Trang chủ Bài nổi bật Biểu diễn nhạc kịch “Đức vua hóa Phật”

Biểu diễn nhạc kịch “Đức vua hóa Phật”

Diễn ra trong 45 phút tối 7.1 tại Học viện Phật giáo Việt Nam, Sóc Sơn, Hà Nội, vở nhạc kịch "Đức vua hóa Phật" mong muốn lan tỏa giá trị Phật giáo và vai trò của vị tổ Phật của Việt Nam - Trần Nhân Tông đối với quốc gia, dân tộc.

14

Nhạc kịch do Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Thanh Quyết chỉ đạo nội dung; biên tập và kịch bản – ThS. Nguyễn Thị Hồng Nhung; với sự tham gia biểu diễn của tăng ni sinh Học viện Phật giáo Việt Nam và học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Siêu, Hà Nội, nhân kỷ niệm Ngày Đức Phật Thích Ca thành đạo.

Đức vua hóa Phật gồm 3 phần: “Nhân duyên nơi cửa thiền”, “Khải hoàn về Thăng Long sau chiến thắng Nguyên – Mông lần 3”, và “Xuất gia tu hành – Trở thành Tổ Phật thiền Trúc Lâm”, kể câu chuyện hơn 700 năm trước, tại vùng núi thiêng Yên Tử, xuất hiện vị hoàng đế thiền sư đầu tiên, khai sáng dòng thiền của người Việt, gắn liền với hào khí của thời đại lịch sử. Dòng thiền ấy được sinh ra trong khát vọng tự do của dân tộc, sát cánh cùng dân tộc trong cuộc kháng chiến thần thánh chống quân Nguyên – Mông, gắn với tên tuổi của đức minh quân, vị tổ Phật đầu tiên của Việt Nam – Trần Nhân Tông.

Năm 1288, nước Đại Việt vừa bước qua khỏi cuộc binh lửa kháng chiến chống quân Mông – Nguyên lần thứ ba. Sau khi làm lễ dâng thắng trận ở Chiêu Lăng, vua Trần Nhân Tông rước Thượng hoàng Trần Thánh Tông về lại kinh thành Thăng Long và ban chiếu đại xá thiên hạ, miễn tô thuế lao dịch cho những nơi bị giặc tàn phá, ban thưởng cho những người có công, xử phạt người có tội, hướng đến tương lai tươi sáng của nước Đại Việt với tầm nhìn xa trông rộng trong việc nội trị…

Nội dung vở kịch cũng phản ánh quá trình Thượng hoàng Trần Nhân Tông sau này đã tu 12 hạnh đầu đà, chọn đường tu khổ hạnh, phổ độ chúng sinh rộng rãi, tích cực nhập thế đóng góp cho cuộc đời trong tà áo cà sa.

Mối nhân duyên xa xưa này, đến Trần Nhân Tông đã hiện thực hóa. Vị đại sư đại vương đã thống nhất đường lối chính trị và đường lối tư tưởng của đất nước, mở đầu cho khái niệm dòng thiền Đế vương – đại diện cho toàn dân, mang tính toàn dân. Điều đó minh chứng, Trần Nhân Tông thuận tòng với những chỉ giáo, giáo hóa của một bậc minh quân, một đức vua, một vị thiền sư…

Hòa thượng Thích Thanh Quyết cho biết, trong ngày lễ trọng đại của Phật giáo – ngày Đức Phật thành đạo, cảm nhận rõ hơn bao giờ hết tầm quan trọng của việc gìn giữ và lan tỏa tinh thần Phật Giáo. Vì vậy Hòa thượng  đã lên ý tưởng, chỉ đạo thực hiện vở nhạc kịch để kính mừng ngày lễ đặc biệt này.