Trang chủ Diễn đàn Biệt thất, biệt thự là sai, còn biện điện, biệt tự?

Biệt thất, biệt thự là sai, còn biện điện, biệt tự?

115

Trang Phatgiao.org.vn có đăng bài “Câu chuyện về tịnh thất-biệt thất-biệt thự?” của tác giả Minh Mẫn, phân tích việc xây “biệt thất” của một ni cô.

Bài viết đưa ra những căn cứ từ pháp Phật và luật pháp thế gian để kết luận “ni Khánh Hạnh đã vi phạm trầm trọng”.

Theo bài viết, có lẽ cô ni Khánh Hạnh sai thật, đặc biệt là ngôi “biệt thự sang trọng giữa lòng khu xóm lao động, thể hiện bãn ngã của một ni trẻ”. Nếu ở xa hoa như thế thật không phù hợp với người tu hành.

Thế nhưng, nếu ta xét trường hợp như thế trong bối cảnh chung của Phật giáo Việt Nam hiện nay thì sao?

Thí dụ, có một ngôi chùa lộng lẫy được xây dựng. Không có “biệt thất” đi kèm, nhưng cả ngôi chùa biến thành một biệt điện, biệt tự. Khách thập phương không được tự do viếng chùa, muốn lên chánh điện phải theo lịch, sắp hàng chờ đợi (dù người lễ Phật không đông). Dùng bảo vệ chận vòng trong và vòng ngoài. Đây là sự biệt cấm chưa từng có trong đạo Phật!

Không có biệt thất, nhưng nơi cư trú của thầy trụ trì cực kỳ xa hoa. Riêng phòng khách được trình chiếu trên TV không khác gì một cung điện sang trọng. Chùa mà giới hạn Phật tử, thì có khác gì chùa riêng, “biệt tự”, thì nơi cư trú của chư tăng trong biệt tự đó, có khác gì biệt thất (chữ dùng của tác giả Minh Mẫn)?

Xây chùa thành biệt điện, biệt phủ như thế đã nêu một tấm gương như thế ngay trước mặt tăng ni. Thế nên, tăng ni xây dựng biệt thất, biệt thự thì cũng không có gì lạ. Thầy ở nơi sang trọng, xa hoa như thế, thì trách gì đệ tử.

Bài viết của tác giả Minh Mẫn gợi ý cho chúng ta những vấn đề rộng lớn hơn: xu thế cư trú xa hoa, biệt lập của giới tu hành Phật giáo Việt Nam hiện nay. Xa hoa thì tất yếu phải đi kèm với biệt lập. Cái gương xa hoa đó là nếu ở cấp nhỏ thì xây dựng biệt thất, biệt thự. Còn nếu ở cấp lớn thì biến cả ngôi chùa thành biệt phủ, biệt điện.

Gương xấu thì ảnh hưởng rất mạnh, lây lan rất nhanh. Bây giờ đi chùa thấy biệt thất, biệt thự trong khuôn viên không phải là chuyện hiếm. Còn gương tốt thì khó học hỏi. Ngày trước, phòng của Hòa thượng Thích Thiện Hoa, Viện trưởng Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất tại chùa Ấn Quang nhỏ hẹp, một bên vách bị nắng chiều rất nóng bức, nhưng Hòa thượng vẫn sống an lạc làm gương cho đệ tử.

Cảm ơn tác giả Minh Mẫn đã cho chúng ta một bài viết nhiều gợi ý cho một vấn đề lớn trong nếp sống tu sĩ Phật giáo Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, tiếc là việc đặt vấn đề chỉ mới ở phần ngọn, chưa đi vào nguyên nhân sâu xa của vấn đề. Trên làm, dưới bắt chước thì lỗi là do ở trên nhiều hơn. Cần phải nhìn thấy vấn đề toàn diện để có tiếng nói thuyết phục, hơn là phê phán một trường hợp cá biệt, cấp thấp.

MT

Phản hồi riêng đối với các bài tranh luận đặc biệt: [email protected], vi-vn.facebook.com/cusiminhthanh, ĐT: 0915553610.