Mở đầu Tây Du Ký, tác giả Ngô Thừa Ân viết: “Dục trị tạo hóa hội nguyên công, tu khán Tây Du thích ách truyện”, nghĩa là muốn biết công của tạo hóa ra sao, muốn hiểu được ý nghĩa của đời người thế nào, vậy cần phải hiểu Tây Du Ký.
Năm xưa Đường Tăng sang Tây Trúc thỉnh kinh, trên đường đi thu nạp 4 đại đồ đệ Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Ngộ Tĩnh và Bạch Long Mã. Sau 81 kiếp nạn sinh tử, thầy trò Đường Tăng thăng giá Linh Sơn bái kiến Phật Tổ Như Lai.
Sau này, Đường Tăng và Tôn Ngộ Không đắc đạo thành Phật, Bạch Long Mã giữ chức Bát Bộ Thiên Long, Sa Ngộ Tĩnh và Trư Bát Giới giữ chức vị La Hán và Sứ giả.
Hoá ra, thực chất 5 sinh mệnh ấy chỉ là một người hay còn được gọi là Ngũ vị nhất thể.
Mỗi nhân vật từ Đường Tam Tạng đến con ngựa Bạch Long đều biểu trưng cho một đặc tính thường thấy của thân và tâm trong mỗi người chúng ta trên hành trình hoàn thiện bản thân.
Đường Tăng – tình cảm, thể xác của con người
Theo diễn biến trong Tây Du Ký, Đường Tăng quả thật có thân thế bất phàm. Kiếp trước của Đường Tăng nguyên là Kim Thiền Tử – đồ đệ thứ hai của Phật Tổ Như Lai.
Bởi người này không nghe giảng Pháp, khinh mạn lời giảng Đạo, cho nên đã bị Đức Như Lai đày đọa chuyển sinh nơi Đông Thổ.
Cho dù có là học trò, đệ tử của Phật Tổ thì khi phạm Phật quy, phạm tội tày đình vẫn phải chịu phạt như người thường.
Kim Thiền Tử bị đọa sang Đông Thổ Đại Đường liền bắt đầu trải qua kiếp nạn. Cậu bé vừa mới sinh ra đời thì cha đã bị giết, mới vừa đầy tháng mẹ đã phải thả cậu lên bè trôi sông, suýt chút nữa thì bị chết đuối.
Lớn lên đi tìm họ hàng chẳng hề dễ dàng, về sau trên con đường tu luyện tìm chân kinh phải trải qua muôn ngàn sóng gió, hết tai này đến nạn kia.
Mỗi khi gặp khó nạn chỉ cần trong tâm thoáng có niệm không chính, tâm cầu phật có một chút “lung lay” thôi thì mọi công sức đều đổ bể, hơn nữa lại còn có thể bị nguy hiểm đến tính mạng.
Trên đường đi, Kim Thiền Tử – Đường Tăng thu nạp 3 đệ tử: Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Ngộ Tĩnh, Bạch Long Mã. Bốn thầy trò Đường Tăng kiên định tâm cầu Phật pháp, trải qua 81 nạn mới trở về lại được thế giới Phật.
Thật ra Tây Du Ký chỉ là câu chuyện mượn lý do thỉnh kinh để giãi bày đạo lý làm người, dùng hư cấu văn chương để răn đe người đời tính thiện nhân và tu dưỡng tâm tính.
Ai trong chúng ta cũng đều có thể là một Đường Tăng. Đều là thể xác, có những điểm mạnh và điểm yếu, tuy có lúc kiên định nhưng cũng có lúc u mê nhu nhược.
Trong đó, Tôn Ngộ Không là tượng trưng cho cái tâm, Đường Tăng là thân thể, Trư Bát Giới là tình cảm và dục vọng, Sa hòa thượng là bản tính và Bạch Long Mã là ý chí của con người.
Tôn Ngộ Không – Tâm của con người
Tôn Ngộ Không là con khỉ đá thác sinh do Trời – Đất, được thiên địa hoá dục mà thành, vốn sinh ra đã mang sẵn tinh hoa của đất trời.
Bẩm sinh căn cơ tốt phi thường, sớm ngộ lẽ vô thường, tầm sư học Đạo, trở thành một Thái Ất kim tiên.
Được Thượng Đế sắc phong làm Tề Thiên Đại Thánh, ngao du khắp chân trời góc biển, hưởng phúc lành cõi thần tiên.
Chỉ vì sinh lòng ngông ngạo, Tôn Ngộ Không đã đại náo thiên cung, bị Phật Tổ phạt giam dưới núi Ngũ Hành 500 năm, “đói thì cho ăn viên sắt, khát cho uống nước rỉ đồng”. Sau gặp Đường Tăng nguyện ý từ bỏ dục vọng thành tâm đi theo con đường Phật pháp.
Người Trung Hoa có câu: “Tâm viên ý mã” (tâm con khỉ, ý con ngựa), nghĩa là tâm trí con người ta thường xáo động và dễ mất kiểm soát.
Vì thế, Tôn Ngộ Không chính là đệ tử của trái tim, đại diện cho chữ Tâm của người tu hành. Trái tim ấy liên tục cử động không yên, tự do tung hoành giữa trời đất đầy những chuyện thiện – ác lẫn lộn.
Vì vậy, về sau này Quan Âm Bồ Tát đã phải tặng cho Đường Tăng chiếc vòng kim cô và bài “Khẩn cô nhi chú” để khắc chế cái tâm này với Tôn Ngộ Không.
Trong chuyến hành trình đi tìm chân kinh, duy chỉ có Ngộ Không thật sự từ bỏ ma tâm để sống với thiện tâm, một lòng học Đạo, phò tá sư phụ Đường Tăng, trừ gian diệt ác, lấy lại lẽ phải, công bằng đê cuối cùng đạt đến cảnh giới cần có để trở thành một vị Phật.
Tu thành chính quả, trên núi Linh Sơn, Đức Như Lai đã tấn phong: “Tôn Ngộ Không, nhà ngươi phò Đường Tăng dọc đường trừ ma diệt ác có công, sau trước vẹn tròn, gia phong người chức Đấu chiến thắng Phật”.
Còn một lẽ nữa, những ai theo dõi kỹ Tây Du Ký đều biết Tôn Ngộ Không chu du khắp bốn biển tìm tiên cầu Đạo, cuối cùng trở thành đệ tử của Bồ Đề Tổ Sư trên núi Linh Đài Phương Thốn, động Tà Nguyệt Tam Tinh.
Thực chất Tà Nguyệt Tam Tinh chính là chữ “Tâm”. Vậy nên, ngụ ý sâu xa rằng Tôn Ngộ Không là thể hiện cho chữ Tâm của người tu hành.
Trong Kinh Lăng Nghiêm còn viết rằng Tâm có 72 tướng, tương ứng với 72 phép biến hóa của Ngộ Không. Cái tâm của người đời rất giỏi biến hóa, chỉ trong chốc lát có thể biến ra các loại tâm thái khác nhau.
Luyện tâm có thể khiến lòng người sáng sủa, trí tuệ sáng suốt, vậy nên lò Bát Quái luyện đan của Thái Thượng Lão Quân không thể thiêu chết mà trái lại còn khiến Tôn Ngộ Không luyện thành Hỏa nhãn kim tinh.
Bạch Long Mã – ý chí con người
Bạch Long Mã gốc tên là Quảng Tấn, con trai của Tây Hải Long Vương, ngày trước là Tam Thái Tử của Tây Hải Long Cung, là một người khôi ngô tuấn tú song vì làm hỏng báu vật mà Ngọc Hoàng Thượng đế ban tặng nên bị đày tội chết. Sau này, Quan Thế Âm Bồ Tát đã cho phò giá Đường Tăng để chuộc lại những lỗi lầm đã gây ra.
Khi phò giá Đường Tăng, Tây Hải Long Vương Tam Thái Tử là một con ngựa, rất ít khi cùng các sư huynh tham gia chiến đấu với yêu quái, duy chỉ trong trận Hoàng bào quái là một lần hiếm hoi ông tham gia chiến đấu và báo cho Trư Bát Giới biết Đường Tăng đã bị Hoàng bào quái biến thành hổ.
Tây Hải Long Vương Tam Thái Tử do có công lao cõng Đường Huyền Trang, phụ giúp các sư huynh trên đường đến Tây Thiên nên được phong làm Bát Bộ Thiên Long.
Bạch Long Mã là đại diện cho ý cuối cùng của Ngũ vị nhất thể – Tâm viên ý mã.
Cái Tâm đã là Tôn Ngộ Không thì cái Ý là Bạch Long Mã. Cái Ý ở đây chính là ý chí, sự quyết tâm tiến về phía trước không lùi lại.
Cũng bởi con ngựa này luôn tiến về phía trước mới có thể chở được Tam Tạng tới Tây Phương. Bạch Long Mã thường được coi là em út trong đoàn, nhưng tác giả vẫn cho Bạch Long gặp Đường Tăng và Tôn Ngộ Không trước cả Bát Giới và Sa Tăng.
Bởi muốn đi tiếp thì cần phải “Tâm Ý hợp nhất”, Tôn Ngộ Không chính là người thu phục Bạch Long Mã, tức là tâm ý đã hợp nhất, đồng lòng tiến lên.
Cái ý chí tiến lên còn phụ thuộc vào cái tâm, phải “toàn tâm toàn ý” mới có thể chuyên tâm tu hành, tiếp tục tu hành không lùi bước.
Trư Bát Giới – dục vọng, sân si của con người
Trư Bát Giới lúc đầu giữ chức Thiên Bồng Nguyên Soái ở Thiên đình, là người chỉ huy hơn 8 vạn thủy binh ở Thiên Đình.
Cùng với men say của rượu, Bát Giới đã tán tỉnh Hằng Nga, không những thế Thiên Bồng Nguyên Soái còn tới phủ của Hằng Nga để trêu ghẹo nàng. Quá tức giận, Hằng Nga đã tâu với Ngọc Hoàng, Ngọc Hoàng tức giận đày Thiên Bồng Nguyên Soái xuống hạ giới.
Trong lúc say, xuống cửa trần đầu thai, Thiên Bồng Nguyên Soái ngã nhầm vào cửa lợn, hóa kiếp thành con lợn ở dương gian.
Quan Thế Âm Bồ Tát đặt tên cho Thiên Bồng Nguyên Soái là Trư Ngộ Năng triết tự là: Chữ “Trư” nghĩa là lợn, tượng trưng cho dục vọng của người tu luyện; còn chữ “Năng” nghĩa là tài năng, bản lĩnh, và khả năng.
Trư Ngộ Năng có nghĩa là “con lợn (tái sinh) ngộ ra khả năng của mình” để ám chỉ việc Bát Giới luôn tự đánh giá mình quá cao mà quên mất mình mang một hình hài kinh khủng.
Trư Bát Giới vốn là hạng phàm phu tục tử, biếng lười trụy lạc, loạn tính dâm tòng. Xuất phát điểm như thế, nên Bát Giới trong quá trình tu luyện cũng phải đối mặt với hết thảy mọi nhân tâm và dục vọng.
Trên đường đi lấy kinh, Bát Giới đã gặp rất nhiều phiền toái, vô cùng nguy hiểm chỉ vì tham ăn, tham ngủ.
Nếu không có sự ngăn cản, trợ giúp của Tôn Ngộ Không thì Trư Bát Giới sớm đã trở thành “món ngon” trong miệng bầy yêu quái.
Cũng chính vì không giữ đạo hạnh, buông thả nhân tâm, nên Bát Giới khó có thể phát huy các thần thông vốn có của mình, lại thường hay thoái lui trong các cuộc trừ yêu diệt quái.
Nhưng Trư Bát Giới lại có tính tham công lao, luôn lấy công lao của người khác ghi tạc thành công lao của bản thân.
Mỗi khi gặp yêu quái ngăn trở, ngay cả Tôn Ngộ Không cũng không có kế thì Trư Bát Giới luôn áng chừng phần của cải của mình trong đoàn và nhớ kỹ rồi sau đó chạy lấy người.
Không chỉ mang hình hài “nửa lợn, nửa người”, mà ở Bát Giới còn hội tụ đầy đủ nhân tâm và những thứ dục vọng của người thường, như lười biếng, tham ăn, háo sắc, lại hay ghen tị và thích đặt điều nói xấu huynh trưởng đồng môn.
Trên đường đi lấy kinh, núi cao, nước sâu lại có vô vàn khổ nạn giữa đường. Mỗi khi gặp khó khăn, khổ nạn, Trư Bát Giới lại dễ dàng đòi rút lui, nửa đường bỏ cuộc.
Hay nói theo cách khác, vì căn cơ kém cỏi nhất, nên yêu cầu dành cho Bát Giới chỉ dừng lại ở “Ngộ Năng” và “Bát Giới”, cũng tức là cần gìn giữ giới luật, tu chính nhân tâm, mới có thể bước vào hàng sa môn.
Sa Ngộ Tĩnh – bản tính và sự nhẫn nại của con người
Sa Tăng vốn là Quyển Liêm đại tướng trên thiên đình, chỉ vì nhỡ tay làm vỡ chiếc cốc lưu ly mà bị Ngọc Hoàng đày xuống làm yêu quái ở Lưu Sa Hà nơi hạ giới, chuyên làm hại dân lành và đòi ăn thịt trẻ con.
Trong Thi thoại Đường Tam Tạng thỉnh kinh được viết trước khi tác phẩm Tây Du Ký ra đời, Sa Tăng từng nói với Tam Tạng pháp sư: “Dưới cổ ta là những đầu lâu của người mà ta đã từng ăn thịt”.
Và đó chính là mạng sống của 9 hoà thượng trước đó – cũng chính là 9 kiếp trước của Đường Tăng. Về sau, nhờ sự giúp sức của Bồ Tát mà chính Đường Tăng lại cảm hoá được Sa Tăng ở kiếp thứ 10.
Sau khi trở thành đồ đệ của Đường Tăng, Sa Ngộ Tĩnh đã từ bỏ được rất nhiều ma tính của mình trong quá khứ.
Ngộ Tĩnh dắt ngựa, mang hành lý, làm việc rất cực nhọc và không tỏ ra giận dữ khi bị phê bình. Vị đồ đệ này đã theo sư phụ của mình một cách kiên định trong suốt cuộc hành trình tới khi đến đích.
Pháp danh của Sa Tăng vì thế là Ngộ Tĩnh: Tĩnh để mà khắc chế cái động, cái chưa thanh tịnh; tĩnh để mà kham nhẫn, chịu đựng.
Vượt qua bao nhiêu khó khăn, trở ngại tượng trưng bằng 81 kiếp nạn, người quyết chí tu hành mới hoàn thiện chính mình và giác ngộ.
Minh Anh