Trang chủ Đời sống Tâm linh Bồ Tát Quán Thế Âm (觀世音菩薩)

Bồ Tát Quán Thế Âm (觀世音菩薩)

1418

Tên nguyên bản tiếng Phạn của vị Bồ tát Quán Thế Âm là Avalokiteśvara. Tên tiếng Hán Quán Thế Âm Bồ Tát (觀世音菩薩) được phiên dịch từ tiếng Phạn: “Avalokiteśvara Bodhisattva”. Bồ tát Quán THế Âm thường được mô tả dưới nhiều dạng thân nam hay nữ, và cũng có thể được biết đến với tên gọi đơn giản là Quan Âm.

Quán Thế Âm (觀世音), cũng gọi là Quán Tự Tại, Quan Âm, là một trong những vị Bồ Tát có hạnh nguyện cứu khổ, cứu nạn cho mọi chúng sinh . Có nhiều luận giải khác nhau về nguyên nghĩa tên Ngài. Có người hiểu “īśvara” là một “người nam” quán chiếu thế giới, có người hiểu “svara” là “Âm”, tức là vị Bồ Tát lắng nghe mọi tiếng thế gian.Bồ Tát Quán Thế Âm là thể hiện lòng Bi, một trong hai dạng của Phật tính. Vì vậy, mọi người gọi Bồ Tát là bậc Đại Bi. Dạng kia của Phật tính là Trí huệ, là đặc tính được Bồ Tát Văn-Thù-Sư-Lợi thể hiện. Quán Thế Âm là vị Bồ Tát thể hiện nguyện lực của Phật A-Di-Đà và được xem như quyến thuộc của Phật A-Di-Đà (Tịnh độ tông). Với lòng từ bi vô lượng, Quán Thế Âm thể hiện sức mạnh huyền diệu cứu giúp mọi chúng sinh quán tưởng đến mình lúc gặp hiểm nguy. Trong nhân gian, Quán Thế Âm là vị bảo hộ tránh khỏi tai hoạ và giúp người phụ nữ không con cầu tự.

Trong các loại tranh tượng về Quán Thế Âm, chúng ta thấy có 33 dạng, khác nhau về số đầu, tay và các đặc tính. Thông thường tượng Bồ Tát có ngàn tay ngàn mắt, có khi 11 đầu. Trên đầu có tượng A-Di-Đà, xem như đặc điểm chính. Trên tay có khi thấy Bồ Tát cầm hoa sen hồng, vì vậy nên Quán Thế Âm cũng có tên là Liên Hoa Thủ (người cầm hoa sen) hay nhành dương liễu và một bình nước Cam-lộ. Số tay của Bồ Tát biểu hiện khả năng cứu độ chúng sinh trong mọi tình huống.

Trong tranh tượng với 11 đầu thì Quán Thế Âm mang 9 đầu của chín vị Bồ Tát, một đầu của một vị Phật và cuối cùng là đầu của Phật A-Di-Đà. Cứ mỗi ba đầu tượng trưng là ba đặc tính: từ bi với chúng sinh khổ nạn, quyết tâm đối trị cái xấu, hoan hỉ với cái tốt. Theo một cách nhìn khác thì 11 đầu biểu tượng cho mười cấp của Thập địaPhật quả.

Đôi lúc Quán Thế Âm Bồ Tát cũng được trình bày dưới một dạng ít thấy, đó là “Sư Tử Hống Quán Tự Tại” (獅子吼觀自在). Dưới dạng này, Bồ Tát là một Dược sư, đặc biệt cứu độ những người bệnh phong cùi. Mắt Bồ Tát đang nhìn bệnh nhân và mắt chính giữa (huệ nhãn) đang tập trung chẩn bệnh. Hai bảo vật bên vai cũng là những dụng cụ của một dược sĩ, bình sắc thuốc bên trái của Bồ Tát và đao trừ tà (bệnh) bên phải. Sư tử Bồ Tát cưỡi xuất phát từ một sự tích. Tương truyền rằng, có một con sư tử sinh được một con nhưng con chết ngay sau khi sinh. Đau đớn quá nó rống lên thật to và nhờ tiếng rống uy dũng này, nó làm cho con nó sống lại. Vì thế mà có sự liên hệ giữa tên của Sư Tử Hống Quán Tự Tại (“giọng sư tử”) với nghề nghiệp của một dược sĩ “gọi người sống lại”.

Một thuyết khác giải thích tích của 11 đầu và nghìn tay: lúc Quán Thế Âm quán chiếu cảnh khổ của chúng sinh thì đầu Bồ Tát đau xót vỡ ra từng mảnh. Phật A-di-đà xếp các mảnh đó lại thành 11 đầu. Xuất phát từ nguyện lực cứu độ mọi chúng sinh, thân Bồ Tát mọc ra nghìn tay, trong mỗi tay có một mắt. Quán Thế Âm cũng hay được vẽ là một vị Bồ Tát cứu độ chúng sinh trong sáu nẻo Luân hồi (Lục đạo): trong súc sinh, Quán Thế Âm đầu ngựa, hoặc cưỡi sư tử; trong địa ngục, người có nghìn cánh tay; trong cõi A-tu-la, người có 11 đầu.


Tại Việt Nam, Quán Thế Âm còn gọi là Quan Âm, hay được trình bày dưới dạng “Phật Bà”. Tại Tây Tạng, Quán Thế Âm  là “người bảo vệ xứ tuyết” và có ảnh hưởng trung tâm trong truyền thống Phật giáo tại đây. Người ta xem Bồ Tát là cha đẻ của dân tộc Tây Tạng và nhờ Ngài mà Phật giáo được truyền bá qua nhà vua Tùng-tán Cương-bố, được xem là một hiện thân của Quán Thế Âm. Đạt-lại Lạt-ma và Cát-mã-ba cũng được xem là hiện thân của Quán Thế Âm. Câu Man-tra OM MA-NI PAD-ME HUM được xem là thuộc tính của Quán Thế Âm, là thần chú đầu tiên truyền đến Tây Tạng và ngày nay được tụng đọc nhiều nhất. Tranh tượng của Bồ Tát được biểu diễn bằng một người có 11 đầu và ngàn cánh tay hoặc trong dạng có bốn tay, ngồi toà sen.

Trong Diệu pháp liên hoa kinh, đức Phật Thích Ca đã giải thích rõ cho Vô Tận Ý Bồ Tát về ý nghĩa của danh hiệu Quán Thế Âm là do vị Bồ tát này khi nghe âm thanh của chúng sinh xưng danh hiệu mình thì bèn tầm thanh để cứu khổ. Nếu có vô lượng trăm ngàn vạn ức chúng sanh bị các khổ não nghe đến danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, một lòng xưng danh Ngài thì ngay khi đó, Bồ Tát Quán Thế Âm bèn xem xét âm thanh ấy, khiến cho họ đều được giải thoát. Cũng theo kinh Diệu pháp liên hoa thì Quán Thế Âm Bồ tát có 32 hóa thân khác là thân Phật, Bích Chi, Thinh Văn, Phạm Vương, Đế Thích, Đại Tự Tại Thiên, Đại Tự Tại, Thiên Đại Tướng Quân, Tỳ Sa Môn, Tiểu Vương, Trưởng giả, Cư sĩ, Tể quan, Bà-la–môn, Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, Phụ nữ, Đồng nam, Đồng nữ, Thiên, Long, Dạ xoa, Càn-thát-bà, Ca-lâu-la, A-tu-la, Khẩn-na-la Ma-hầu-la-già, Nhân, Phi nhân Thần chấp Kim Cang.

Sau này lại có thêm 33 hóa thân khác của Quán Thế Âm, những hóa thân này không dựa vào Kinh sách mà chỉ dựa vào tư tưởng hóa độ lục đạo kết hợp với 33 Ứng hóa thân trên pha trộn với tín ngưỡng dân gian của Nhật BảnTrung Hoa mà tạo thành, đó là các hồng danh: Dương Liễu Quán Âm, Long Đầu Quán Âm, Trì Kinh Quán Âm, Viên Quang Quán Âm, Du Hý Quán Âm, Bạch Y Quán Âm, Liên Ngọa Quán Âm, Lang Kiến Quán Âm, Thí Dược Quán Âm, Ngư Lam Quán Âm, Đức Vương Quán Âm, Thủy Nguyệt Quán Âm, Nhất Diệp Quán Âm, Thanh Cảnh Quán Âm, Uy Đức Quán Âm, Diên Mạng Quán Âm, Chúng Bảo Quán Âm, Nham Hộ Quán Âm, Năng Tĩnh Quán Âm, A Nậu Quán Âm, Vô Úy Quán Âm, Diệp Y Quán Âm, Lưu Ly Quán Âm, Đa La Quán Âm, Cáp Lỵ Quán Âm, Lục Thời Quán Âm, Phổ Bi Quán Âm, Mã Lang Phụ Quán Âm, Hiệp Chưởng Quán Âm, Nhất Như Quán Âm, Bất Nhị Quán Âm, Trì Liên Quán Âm, Sái Thủy Quán Âm.


Nhân ngày Khánh Đản Bồ Tát Quán Thế Âm 19.2.Ất Mùi (2015), mỗi người con Phật chúng ta hãy dâng nén tâm hương hướng về Ngài, cầu nguyện Đức Đại từ, Đại bi, Cứu khổ, Cứu nạn Quán Thế Âm Bồ Tát cứu vớt mọi sinh linh đang sống trong biển khổ, sông mê mau mau tỉnh ngộ  hướng về bờ giác.

Đệ tử Trí Bửu – Kính mừng Khánh đản Bồ-tát Quán Thế Âm 19/2/Ất Mùi(2015).