một lần tham gia Pháp hội này là đã gieo được hạt giống Bồ đề trong tâm để giữ cho họ được sống còn trong con đường giác ngộ.
Thể theo chương trình, đúng 8h00” sáng ngày 14/04, tại Chánh điện, khóa lễ tụng kinh cầu an diễn ra thật trang nghiêm với sự tham dự của đông đảo phật tử. Tiếp theo là khóa lễ cầu siêu và sau đó quý Thầy làm lễ Quy y Tam Bảo cho gần 800 thiện nam tín nữ chính thức trở thành Phật tử.
Và đúng 14h00” tại Lễ đài Phật đản, một chương trình giao lưu được diễn ra với một nhân vật được vinh danh là ANH HÙNG NHÂN ÁI – Trung tướng anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Phiệt – người có chiến công bắn rơi nhiều máy bay B.52 trong thời chiến và xây dựng các trung tâm hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong thời bình.
Mở đầu buổi nói chuyện, Phật tử Trí Bảo và Phật tử Thu Quỳnh đã thay mặt thính giả đặt những câu hỏi xoay quanh cuộc đời và sự nghiệp của vị tướng phòng không này. Qua trao đổi được biết: Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt sinh ra trong một gia đình nông dân lao động nghèo ở vùng quê đồng chiêm trũng thôn Vệ Dương, xã Tân Phúc, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Nguồn cội tổ tiên của ông là dòng họ Nguyễn làng Kim Đôi (xã Kim Chân, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) – một dòng họ có 18 tiến sĩ được vinh danh ở các triều đại trong lịch sử dân tộc. Trong số đó, có 2 vị làm tới chức quan Lễ bộ Thượng thư, 2 vị giữ chức Binh bộ Thượng thư, 2 vị làm Lại bộ Thượng thư và 2 vị làm Hộ bộ Thượng thư. Đây là điều đặc biệt hiếm có của một dòng họ. Đây là động lực giúp ông ngày đêm đèn sách để học tập, thi cử.
Ông nhập ngũ năm 1960. Là một chiến sĩ radar, vào năm 1966 ông lập chiến công đầu tiên khi bắn rơi một chiếc F – 105 của Mỹ. Đến năm 1972 ông là Tiểu đoàn phó, rồi thăng chức Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 57, Trung đoàn tên lửa 261 thuộc Sư đoàn Phòng không 361 – bảo vệ vùng trời Hà Nội. Trung đoàn của ông đặc biệt lập thành tích trong trận “Điện Biên Phủ trên không”, 12 ngày đêm với thành tích bắn trúng 21 mục tiêu trong đó có tới 4 chiếc B.52
Dịp này, toàn thể thính giả đã hiểu rõ hơn vì sao quân đội Mỹ lại mở một chiến dịch ném bom lớn như vậy đối với miền Bắc nước ta và đặc biệt là tập trung đánh phá thủ đô Hà Nội? đồng thời hiểu được B.52 là gì, tác hại của nó đối với các mục tiêu ra sao. Và qua buổi nói chuyện này, tuy thế hệ ngày nay không được chứng kiến thời điểm lịch sử khi Hà Nội chiến đấu với B.52, nhưng qua phim ảnh, qua lời kể của ông mọi người rất khâm phục tinh thần chiến đấu của bộ đội ta, trong đó ấn tượng nhất là những chiến công huyền thoại của Bộ đội Phòng không – Không quân. Tuy 40 năm đã trôi qua nhưng chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” vẫn còn in đậm trong ký ức của mỗi người dân Việt Nam – Một chiến thắng được tạo nên bởi tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường của quân và dân ta.
Giờ đây, ở độ tuổi 78 nhưng con người dạn dày trận mạc ấy không chịu nghỉ ngơi, ông lại bắt đầu một “cuộc chiến” mới, đó là giúp trẻ em tật nguyền tự đứng lên trong cuộc sống. Điều này rất dễ hiểu vì từ bé ông đã mang tâm hồn của người con Phật, nên khi nhập ngũ chiến đấu ông chỉ có tình yêu quê hương trong lòng, không hề ôm theo tham vọng nào. Theo lời chia sẻ của ông, ngày nhập ngũ, ông cũng hiểu ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ là gang tấc. Thậm chí ông và đồng đội không nghĩ rằng có ngày mình sẽ trở về sau trận chiến, huống hồ là ước mơ làm một vị tướng nổi tiếng. Vì vậy, khi vinh quang đến, ông cũng chỉ đau đáu một lòng vì đất nước.
Năm 2001 ông nghỉ hưu. Từ đây, bước chân của người lính lại tiếp tục trên một hành trình mới: Hành trình đem tình yêu thương, sự cảm thông, chia sẻ tới những người có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em nhiễm chất độc màu da cam, người già neo đơn. Cho đến ngày hôm nay, bước chân của người lính ấy vẫn không dừng lại. Trung tâm nhân đạo Hồng Đức do ông cùng đồng đội và các nhà hảo tâm tổ chức đã cưu mang được hàng nghìn mảnh đời bất hạnh. Không những giúp đỡ về mặt vật chất, ông còn chú ý đào tạo nghề để họ tự kiếm sống bằng sức lao động của chính mình.
Thật sự, không ít người đã sử dụng sự nổi tiếng nhằm mưu cầu những hạnh phúc cho cá nhân, nhưng với trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, danh tiếng được sử dụng như một phương tiện để cưu mang, chia sẻ. Với tuổi đời gần 80, không ngại vất vả, ông vẫn đi đến các đơn vị đồng đội của mình, những cơ quan, xí nghiệp xin tài trợ cho trung tâm nhân đạo Hồng Đức. Lắm khi cảm thấy mệt mỏi rã rời, nhưng ánh mắt, nụ cười của từng cụ già, em bé tại trung tâm đã giúp ông tiếp tục cất bước. Ông chính là tấm gương sáng cho mọi người soi rọi, học tập theo, đặc biệt là giới trẻ để nhiệt huyết tuổi trẻ của các em thực sự được vận dụng vào công cuộc xây dựng đất nước và phát triển Phật pháp.
Trong mọi hoàn cảnh giới trẻ luôn luôn nhạy bén trước những cơ hội, can đảm trước những thử thách và thích ứng nhanh với sự phát triển. Tuy nhiên, các em cần được định hướng, được giáo dục kỹ để các em có cuộc sống có giá trị hơn đối với bản thân và những người xung quanh. Cho nên, TT Thích Chân Quang luôn tạo điều kiện và đặt nặng vấn đề giáo dục, rèn luyện để nâng lý tưởng sống, mong các em sẽ sống tốt hơn, có ý nghĩa hơn, không làm nặng gánh cho gia đình và xã hội. Ngược lại, các em sẽ trở thành những con người có đạo đức tốt, có lý tưởng sống để sau này đứng lên xây dựng đất nước, xây dựng thế giới này.
Đó là lý do mà thường các dịp đại Lễ của Phật giáo, Thượng tọa đều tổ chức cho gần 2000 sinh viên về chùa công quả. Đến đây, các em vừa có cơ hội tạo phước, vừa được giáo dục. Những giá trị đạo đức Phật giáo như: tinh thần từ bi, nhẫn nhục, vị tha, khiêm hạ, trung thực, giáo lý nhân quả, v.v…rất gần gũi với tâm tư, tình cảm của người dân Việt Nam. Vì vậy, hiệu quả giáo dục rất cao. Cho nên, chùa không chỉ là nơi sinh hoạt tâm linh, mà còn là nơi sinh hoạt văn hóa, giáo dục, xã hội rất tốt. Và những buổi giao lưu nói chuyện của những nhân vật có một đời sống cảm động, mẫu mực, tận tụy, cống hiến là dịp để cho giới trẻ được mở rộng tầm nhìn trong mọi lĩnh vực và có tấm gương sáng cho các em học tập theo. Đây là tầm nhìn của Thượng toạ đối với thế hệ trẻ hướng Phật tương lai.
Tại buổi giao lưu, TT.Thích Chân Quang đã thay mặt tất cả Tăng Ni, Phật tử Thiền Tôn Phật Quang trao món quà tinh thần – là kỷ niệm chương vinh danh Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt là ANH HÙNG NHÂN ÁI.
Tiếp theo, Thượng toạ còn phát động chương trình bảo vệ tê giác và không sử dụng sừng tê giác. Theo Thượng toạ, chúng ta đang ở trong một thế giới văn minh hơn, công nghệ kỹ thuật ngày một phát triển, nhưng sự tàn độc của con người cũng dữ dội hơn. Những người có lương tri lo lắng rằng sự độc ác nếu được gia tăng từ sức mạnh của công nghệ sẽ đẩy thế giới này đi vào chỗ diệt vong. Chưa đợi đến vũ khí hủy diệt, chỉ cần vũ trụ, mặt trời, mặt trăng nổi giận, một năm nhiệt độ trái đất chỉ tăng lên khoảng 2 độ C thôi thì vài mươi năm nữa hành tinh này sẽ chết. Vì thế cuộc chiến chống lại sự ác độc của loài người là một cuộc chiến hết sức có ý nghĩa.
Trong những sự ác độc của con người có một tội ác là vô cớ giết hại những sinh vật khác trên hành tinh, trong đó có loài tê giác. Hành tinh này cần có sự đa dạng sinh học. Nếu hành tinh chỉ còn lại loài người, nếu trong rừng chỉ còn một loại cây thì trái đất sẽ là nơi cằn cỗi không ai sống được. Ta mong các loài trên hành tinh này cùng sống yêu thương đùm bọc yên vui với nhau. Dĩ nhiên, ước mơ đó có vẻ không tưởng vì con người và các loài vật vẫn đang giết nhau, các giống loài vẫn ăn thịt lẫn nhau để tranh giành sự sống. Nhưng ta cứ ước mơ, vì khi ước mơ điều gì, điều đó sẽ trở thành nhân quả cho ta. Với ước mơ như trên, lúc chết ta sẽ sinh về một nơi mà các sinh thể tại đó sống yên vui hòa hợp với nhau. Đó là cõi trời, hoặc cũng là một hành tinh vật lý nào đó nhưng tồn tại sự sống lý tưởng như thế.
Dịp này, Thượng toạ còn cảnh báo mọi người rằng: Sừng tê giác không có tác dụng chữa bệnh. Tuy nhiên, với người đệ tử Phật, nếu một ngày khoa học chứng minh được rằng sừng tê giác thật sự có dược tính, ta cũng quyết từ chối. Chúng ta cần trang bị cho mình quan điểm đạo đức như vậy không chỉ với tê giác mà với các giống loài khác nữa. Điều gì dù có lợi cho sức khỏe của ta nhưng tổn hại đến chúng sinh, làm chúng sinh đau khổ thì ta cương quyết khướt từ. Ngoài bảo vệ sừng tê giác, ta cũng hãy bảo vệ nhiều giống loài khác trên hành tinh này, với ước mơ tất cả chúng sinh sẽ chung sống hạnh phúc với nhau.
Sau đó, đến 18h30” cùng ngày, ĐĐ.Thích Tánh Khoan thay mặt Ban tổ chức đọc lời khai mạc và hướng dẫn toàn thể phật tử ngồi thiền 30 phút.
Chương trình được tiếp nối là buổi thuyết Pháp của TT.Thích Chân Quang. Trong thời khắc thiêng liêng này, giữa một Hội chúng trên vạn người, Thượng toạ trình bày về mối lo ngại chung đối với sự biến đổi khí hậu toàn cầu.
Người cho rằng, trong quá khứ, nhiều nền văn minh đã bị hủy diệt cũng vì không có mưa. Tại đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, nước biển xâm nhập, tiến sâu vào vùng mà trong mấy nghìn năm qua ông bà ta chưa hề biết đến nước mặn là gì. Hiện mặt trời cháy nóng hơn. Các nhà khoa học ước tính khoảng 3 tỷ năm nữa mặt trời sẽ nguội tắt. Tuy nhiên, trái đất nếu nóng lên chỉ 2 độ C mỗi năm thì khoảng10 năm nữa, sự sống trên hành tinh này sẽ hoàn toàn biến mất.
Khi sinh ra trong cõi đất này, chúng ta bị đặt vào định mệnh của Thái dương hệ. Đến đúng thời điểm, mặt trời sẽ đốt nóng mạnh hơn, đến đúng thời khắc sự sống trên trái đất sẽ tuyệt diệt. Ta không làm gì được. Tuy nhiên, mọi thay đổi của đất trời đều có nguyên nhân từ nghiệp của chúng sinh. Loài người đã làm điều tồn phước gì đó để trời đất nổi giận, để mặt trời phải phát ra sức nóng thiêu đốt khủng khiếp.
Chúng ta đã phạm vào lỗi gì? Con người rất thông minh. Chúng ta chế tạo được nhiều máy móc để làm việc thay cho cơ bắp, thậm chí thay cho não bộ của con người. Dù sự tiến bộ của khoa học kĩ thuật là điều tất nhiên, nhưng việc chúng ta sử dụng những thành tựu đó để làm gì sẽ quyết định chúng ta còn cơ hội sống trên trái đất này nữa hay không. Theo tâm lý, hễ có phương tiện, hầu hết ai cũng muốn được hưởng thụ. Nếu dùng khoa học kỹ thuật để đi tìm sự hưởng thụ (cái tiện nghi sung sướng vượt hơn cái phước của mình) là ta góp phần làm sự sống nhanh chóng diệt vong. Ngược lại, nếu ta sử dụng máy móc để tu tập, phụng sự, phước của con người sẽ vượt lên gấp ngàn lần xưa. Trái đất sẽ biến thành thiên đường an vui, vững bền, hạnh phúc.
Thế giới đang đối diện với cơn biến đổi khí hậu khốc liệt. Các nhà khoa học tìm được hai nguyên nhân chủ yếu. Thứ nhất là do khí thải; thứ hai là do nhiễm độc hoá chất nên môi trường ở các dòng sông, ở biển, ao, hồ đã bị phá hủy trầm trọng. Tuy nhiên, với cái nhìn của đạo học, ta nhìn được một nguyên nhân sâu xa, tế nhị, khó thấy hơn những lý do mà các nhà khoa học tìm được. Chỉ những người rất có đạo đức, rất có trí tuệ mới hiểu được nguyên nhân này. Đó là:
Làm sao cho mọi người hiểu rằng chính sự hưởng thụ vượt hơn cái phước của họ đã ảnh hưởng đến sự tồn vong của trái đất? Mỗi người chúng ta hãy mang thông điệp này truyền lại cho người khác. Ta nói trực tiếp, hay viết báo đưa lên mạng xã hội… Bằng mọi cách hãy kêu gọi mọi người biết sống kềm chế lại, sống hoà thuận với thiên nhiên. Đừng đi tìm sự sạch sẽ quá đáng cho mình mà dùng xà phòng hủy hoại những dòng sông; đừng đi tìm sự mát mẻ cho mình mà mở máy lạnh vô độ làm cho trái đất nóng lên; đừng đi tìm những niềm vui chóng vánh, sôi động, bừa bãi rồi tiêu thụ điện thắp sáng thâu đêm suốt sáng… Hãy dành thời gian để tu dưỡng, học tập, làm phước và phụng sự.
Để giữ cái phước cho ta và cho cả thế giới, rõ ràng tiết kiệm là điều cực kì quan trọng. Hãy trân trọng, đong đếm đến từng giọt nước, hạt cơm. Có những nhà hàng sang trọng, thức ăn dư được mang đổ ngay vào sọt rác. Họ không biết rằng hành vi phung phí thức ăn thừa này sẽ làm chính họ tiêu tan, sụp đổ tất cả sự sản. Nên nhớ:
“Thức ăn thừa đổ mỗi ngày
Bây giờ sang trọng, sau này tiêu tan
Nếu kinh doanh việc nhà hàng
Cẩn thận đừng để lỡ làng phước duyên.”
Thật sự, “tâm” con người có thể điều khiển được đất trời. Và Thượng toạ đã phân tích, giảng giải rất kỹ cho quan điểm này với cách lập luận logic, dễ hiểu, khiến người nghe bị thuyết phục, hoàn toàn chấp nhận được, vì đó là một sự thật.
Trong phạm vi bài Pháp thoại hôm nay, Thượng toạ xoáy mạnh vào ba điều:
– Thứ nhất là ta rất hạnh phúc khi chọn đúng con đường tâm linh Phật giáo.
– Thứ hai, trong cơn biến đổi khí hậu tàn khốc này, nếu tất cả mọi người cùng xây dựng được mục tiêu cao cả là hướng về sự giác ngộ giải thoát thì trời đất, khí hậu sẽ biến chuyển tốt đẹp theo.
– Thứ ba, trên con đường đến sự giải thoát đó ta phải đi qua nhiều mục tiêu trung gian. Trong những mục tiêu đó, ta phải sử dụng đến khoa học kĩ thuật, nhưng hãy làm sao những tiện nghi máy móc mang lại không biến thành sự hưởng thụ phung phí vượt quá cái phước của mình. Chúng ta chỉ sử dụng chúng để học tập, tu dưỡng, phụng sự, để hướng về mục tiêu giác ngộ giải thoát, để cho cả hành tinh này biến thành cõi thiên đường tịnh lạc.
Sau thời thuyết Pháp là chương trình văn nghệ chào mừng ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN PL.2560 thật ý nghĩa. Các anh/chị ca sĩ đều biểu diễn hết mình với lòng trân kính vô biên của những người con Phật dâng lên cúng dường mừng ngày Phật đản sanh, đã đem đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc, nhằm hướng người nghe hiểu rõ hơn về sự ra đời của Đức Phật, về ý nghĩa của ngày Lễ Phật Đản; hay một sự cảnh báo cho mọi người về thiên tai gây ra nhiều tang thương. Qua đó kêu gọi sự chung tay của con người cùng gìn giữ môi trường, bên cạnh là sự biết yêu thương của người với người trong cuộc sống
Hôm sau, sáng ngày 15/04/Bính Thân, tại Lễ đài chính Thiền Tôn Phật Quang, BTC đã trang nghiêm trọng thể cử hành chính thức Đại Lễ Phật Đản PL.2560
Mở đầu khóa lễ là nghi thức niêm hương, đảnh lễ Tam bảo và trong không khí thiêng liêng ngày Phật đản sinh, toàn thể đạo tràng đã đồng hát bài NGƯỜI ĐÃ ĐẾN.
Tiếp theo, toàn thể Hội chúng đã lắng nghe Thông điệp của Đức Pháp Chủ GHPGVN gửi toàn thể tăng, ni, đồng bào phật tử trong và ngoài nước do ĐĐ Thích Nhuận Trí – Phó Ban, kiêm Trưởng Ban Phật giáo Quốc tế GHPGVN tỉnh BR-VT tuyên đọc. Trong đó, có một yếu tố được nhấn mạnh là Ngài kêu gọi mỗi tăng ni, phật tử cần chung tay với cộng đồng bảo vệ môi trường trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu bằng động thái “mỗi người bằng những hành động thiết thực nhất hãy bảo vệ môi trường bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu đang đe dọa đời sống của chính chúng ta”. Sau đó tất cả cùng hướng tâm về Đức Pháp chủ hô to: Y giáo phụng hành (3 lần).
Lại nữa, nhân kỷ niệm về ngày Đức Phật đản sinh, TT.Thích Chân Quang nói về trách nhiệm hoằng pháp của những người con Phật trong thời đại này.
Theo Thượng toạ, những ai có thực hành tu tập lời Phật dạy đạt được những ích lợi an lạc trong cuộc sống của mình thì đều phát sinh một tâm lý là biết ơn Phật. Còn những người nào mà việc tu hành chưa tiến bộ, còn giải đãi lơi lỏng, chưa thấy được sự màu nhiệm của Phật Pháp trong đời sống, trong tâm hồn của mình thì không phát sinh tâm lý yêu kính Phật, biết ơn Phật. Nên nhìn vào tâm lý này mà ta đo được sự tu hành của một con người.
Cũng vậy, đối với Đức Phật, ta nhìn thấy người nào mà lòng họ biết ơn Phật sâu sắc, lòng yêu kính Phật càng lúc càng tràn đầy thì ta biết rằng người này thực sự có tu hành quyết liệt. Bài Pháp thoại này Thượng toạ nói cho những người có tinh tấn tu hành thật sự, dù là tại gia hay xuất gia, vì chỉ có những người tinh tấn tu hành quyết liệt, tìm thấy an lạc hạnh phúc, tìm thấy sự màu nhiệm trong cuộc sống của mình thì mới có thể khởi lên lòng biết ơn Phật sâu xa. Và chính lòng biết ơn này biến thành động lực để họ bắt đầu cuộc đời hoằng pháp của mình.
Thượng toạ khẳng định “trong vô số những công đức mà ta làm trên cuộc đời thì công đức lớn nhất chính là công đức hoằng pháp độ sinh”. Và Người chứng minh cho thấy: Khi ta đem đến cho ai niềm tin về đạo Pháp; khi ta gieo vào lòng ai niềm tin về nhân quả; khi ta giải thích cho ai về ý nghĩa của sự giải thoát, niết bàn… khiến cho người nghe khởi được niềm tin, ham thích phát tâm tu tập thì nhân lành đó sẽ theo mình mãi mãi, hết kiếp này đến kiếp khác. Công đức của ta vì thế sẽ được bền lâu. Ngoài điều này ra, mọi thứ chúng sinh giúp đỡ lẫn nhau đều không tồn tại, sẽ bị cơn gió vô thường cuốn trôi. Và đó là lý do dù ta có gây tạo phước rất nhiều rồi lúc nào đó phước cũng sẽ chấm dứt.
Thêm nữa, Đức Phật nói rằng: Đại dương chỉ có một vị duy nhất là vị mặn, giáo pháp của Như Lai chỉ có một vị duy nhất là vị giải thoát. Cho nên, đi trên đường đời vạn nẻo, nếu không tìm đến mục tiêu giải thoát là ta đã đi lạc đường. Bởi tất cả mọi mục tiêu, mọi trò vui, mọi vinh quang của thế gian cuối cùng đều bế tắc, đều đi vào ngõ cụt. Chỉ khi nào ta tìm đến được sự giác ngộ giải thoát thì đó mới là con đường vô biên vô tận, an lạc mãi mãi.
Do vậy, khi ta gieo vào lòng ai được cái ước mơ, lý tưởng giác ngộ giải thoát tức là ta đã đem đến cho họ một con đường vô biên vô tận, không bị bế tắc cụt lối. Ta đã đưa đến cho họ sự tuyệt đối bất diệt. Vì vậy công đức của ta cũng sẽ đến mức vô hạn. Do đó, mọi người đệ tử Phật cuối cùng đều phải biết hoằng pháp độ sinh, dù đó là người xuất gia hay người tại gia.
Trước hết, nói về khái niệm hoằng pháp, Người định nghĩa “Hoằng pháp là việc ta đem giáo lí đến cho mọi người”, và tất cả mọi người đều có bổn phận đem giáo lí đến cho người xung quanh, chứ không phải chỉ có quý Thầy Giảng sư. Để ai cũng có thể trở thành một người hoằng pháp giỏi, Thượng toạ nêu những ý nghĩa hoằng pháp trên nhiều phương diện cho mọi người nắm rõ:
– Thứ nhất, hoằng pháp là chia sẻ hiểu biết về đạo lý một cách bình đẳng như là những người bạn với nhau. Đây là điều cơ bản nhất của việc hoằng pháp, tức giải thích đạo lý cho bạn mình nghe trong sự khiêm tốn, yêu thương, thân thiết, bình đẳng, không có người hơn, không có người kém.
– Cách thứ hai của hoằng pháp là giảng dạy đạo lý theo tính cách thầy trò. Ví dụ người đứng ở vị trí làm thầy thì phải dạy đạo cho người đệ tử của mình, mà cách dạy đạo đó rõ ràng của người trên đối với người dưới, trong đó vừa có sự nghiêm khắc, bắt buộc, quở trách, vừa yêu thương, độ lượng. Vì khi một người đệ tử đến với thầy thì có cái trách nhiệm ràng buộc trong đó. Đôi lúc vị thầy không nói nhiều, chỉ ra lệnh nhưng trong mệnh lệnh đó vẫn có sự giáo dục. Đây là cách dạy của thầy với trò.
– Một trường hợp hoằng pháp khác, nếu ta không có khả năng để giải thích đạo lý với bạn bè, hoặc ta không phải là người có đệ tử để giảng dạy đạo lý, nhưng lại biết có những vị thầy giỏi truyền bá được chánh Pháp, giải thích được đạo lý làm lay động lòng người, hoặc khai mở tâm hồn người thì mình giới thiệu, dẫn dắt mọi người đến với vị đó. Đây cũng là một cách hoằng pháp, tức ta không nói đạo lý mà dẫn dắt người đến nhờ thầy nói dùm. Và công đức của phương diện hoằng pháp này cũng vô cùng lớn lao.
– Một phương cách hoằng pháp nữa là ta đem những tác phẩm đạo lý tặng biếu cho người. Hoặc khi biết những cuốn sách, băng đĩa hoặc một trang web nào có bài giảng hay, ta đều giới thiệu cho mọi người cùng tìm hiểu.
– Thứ năm là tập hợp thành đạo tràng để sách tấn nhau tu tập. Không ai đủ sức tu hành một mình, trừ những vị Bích Chi Phật. Do duyên phước quá sâu dày, vị này dù sinh ra không gặp thầy lành bạn tốt, nhưng chắc chắn các vị vẫn sẽ đắc đạo. Còn lại tất cả chúng sinh đều cần đại chúng, cần huynh đệ để nương theo tu tập. Dù không chùa, không thầy, chỉ bằng sự khéo léo, khôn ngoan, thương yêu mà chúng ta có thể tập hợp được huynh đệ cùng nhau tu tập. Công đức đó lớn bằng như công đức xây chùa.
– Thứ sáu là học thêm ngôn ngữ mới. Đó là phương tiện để ta mang đạo lý đến nhiều nơi. Đức Phật có dạy về “ngũ minh”, là năm kiến thức mà người hoằng pháp cần phải am tường, trong đó có thanh minh, nhân minh đều thuộc về ngôn ngữ, âm nhạc, lý luận.
– Thứ bảy, để hoằng pháp, sự am hiểu thông thạo thì các kĩ thuật media về âm thanh, ánh sáng, hình ảnh là vô cùng cần thiết. Những ai sử dụng những kĩ thuật về media để hỗ trợ cho một Giảng sư chân chính thuyết pháp thì công đức của họ đủ lớn để tái sinh về cõi trời.
Tóm lại, nếu chúng ta dùng công nghệ để tu, để hoằng pháp thì phước ta sẽ gấp triệu lần. Ngược lại, nếu ai lạm dụng công nghệ để đi tìm sự hưởng thụ, giải trí vô bổ và sa đọa thì người đó sẽ hết phước rất nhanh.
Như trên, Thượng toạ vừa trình bày chúng ta làm gì để hoằng pháp đi vào cuộc sống. Giờ đây, chúng ta cần phải nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của yếu tố đạo đức trong hoằng pháp lả gì.
Thứ nhất là TÂM KHIÊM HẠ. Dù đứng trên vị trí của một vị thầy thuyết pháp cho bao nhiêu người nghe, vị thầy đó vẫn phải thấy mình như đất như bụi. Tâm khiêm hạ làm cho sự nghiệp hoằng pháp bền vững, ngược lại, sự kiêu mạn ngấm ngầm sẽ làm tiêu tan tất cả.
Đạo đức thứ hai là NHẪN NHỤC trong hoằng pháp. Trên con đường giáo hóa độ sinh, không phải hễ nói điều đạo lý chân chính là ta được ủng hộ, vì luôn có những người hoặc ác tâm phá hoại đạo Phật, hoặc ngầm ngầm ganh tỵ với ta. Khi thấy ta hoằng pháp, họ sẽ tìm cách mưu hại, hạ nhục. Ngày nay với sự xuất hiện của mạng xã hội, con người được quyền thể hiện ý nghĩ, tình cảm của mình qua lời bình luận (comment) và không ít người đã buông những lời chửi bới tục tằn, bậy bạ. Những lúc như thế, ta phải bình tĩnh đi giữa cuộc đời mà thú người lẫn lộn này.
Đạo đức thứ ba là KIÊN TRÌ. Bởi vì việc hoằng pháp không phải suôn sẻ, dễ dàng. Những trở ngại, thử thách từ ngoại cảnh luôn xuất hiện khiến ta nản chí ngã lòng. Vì đền ơn Phật, vì tôn kính Phật nên lúc nào ta cũng vững vàng đôi chân, lúc nào cũng sắc son trái tim mình.
Và những đạo đức tiếp theo là biết tập luyện để giữ sức khoẻ; biết tuỳ hỷ; biết khiêm tốn cầu Phật gia hộ và biết hồi hướng khi hoằng pháp cũng được Thượng toạ nêu ra, bàn luận một cách cởi mở, nhằm giúp cho người học dễ hiểu, dễ nhớ mà áp dụng và tạo được hiệu ứng tốt nhất đối với công tác hoằng pháp trong thời đại mới. Hy vọng, mọi người con Phật càng cố gắng, nỗ lực hơn nữa để xứng đáng với công việc cao quý này.
Sau cùng là nghi thức tụng bài Sám Hoằng Pháp và nghi thức dâng hoa cúng dường thật trang nghiêm. Và Đại Lễ Phật đản 2560 tại Thiền Tôn Phật Quang đã diễn ra thành công tốt đẹp./.