Trang chủ Tu học Lời Phật dạy Bốn hạng người xứng đáng được xây tháp phụng thờ

Bốn hạng người xứng đáng được xây tháp phụng thờ

272

Một thời Thế Tôn trú ở Kosambi, tại khu vườn Ghosita, dạy các Tỷ kheo:


Này các Tỷ kheo, bốn hạng người này xứng đáng để được dựng tháp. Thế nào là bốn?


Như Lai, bậc A la hán xứng đáng được dựng tháp; vị Độc giác Phật xứng đáng được dựng tháp; đệ tử của Như Lai xứng đáng được dựng tháp; Chuyển luân vương xứng đáng được dựng tháp.


Có bốn hạng người này, này các Tỷ kheo, xứng đáng được dựng tháp.


(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 4, phẩm Sợ hãi phạm tội, phần Xứng đáng được dựng tháp, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.283)


Lời bàn:


Tháp là một kiến trúc đặc trưng trong quần thể kiến trúc chùa viện Phật giáo. Ngoài những ngôi tháp cao lớn thờ Phật, xá lợi Phật, kinh sách, pháp khí, còn có các tháp mộ thờ xá lợi hoặc an táng hài cốt của chư Tăng. Hiện nay, hầu hết các chùa viện trên thế giới và ở nước ta đều xây dựng tháp phụng thờ Tam bảo. Tháp và bi ký ngoài biểu tượng tôn giáo và tâm linh còn là những chứng tích lịch sử quan trọng.


Thời Thế Tôn còn tại thế, tuy chủ trương du hành, tu tập giải thoát, việc xây dựng tu viện phần lớn do hàng cư sĩ đảm trách nhưng Ngài quan tâm đến việc xây tháp và đã chỉ đạo đệ tử xây tháp phụng thờ xá lợi chư Thánh tăng như Mục Kiền Liên, Xá Lợi Phất, Kiều Đàm Di v.v… Sau khi Thế Tôn nhập Niết bàn, việc xây tháp phụng thờ Tam bảo, nhất là thờ xá lợi Phật và chư Tăng là một trong những Phật sự quan trọng, truyền thống này vẫn được truyền thừa đến ngày nay.


Theo tuệ giác Thế Tôn, chỉ những người tu hành, đầy đủ phước đức và trí tuệ, là biểu tượng ca cả để cho hậu thế noi gương mới xứng đáng được xây tháp phụng thờ. Đức Phật và các bậc Thánh A la hán, những vị Độc giác, chư Tăng và Chuyển luân vương (có công đem lại hoà bình và hạnh phúc cho nhân loại) mới được xây tháp. Bảo tháp thờ Phật Pháp Tăng được xem trọng như bảo diện (chánh điện), là nơi cầu nguyện lễ bái của tín đồ và dĩ nhiên thiêng liêng, bất khả xâm phạm.


Ngày nay, một vài chư Tăng không có di nguyện xây mộ tháp sau khi xả báo thân. Đó là tâm nguyện riêng của các ngài, chúng ta luôn tôn trọng nhưng phải ý thức rằng quý ngài đầy đủ phước báo, xứng đáng được xây tháp để kính lễ và tôn thờ. Dẫu rằng tứ đại giai không, các pháp đều như huyễn nhưng trong phạm trù tương đãi của tục đế, bảo tháp là biểu tượng cao cả của Tam bảo, là kết tinh của sự nghiệp và công hạnh của một vị Tăng cho hàng hậu thế lễ bái, học tập và noi theo.