Thân gửi các anh chị em Áo Lam trong nước.
Huynh trưởng và đoàn sinh GĐPT được tu học và rèn luyện trong những sinh hoạt hàng tuần, trong những kỳ cắm trại hay trong các khoá huấn luyện. Bất cứ trường hợp nào, bốn bộ môn chính được thể hiện là: Học Giáo lý, Hoạt động thanh niên, Sinh hoạt văn nghệ và Tham gia hoạt động xã hội. Bốn môn nầy thường hoà quyện lẫn nhau. Người Huynh trưởng phải biết vận dụng khéo để đào tạo đoàn sinh, cũng như tự tìm học.
A. Giáo lý và kiến thức văn hóa cơ bản
Bộ môn Giáo lý là nền tảng xây dựng tư duy đoàn sinh. Bộ môn này gồm có 2 phần: Phần Phật pháp và phần kiến thức. Phần Phật pháp gồm có: Lịch sử Phật Giáo đại cương và Việt Nam, giáo lý cương yếu, lịch sử các vị tổ tông phái, những chuyện tiền thân (trích trong Bản Sanh truyện – Jitaka) và những mẩu chuyện đạo. Tìm hiểu và nhận định ý nghĩa từng chặng đời và đạo nghiệp của đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni. Từ nhũng sự kiện chính xác, những dữ kiện nghiêm túc được mô tả cụ thể đến diễn dịch phức tạp, hiểu những địa danh, thắng tích PG; luôn luôn đào sâu nội dung của Bản Sanh truyện, liên hệ giữa huyền thoại và ẩn dụ triết học.
Tìm hiểu lịch sử phát sinh, phát triển của Phật Giáo Bắc truyền và Nam truyền. Bắc truyền từ Ấn Độ qua Népal – Tây Tạng – Trung Hoa – Mông Cổ – Triều Tiên – Nhật Bản – Việt Nam trong những giai đoạn khác nhau. Nam truyền qua Sri Lanka – Miến Điện – Thái Lan – Campuchia – Lào. Một số quốc gia vùng Trung Đông – Giai đoạn cận đại truyền sang Âu Mỹ- Úc v.v.., thành lập Hội Phật giáo thế giới.
Qua lịch sử, sự bành trướng Phật giáo đến đâu là hội nhập và hoà quyện nền văn hóa dân tộc xứ sở ấy ngày thêm phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc duy trì nền luân lý đạo đức mang màu sắc nhân bản hiện thực văn minh. Ðạo Phật giáo Việt nam từ thời huyền sử đến các trung tâm PG Luy Lâu, và các Thiền phái phát triển ở đất Bắc. Phật giáo ở nước ta, không đặt sự tồn tại cho riêng mình mà là sự tồn tại của Dân tộc và Ðạo pháp. Dù những thời cực thịnh, như Lý Trần các vị vua thân Phật giáo, các Thiền sư và Phật tử cả nước.
Học lịch sử Phật giáo để thấy, Phật giáo Việt Nam và Dân tộc Việt Nam là một, Phật giáo đề cao tinh thần dân tộc, bảo vệ đạo giáo. Bảo vệ đạo pháp cũng là bảo vệ Tổ quốc. Phật dạy: “Thượng báo tứ trọng ân, hạ tế tam đồ khổ”. Học lịch sử Phật Giáo và tiểu sử các vị Sư tổ là để biết Thầy Tổ đã bảo vệ Đạo Pháp và Dân tộc bằng tinh thần bất bạo động – thức tỉnh kẻ tàn bạo vô minh – si mê, không bằng bạo lực. Phật giáo nhận định: kẻ thù của con người là tham lam, sân hận, si mê. Sự phục hưng lễ hội, sự duy trì tôn miếu của nhà nước là để bảo vệ nền văn hoá dân tộc trong mấy thế kỷ qua đã chứng minh cho chúng ta thấy rõ điều đó.
Học lịch sử Phật giáo để thấy rõ sự “phân tông lập phái” của Phật giáo, đã không làm phân hóa chia rẽ Ðạo pháp, mà còn làm cho Ðạo pháp ngày càng phát triển. Hiểu biết phẩm chất và chức năng của người Huynh trưởng – các đoàn sinh, có được nhận thức sâu sắc, phóng khoáng, cởi mở dung hợp, xóa bỏ đầu óc cục bộ, biết lấy sự phục vụ chúng sanh làm sự nghiệp.
Sự sinh hoạt biên soạn tài liệu, hướng dẫn thực tạo, tu trì, không được sai lệch tư duy về sinh hoạt truyền thống giáo hệ. Tăng bảo ở bất kỳ hệ phái nào cũng đều là thầy của chúng ta – được Thế Tôn trang bị bởi pháp phục “tứ bất” (4 điều không làm): y pháp bất y nhân – y nghĩa bất y ngữ – y trí bất y thức – y kinh liễu nghĩa bất y kinh bất liễu nghĩa. Ðạo Phật là đạo giải thoát và giác ngộ. Ðạo Phật khẳng định: vì vô minh, si mê nên gây những điều chẳng lành, gây nhân tạo nghiệp phải chịu sanh tử luân hồi trong ba cõi, sáu đường. Ðấng Ðạo sư đã chỉ rõ cho chúng ta thấy 10 nguyên nhân gây nên: tham – sân – si – mạn – nghi – thân kiến- biên kiến – kiến thủ – giới cấm thủ – tà kiến và con đường để đoạn trừ đó là 37 phẩm trợ đạo. Tóm lại với toàn bộ Kinh – Luật – Luận, bao gồm trong Tam tạng kinh điển được phân thành hệ thống: Pháp tướng – Hệ thống Bát nhã – Pháp tạng do Ðức Thế Tôn để lại.
Trình bày gương sáng các vị Tổ tiêu biểu như: Sư tổ Bồ Ðề Ðạt Ma – Huệ Khả – Tăng Xán – Ðạo Tín – Hoằng Nhẫn – Huệ Năng – Lâm Tế – Nghĩa Huyền – Tỳ Ni Lưu Chi – Vô Ngôn Thông – Thảo Ðường – Tào Ðộng – Khương Tăng Hội – Khuông Việt – Ngô Chân Lưu – Vạn Hạnh – Trúc Lâm Tam Tổ – Liễu Quán…
Kể chuyện Tiền Thân và những mẩu chuyện đạo thì cần đi vào nội dung giải thích các vấn đề, nhân quả duyên sanh, nghiệp báo luân hồi. Những mẩu chuyện đạo thường là chuyện ghi chép về hành trạng của chư tôn liệt tổ. Một số khác khi nghe Thế Tôn dạy về Kinh Luật hay Luận một cách thâm sâu ý nhị.
Bằng cách giải thích vấn đề dễ hiểu hơn qua một câu chuyện minh họa. Ðó là những mẩu chuyện đạo. Như thế, mục đích bộ môn Phật Pháp là phát triển và tạo định hướng cho cuộc sống. Những vấn đề cơ bản là: Cải thiện tự thân – Cải thiện hoàn cảnh môi trường xã hội – Sống đúng chánh pháp – Theo đúng nội quy – quy chế – Châm ngôn và điều luật tổ chức – Luôn trau dồi đạo đức cá nhân sống gương mẫu từ trong gia đình đến ngoài xã hội, biết sống và hy sinh để phát triển cộng đồng, với tinh thần xã kỵ vị tha – Hiểu bổn phận tri ân và báo ân của Phật giáo. Người Huynh trưởng tha thiết yêu nghề dạy trẻ – nguyện hoàn thành sứ mạng giáo dục và hướng dẫn các em – Biết rõ chức năng và thực thi đúng chức năng đó – Tuân kỷ luật chịu huấn luyện – nâng cao phẩm hạnh – nêu gương sáng trên mọi lãnh vực của cuộc sống (theo Sứ mạng GĐPT).
B. Vấn đề hoạt động Thanh niên
Hoạt động nầy nhằm trang bị cho Thanh Thiếu Ðồng niên những kiến thức hiểu biết căn bản về cuộc sống – rèn luyện đức tự tín, tự chủ – chịu đựng – tháo vát – lịch lãm trên mọi lãnh vực – tạo sự tin yêu mến kính của cộng đồng và có thể đảm đang công việc hoằng pháp – phuc vụ tổ quôc và đạo pháp. Tùy theo độ tuổi mà bộ môn này có những môn học mở rộng tầm vóc theo nhu cầu đòi hỏi của cuộc sống.
Căn cứ theo Bản Hướng dẫn Huynh trưởng các cấp ngành, bộ môn này gồm có: 1. Tin học: Từ phương tiện cổ đại (trống, cờ, tù và …) cho đến kỹ thuật hiện đại (xa lộ thông tin). 2. Định phương hướng – Vẽ và hiểu rõ bản đồ. 3. Mưu sinh – thoát hiểm. 4. Tổ chức trại – lửa trại. 5. Điều khiển các thể loại trò chơi (trong phòng – ngoài trời – dã ngoại …) 6. Sinh hoạt thể thao. 7. Lành mạnh hóa môi trường sinh thái. Mục đích là rèn luyện thể lực, rèn luyện ý chí và khả năng hành động. Sẵn sàng chịu thử thách và không ngại khó. Biết sống cao thượng, hy sinh và phục vụ cộng đồng.
Mục đích yêu cầu phải (a) Lý thuyết thông suốt. (b) Thực hành nhuần nhuyễn. (c) Ứng dụng nhay bén. (d) Xoay xở thông minh sáng suốt. Với tên gọi Hoạt Ðộng Thanh Niên là bộ môn trang bị cho Thanh Thiếu Ðồng niên một sức chịu đựng dẻo dai – một ý chí kiên cường nhẫn nai sẵn sàng vượt kho – một kiến thức sáng suốt xử lý mọi tình huống, mọi sự kiện một cách dễ dàng nhanh chóng, tránh mọi thiệt hại, ảnh hưởng xấu đến cuộc sống – tạo một bản lãnh can trường, mẫn tiệp trên mọi lãnh vực.
C. Bộ môn Văn nghệ
Bộ môn này gồm 2 lãnh vực: Lãnh vực văn học và Lãnh vực nghệ thuật. Theo quan điểm Phật Giáo, điều cần yếu là biết nhận thức chính xác. Thấu suốt một sự kiện dưới nhiều góc độ khác nhau; đó là chánh tri kiến về thân, khẩu, ý; thực hành đúng mới cải tạo được hoàn cảnh môi trường, đưa xã hội tiến bộ và hoàn hảo. Ðiều đó chứng tỏ rằng bộ môn này được khai thác dưới khía cạnh thực hành dẫn độ, thanh thiếu niên nhập cuộc vào cuộc sống hay nói một cách văn vẻ hơn “tiếp hiện với cuộc đời”.
Nếu văn học là trạng thái tỉnh phản ánh chiều sâu của nhận thức và tư duy trong đời sống con người bao gồm từ nền văn học nhân gian phản ánh mọi quan niệm, về giá trị luân lý đạo đức – nhân sinh quan – vũ trụ quan và sử quan của một dân tộc. Trái lại nghệ thuật lại bao gồm những sinh hoạt năng động phản ánh cuộc sống tinh thần của con người như: âm nhạc – hội họa – điện ảnh – truyền hình – điêu khắc – thời trang – nữ công gia chánh…
Tất cả các môn học trong bộ môn này đều phục vụ cuộc sống tinh thần của con người. Mục đích là: Rèn luyện khả năng kỹ năng, tiếp cận sinh hoạt quần chúng. Văn nghệ GĐPT tạo niềm tin yêu trong cuộc sống cộng đồng. Cần thu nhiếp người thưởng ngoạn sống theo chánh pháp. Cần bảo tồn, bảo trì các di tích văn hóa dân tộc.
“Văn nghệ Gia Ðình Phật tử phải phát huy khả năng tiếp cận chinh phục tha nhân bằng khả năng cơ bản, không lệ thuộc về phương tiện thấp hèn. Nếu văn nghệ GĐPT chỉ dùng để kích động tình cảm, khai thác dục vọng thấp hèn, sống bằng ảo tưởng, xây dựng hư cấu những vấn đề không thể thực hiện trong cuộc sống, có mục đích không tưởng, buông thả, xô bồ… là điều mà Kinh Pháp Hoa liệt vào “thứ văn nhân nghệ sĩ mà tứ chúng môn đồ chớ nên thân cận”. Huynh Trưởng GĐPT phải thận trọng và quản lý chặt chẽ mọi sinh hoạt của bộ môn này thật nghiêm túc” (Trích Đường lối văn nghệ GĐPT).
D- Hoạt động Xã hội
Bộ môn này nhằm thực hiện phần 2 của mục đích tổ chức Gia Ðình Phật Tử Việt Nam: “Góp phần xây dựng xã hội theo tinh thành Phật Giáo”. Bộ môn này gồm có 2 phần: Hướng dẫn giáo dục công dân cho nghành Oanh và ngành Thiếu. Gánh vác làng xã hội dân tộc và tổ quốc. Mục đích là rèn luyện tinh thần “ngũ trược ác thế thề tiên nhập”. Rèn luyện tuổi trẻ gánh vác trách nhiệm trước lịch sử và dân tộc. Un đúc tinh thần nỗ lực vun trồng tự lực, tự cường, tự tín, tự chủ tích cực vươn lên chứ không nương nhờ cậy trông vào người khác. Un đúc tinh thần dấn thân vì cộng đồng vì nhân sinh không cầu nhàn né tránh.
Quán triệt tinh thần phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật. Thông suốt châm ngôn hành động: Bi – Trí – Dũng. Thực hành nhuần nhuyễn 5 điều luật của tổ chức Gia Ðình Phật Tử Việt Nam: Phật tử quy y Phật Pháp tăng và giữ giới đã phát nguyện: Sống có lý tưởng phục vụ và trọn đời trung kiên với lý tưởng ấy, không phản bội đồng bào.
Phật tử mởi rộng lòng thương tôn trỏng sự sống: Không xúc phạm, làm tổn hại đến sinh mạng chúng sanh, bảo vệ môi trường sinh thái. Phật tử trau dồi trí tuệ tôn trọng sự thật. Đoàn sinh phải hành thân thiện pháp để khai mở tuệ giác là con đường sự nghiệp cần dốc lòng theo đuổi. Phật tử trong sạch từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm. Anh chị em cần cẩn trọng giữ gìn ngay trong tư duy, ý nghĩ lẫn cả hành động và ngôn từ. Đoàn sinh GĐPT sống hỷ xả để dũng tiến trên đường đạo.
Những trăn trở về giáo dục GĐPT
Một trong những vấn đề giáo dục GĐPT được đặt ra là: Người HT trước hoàn cảnh mới sẽ nghĩ gì về vấn đề học Giáo lý? Thượng tọa Thích Như Điển trong một bài tham luận về “Đường hướng GĐPT trong bối cảnh mới” đã đưa ra nhận định: ”Gần đây trong nước Gia Ðình Phật Tử Việt Nam đã cố gắng soạn ra một bộ sách về Phật Pháp tương đối cao hơn; nhưng cũng chỉ mới nằm ở ngưỡng cửa Ðại học, chứ chưa vào sâu nơi Hậu Ðại Học. Cũng mới chỉ là lý thuyết chứ chưa phải là thực hành.
Về mặt nổi của Gia Ðình Phật Tử có nhiều ưu điểm là đồng phục, kỷ cương; nhưng về mặt sâu thẳm của nội tâm và sự tu học, Gia Ðình Phật Tử cần phải hoà nhập vào với các khoá tu khác của các chùa và Giáo hội, chứ không phải chỉ khư khư giữ kỹ nội dung huấn luyện của 50 năm trước mà không có một sự uyển chuyển nào đối với sự tiến bộ của thế giới ngày nay. Sự tu học cũng giống như một dòng nước chảy, không tiến ắt phải bị vật cản chi phối. Do vậy, phải tự trang bị cho chính mình một sự tu học chín chắn hơn để phục vụ cho lý tưởng của một người Huynh Trưởng Phật Tử, đồng thời mình phải là một nhà mô phạm cho các em trong cả sự tu lẫn sự học.
Nói như nhà Bác học Albert Eintein đã từng nói: Một tôn giáo trong tương lai thích hợp và hướng dẫn cho khoa học, không Tôn Giáo nào khác hơn là Phật Giáo. Phật học cao cả như thế mà một người Huynh Trưởng không thông thạo giáo lý, một vị Tăng Sĩ chỉ thực hành giáo lý một chiều, thì không cách nào mà mang đạo vào đời được…”.
Vấn đề xã hội ngày nay ảnh hưởng đến mọi giới, mọi người, kể cả GĐPT, đã được nhiều nhà giáo dục đặt ra. Thiền sư Nhất Hạnh trong một “Bức Tâm thư” gửi GĐPT đã viết: “ Học đường và xã hội ngày nay có quá nhiều chất liệu cám dỗ, bạo động, căm thù, nghi kỵ và thèm khát. Các bậc phụ huynh vì lo sợ con em bị nhiễm độc bởi những chất liệu ấy đã thao thức muốn con em mình được nương tựa vào một nếp sống tâm linh để được bảo vệ và nuôi dưỡng bằng những chất liệu lành mạnh của nền đạo lý dân tộc, nên đã muốn gửi con em vào GÐPT.
Các huynh trưởng của GÐPT tuy đạo hạnh và tài năng chưa hoàn hảo nhưng ai cũng đang được huấn luyện và tu học liên tục để càng ngày càng có khả năng bảo vệ trị liệu và nuôi dưỡng đoàn sinh của mình. Huynh trưởng GÐPT cố tâm thực tập cho bản thân và cho gia đình mình, bồi đắp chất liệu hòa thuận, tin yêu và hạnh phúc trong gia đình mình trong khi dạy dỗ và hướng dẫn các em tại đoàn quán để rồi các em cũng học được những phương thức ấy mà làm tăng tiến chất liệu hòa thuận, tin yêu và hạnh phúc trong gia đình các em…”