Hoà thượng đã thuyết giảng đề tài “Tư lương trụ trì thời hiện đại” đến với thính chúng là chư vị trụ trì và sẽ trụ trì. Hoà thượng đã cho biết qua 35 năm thống nhất GHPGVN đến nay, trải qua 7 lần Đại hội đại biểu nhiệm kỳ của Trung ương GH, nhiều văn bản pháp quy đã được hoàn chỉnh và mang lại nhiều hiệu quả Phật sự lớn lao cho các ban ngành chuyên môn của GH.
Để phát huy tinh thần thống nhất GHPGVN năm 1981 đạt được kết quả “kế thừa-ổn định-phát triển” trong thời đại này một cách tốt đẹp, các vị trụ trì là trưởng của cơ sở hành chánh căn bản nhất cần phải lưu tâm một số việc như sau:
1. Điều “bất biến”: Phật sự mang tính tuỳ duyên và phương tiện, nhưng cốt lõi Phật giáo không bao giờ thay đổi, nếu thay đổi đồng nghĩa với việc biến chất, đó chính là pháp lục hoà.
2. Tuỳ biến: cần thiết phải có những nguyên tắc cơ bản của tổ chức như (1) kịch bản, (2) tổ chức, (3) truyền thông, (4) công nghệ, (5) chi tiết hoá vấn đề.
3. Tiếp Tăng độ chúng: Những việc “chưa được” của Tăng đoàn hôm nay, một phần trách nhiệm cũng từ việc giáo dục đệ tử của các vị trụ trì chưa đủ mà ra. Thế nên, cần lưu tâm: (1) ươm mầm: ở giai đoạn sơ cơ, nếu sự ươm mầm tốt thì sẽ phát triển sẽ tốt, (2) xem trọng giáo dục tự viện: thiền gia quy cũ được huấn luyện nghiêm túc. Người thầy cần thiết phải giáo dục đệ tử bằng tứ vô lượng tâm.
4. Độ Phật tử: Mở rộng số lượng Phật tử là việc làm thường xuyên và liên tục.
5. Khả năng giao tế và ứng xử: (1) với Giáo hội Phật giáo các cấp, (2) với chính quyền các cấp.
Thông qua một số việc trên, Hoà thượng nhấn mạnh đến vai trò của vị trụ trì là điều hành tổ chức cơ bản của Giáo hội mà người ấy được thầy tổ truyền trao, được giáo hội bổ nhiệm, được quần chúng quy hướng, được chính quyền công nhận và bảo hộ. Do đó vị trụ trì cần có tinh thần hoằng pháp lợi sinh khéo “tuỳ duyên nhi bất biến và bất biến tuỳ duyên”.