Trang chủ Diễn đàn Nhìn lại chuyện ông Võ Hoàng Yên (*)

Nhìn lại chuyện ông Võ Hoàng Yên (*)

1758
Ông Võ Hoàng Yên trị bệnh tại Q.Ngãi (Ảnh: Internet)

Việc ông Võ Hoàng Yên làm ảnh hưởng và liên luỵ không chỉ kinh tế gia đình cô Phương Hằng mà cả cộng đồng,ảnh hưởng đến uy tín của đạo Phật vì ông đã mượn đạo để lừa gạt người;ảnh hưởng đến danh dự những vị thầy khả kính và đầy tâm huyết với hoằng pháp và giáo dục (Thầy Nhật Từ, Thầy Pháp Hoà. Sư Cô Hương Nhũ… ); làm khổ và đau bao đứa trẻ tật nguyền, làm ảnh hưởng đến sự sống, sinh mệnh một số bệnh nhân… Những hành động đó đã bị lu mờ dưới lớp kính từ thiện và được cộng đồng tôn thờ ông Yên như một vị “Bồ Tát” sống, như một “Thần y” cái thế danh giá. Nhưng nhờ sự quyết tâm, dũng cảm của cô Phương Hằng và chú Dũng mà ánh sáng của chân lý, đạo đức được sáng tỏ, mang lại giá trị chân thật với trái tim nhân hậu của người Việt Nam.

Cá nhân tôi nghĩ, ban đầu có thể ông Yên chữa bệnh từ thiện thật. Nhưng về sau tâm bồ đề của ông mất dần. Truyền thông của ông Yên rất khôn khéo qua những video. Họ cho thấy những đứa trẻ câm điếc đó nói được vài từ khiến bất cứ ai cũng ngộ nhận khả năng chữa bệnh của ông Yên, từ đó dẫn đến sự tôn sùng thần thánh. Ông Yên đã lợi dụng sự sùng bái này để mưu kế cho chiến thuật lừa bịp của mình khi lòng tham khởi lên.

NGUYÊN NHÂN NÀO ÔNG YÊN LỪA GẠT CHỪNG ẤY NĂM MÀ KHÔNG MỘT AI LÊN TIẾNG?

  1. Đầu tiên phải nói đến là do người nhà của bệnh nhân và chính bệnh nhân. Vì sau khi chữa trị xong, thời gian sau bệnh vẫn như cũ. Nghĩa là câm điếc vẫn không hết mà trở lại câm điếc như xưa. Vậy mà những nạn nhân đó không chịu lên tiếng, không đưa ra công luận, nên nhiều người tin ông Yên là “ Thần y”. Vì tin là “Thần y” nên sự tôn sùng đó trở nên cực đoan, vô tình tạo điều kiện cho Ông Yên lợi dụng điều này để trục lợi bất chính.
  2. Ông Yên mượn lớp vỏ “tâm từ bi” của Phật, mượn giáo lý nhân quả để tạo niềm tin của người khác đối với ông. Mọi người nghĩ rằng ông biết nhân quả như vậy thì ông không dám làm điều ngược lại với nhân quả. Từ đó ông xây dựng lớp bao bọc đạo đức của mình. Ông mượn những vị thầy danh tiếng để mở rộng uy tín và truyền thông nhằm khuếch trương tiếng tăm của mình và gieo sâu niềm tin vào lòng người dân.
  3. Vì ông Yên có chiến thuật tinh vi và chặt chẽ, chỉ có người trong cuộc (nội bộ) mới biết khả năng thật của ông. Sự tin tưởng của cộng đồng mạng quá lớn đối với ông Yên dẫn đến sự tôn sùng và thần tượng mù quáng. Đây là cơ hội tốt để ông được vững chắc lớp bọc giả tạo của mình. Nên không ai để ý đến những việc sai trái của ông Yên.
  4. Vì sự ảnh hưởng của ông Yên quá lớn cho nên dù có ai đứng ra lên án cũng khó mà thuyết phục được cộng đồng. Vì sao?
  • Vì sự sùng bái của cộng đồng quá lớn với ông Yên, cho nên nếu người bình thường sẽ khó thuyết phục được cộng đồng.
  • Cộng đồng sẽ nghĩ rằng người tố cáo đó vì ganh ăn tức ở với ông Yên mà chống phá những giá trị đạo đức và nghề nghiệp cao thượng “ Thần y” của họ. Chắc chắn người tố cáo đó sẽ bị hứng “gạch đá” của cộng đồng.
  • Họ không có những bằng chứng cụ thể về những chiêu thức lừa gạt tinh vi của bộ máy ông Yên.
  • Những nạn nhân có thể nghĩ rằng họ không hết câm điếc nhưng có lẽ những người khác hết bệnh nên họ im lặng. Những bệnh nhân đó không có sự liên lạc với nhau nên không ai dám khẳng định được khả năng của ông Yên.
Ông Võ Hoàng Yên trong một lần trị bệnh cho người dân (Ảnh: Internet)

MỘT SỐ THẦY ĐÃ CẤU KẾT VỚI ÔNG YÊN ĐỂ LỪA GẠT HOẶC GIÚP ÔNG YÊN LỪA GẠT?

Một số người nghi ngờquý thầy tiếp tay và hợp tác ăn chia với ông Yên. Họ đã quy kết những trách nhiệm sai trái của ông Yên là do quý thầy tạo điều kiện,họ đặt câu hỏi:

  • Tại sao ông Yên lừa gạt chừng ấy năm mà quý thầy không lên tiếng? khi cô Phương Hằng tố cáo thì quý thầy mới lên tiếng? Có phải bây giờ quý thầy đang cố bảo vệ mình?

Dĩ nhiên ai cũng có quyền đặt những nghi vấn đó. Tuy nhiên chúng ta nên tỉnh táo mà suy nghiệm vài vấn đề để biết quý thầy có cấu kết không?

  1. Trước khi ông Yên đến với quý thầy, mựợn đạo Phật để tạo niềm tin, ông Yên đã từng làm việc với chủ tịch một số tỉnh, thành,tổ chức nhiều cuộc Hội nghị y học cùng các bác sĩ y khoa; truyền thông của Đài truyền hình địa phương, các trang mạng đã phổ biến rộng rãi những khả năng của ông Yên rồi. Nếu quy kết những ai liên quan đến ông Yên đều là tiếp tay thì có lẽ những ban ngành kia là những người đầu tiên làm việc đó (đặt giả thuyết: “nếu…”)
  2. Những quý thầy liên quan với ông Yên không phải là những vị tầm thường. Quý thầy đó có sự ảnh hưởng rất lớn với đạo và đời. Là những người làm giáo dục, dù quý thầy có thiếu cơm ăn, áo mặc cũng không cần đến sự chia chác với ông Yên. Chẳng có huynh đệ, học trò và Phật tử nào để những vị thầy đó thiếu những nhu yếu cần thiết trên con đường tu học mà phải làm chuyện trái ngược đến lý tưởng tu học của quý thầy.
  3. Cũng vì tâm từ bi và tấm lòng Bồ Tát với những bệnh nhân hiểm nghèo khổ cực, những đứa trẻ câm điếc thiệt thòi mà quý thầy dấn thân nhằm tạo điều kiện tốt đẹp để mang lại hạnh phúc cho bệnh nhân và gia đình họ, nên đã nhiệt huyết giúp ông Yên làm điều thiện nguyện trên.
  4. Chúng ta thấy quý thầy đâu có thường xuyên cùng ông Yên đi chữa bệnh, cũng đâu có thân mật gần gũi mọi lúc mọi nơi. Vì vậy thật thiếu cơ sở để quy kết quý thầy cùng ông Yên lừa gạt hay tiếp tay.
  5. Quý thầy không rảnh để tìm hiểu và điều tra ông Yên có làm chuyện sai trái hay không. Vì đó không phải là chuyên ngành hay công việc chính của quý thầy. Quý thầy chuyên tu và hoằng pháp, giáo dục kia mà. Việc tuyên dương ông Yên giai đoạn đó là tuyên dương cái hành động đạo đức tốt đẹp của một con người. Điều này đâu chỉ riêng ông Yên, bất cứ ai có thiện hạnh thì quý thầy điều tuyên dương và khích lệ, ủng hộ như nhau cả.
  6. Tại sao chúng ta không nghĩ quý thầy cũng là nạn nhân của ông Yên? Chính quý thầy cũng bị ông Yên lừa kia mà. Cả những ban ngành các tỉnh thành và truyền thông cũng bị lừa kia mà. Quý thầy và các ban ngành không bị lừa sao được. Những lần chữa bệnh của ông Yên ai cũng chứng kiến bằng “mắt thấy, tai nghe, nhân chứng” lúc đó bệnh nhân nói được vài từ, nghe được chút ít thì sao không tin cho được. Nếu có trách là trách sự tinh vi, xảo quyệtcủa chínhông Yên. Ở đây có một bài học cho chúng ta là “ mắt thấy, tai nghe chưa chắc đã là đúng, là chân lý”.
  7. Nếu cô Phương Hằng và chú Dũng không mang việc này ra ánh sáng thì tất cả chúng ta đều không biết chứ đừng nói là quý thầy. Quý thầy cũng vì lợi ích của cộng đồng và đạo đức xã hội mới lên tiếng việc ông Yên mà thôi. Người tu hành chẳng ai thích những chuyện thị phi ngoài xã hội. Nhưng nếu không nói thì nhiều người hiểu sai lý tưởng và con đường của đạo Phật. Nói ra thì rơi vào thị phi, quả là khó cho những vị thầy chân chánh. Nếu quý Phật tử hiểu được điều này thì nên hoan hỉ hơn mới phải.
  8. Việc của ông Yên không chỉ liên quan đến quý thầy mà còn các nghệ sĩ một số tỉnh, thành đã trực tiếp tổ chức và tạo điều kiện cho ông Yên khám chữa bệnh. Vậy tại sao các báo giới và mọi người không cùng quy kết đến họ mà chỉ nhằm vào Phật giáo và quý thầy? Có hay chăng Phật giáo quá từ bi và vị tha nên họ cố tình mượn câu chuyện để phỉ báng đạo Phật và quý thầy?
Vợ chồng bà Nguyễn Phương Hằng và ông Võ Hoàng Yên đối chất với nhau tại Trụ sở Tịnh độ Cư sĩ Việt Nam (Ảnh Internet)

Sự việc ồn ào của cá nhân ông Yên làm ảnh hưởng đến nhiều người và nhiều sự kiện khác liên quan đến đạo Phật.

Gần đây trên trang Facebook và Youtube, nicknameMa Sơ Vui Vẻ lợi dụng việc này để lôi kéo nhiều người có ý phỉ báng giá trị giáo dục đạo đức qua bộ phim Nhân Quảvừa công chiếu. Một số dư luận cố ý quy kết quý thầy tham gia bộ phim và cả ekíp làm phim đó đồng loã với ông Yênđể lừa gạt người và phủ nhận tính giáo dục từ bộ phim trên.

Họ lợi dụng hình ảnh ông Yên trong phim và lời tán dương của thầy Nhật Từ qua một video từ nhiều năm trước để bôi nhọ danh dự và thoái mạbằng ngôn ngữ phàm tục.

Những điều trên làm cho một số người hiểu sai về Đạo Phật,sinh tâm phỉ báng với đạo và những vị thầy đã nhiệt huyết cống hiến. Họ làm thối tâm bồ đề những người yêu quý đạo Phật, những người đang trên con đường học đạo và tu theo lời dạy của Phật Đà.

TÓM LẠI:

  • Tán thán cô Phương Hằng và chú Dũng đã đưa sự việc này ra công luận. Cô Hằng có đủ sự ảnh hưởng và những điều kiện cần thiết, lẫn những bằng chứng để tố giác ông Yên, trong khi mọi người còn e ngại với cộng đồng.
  • Chúng ta nên công tâm nhìn nhận một cách khách quan với việc làm của ông Yên để quy kết trách nhiệm đó thuộc về nhóm của ông, không nên đổ lỗi cho quý thầy hay đạo Phật.
  • Tất cả chúng ta nên chờ vào kết quả điều tra của cơ quan chức năng xử lý và công bố.
  • Chúng ta đừng nên chạy theo dư luận và những người ngoại đạo lợi dụng sai trái của ông Yên hay đối tượng khác để bôi nhọ hoặc cố ý xuyên tạc làm mất uy tín của quý thầy nói riêng và đạo Phật nói chung. Đừng để một vài đối tượng làm mất đoàn kết dân tộc và chia rẻ tinh thần huynh đệ của đạo.

Đừng để những ích kỷ cá nhân, những sân hận lặt vặt làm mất đi hạt giống tốt đẹp trong trái tim mình; đừng để những quan điểm bất đồng nho nhỏ của mình mà phủ nhận những đóng góp to lớn của quý thầy đã nhiệt huyết vì sự nghiệp giáo dục và bảo vệ đạo pháp.

Chúng ta nên ủng hộ và cung kính những vị thầy sẵn lòng mang tiếng thị phi để bảo vệ Phật Pháp. Quý thầy đã hi sinh danh dự để Phật pháp trường tồn.Mong đại chúng nên bình tâm ghi nhận những cống hiến đó.

Con xin mạn phép như vậy, mong đại chúng hoan hỉ.


    Thích Đồng Đạo hiệu Đạo Giác

(*) Bài viết bày tỏ quan điểm của cá nhân Đại đức Thích Đồng Đạo