Trang chủ Tin tức Bình Phước: TT. Chân Quang giảng tại trú xứ ACKH chùa Thanh...

Bình Phước: TT. Chân Quang giảng tại trú xứ ACKH chùa Thanh Long

70

Mở đầu, ĐĐ. Thích Giác Đạo – Phó Thư ký kiêm Chánh Văn phòng Ban Trị Sự PG tỉnh, thay mặt BTC Trường hạ, giới thiệu về sự hiện diện của TT.Thích Chân Quang – Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang trên Pháp tòa với Chư tôn đức Tăng Ni và các Phật tử đang có mặt trong buổi chia sẻ Phật pháp.

Trước khi đi vào nội dung chính của buổi nói chuyện, Thượng tọa tán thán tinh thần phụng sự Đạo Pháp của Chư tôn đức Tăng Ni tỉnh Bình Phước, đã sẵn sàng dấn thân về vùng đất xa
xôi, còn nhiều khó khăn thiếu thốn, mà hiến dâng sức lực -trí tuệ, làm thế nào để góp phần cho Phật giáo tỉnh nhà ngày càng khởi sắc, sinh động và phát triển theo hướng đi lên. 

Đi vào đề tài, Thượng tọa lý giải tại sao phải biến lý tưởng thành hiện thực, bởi vì lý tưởng mà chúng ta có trong đạo Phật là quá lớn, mênh mông, vi diệu, có thể xác nhận rằng không có một tôn giáo thứ hai đạt được ước mơ, lý tưởng tột độ như vậy. Ví dụ khi một người xuất gia mới mở mắt thức dậy là đã nghĩ đến chúng sinh, cầu cho chúng sinh được tất cả những trí giác mà chiếu khắp cả mười phương “Thuỳ miên thuỷ ngộ; đương nguyện chúng sinh; nhất thiết trí giác; châu cố thập phương”. Hoặc như bài phục nguyện, sau khi tụng kinh xong là cầu nguyện cho tất cả chúng sinh “Tình dữ vô tình đồng thành phật đạo”. Tức loài hữu tình như con người, con thú và loài vô tình như cây đá cũng đắc đạo thành Phật. Cái ước mơ, lý tưởng đó, dường như không thể có đạo lý nào khác đạt được hơn nữa. Cho nên, khi chúng ta nói về một con người mà sống lý tưởng hay một tâm hồn lý tưởng, hay ước mơ cực kỳ cao đẹp thì chỉ có trong đạo Phật.

Chúng ta thấy, lý tưởng đến mức độ mà một người bình thường nghĩ không ra. Ngày xưa, ta không hiểu Chư Tổ tu đến mức độ nào mà tấm lòng của các Ngài nó mênh mông, sâu xa, bao la như vậy, tức làm bất cứ điều gì cũng nghĩ đến chúng sinh, như rửa tay thôi cũng nguyện cầu cho chúng sinh “Diệt trừ hết phiền não, hết tham – sân – si để được đắc đạo”. Hoặc khi nâng bát cơm ăn, ta cũng khởi ước mơ sau này ta sẽ thành bậc Ứng cúng (A La Hán) để xứng đáng mà thọ – trời người – cúng dường. Nên việc ăn cơm không còn là chuyện tầm thường của con người chỉ để giải quyết cái đói mà nâng bát lên là cầu nguyện, ước mơ mình thành bậc Ứng cúng. Như vậy, từ một việc rất nhỏ như nhấc tay nhấc chân cũng biến thành những ước mơ cao đẹp đối với chúng sinh. Phải nói rằng cái lý tưởng đó trên thế giới tìm không ra ngoài đạo Phật.

 Nhìn lại lịch sử mấy nghìn năm trước, chúng ta thấy đạo Nho; đạo Lão có đạo lý cũng rất sâu sắc nhưng không đạt đến mức độ khi một người tu tập mà tâm lúc nào cũng nghĩ đến tất cả chúng sinh; cũng ước mơ những điều cao đẹp nhất cho chúng sinh. “Chúng sinh” không phải chỉ là con người, mà cả những loài rất mê muội như cây cỏ, cầm thú và thậm chí các loài vô tình như cây đá. 

 Chúng ta thầy, cái ước nguyện trong đạo Phật khủng khiếp quá. Từng bài Kinh, bài Kệ đã chôn sâu vào lòng người đệ tử Phật những ước mơ cao tột, tuyệt đối về sự giác ngộ, lòng từ bi thương yêu đối với tất cả chúng sinh. Cho nên, khi một người đi qua đạo Phật rồi mà dù có hoàn tục hoặc khi chết đầu thai qua kiếp khác bị quên, nhưng mà ước mơ đó đã chôn vào trong lòng rồi thì vĩnh viễn muôn đời còn nằm đó. Và không biết lúc nào, nó sẽ nẩy mầm thành điều thiện, thành căn tính tu hành, không chạy được đường nào, vì lời kinh tiếng kệ trong đạo phật khủng khiếp quá mà không có tôn giáo thứ hai nào có thể đạt được.

 Nếu xét kỹ lại tâm lý của những người đệ tử Phật – nhất là người xuất gia – chúng ta sẽ thấy: từ một người phàm phu, bước vào chùa tu, Chư Tổ đã để lại những bài Kinh, bài Kệ, những bài Tỳ ni nhật dụng gồm những lời phát nguyện, đi theo trong bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi, làm việc, v.v… của người tu, làm ta phải bất ngờ vì tâm mình được mở ra. Mà người có học thức chừng nào càng cảm xúc chừng ấy, bởi những đạo lý, những ước mơ cao đẹp ta không thể nào nghĩ ra được.

 Từ đó, ta có cảm giác như mình tiến một bước rất xa và bắt đầu tự mãn. Chết là ở chỗ tự mãn, do tưởng rằng với đạo lý cao siêu như vậy, chẳng mấy chốc! ta giáo hóa hết tất cả địa cầu này. Nhưng không! Một thực tế đau lòng là tín đồ đạo Phật đang giảm dần… giảm dần. Đây là một nghịch lý và đạo Phật sẽ lùi vì cái tự mãn đó.

 Vừa rồi, PGS.TS Amarjiva Lochan – Chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu Văn hóa và Tôn giáo khu vực Nam Á và Đông Nam Á – Giảng viên Đại học Delhi – Ấn Độ, đã có buổi chia sẻ những nghiên cứu của mình về Phật giáo với đạo tràng Phật tử chùa Hòe Nhai (Hà Nội) vào ngày 10/6/2012, nhân chuyến công tác của ông ở Việt Nam. Tại buổi nói chuyện, Ông Amarjiva Lochan nhấn mạnh “…Phật giáo là một tôn giáo yêu thương hòa bình và đã tạo ra sự hòa bình trên thế giới nhưng hiện nay Phật giáo đang bị xâm hại trầm trọng, đặc biệt là tại Thái Lan và Campuchia. Theo nghiên cứu của UNESCO, hàng năm số lượng Tăng Ni Phật tử giảm 4%, nếu tình trạng này không được cải thiện thì đến năm 2050 sẽ chỉ tìm thấy Phật giáo trong Bảo tàng và các Tự viện bị bỏ hoang”.

 Sau khi nghe báo cáo của ông thì nhà nước Việt Nam liền lập một thống kê. Kết quả cho thấy: đối với Phật giáo Việt Nam, hiện nay tín đồ đang tăng lên từng năm, bởi vì trong những năm gần đây, Phật giáo có những khởi sắc là chùa được xây dựng nhiều hơn, người xuất gia và người quy y cũng nhiều hơn, Chư Tăng Ni rất năng nổ, chịu cực dấn thân trong việc truyền bá, giáo hóa và giáo lý có cái mở rộng tiếp cận với con người hơn… Có lẽ vì vậy mà Phật giáo Việt Nam có dấu hiệu phát triển, trong khi ở các nước khác, tín đồ bị lấy mất dần, mất dần… ngay cả những quốc gia từng là quốc giáo, gần như chiếm ưu thế tuyệt đối, bây giờ bắt đầu có các đạo khác đến lấy được tín đồ, cải đạo.

 Nguyên nhân, vì ta không biến được cái lý tưởng của đạo Phật trở thành thành hiện thực mà ta chỉ tự mãn ngang lý tưởng, rồi hết. Tức mỗi đêm, ta tụng bài Kinh là  “Nguyện cho tất cả chúng sinh đồng thành Phật đạo”, rồi xong. Ta tưởng rằng, chỉ lời cầu nguyện này thôi là tất cả chúng sinh sẽ được giác ngộ, thành Phật.

 Thực tế, ta tụng cứ tụng, còn tín đồ đạo Phật thì cứ mất dần, chỉ bởi ta không biến lý tưởng thành hiện thực được, ta không làm cái gì để cho điều ta mơ ước, ta  tụng niệm đó trở thành sự thật. Đây là cái “Lỗi” của người xuất gia.

 Tiếp theo, Thượng tọa chia sẻ về những ý tưởng “Việc làm Đạo bây giờ phải thực tế, hiện thực” là làm thế nào. Đồng thời nhắc nhỡ, người tu không được tự mãn với lý tưởng cao siêu của đạo Phật mà phải làm một cái gì đó. Chẳng hạn, với lý tưởng độ sinh, chúng ta phải bắt đầu từ việc rất nhỏ, như độ được một em học sinh cho đến ngày nào mà nhiều người đến chùa tu tập đông. 

 Nhân đây, Thượng toạ kể lại buổi viếng thăm và hầu chuyện với Hoà thượng Trưởng Ban Trị Sự PG tỉnh Bình Phước. Nhận thấy Hoà thượng rất quan tâm đến việc ươm mầm cho tương lai để sau này có lớp người kế thừa cho Phật giáo. Bằng việc làm cụ thể, Hoà Thượng muốn sang năm sẽ tổ chức khoá sinh hoạt hè cho đối tượng thanh thiếu niên tại chùa Thanh Long. Thế là hai bên đã trao đổi một số vấn đề quan trọng về công tác Phật sự này.

 Qua trao đổi, Thượng toạ trình bày trong sự góp ý “Bạch Hoà thượng! vấn đề tổ chức khoá học hè cho thanh thiếu niên bắt buộc là vào mùa hè, như vậy sẽ đụng với khoá An cư Kiết hạ của chư Tăng. Do đó chỉ còn có cách, ví dụ nếu Hoà thượng tổ chức cho các em học 2 tuần thì nên tổ chức khoá An cư so le một chút, tức là còn một tuần cuối cùng của khoá học hè thì cho tổ chức khoá An cư. Lúc đó quý Thầy, quý sư cô về chùa An cư sẽ được chứng kiến các em sinh hoạt tu học và cùng phụ chăm sóc dạy dỗ các em. Trong tuần đó, chư Tăng chưa tu nhiều theo thời khoá An cư Kiết hạ hàng năm của mình. Đợi sau một tuần, khi mãn khoá học hè thì mới bắt đầu siết vào thời khoá tu học của chư Tăng Ni như cũ trở lại. Sở dĩ nên tổ chức như vậy là để cho quý Tăng Ni biết được khoá sinh hoạt hè dành cho thanh thiếu niên là gì rồi về chùa mình tổ chức.

 Hoà thượng rất hoan hỷ với ý kiến của Thượng toạ, cho rằng giải quyết như vậy là đúng bằng câu nói xác quyết của mình “Đúng, phải làm như thế mới có lớp trẻ kế thừa. Tôi rất linh động và chấp nhận dời khoá An cư để có thể tổ chức được khoá học hè cho học sinh.

 Thiết nghĩ, thay vì chư Tăng cứ răm rắp An cư 3 tháng, bây giờ ta chấp nhận nhường cho lớp trẻ nữa tháng, chăm lo dạy dỗ chúng để tạo cái tương lai. Đây mới là điều hiện thực xây dựng Phật giáo và trong tức khắc đạo Phật chuyển sang bộ mặt mới, nghĩa là ngay trong khoá hè đó, đạo Phật ta bước sang một bước vọt, tiến rất xa, từ một đạo Phật cũ kỷ trở thành một đạo Phật mới, đó là “Đạo Phật dành cho trẻ”. Đồng thời, chúng ta phải cảnh giác rất cao về cái điều mà ông PGS.TS Amarjiva Lochan đã cảnh báo là mỗi năm đạo Phật mất 4% tín đồ. Bây giờ chúng ta phải làm ngược lại, làm sao để mỗi năm tăng 4% tín đồ.

 Như vậy, việc làm đạo của chúng ta đã tới lúc phải làm thực tế, hiện thực chứ không thể chỉ cầu nguyện, tụng thời Kinh là xong, mà lời Kinh cao siêu rồi, ta tự mãn, xếp Kinh lại và đi ngủ. Bây giờ, việc làm thực tế là nhắc nhỡ nhau “Tụng Kinh xong, sếp Kinh lại, không được đi ngủ mà qua nhà hàng xóm làm người bạn không mời để độ từng em nhỏ, từng cụ già, rồi tạo ân nghĩa với đời bằng những việc từ thiện xã hội nho nhỏ”. Đây là việc làm đúng với tinh thần Kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật dạy một vị Bồ tát là “Tác chúng sinh chi vô thỉnh hữu”, tức làm một người bạn không mời của chúng sinh.

 Tới thời đại này, việc làm đạo rất vất vả, phải là người có đạo lực, có lý luận, có sự nhiệt tâm, lý tưởng và quyết đem lý tưởng trở thành hiện thực vào trong cuộc sống. chứ không phải lý tưởng chỉ bằng lời nói trong tâm, tụng qua miệng, sếp Kinh lại, đi ngủ là xong chuyện.

 Việc biến lý tưởng thành hiện thực là phải bắt đầu từ những việc rất nhỏ, vì nếu ta không làm, ta tự mãn, lập tức lý tưởng trở thành ảo tưởng. Không phải đọc một bài Kinh cao siêu thì tưởng mình cao siêu như Kinh nói, mà phải làm cái gì đó để phụng sự cho đạo, tức là độ chúng sinh. Đạo không phải là mái chùa, là bàn thờ, là tấm Casa này, mà đạo là tâm hồn của tất cả chúng sinh được khai mở, để họ hướng về đạo đức, hướng về tu tập.   

 Nếu chùa mà ít người tới, chắc hẳn rằng ta mắc cái lỗi là đã tự mãn nơi lý tưởng của đạo Phật mà không chịu biến lý tưởng trở thành hiện thực. Mặc dù người ta đến chùa còn có cái duyên quá khứ (do ta gieo duyên nhiều hay ít với chúng sinh). Tuy nhiên, trong đạo Phật, nhân quả duyên nghiệp đều có thể chuyển được. Đời xưa ít gieo duyên thì đời này ta sẽ gieo duyên. Mà duyên tức là nợ. Làm sao cho chúng sinh mắc nợ mình. Chỉ bằng tấm lòng, đôi tay, tâm hồn từ ái, miệng nói lời đạo lý là ta đủ gieo duyên được với chúng sinh. Có như vậy chúng ta mới cản được xu hướng mà các đạo khác họ lấy mất tín đồ của mình. Cho nên, chúng ta phải vừa cao siêu, vừa thực tế mới hóa độ được chúng sinh.

 Tiếp theo, bằng nhiều ví dụ đầy minh hoạ, mang tính thực tế, khoa học, có đạo lý, Thượng toạ đã thuyết phục người nghe, có niềm tin hơn và có định hướng cho bản thân trong việc biến lý tưởng thành thực tế.

 Để tránh sự tự mãn, khi giáo hóa cho Phật tử ta không hứa hẹn gì cho một kết quả dễ dàng. Trong đạo phật không có chuyện đắc đạo dễ dàng mà nhân quả trải qua nhiều đời nhiều kiếp, tu hành vất vả mới chứng được.

 Từ xưa đến nay, tất cả các Tôn giáo, kể cả những nhà chính trị, nhà làm kinh tế đều hứa hẹn khi nói, nhưng khác nhau thế này: Có những người có thể để lại ảnh hưởng lâu dài cho công chúng, chính là vì lời hứa của họ chân thật, nó không phải những lời hứa suông để được lòng nhất thời, mà nó là lời hứa chân thật, tức là người nghe được đạo lý, mà khi họ ứng dụng thì có kết quả.

 Một thực tế nữa là nếu muốn giáo hóa chúng sinh thì đòi hỏi mình phải tu nhiều hơn. Không bao giờ được tự mãn với bản thân và không chủ quan có lời kinh cao siêu là đủ. Trong cái tu đó, tâm từ bi cần phải được trau dồi, tập luyện thường xuyên mỗi ngày. Làm thế nào, tâm từ bi thì phải tu, hạnh từ bi thì phải hành, lực từ bi thì phải tỏa nhưng luôn giữ khoảng cách, đó là bản lĩnh tu hành của người xuất gia.

 Đến đây, buổi chia sẻ đạo lý kết thúc trong không khí hoan hỷ của toàn thể hội chúng./.

Dưới đây là hình ảnh buổi nói chuyện của TT.Thích Chân Quang tại Trường hạ chùa Thanh Long – tỉnh Bình Phước: