Theo tôi có lẽ đây là cách ghi âm chưa được chính xác của từ “Thứu”, cụ thể là Bảo Thứu Lĩnh, Bảo Thứu Sơn. Theo sự đoán định này, núi Hùng, (núi Nghĩa Lĩnh, Nghĩa Cương, núi Cả, Hy Sơn) còn được coi là (Bảo) Thứu Lĩnh/ Thứu Sơn – tức cách gọi tôn vinh các ngọn núi thiêng theo cảm thức lịch sử – văn hóa Phật giáo. Nói cách khác, trong diễn trình của lịch sử, di tích và cảnh quan đền Hùng đã từng trải qua một lớp ảnh hưởng của Phật giáo
Thứu Lĩnh/Thứu Sơn hay Linh Thứu Sơn/Linh Sơn là tên gọi chữ Hán của ngọn núi Kênh Kênh (Phạn: Garuda-kũta; Pali: Gjjha kũta; âm Hán: Kỳ Xà Quật) ở phía Đông Bắc thành Vương Xá, nước Ma Kiệt Đà, miền Trung Ấn Độ. Được gọi tên như vậy vì hình dáng núi này giống như đầu con chim thứu và trong núi có loại chim này sinh sống. Tại núi này, Đức Phật đã thuyết kinh Pháp Hoa (được gọi là Linh Sơn hội thượng). Từ đó, ngọn núi này là một thánh địa của Phật giáo và tên gọi của núi được dùng để đặt tên các ngọn núi, các ngôi sơn tự nổi tiếng khắp Trung Quốc cũng như ở nước ta. Chính vì vậy, ngọn núi Cả thiêng liêng, nơi đặt đền Hùng cũng được Tăng chúng Phật tử gọi là Bảo Thứu Lĩnh/ Bảo Thứu Sơn.
Điều này cũng có cơ sở thực tế của nó vì cơ cấu di tích ở đền Hùng, như chúng ta biết, ngoài các đền, lăng có ngôi chùa Phật – gọi là “chùa Thiên Quang”. Tính từ dưới lên có: đền Hạ và chùa Thiên Quang, đền Trung (Hùng Vương Tổ Miếu); đền Thượng (Kính Thiên Lĩnh Điện), lăng Hùng Vương và trở lộn xuống núi, ở phía bên kia là đền Giếng.
Đền Hạ, tương truyền là nơi Âu Cơ trở dạ sinh ra bọc 100 trứng. Bên cạnh đền Hạ là chùa Thiên Quang. Đền Trung là cơ sở thờ tự chính các vua Hùng – được gọi là “Hùng Vương Tổ Miếu”. Đền Thượng có tên là “Kính Thiên Lĩnh Điện” và cạnh đền Thượng là lăng vua Hùng Vương thứ 6. Chính tên gọi “Kính Thiên Lĩnh Điện” đã chỉ ra đây là nơi thờ trời trên đỉnh núi và có nghĩa là đền thờ Mặt Trời, tín ngưỡng cổ sơ của dân tộc ta với di tích nổi tiếng là hình mặt trời khắc trên trống đồng và các di tích liên quan hiện tồn ở đây như tục thờ hạt lúa thần và trụ đá (được đời sau gọi là Trụ Đá Thề). Chính từ ánh mặt trời trên đỉnh/ Đền Thượng này chiếu dọi xuống nên ngôi chùa ở đền Hạ được gọi là Thiên Quang tự – ngôi chùa ngập trong ánh mặt trời. Đó là chuyện mặt trời trống đồng rọi sáng chùa Phật, còn chuyện chùa Phật được tích hợp vào nơi thờ tự các vua Hùng, dù với ít nhiều tùy thuận, đã chỉ ra tính chất khế cơ của nhà Phật. Và đây cũng là một quá trình.
Chùa Thiên Quang vốn tên cũ là “Viễn Sơn cổ tự”, được một số nhà nghiên cứu xác định niên đại khai sơn vào đời nhà Lý (thế kỷ XI). Song niên đại ghi trên chuông chùa Thiên Quang là năm Bính Thìn (1676, 1736, 1796?): “Bính Thìn niên, Đại Việt quốc, Sơn Tây đạo, Lâm Than phủ, Sơn Vi huyện, Hy Cương xã, Cổ Tích thôn cư phụng”. Các tư liệu này gợi cho chúng ta chặng đường tiệm tiến của việc thống hợp ngôi chùa vào quần thể các cơ sở thờ tự của đền Hùng như là một sự hỗn dung văn hóa. Điều này cũng có thể nhận ra trong việc thờ Phù Đổng Thiên Vương ở đỉnh núi Cả này.
Bài vị chính ở đền Thượng ghi rõ: “Đột Ngột Cao Sơn Cổ Việt Hùng thị thập bát thế thánh vương thánh vị” và hai bên là hai bài vị: “Ất sơn thánh vương thánh vị” và “Viễn sơn thánh vương thánh vị”(2). Điều này cho thấy đây là nơi thờ Thần Núi, chính xác hơn là Tam Sơn cấm địa của bộ tộc Hùng Vương thời cổ và ngày nay cũng có thể thấy ở nhiều nơi. Tập tục thờ kính núi cấm/ rừng cấm còn phổ biến trong nhiều cộng đồng dân cư, thậm chí tồn tại trong từng làng xã. Theo quan niệm truyền thống, đó là khu vực thiêng, nghiêm cấm không ai được vào đó săn bắt, đốn cây chặt củi và hàng năm có biện lễ cúng thần Núi, thần Rừng ở đó. Tập tục thờ thần Núi này, luôn xác định đó là ngọn núi thiêng trung tâm, xét về mặt tâm linh của một vùng đất. Nếu ở đất Tổ gọi là núi Cả thì ở Trung Bộ gọi là núi Chúa và vào đến vùng đất mới phương Nam thì gọi núi Bà (ví dụ núi Điện Bà/ Tây Ninh, núi Sam/ Bà Chúa Xứ Châu Đốc…) và thậm chí, cuối thế kỷ XIX, ở vùng Bảy Núi/ Thất Sơn, ngọn núi trung tâm là núi Cấm – nghe ra như một sự hồi cố của một cổ mẫu văn hóa, mặc dù đó là ngọn núi thiêng của một tôn giáo mới: Bửu Sơn Kỳ Hương (mùi hương kỳ diệu của ngọn núi báu)… Nói chung, dù có đi khắp bốn phương trời thì ở đâu, các cộng đồng cư dân cũng chọn cho mình một ngọn núi lớn (hiểu là núi Cả, núi Chúa, núi Một, núi Bà/ Cậu… chứ không phải lớn về kích thước, độ cao) và coi đó là núi thiêng, là trục vũ trụ của cộng đồng.
Trở lại núi Cả ở vùng Đất Tổ, truyền thuyết kể rằng: tại đây, Vua Hùng đã lập đền cầu trời ban cho người tài giúp dân cứu nước. Sau khi Thánh Gióng phá tan giặc Ân và bay về trời, vua Hùng đã cho dựng miếu trên núi để thờ cúng thần linh, trời đất và Thánh Gióng. Sự có mặt của Thánh Gióng trong điện thờ đền Thượng trên đỉnh núi Cả ngoài cách cắt nghĩa đậm tính “lịch sử” như truyền thuyết nêu trên cũng còn có thể lý giải theo hướng khác.
Như chúng ta biết, ngoài tôn danh Thanh Gióng (đậm màu sắc Đạo giáo, thống thuộc vào bộ Tứ bất tử), vị thần này còn được gọi bằng nhiều tôn danh mỹ hiệu khác nhau: Sóc Thiên Vương, Xung Thiên Đại Vương, Phù Đổng Thiên Vương, Xung Thiên Dũng liệt Chiên ứng uy tín Đại Vương, Sóc Thiên thần vương, Đổng Thiên Vương Sóc Thiên Đại Thánh, Vệ Linh sơn thần, Phù Thánh Đại Vương…(3). Điều này đã chỉ ra rằng đây là đối tượng thờ tự/ một hiện tượng văn hóa được thế nhân, ở từng tọa độ địa lý-lịch sử khác nhau, nhào nặn theo căn duyên và mục đích khác nhau. Điều đó dẫn đến việc đã có nhiều nỗ lực truy cứu nhằm tìm ra nguyên ủy của thần. Kết quả nghiên cứu trong thế kỷ XX, đã đưa ra một số kết luận hoặc Thánh Gióng vốn là thần Sấm/ Ông Đổng/ Khổng Lồ; lại có kết luận Thánh Gióng vốn là thần Đá, hoặc thần Cây hay thần Đất; và xu hướng phổ biến coi Thánh Gióng là truyền thuyết về một anh hùng dân tộc cổ đại (4) .
Ở đây, bằng cái nhìn quy chiếu với hệ thống thần linh Phật giáo hẳn cho phép chúng ta hiểu thêm một số khía cạnh khác của vấn đề.
Trước hết, trong các danh hiệu nêu trên, ngoài danh hiệu thánh, thần, vương/ đại vương, chúng ta lưu ý đến danh hiệu thiên vương, một danh hiệu khá phổ biến trong thần điện Phật giáo mà tiêu biểu là Tứ Thiên Vương (Lokapala), tức bốn vị Thiên Vương hộ thế, chủ quản bốn phương chính của thế giới và cũng là bốn vị Hộ pháp.
Thứ hai, Tứ Thiên Vương, theo vũ trụ luận Phật giáo, cư ngụ ở tầng trời Tứ Thiên Vương thiên trên đỉnh núi Meru (ngọn núi trung tâm vũ trụ). Điều này cho thấy rằng việc Thánh Gióng/ Sóc Thiên Vương được thờ tự trên đỉnh núi Cả – đỉnh thiêng trung tâm của Đất Tổ có điểm tương đồng.
Thứ ba, trong Tứ vị Thiên Vương, theo quan niệm Phật giáo thì vị Thiên Vương chủ quản phương Bắc là Vaisravana (Tỳ Sa Môn Thiên Vương/ Đa Văn Thiên Vương) là vị đứng đầu và chỉ có Vaisravana là được thờ riêng. Tín lý này chỉ ra sự đồng nhất giữa Vaisaravana và Sóc Thiên Vương (sóc: phương Bắc), vị Thiên Vương duy nhất được thờ tự ở nhiều đỉnh núi thiêng, đền thờ thiêng ở các vùng đất cổ miền Bắc, từ thời tiền Lê đến các triều Lý, Trần.
Thứ tư, Tứ Thiên Vương được thờ tự khắp thế giới Phật giáo từ thế kỷ thứ II trước TL. Bốn vị xuất hiện ở bốn phía như người canh giữ các thánh tích Phật giáo Ấn Độ (như bảo tháp Sanchi); ở Trung Á và Trung Quốc, vào thế kỷ thứ VIII, họ được thờ tự như những người bảo vệ Phật pháp và hộ trì các vị vua chúa tôn sùng đạo Phật chống lại các thế lực xâm lăng. Ở Nhật Bản, vào thế kỷ VI, thái tử mộ đạo Shotoku (Thánh Đức) đã xây điện thờ Shitenno-ji để thờ Tứ thiên Vương và sau đó, nhiều điện thờ khác được dựng lên ở khắp các tỉnh để họ có thể quan phòng sự an nguy của lãnh thổ và mùa màng. Thực tế lịch sử phổ biến ở các quốc gia Phật giáo dẫn trên đã lý giải việc các triều đại Việt Nam tôn thờ vị Thiên Vương làm thần hộ quốc: Lê Đại Hành (980): Sóc Thiên thần vương; Lý Thái Tổ: Xung Thiên thần vương; Trùng hưng năm đầu: Dũng liệt đại vương; năm thứ 4, gia phong hai chữ: Chiêu ứng; năm Hưng Long 21, gia phong hai chữ: Uy tín (Xung Thiên Dũng liệt Chiêu ứng Uy tín Đại vương)… Mặt khác, tín lý hộ quốc đó cũng làm cho vị Thiên Vương chủ quản phương Bắc có được hành trạng của một anh hùng chống ngoại xâm.
Cuối cùng, theo hành trạng của Vaisravana (Tỳ sa Môn Thiên Vương, Đa Văn Thiên Vương) thì vị Thiên Vương này vốn là vị thần Ấn giáo Kuvera/ Kubera (Thần Tài): Kubera do đã chuyên chú tu khổ hạnh hàng ngàn năm nên được thần Brahma ban cho sự bất tử và làm thần Giàu Sang, trông giữ mọi kho tàng của trái đất. Với tư cách là Vaisravana, thần thống lĩnh tám Yaksha (Dạ xoa) – tất cả được coi là những lưu xuất (emarnations) từ chính Vaisravana; trong số đó, Kubera (da sẫm ở phương Bắc) và Jambala (màu trắng ở phương Đông) được coi là thần Tài lộc của các quốc gia Phật giáo vùng Nam Á và Đông Á. Mỗi lưu xuất này đều cầm trên tay một con mangút (mongose) phun ra châu ngọc. Đa Văn Thiên Vương tay cầm tháp báu – biểu thị cho kho báu; trong một số trường hợp, ông cầm con mangút (Trung Quốc gọi là con Hoa hồ điêu) nên cũng được bá tánh coi là thần Tài Lộc; do đó, vị thiên vương này được đại chúng tôn thờ phổ biến.
Chính vì hàm chứa công năng tài lộc, chủ quản kho báu ở thế gian/ đất nên theo Việt điện u linh, vị Thiên Vương này được thờ làm thần Thổ Địa ở chùa Kiến Sơ; và sau đó, được Lý Thái Tổ sai thợ đắp tượng thần, lại “sai đắp 8 pho tượng đứng hầu” – đó là 8 Yaksha (Dạ xoa), bộ hạ lưu xuất của Vaisravana (5)
Nhìn chung, văn hóa bản địa của dân tộc ta trong quá trình lịch sử đã chịu ảnh hưởng của tổng thể văn hóa tam giáo. Ở đây đó, thường hiện diện sự hỗn dung văn hóa như vậy với những chừng mực nhất định. Ở đây, trên núi Cả, các thành tố tối thiêng của dân tộc cũng hiện ra một lớp văn hóa Phật giáo, tạo thành cái thực thể mà phương tiện có thể gọi là tổng thể đạo pháp và dân tộc.