Tập hai của hai cuốn sách ‘Kiến trúc đình làng Việt qua tư liệu Viện Bảo tồn di tích’ và ‘Kiến trúc chùa Việt Nam qua tư liệu Viện Bảo tồn di tích’ vừa ra mắt bạn đọc.
Kiến trúc đình làng Việt qua tư liệu Viện Bảo tồn di tích tập 2 gồm 224 trang, viết về 12 ngôi đình tiêu biểu, với nghệ thuật kiến trúc, chạm khắc đặc sắc, mang hơi thở nghệ thuật kiến trúc đặc trưng của từng thời kỳ lịch sử, trải dài từ cuối thế kỷ 16 đến nửa đầu thế kỷ 20.
Cuốn Kiến trúc chùa Việt Nam qua tư liệu Viện Bảo tồn di tích tập 2 gồm 220 trang, đề cập tới 10 ngôi chùa tiêu biểu, có giá trị đặc biệt về lịch sử, kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc trang trí, có niên đại từ thời Trần cho đến thời Nguyễn. Nhiều đình, chùa được đề cập trong hai cuốn sách hiện đã biến mất hoàn toàn.
2 cuốn sách mới này giới thiệu kết quả nghiên cứu trong nhiều chục năm qua của Viện Bảo tồn di tích. |
2 cuốn sách mới này giới thiệu kết quả nghiên cứu trong nhiều chục năm qua của Viện Bảo tồn di tích. Sách bao gồm những bài viết tổng thuật về các di tích một cách khá đầy đủ về lịch sử – kiến trúc – điêu khắc trang trí với nhiều kiến giải, nhìn nhận, cập nhật những thông tin mới dựa trên những nghiên cứu, phát hiện trong các cuộc điền dã gần đây.
Đặc biệt có những bản vẽ tư liệu quý, là công sức, trí tuệ của nhiều thế hệ cán bộ kỹ thuật. Nhiều bản vẽ ghi đạc họa bằng tay từ những năm 70 – 80 của thế kỷ trước mà nay chúng đã trở thành những “di sản” của một thế hệ.
TS.KTS Hoàng Đạo Cương, viện trưởng Viện Bảo tồn di tích cho biết trong số chừng 1 vạn di tích được công nhận, trong đó chừng 100 di tích đặc biệt cấp quốc gia và khoảng 3.500 di tích cấp quốc gia và hàng vạn di tích mới được kiểm kê, khó có chuyện có đủ nguồn lực để bảo tồn một cách đầy đủ tất cả những di tích ấy.
GS.TS. KTS Hoàng Đạo Kính nhận định: “Dù chúng ta có cố gắng bảo tồn các di tích – di sản thì vẫn có khả năng mai một cho nên việc giữ lại hình ảnh xác thực, chính xác về các di tích đó có ý nghĩa rất to lớn cho tương lai. Giả sử vì lý do nào đó mà các di tích lịch sử – văn hoá bị xuống cấp hoặc bị mất đi thì con cháu còn có hình ảnh để nhớ. Chúng ta càng ngày càng có ít khả năng giữ được những gì lớn lao, mênh mông… như hệ thống di sản vật chất của chúng ta.
Việc Viện Bảo tồn di tích dám công bố những gì họ đã giữ được, tôi cho đó là một hành động dũng cảm, hào hiệp trong khoa học. Có rất nhiều tổ chức này, tổ chức kia; cơ quan này, cơ quan kia… có nhiều tích luỹ nhưng họ vẫn giữ kín trong kho của mình. Sự chia sẻ những tích luỹ của Viện Bảo tồn di tích sẽ làm cho sự tích luỹ của mình càng trở nên có ý nghĩa khoa học. Đó là một hành động khoa học, những người vì khoa học phải nên làm việc ấy”.
Tình Lê/VNN