Trang chủ Tin tức Bình Định: Khởi công xây dựng khu tâm linh Phật giáo Linh...

Bình Định: Khởi công xây dựng khu tâm linh Phật giáo Linh Phong

108

Bình Định nổi tiếng võ nghệ một thời từng sản sanh ra anh hùng áo vải Tây Sơn, Hoàng Đế Quang Trung, Nguyễn Huệ; Vùng đất từng có những trang sử  chống ngoại xâm oai hùng. Nhà thơ Hàn Mặc Tử cũng gợi cho mọi người quan tâm tới Quy Nhơn. Tuy đất đai khô khan cằn cổi, nhưng con người Bình Định bất khuất can cường. So với cả nước, Bình Định không trơ vơ như Phan Rang, nhưng cũng không màu mỡ như các tỉnh phía Nam. Một thời mà cả nước tranh đua phát triển về cơ sở hạ tầng, kinh tế doanh thương, thì Bình Định cố góp mặt với đất nước chiếc cầu Thị Nại, vượt biển dài, tính từ mép đôi bờ, nếu kể luôn hai nhịp đầu cầu, phải gần 7km;  chưa tỉnh thành nào có được.

Cuộc sống dân cư chưa khá lắm. Công ty xí nghiệp phần lớn khai thác, biến chế lâm sản; Công nghiệp thương mại; xuất nhập khẩu; dịch vụ hải cảng; nuôi và khai thác thuỷ hải sản; cùng du lịch. Hướng Đông là biển lấn vào, hướng Tây thì núi đẩy ra, vùng đất cát, vàng vọt, cũng chắt chiu nuôi những người con quê hương lây lất sống qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, quê hương đó ngày nay cũng từng có những nhân tài tha phương lập nghiệp. Cũng có những bác sĩ, kỷ sư, chuyên viên các ngành nghề trong và ngoài nước.

Từ độ cao nhìn xuống, Quy Nhơn chỉ là nhóm nhỏ nhà cửa nằm lẽ loi bìa dãy Trường Sơn, như bị núi rừng nuốt chửng bởi màu xanh bạt ngàn.

Quy Nhơn  được nâng lên cấp Thành Phố, từ quyết định ký ngày 03/7/1986. cấu trúc đô thị tương đối đồng bộ. Đời sống tại phố chợ tuy nhộn nhịp nhưng không dấu được vẻ trầm lắng. Ra khỏi cái nhộn nhịp phố phường thì nhà cửa dân chúng vẫn còn đơn sơ, cuộc sống quá đạm bạc. Tổng diện tích TP là 284,28km2; có 16 phường.Dân số trên dưới 300 ngàn người. Nằm phía Đông Nam  của tỉnh Bình Định.

Quy Nhơn hình thành trên 400 năm, phát triển với văn hoá Champa thế kỷ 11; vào triều đại Tây Sơn và cảng Thị Nại vào thế kỷ 18. Thị xã Quy Nhơn được thành lập vào ngày 20/10/1898 do vua Thành Thái  ban chỉ dụ.

Quy Nhơn là một trong ba Thành phố sầm uất của miền Trung Việt Nam: Đà Nẵng – Nha Trang – Quy Nhơn; trong tương lai, Quy Nhơn cố phấn đấu để là một đô thị trực thuộc trung ương

Những năm gần đây, các địa phương được các đại gia đua nhau phát triển khu du lịch Tâm linh, phía Bắc có Bái Đính, phía Nam có Đại Nam là những tầm cở mà những nhà đầu tư có tham vọng sẽ làm một kỳ tích của Đông Nam Châu Á. Tuy là vậy, nhưng chưa có công trình nào hoàn chỉnh, đạt kết quả mong muốn như khu Du Lịch Suối Tiên, vừa là vui chơi giải trí, vừa mang tính giáo dục đạo đức Tâm linh và xã hội, chỉ là tầm cở quốc gia!
                                                        *
                                                      *   *
Vùng đất mà UBND Tỉnh Bình Định và Ngân Hàng Đầu Tư – Phát Triển Việt Nam chọn khai thác, lại là gần biển và núi, một ngôi chùa cổ nổi tiếng có tuổi hơn 300 năm. Vào năm thứ 23 đời vua Lê, niên hiệu Chính Hoà ( 1702) nhà sư tên Mộc Y Sơn Ông, tu tại hang núi nơi đây. Mỗi khi dân chúng vướng phải dịch bệnh, ông tự xuống núi chữa trị mà không nhận bất cứ thù lao nào. Thời chúa Nguyễn Phúc Chu, 1733 đã xây lại chùa, tặng chùa với danh hiệu là Linh Phong Thiền Tự hay còn gọi là chùa ông Núi; sau đó, năm Tân Dậu, 1741, chúa Nguyễn triệu thỉnh Sơn Ông về kinh vấn đạo.

Trong cuộc giao tranh giữa nhà Nguyễn và quân Tây Sơn, chùa đổ nát, Sơn Ông viên tịch. Năm 1785, đạo chúng xây tháp thờ Ngài. Trong thời chiến Pháp – Mỹ, một lần nữa chùa  thành bình địa, chỉ trơ vơ cổng Tam quan. Sau hoà bình, chùa từng bước tái tạo, nhưng không còn giữ được nét cổ kính như xưa. Năm 1994, Bộ Thông Tin Văn Hóa công nhận chùa là Di Tích Lịch Sử quốc gia, ngoài tên tuổi trên ba thế kỷ, chùa còn là nơi lực lượng Cách Mạng nương náu.

Hàng năm, ngày giỗ tổ tháng giêng, quần chúng hàng ngàn người tấp nập lũ lượt kéo nhau lên lễ Phật, biến thành lễ hội thường niên như lễ hội Quán Thế Âm ở Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng.

Chính vì truyền thống tín ngưỡng sâu đậm đó,Tỉnh và Ngân Hàng Đầu Tư – Phát Triển Việt Nam đã chọn nơi  nghèo khó làm điểm du lịch, vừa phát triển kinh tế, vừa phục vụ Tâm linh mà từ lâu, Bình Định chưa là điểm  thu hút khách du lịch đúng với tầm vóc.

Chúng minh buổi lễ có chư tôn đức giáo phẩm Trung Ương Giáo Hội, và BTS PG Tỉnh Bình Định,  tham gia của các viên chức địa phương và TW. Các nhân sĩ, quan chức khắp tỉnh thành trong nước được mời tham dự; Ban Kinh Sư Vĩnh Nghiêm cũng phụ trách nghi bái thỉnh Mẫu Liễu Hạnh (Mẫu Thượng Ngàn), cáo Sơn Thần Thổ Địa…Đại Đàn chẩn tế do PG Tỉnh Bình Định đảm trách.

Ngân hàng Đầu Tư- Phát Triển Việt Nam cũng chu cấp hàng trăm phần quà cho đồng bào nghèo tại địa phương.

Dự án khu du lịch rộng hàng chục hecta, công trình gồm 4 hạng mục: Quảng Trường Pháp Luân, Đường hành lễ, Tượng Đức Phật Bổn sư, và vườn tượng Phật như Bái Đính. Theo dự án, Tượng Bổn sư sẽ là một kỳ tích đứng đầu Đông Nam Á châu.

Không phải tự dưng mà các Đại gia chú hướng vào  các khu du lịch Tâm Linh, bởi lẽ, các điểm thuần tuý du lịch hiện nay không có gì hấp dẫn ngoài các trò chơi cho trẻ con, hoặc giả các casino không phải ai cũng có tiền để vào mà phần lớn quần chúng Việt Nam không có máu  đen đỏ. Ngược lại, thiên hướng Tâm Linh hiện nay rộ nở trên khắp  vùng châu Á cũng như một số châu lục, đây là lúc cần đầu tư, vừa mang tính kinh tế, vừa lưu truyền và xây dựng đạo đức tâm linh để xã hội không lâm vào khủng hoảng Tâm linh như các nước phương Tây từ thế kỷ 18 đến nay.

Ông Trần Bắc Hà, chủ tịch HĐQT BIDV, đại diện các nhà Tài trợ, cùng với ông chủ tịch UBND Tỉnh Bình Định đồng tổ chức cuộc động thổ khởi công dự án nầy. Những ngày nầy, các khách sạn lớn như Sài Gòn, Hải Âu, Thanh Bình, Hoàng Yến… đều đông nghẹt khách mời khắp nơi. Theo dự án sẽ hoàn tất trong ba năm, nếu ba năm song suốt, Quy Nhơn sẽ xuất hiện một resort  du lịch Tâm linh, sẽ thu hút rất nhiều giới trong và ngoài nước đến tham quan, liệu Quy Nhơn sẽ nổi trội hơn Bãi Bụt, Bà Nà và lễ hội Quan Thế Âm của Đà Nẵng với lượng người về tham dự???