Tại Thiền Tôn Phật Quang, sắc xuân vẫn đang tràn khắp mọi nơi, hầu như ngày nào cũng xuân. Từ sáng mùng I tết đến rằm tháng giêng, những người có tuổi cho đến thanh niên, dòng người đến chùa lễ Phật cầu phúc không lúc nào vơi. Phải chăng, mùa xuân của sự yêu thương, mùa xuân của đạo lý là một mùa xuân miên viễn trong lòng của người hướng tâm đến Phật.
Khi mặt trời lên khỏi đỉnh núi, nơi khuôn viên chùa bắt đầu đầy ắp tiếng cười và ấm lên bởi từng đoàn người đến du xuân vãn cảnh và nghe thuyết Pháp.
Đúng 9h00” sáng, Pháp hội đã trang nghiêm với trên 6000 người tham dự. Trong không khí thành kính và đầy hoan hỷ, khi Thượng toạ Giảng sư Thích Chân Quang hiện diện trên Pháp toà, những tiếng vỗ tay vang dội, thể hiện tình cảm yêu quý và sự kính trọng sâu sắc đối với vị Thầy dạy đạo của họ trong lần gặp đầu tiên của năm mới.
Mở đầu bài Pháp thoại có tựa đề MAY MẮN ĐẾN TỪ ĐÂU, Thượng toạ tản mạn về ý nghĩa đầu năm chúng ta đi chùa để cầu sự may mắn, đó là vì không ai tin chắc mình sẽ gặp may, sẽ thành công mãi mãi. Như vậy, rõ ràng con người ta, luôn luôn có cái điều không tự tin lắm về tương lai của mình. Chúng ta không chắc ngày mai mình sẽ ra sao. Chỉ những người giàu sang thì hơi tự tin hơn, nhưng mà sự thực họ cũng gặp quá nhiều điều bất ngờ không biết được. Chính vì vậy, con người ta vẫn mờ mịt, vẫn thiếu tự tin trước tương lai của mình. Thế là ta biết sức người không thò tay, không kiểm soát hết được tương lai phía trước, do đó người ta mới cầu sự may mắn bởi thế lực siêu nhiên, bởi cái điều tâm linh.
Tiếp theo, bằng nhiều ví dụ mang tính tượng hình, Thượng toạ làm rõ định nghĩa MAY MẮN nghĩa là chúng ta đạt được cái điều gì đó tốt đẹp mà ngoài khả năng của ta làm được, hay ngoài cái dự đoán của ta tính toán trước; ngoài kế hoạc ta bày ra trước. Chứ còn nằm trong những điều ta kiểm soát được, ta lên kế hoạch rồi thì không gọi là may mắn.
Và Thượng toạ mổ xẻ vấn đề, phân tích, liệt kê những điều sai lầm mà người ta nghĩ rằng làm như vậy sẽ được may mắn, đó là:
1/ Cầu những vị rất cao trên cái tâm linh, những vị phước rất lớn như Thần Thánh Trời Phật. Điều này không sai với đạo lý lắm, vì Phật là một bậc Thánh tối cao; còn ông trời là quyền lực tối cao, nghĩa là trên các tầng Trời có các vị Vua cai quản trên đó và quản lý luôn những việc của nhân gian. Nên khi ta cầu may mắn trong năm mới thì ta nghĩ đến các vị trên cao và vì ta đạo Phật nên ta cầu Phật và tin rằng Phật cho ta điều may mắn này; điều may mắn kia. Thật sự Phật không cho, vì Ngài làm Thầy chứ không làm Vua nhưng ta cầu thì được, đó là Trời cho, Chư thiên cho, vì ta cầu ngay vị Thầy của ông Trời. Chư thiên nghe lời cầu nguyện của chúng sinh với Phật nên Chư thiên cảm động giúp cho, chứ ta cầu ngay ông Trời thì nhiều khi Ngài còn xét lại dựa vào nhân quả của mình. Thành thử, chúng ta khi cầu Phật linh hơn Chư thiên vì ta cầu Thầy của ông Trời là vậy.
2/ Cầu may mắn (Xin số đề) từ những linh hồn chết oan, chết yểu thờ trong miếu nhỏ. Tín ngưỡng này tồn tại trong dân gian rất nhiều, thay vì chúng ta đặt niềm tin đối với những vị có đức rất lớn trên những cõi cao xa, bây giờ con người lại dựa vào xin xỏ những oan hồn chết yểu, không có phước nhiều. Như vậy, việc cầu may mắn bởi những oan hồn thường không linh, nhưng do lời đồn hầu hết 95% con người ta mắc bệnh dễ tin, không cần xét mà cứ tin, ai nói gì cũng tin. Bây giờ ta phải cẩn thận trước mọi thông tin để lại, cái gì sai với đạo lý mình gạt ra.
3/ Người ta cầu xin những vị Thần tưởng tượng không có trong lịch sử. Ví dụ ngoài Bắc, ở đâu, chùa nào cũng có gian thờ “Mẫu”. Trong khi Mẫu là nhân vật nào, lịch sử gốc gác ở đâu… Đi tìm trong kinh điển ta hoàn toàn không thấy, đi tìm tư liệu trong dân gian cũng mơ hồ mà chùa nào cũng thờ, như vậy có mê tín quá không. Tuy nhiên, trên núi Ba Vì có ngôi chùa thờ Mẫu ghi là “Mẫu Thượng Ngàn”, tức là “Mẹ lên núi”, hay còn gọi là Mẹ Âu Cơ. Thì ra, mấy nghìn năm qua, tín ngưỡng thờ Mẫu ngoài Bắc là thờ Mẹ Âu Cơ mà không ai nói rõ và không biết nguồn gốc nên biến thành mê tín. Bây giờ nên chấn chỉnh lại, Nhà nước yêu cầu các cơ sở thờ Mẫu phải xác định và tuyên bố đó là thờ “Mẫu Âu Cơ” thì mới hết mê tín. Đây là thờ nguồn gốc của dân tộc, thờ tình yêu của tổ quốc thì không trở thành mê tín nữa. Còn cái linh thiêng gì đó là cái sau, nhưng trước hết phải xác định danh tánh khi thờ, đừng để thờ nhân vật tưỡng tượng, không có trong lịch sử rồi xúm nhau cầu nguyện, cuối cùng biến thành mê tín hết. Còn nếu người dân ta thờ mà có nguồn gốc, có lịch sử thì đạo đức của họ được nâng lên, bớt dần mê tín.
Sau khi xác định được danh tánh của Mẫu trong tất cả các đền thờ ngoài Bắc rồi thì nên đưa Cha Lạc Long Quân vào thờ. Bình thường ta bị cái lỗi rất lớn là cầu xin những vị Thần tưởng tượng, không có trong lịch sử mà nghe Thầy bói đồn đại, ví dụ như thờ Quan Thánh Đế Quân, tin rằng vị này có thể đem lại may mắn cho mình. Điều này hoàn toàn sai lầm. Để có thể đem lại may mắn cho chúng sinh, đó là người thường hay cứu mạng, bố thí, dạy dỗ đạo đức cho chúng sinh rất nhiều. Thì với người có phước tràn ngập trời đất như vậy, mới đem sự may mắn cho người khác được. Vậy mà chúng sinh vẫn có những cái thờ hết sức sai lầm, không hiểu nhân quả, không hiểu đạo lý và không hiểu lịch sử.
4/ Trong cái cầu xin có điều rất phản cảm, nhất là ngoài bắc hay bị là lấy tiền mệnh giá cực thấp (Không mua được gì) đem nhét vào tượng, thậm chí nhét vào miệng Phật. Đó là một sự xúc phạm. Đối với người ăn xin, ta cho tiền mà mệnh giá không mua được cái gì, đó là ác là sự khinh bỉ. Huống hồ Đấng tôn kính như Đức Phật, hay các vị Thần linh (Anh hùng tổ quốc), mà đem tiền 200 – 500 VNĐ nhét vô kẽ ngón tay, vô nách, nhét vô bụng, v.v… rồi tưởng như vậy là may mắn. Khi cúng ta phải bảo đảm tiền đó chùa xài được mới cúng. Đó không thuộc về nghi thức mà là nhân quả thực tế nên có đạo đức hơn. Thượng toạ yêu cầu Phật tử các nơi, phải làm sao chấm dứt cái tệ sử dụng tiền mệnh giá thấp nhét vào các tượng. Đó là sự phỉ báng, xúc phạm quá đáng làm ta tổn phước thì không bao giờ có may mắn đến với mình.
5/ Một hình thức cầu may nữa là dán chữ “Ngũ phúc lâm môn”, tức là họ hy vọng với 5 chữ viết đó mà phúc đến với mình. Hoặc có niềm tin chưng cây phát tài trong nhà thì tiền sẽ vô, hoặc trang trí không gian nhà cửa theo phong thuỷ để cầu may mắn. Cái hình thức phong thuỷ đó chỉ tương đối thôi, nó cũng báo điềm lành nhưng không phải là tất cả mà tuỳ thuộc vào nhân quả.
Sự thực, “May mắn” đến từ phước trong quá khứ. Nếu người nào trong quá khứ từng giúp ai ngoài mong đợi của họ, hoặc hứa cho một nhưng cho đến hai – ba, tức làm vượt hơn điều đã hứa, hoặc thấy ai đang tuyệt vọng mình giúp… thì thường trong cuộc sống người này có những may mắn bất ngờ, không giải thích được. Đây mới là nhân quả chính để có những may mắn bất ngờ đến trong đời mình. Còn khi người ta yêu cầu mà mình giúp đã là người tốt rồi, trong cuộc sống sẽ có nhiều thành công nhưng những thành công đó nằm trong dự kiến – trong kế hoạch của mình.
Có hai cấp độ giúp:
– Thứ nhất, giúp khi người ta yêu cầu đã là quá tốt nhưng chưa độc đáo. Giúp khi người ta không yêu cầu, đó là lòng tốt ở cấp độ cao thì người này phước rất lớn, có nhiều may mắn bất ngờ đến trong cuộc đời của họ. Ngược lai, có người ai nhờ mà vẫn không giúp thì sao này cuộc đời người đó bị rất nhiều thất bại. Cho nên, khi người ta nhờ mình vẫn cố gắng giúp, nếu việc họ nhờ là chính đáng. Và khi giúp ai ta phải cẩn thận để tránh bị lừa đảo.
– Điều thứ hai để ta có được sự may mắn là ta có cái tâm hướng thượng – tâm đạo đức – có lý tưởng sống đẹp đẻ, thì người này nếu trước đây (Quá khứ) chưa làm được nhiều việc phúc nhưng hiện tại có cái tâm biết tôn kính Phật, tôn kính những bậc Thánh, biết yêu thương chúng sinh, lúc nào cũng tìm cầu đạo lý, không chấp nhận một đời sống tầm thường thì người như vậy được Thần Thánh yêu mến, gia hộ và đem cho những may mắn bất ngờ.
Điều thứ hai này chúng ta dễ làm nhất. Vì không biết chắc quá khứ ta đã gây tạo được bao nhiêu công đức nhưng bây giờ ta cố gắng sống cho tốt, luôn tôn kính Phật, tôn kính những bậc đáng kính, luôn yêu thương chúng sinh, biết mơ ước một đời sống cao đẹp thì cuộc đời người đó thường có những may mắn bất ngờ. May mắn này không do phước mà do ơn trên giúp đỡ vì biết sau này ta sẽ làm phước gấp vạn lần để bù lại những điều ơn trên đã giúp đỡ ta ngày hôm nay.
Do vậy, tất cả chúng ta sống trên đời này, lúc nào cũng im lặng quan sát mọi gười chung quanh mình và lặng lẽ giúp đỡ mà không đợi người ta nhờ. Bí quyết để sống trên đời là như vậy, cứ lặng lẽ quan sát người chung quanh mình, khi thấy có thể giúp ai được điều gì thì giúp liền, không đợi người ta nhờ vả.
Người có quan điểm sống này thì cuộc đời còn lại của ta cho đến khi chết và qua khỏi cõi chết ta sẽ là một con người khác hẳn, sống một đời sống khác hẳn, vì lòng lúc nào cũng vì người, cũng yêu thương con người mà không cần ai biết.
Thượng toạ cũng điểm qua vài dạng may mắn. Cái may mắn của ta khi ta chưa biết gì hết là bất ngờ ta đầu thai sinh vào gia đình giàu sang. Cái may mắn này đến từ phước quá khứ nên ta không chọn lựa được. Các nhà xã hội học cứ đi tìm sự bình đẳng cho con người thì không bao giờ có, vì phước chúng sinh chênh lệch. Ta sẽ giải thích thế nào khi một đứa trẻ mới chào đời lọt trong cái nhà đi ăn xin và đứa trẻ chào đời lọt trong nhà giàu? Đây là nhân quả, không thể bình đẳng được, phải chấp nhận thôi. Chỉ là sau đó, người ta làm cho đứa nghèo quá bớt khổ. Đó là cái giỏi của nhà xã hội học, những nhà cầm quyền.
Cái may mắn thứ hai, mở mắt chào đời tự nhiên ta sinh trong gia đình có đạo lý, có đạo đức, có đạo pháp thì phước cực lớn, thậm chí ta chưa phát tâm xuất gia thì cha mẹ đã khuyên mình đi tu.
Điều may mắn thứ ba là sinh trong đời này ta được gặp Chánh pháp – Minh sư, nên trí tuệ mở mang sáng suốt, làm đâu thành công đó, từng bước đi tới là từng bước vững vàng. Còn biết bao nhiêu người đi tìm con đường tâm linh bị lạc vào đường tà, nên càng tu càng tổn phước.
Cái may mắn nữa là ta an trú được vững chắc trong thiền định. Tâm chúng sinh vốn loạn động, có những người may mắn biết rằng phải cố gắng tu thiền nhưng trong số biết bao nhiêu người tu thiền đó, mà người nào nhiếp được tâm, an trú được trong thiền định thì là may mắn rất lớn, đây là phước cõi trời. Nếu không bị thoái đoạ thì thường người an trú trong thiền định, đến khi chết được sinh lên cõi trời, vì cái tâm linh đó tương ứng với đời sống cõi trời.
Một cái may mắn khác là ta không bị những điều mê tín chi phối.
Rồi một cái may mắn rất may mắn nữa là không cần may mắn. Nghĩa là ta không thích trong đời mình có những thành công ngoài dự kiến. Ta thích bỏ sức ra cực khổ để làm lợi ích cho đời và đem cái phước đó hồi hướng cho chúng sinh, cho cha mẹ hướng về sự tu hành. Cho nên cái may mắn nhất của ta là không cần may mắn, thích cực khổ, thích tạo phước hơn là hưởng phước. Người có quan điểm sống như vậy là người rất may mắn. Và khi bản thân không cần may mắn thì không ai lừa ta được nữa. Chỉ vì ta thèm được may mắn, ta mong những cái thành công ngoài sức của mình nên dễ bị người khác lừa.
Còn cái điều may mắn tối thượng trên đời là đắc được đạo quả giải thoát. Là người đệ tử Phật ta chỉ đi tìm cái điều may mắn này thôi. Sau cùng Thượng toạ chúc các Phật tử được mọi điều may mắn trong cuộc sống cũng như trong sự tu hành.
Sau thời thuyết Pháp là lễ Quy y cho gần 200 hành giả phát tâm thọ Tam quy – Ngũ giới, chính thức trở thành một Phật tử chân chính tu hành trong đạo Phật./.
Dưới đây là một số hình ảnh được ghi nhận về toàn cảnh đi lễ chùa rằm tháng giêng tại Thiền Tôn Phật Quang: