Bữa hôm ngồi tâm sự với cháu gái về chuyện bố thí. Cháu nói, con thấy có những người còn trẻ sức khoẻ tốt nhưng lại đi ăn xin.
Nhiều khi phân vân nên cho hay không cho, nhưng cứ nghĩ đến lời qúy thầy nói, người nào đã chìa tay cất miệng xin mình thì dù ít dù nhiều cũng hãy cứ cho. Nghĩ thế cho người ta xong lòng bỗng thấy vui vẻ.
Sẽ có người cho rằng khi bố thí thì phải có trí tuệ, phải nhận ra người ta có sức khoẻ, phải xem người ta có lừa đảo không, xin xong có về ăn nhậu, cờ bạc không.
Vâng, đúng là như thế!
Nhưng bàn tay chìa ra trước mặt mình chỉ thoáng qua, làm sao có đủ thời gian để đọc biết hết gia cảnh của mỗi người mà phân tích. Chỉ kịp nghĩ rằng để mở miệng xin người khác vốn chẳng dễ dàng gì. Cứ nhìn vào bản thân mình lúc cần tiền phải đi mượn đi vay thôi, vốn cũng đã rất khó để mở lời rồi.
Đức Phật cũng là người hành khất. Ngài xin ăn không phải vì lòng tham, vì sự lười biếng, mà ngài khất thực vì muốn trừ tâm tham lam, bỏn xẻn ở nơi người khác. Ngài nhận của người bát cơm nuôi thân, nhưng Ngài cho đi những bài pháp vĩ đại về tâm từ và tình thương yêu đồng loại.
Mỗi khi cho tặng ai cái gì, chúng ta theo dõi tâm mình xem chúng ta có điều kiện gì không, có muốn lấy lòng, nhờ vả gì không?
Nếu không, tại sao chúng ta phải cho tặng quà với những người cũng giàu có, cũng dư dả ngang với chúng ta?
Rõ ràng không phải khi nào sự cho tặng cũng xuất phát từ một điều kiện nào đấy, mà chúng ta cho tặng vì muốn nối kết một tình người ấm áp.
Vì thế đã cho thì không cần điều kiện gì để đền đáp cả. Bởi khi lòng tốt gieo xuống là hạt giống thiện đã nảy mầm trong tâm, đời đời không bao giờ mất.
Chúng ta chỉ cần nhìn vào tâm mình là đủ. Việc đúng sai khi nhận là nhân quả của họ.
Thử hỏi chúng ta cho người ăn xin được bao nhiêu so với quà cáp tiệc tùng sinh nhật hội hè?
Đôi khi chính ở cái nơi cho không cần điều kiện ấy mà chúng ta nhìn ra tâm tham lam bỏn xẻn của mình. Bởi tâm tham cũng có lời mách bảo rất riêng, tại sao ta phải cho, nhân quả của họ phải khốn khổ như vậy, họ phải chịu cảnh ê chề như vậy, ta không nên can thiệp vào làm gì.
Vâng, nghe cũng có lý quá đi chứ, vì ông tu ông đắc bà tu bà đắc, ai làm người đó hưởng mà.
Có câu chuyện cũng rất đáng suy ngẫm như sau;
Có một chàng thanh niên thấy một bà cụ đáng tuổi ngoại mình ngồi bán đu đủ bên vỉa hè. Lòng trắc ẩn khởi lên, chàng trai bèn ghé xe vào hỏi mua. Nghe bà cụ nói chỉ còn vài quả đu đủ, tối rồi con mua cho bà để bà còn về nghỉ. Không chần chừ gì cả chàng thanh niên ấy bèn bỏ tiền ra mua hết số đu đủ kia và vui vẻ ra về.
Rõ ràng khi ấy chàng thanh niên đã kết nối một sợi dây tình thương và lòng cảm thấy ấm áp khi mua giúp bà lão kia.
Nhưng chỉ một giờ sau, khi có việc phải quay lại con đường này, chàng thanh niên vẫn thấy bà cụ ngồi đó với những quả đu đủ mới.
Cảm giác bị tổn thương xuất hiện, tình thương và lòng trắc ẩn của chàng trai tan biến đi, thay vào đó là sự bực bội khó chịu. Thậm chí, chàng trai còn chụp ảnh lại và khi về đến nhà trên tường Fb xuất hiện ngay một stt cảnh báo, ở đoạn đường ấy có một bà già bán đu đủ…
Bao nhiêu chia sẻ, bao nhiêu những lời bình tiêu cực về bà cụ kia, và chàng trai cảm thấy hài lòng với stt này của mình.
Có khi nào chúng ta ngồi bình tĩnh nghĩ lại xem, dù bà cụ đã lợi dụng tâm lý trắc ẩn của người mua, nhưng cũng rất rõ ràng bà cụ không hề ép chàng trai kia phải mua.
Rồi bình tĩnh thêm chút nữa, chúng ta nghĩ xem, có biết bao nhiêu quảng cáo quá sự thật, sai sự thật, nhưng vẫn ru ngủ niềm tin của chúng ta cho những sản phẩm ấy. Rồi thì cách thức người ta tạo ra khan hiếm. Rồi thì hàng còn nhiều nhưng bảo sắp hết, hạ giá chút đỉnh để khách hàng tranh mua…
Cũng là sự dối trá nhưng tại sao người ta vẫn xem đó là “chiến lược kinh doanh”, “nghệ thuật bán hàng”…
Hay vì chúng ta chợt thấy đồng tiền của mình chảy vào túi họ nhanh quá. Rồi thì chúng ta liên hệ, nếu ai cũng có tình thương như chúng ta thì mỗi đêm bà già kia cũng kiếm được tiền triệu, trong khi cả tháng làm việc vất vả của mình cũng chỉ trên chục triệu.
Khi đó không còn tình thương nữa mà chỉ là lòng đố kỵ, khinh khi. Hình ảnh bà ngoại móm mém dễ thương bị thay bằng hình ảnh con mụ già dối trá.
Ai thay hình ảnh ấy trong lòng chúng ta? Không ai khác, cảm xúc tiêu cực của chúng ta thay, lòng tham và sự đố kỵ của chúng ta thay nó.
Nhưng nếu bình tĩnh thêm chút nữa, chàng trai thử thay hình ảnh bà già bán hàng bằng hình ảnh một cô gái trẻ đẹp dễ thương. Khi ấy chàng trai sẽ thấy cách mình giúp mua bằng tâm trạng gì?
Cũng có thể chàng trai sẽ móc hết tiền trong ví để mua hết số đu đủ kia, không chỉ một lần, mà hai lần nhưng vẫn thấy vui. Và về đến nhà cũng chẳng dại gì nói với người thân là thấy cô ấy xinh quá nên mua hết, vì nói ra sợ mọi người bảo mình trồng cây si.
Thế nên, người ta mới bảo người tiêu dùng thông minh là người chỉ nên ngắm những thứ mình thích và mua những thứ mình cần. Còn nếu đã bỏ tiền ra mua những thứ mình không cần vì lý do nào đó thì cũng đừng tiếc, đừng trách gì ai.
Bởi cho đi tình thương một cách vô vụ lợi thì sẽ nhận lại tình thương tương ứng, đó là đạo lý nhân quả, cũng là điều thiện không bao giờ mất đi nơi tâm thức của mình.
Chúng ta không can thiệp thô tháo vào nhân quả của người khác, nhưng nỗi đau và tình huống trớ trêu trong cuộc sống của mỗi người, chúng ta đều có thể cảm thông được.