Từ thiên chúng Tusita Bồ tát nhập vào thai mẹ, trải qua mười tháng tròn và được hạ sinh ở vườn Lumbini phía Tây Nam của Nepal giáp với biên giới Ấn Độ.
Bồ tát sinh trưởng và lớn lên trong cung vàng điện ngọc đầy đủ mọi tiện nghi vật chất và uy quyền mà nhiều người hằng mong ước.
Với bản tính trầm tư mặc tưởng và lòng từ bi vô lượng vô biên, Ngài không thể một mình hưởng thụ những lạc thú tạm bợ của đời sống vương giả ấy. Rồi một hôm, sau khi cả hoàng cung đang chìm trong giấc ngủ, Ngài đã lặng lẽ đến nhìn vợ con lần cuối và quyết tâm ra đi với tất cả huyết khí của tuổi xuân để tìm cầu chân lý giải quyết vấn đề khổ đau sinh tử cho mình và cho cả muôn loài.
Trải qua nhiều năm tầm sư học đạo và thực hành hết mọi hình thức khổ hạnh khốc liệt lúc bấy giờ nhưng Ngài vẫn chưa chứng được pháp thù thắng như Ngài mong đợi. Khi sắp kề cận với thần chết Ngài chợt nhận ra, “Không thể nào có một tinh thần minh mẫn trong một thân thể ốm yếu”[1]. Đời sống hưởng thụ dục lạc khiến con người chìm đắm trong sinh tử, khổ hạnh ép xác cũng chỉ khiến cho cơ thể trở nên suy kiệt, cả hai lối sống ấy đều không đưa đến sự giải thoát. Hay là có đạo lộ nào khác đưa đến giác ngộ?[2] Sau khi trầm tư như vậy, Ngài quyết định từ bỏ hai lối sống cực đoan ấy và thọ nhận bát sữa từ cô gái Sujata, rồi tắm rửa sạch sẽ, đến cội cây Bồ đề phát thệ nguyện rằng: “Dù cho thịt nát xương tan, nếu không tìm ra chân lý, ta quyết không rời khỏi chỗ này”. Sau 49 ngày đêm thiền định, Ngài đã chiến thắng được tất cả nội ma và ngoại chướng. Vào canh cuối của đêm thành đạo, lúc sao mai vừa mọc, Ngài chứng được tuệ giác tối thượng và tự liễu tri: “Sinh đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, sau đời hiện tại không có đời sống nào khác nữa”.[3].
Chính cái đêm linh thiêng tĩnh mịch ấy, Bồ tát Siddhartha đã trở thành một đấng giác ngộ, một bậc A la hán Chính Đẳng Giác, đã đem ánh sáng của chân lý chiếu soi vào cõi đời tăm tối bị dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu bao phủ bấy lâu nay.
Ngài đã thắp lên tia nắng ấm xua tan những nỗi khổ niềm đau đang kìm hãm kiếp sống con người. Sự chứng ngộ của Ngài như vầng thái dương tỏa chiếu, đã đưa nhân loại bước sang một kỷ nguyên mới về mọi phương diện của đời sống. Điều đó có thể thấy rõ qua cuộc đời hoằng pháp của Ngài.
Xây dựng Tăng đoàn trên tinh thần từ bi và bình đẳng
Chẳng bao lâu sau khi thành đạo, đức Phật (Bồ tát Siddhartha đã thành đạo) đã chinh phục được nhân tâm không chỉ của đại đa số tầng lớp nhân dân, mà còn của hàng vua chúa, các nhà cầm quyền cai trị các vùng lãnh thổ bấy giờ. Hình ảnh giáo đoàn khất sĩ sống đời phạm hạnh, tinh nghiêm, thanh tịnh dưới sự hướng dẫn của đức Phật và những lời tuyên thuyết của Ngài đã dần không còn xa lạ đối với mọi người. Phật giáo đã có mặt trên khắp nẻo đường xứ Ấn.
Tuy nhiên, sự khác nhau giữa Phật giáo và các tôn giáo thời bấy giờ ở Ấn Độ chính là tinh thần rộng độ quần sinh. Các hành giả của ngoại đạo như Bà la môn giáo và các giáo phái khác đều vì lợi ích hoặc sự giải thoát của bản thân để xuất gia tu tập, các đệ tử nương tựa vào vị đạo sư mới được chỉ dạy, họ chỉ biết thu mình trong các nhóm cá nhân, không chủ trương giáo hoá bên ngoài. Đặc biệt là với quan điểm về “tái sinh tộc, nhất sinh tộc”, họ lợi dụng Phạm thiên để bảo vệ lợi dưỡng cho bản thân, cho dòng tộc mình. Điều này khiến cho các học thuyết của họ không được truyền bá rộng rãi và không phải là tôn giáo vì lợi ích cộng đồng.
Ngược lại, đức Phật với nhân cách vượt trội, tấm lòng bi mẫn thương tưởng đến sự thống khổ của nhân sinh, đức Phật giáo hóa độ sinh không nhằm mục đích phục vụ lợi ích cho riêng một cá nhân, dòng tộc nào, mà sự giáo hóa của Ngài là vì mục đích “đem lại hạnh phúc cho nhiều người, an lạc cho nhiều người…” Ngay từ buổi đầu thành lập tăng đoàn, đức Phật đã khuyến khích các vị Tỳ kheo đệ tử mình: “Này các tỳ kheo, hãy cất bước du hành vì lợi ích của nhiều người, vì an lạc của nhiều người, vì lòng thương xót thế gian, vì sự tiến hóa, sự lợi ích, sự an vui của chư thiên và nhân loại, chớ đi hai người chung một đường. Này các tỳ kheo, hãy thuyết giảng Giáo Pháp toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở đoạn giữa, và toàn hảo ở đoạn kết, thành tựu về ý nghĩa, thành tựu về văn tự, giảng giải về Phạm hạnh thanh tịnh một cách trọn vẹn và đầy đủ.”[4].
Đức Phật trực tiếp xoá bỏ rào cản giai cấp đã ăn sâu trong xã hội ra khỏi Tăng đoàn và khiến Tăng đoàn trở thành cộng đồng sống trong sự bình đẳng, không phân biệt giai cấp đầu tiên trong xã hội Ấn Độ bằng lời tuyên bố: “Phàm có các con sông lớn nào, ví như sông Hằng, sông Yamunà, sông Aciravatì, sông Sarabhù, Sông Mahì, các con sông ấy khi chảy đến biển, liền bỏ tên họ cũ trở thành biển lớn… có bốn giai cấp: Sát đế lỵ, Bà la môn, Phệ xá, Thủ đà, sau khi từ bỏ gia đình, xuất gia trong Pháp và Luật được Như Lai tuyên bố, họ từ bỏ tên và họ của họ từ trước, và họ trở thành những Sa môn Thích tử.”[5].
Đặc biệt, Ngài đã khai mở cho Nữ giới một con đường giải phóng không những ra khỏi thân phận đen tối thấp hèn lệ thuộc vào người nam mà còn cao cả hơn, người nữ có thể vượt thoát ra khỏi ngục tù bản ngã nhỏ hẹp để vươn đến con đường giải thoát giác ngộ như tất cả những bậc nam giới trong xã hội.
Thiết lập tinh thần bất bạo động trong đời sống
Đức Phật đã thiết lập tinh thần bất bạo động vào trung tâm giáo lý và chuẩn mực hành vi của con người. Trong quá trình truyền bá chính pháp, không có chỗ nào dành cho sự đàn áp, chiến tranh mà ngược lại Ngài còn tiếp biến với văn hóa bản địa, tạo nên bản sắc văn hoá Phật giáo của từng vùng lãnh thổ. Thậm chí, đức Phật chuyển hoá ngoại đạo mà không một lời gièm pha, chê bai, chỉ trích tôn giáo họ và đề cao quan điểm của mình. Ngài cho phép một người từng là tín đồ của Loã thể sau khi quy y theo Tam bảo vẫn được tiếp tục duy trì sự cúng dường cho các tu sĩ lõa thể.
Khi bị sự thóa mạ, phỉ báng của các ngoại đạo, Ngài khuyên các Tỳ kheo không nên sinh lòng bực bội, khó chịu, mà từ đó phản chiếu lại, xem xét lại những điều họ phỉ báng là đúng hay sai, và cũng không nên khởi tâm hân hoan, vui thích khi nghe lời tán dương khen ngợi Tam Bảo, vì cả hai trạng thái đó đều gây chướng ngại cho sự tu tập. Thái độ đúng đắn cần nên làm là nói cho họ biết chỗ nào chưa chính xác trong lời chỉ trích và chỉ rõ đâu là điều khen ngợi chính xác trong lời tán thán.[6] .
Tinh thần bất bạo động của đức Phật không chỉ chống lại sự giết chóc hàng loạt trong các cuộc chiến tranh, sử dụng vũ lực giữa các quốc gia hay bộ tộc mà còn thể hiện qua chủ trương bất hại, phản đối việc sát sinh để hiến tế trong các nghi thức tế lễ. “Này Bà la môn, Ta không tán thán tất cả các loại tế đàn. Nhưng này Bà la môn, Ta không phải không tán thán tất cả các loại tế đàn. Trong loại tế đàn nào, này Bà la môn, bò bị giết, dê, cừu bị giết, gia cầm, heo bị giết, các loài sinh vật khác đi đến bị giết hại, loại tế đàn ấy, này Bà la môn liên hệ đến sát sinh, Ta không tán thán loại tế đàn ấy.”[7].
Không những trong kinh điển mà trong giới luật đức Phật chế định cũng thể hiện tinh thần từ bi bất hại, tránh sát sinh từ con người cho đến những loài côn trùng vi tế. Có thể nói, Đức Phật là một vị vua hòa bình và giáo lý của Ngài trở thành con đường hòa bình đích thực. Bởi vì nếu một Phật tử tu tập để tạo điều kiện cho đức tính từ bi phát triển trong tâm thì họ không thể làm hại những người hay vật khác được.
Khẳng định vai trò làm chủ vận mệnh của con người
Sau khi Bồ tát Siddhartha thành đạo, xã hội Ấn độ nói riêng và toàn thế giới nói chung đã chính thức đón nhận một tôn giáo mới, đó là Phật giáo. Tuy nhiên khác với các tôn giáo khác, Phật giáo là một tôn giáo vô thần, không chấp nhận một đấng tối cao hay thế lực quyền năng nào có thể ban phước giáng họa, mà tất cả đều do chính hành động của con người.
Thông qua giáo lý Nghiệp báo, đức Phật đã trao quyền làm chủ vận mệnh cho con người, chân lý của tâm linh không nằm ở việc cúng tế thần linh, không phải thuộc thẩm quyền của Veda, không ở trong pháp tu luyện hão huyền của Atharva Veda… Nền tảng của Phật giáo đặt ra từ vị trí của con người, sự giải thoát nằm ở nơi mỗi cá nhân, từ sự nỗ lực tu tập thiền định, thực hành con đường Trung đạo với quả vị tối thượng là A la hán.
Theo đức Phật, con người là ở vị trí thượng đẳng, là chủ nhân của chính mình, “Này các Tỷ kheo, chúng sinh là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, là sinh căn của nghiệp, là bà con của nghiệp, là chỗ nương tựa của nghiệp. Phàm họ làm nghiệp gì, thiện hay ác, họ là những kẻ thừa tự của nghiệp ấy”.[8] Đức Phật cũng là một con người bình thường, sinh ra và lớn lên trong cuộc đời này như bao nhiêu người khác. Nhưng Ngài đã làm chủ được vận mệnh đời mình qua quá trình tu tập và giác ngộ. Từ đó, Ngài khẳng định rằng tất cả chúng sinh đều có thể giác ngộ, “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”. Ngài đã trả lại đúng vị trí, quyền hạn và trách nhiệm cho con người. Chính con người chứ không phải ai khác có thể quyết định hạnh phúc hay khổ đau của mình, vì “Chỉ có ta làm điều tội lỗi, chỉ có ta làm cho ta nhiễm ô, chỉ có ta tránh điều tội lỗi, chỉ có ta làm cho ta thanh tịnh, trong sạch hay nhiễm ô là tự nơi ta, không ai có thể làm cho kẻ khác trở nên trong sạch”[9].
Dù trải qua bao ngàn năm lịch sử nhưng những bài pháp trầm hùng mà đức Phật từng tuyên thuyết vẫn mãi là khúc ca khải hoàn có giá trị vượt thoát thời gian và có khả năng đem lại chân hạnh phúc cho những ai thực tu thực chứng.
Sự thành đạo của Bồ tát Siddhartha là một dấu ấn lịch sử trọng đại cho toàn thể nhân loại, vì nếu không có sự thành đạo của Ngài thì sẽ không có chân lý nhiệm mầu truyền bá khắp năm châu, như thế nhân loại vẫn mãi chìm đắm trong kiếp sống mù mờ không lối thoát. Từ những giáo lý thậm thâm vi diệu, đức Phật đã khơi dậy niềm tin ở nơi mỗi con người về khả năng chuyển hóa mọi khổ đau bằng chính hành động hướng thiện của mình. Ngài đã giải thoát con người ra khỏi ách nô lệ của thánh thần, xé rách hệ tư tưởng thống trị của Bà la môn về triết lý bốn giai cấp, màu da, chủng tộc.
Đức Phật đã khai sinh ra một thế giới mới với nhiều nguồn năng lượng an lành, thanh khiết cho sự sống muôn loài. Điều kỳ diệu này đã được các Vương tử, gia chủ Bà la-môn, và du sĩ ngoại đạo nhiều lần tán thán, “Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc”.[10] .
Như vậy đó, Thế Tôn đã đến bên đời với bao suy tư trăn trở về sự thống khổ của kiếp người, để rồi chính Ngài đi tìm câu giải đáp cho sự trầm tư ấy, cuối cùng Ngài đã làm được điều đó, mở ra cánh cửa giải thoát cho những ai thực hành theo chân lý mà Ngài chứng ngộ. Ngài thấy rõ khuôn mặt của kẻ dựng nên ngôi nhà năm uẩn với lời tuyên bố hùng hồn giữa núi rừng thanh vắng:
“Lang thang bao kiếp sống
Ta tìm nhưng chẳng gặp,
Người xây dựng nhà này,
Khổ thay, phải tái sinh.
Ôi! Người làm nhà kia
Nay ta đã thấy ngươi!
Ngươi không làm nhà nữa,
Ðòn tay ngươi bị gãy,
Kèo cột ngươi bị tan
Tâm ta đạt tịch diệt,
Tham ái thảy tiêu vong.”[11].
Cảm niệm của hàng hậu học
Kính bạch Thế Tôn, bậc A la-hán Chính đẳng Giác, có đôi lần con đã tìm thấy Thế Tôn qua tính giác tâm linh của chính mình, những khoảnh khắc đó dù chỉ một giây phút thôi nhưng con đã cảm nhận được sự tương giao với Ngài. Cảm nhận được biển trí vô biên và tâm từ bi vô lượng của Ngài lan tỏa khắp trong từng tế bào của con. Kính bạch Ngài, đấng Thiện Thệ của thế gian, hôm nay đây, chúng con đang sống trong một xã hội khi mà vật chất đi lên đạo đức đi xuống, khi mà người ta đã xây nên quá nhiều bức tường ngăn cách thay vì những cây cầu cảm thông.
Nếu không có chân lý Thế Tôn khai sáng, thì có lẽ chúng con cũng sẽ lạc lối như những nhà khổ hạnh năm xưa ra sức hành hạ thân xác để tìm cầu giải thoát, hoặc như những kẻ không tin luật nhân quả cho rằng chết là hết rồi buông thả theo dục lạc không biết ngừng dứt.
Thật hạnh phúc thay, nay chúng con được thừa hưởng gia tài Thế Tôn để lại, nhờ vậy mà chúng con biết được đâu là nẻo chính đường tà để xây dựng nên đời sống chân thiện mỹ cho mình và cho người. Điều hạnh phúc hơn, chúng con có đủ duyên lành được khoác trên mình tấm hoàng y phước điền, được dự vào hàng ngũ chúng trung tôn. Là đệ tử của Thế Tôn, chúng con nguyện tiếp nối và đi theo con đường mà Thế Tôn đã đi.
Nguyện đem hình bóng của Ngài vào trần thế bằng chính những suy nghĩ, lời nói, và việc làm hằng ngày của chúng con.
Một mùa Thành đạo nữa lại về! Con xin dâng lòng tôn kính vô biên đến Thế Tôn, kính chúc chư Tôn đức Tăng Ni pháp thể khinh an, đạo quả viên thành.
Cầu chúc niềm pháp hỷ vô lượng đến những người con Phật, nguyện cho tất cả mọi người sẽ thắp lên được ngọn đuốc trí tuệ và khơi dậy tình thương yêu nơi chính mình để xây dựng nên một thế giới hòa bình an lạc.
Namo Shakyamuni Buddha!
Tác giả: Huệ Đức
***
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Thích Minh Châu (dịch), Trung Bộ Kinh, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, NXB Hồng Đức, 2020.
Thích Minh Châu (dịch), Tương Ưng Bộ Kinh, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, NXB Hồng Đức, 2020.
Thích Minh Châu (dịch), Tăng Chi Bộ Kinh, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, NXB Hồng Đức, 2020.
Thích Minh Châu (dịch), Trường Bộ Kinh, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, NXB Hồng Đức, 2020.
Thích Minh Châu (dịch), Tiểu Bộ Kinh, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, NXB Hồng Đức, 2020.
Tạng Luật, Đại phẩm, chương Trọng yếu, tụng phẩm Thứ nhì, SuttaCentral.
Chú thích:
[1] Đại kinh Saccaka, Trung Bộ kinh, Thích Minh Châu dịch, VNCPHVN, NXB Hồng Đức, 2020, tr.273.
[2] Sđd, tr. 273.
[3] Sđd, tr. 275.
[4] Đại Phẩm, tập I, Tụng Phẩm Thứ Nhì, tr.36.
[5] Kinh Tăng Chi Bộ, Chương VIII Tám Pháp II. Phẩm Lớn, tr.962.
[6] Trường Bộ kinh, Kinh Phạm Võng, Thích Minh Châu dịch, VNCPHVN, NXB Hồng Đức, 2020, tr 14-15.
[7] Tăng Chi Bộ kinh, Thích Minh Châu dịch, VNCPHVN, NXB Hồng Đức, 2020, tr.311.
[8] Tăng Chi Bộ Kinh, Thích Minh Châu dịch, VNCPHVN, NXB Hồng Đức, 2020, tr.1306.
[9] Tiểu Bộ Kinh, Pháp cú 165, Thích Minh Châu dịch, VNCPHVN, NXB Hồng Đức, 2020, tr.52.
[10] Trung Bộ Kinh, Thích Minh Châu dịch, VNCPHVN, NXB Hồng Đức, 2020, tr.521.
[11] Tiểu Bộ Kinh, Pháp cú 153-154, Thích Minh Châu dịch, VNCPHVN, NXB Hồng Đức, 2020, tr.48.