Trang chủ Văn học Biển xanh như lòng Mẹ

Biển xanh như lòng Mẹ

73

Mẹ là làn gió mát, là sóng biển vỗ bờ vĩnh cửu. Giấc mơ lớn nhất của loài người là chế tạo một động cơ vĩnh cửu đến nay vẫn chưa thực hiện được (chung quy vĩnh cửu chẳng phát sinh từ nguyên nhân đầu tiên mà từ chỗ trùng trùng duyên khởi tiếp nối nhau). Có lẽ khi nói đến vĩnh cửu, người ta nghĩ đến tạo hóa, thứ hai là nghĩ đến mẹ. Mặt đất chưa lúc nào ngưng gió. Sóng biển đêm ngày êm như ru, rì rào vỗ bờ. Tôi có để ý điều này, các bài ca viết về mẹ như bài Lòng Mẹ của nhạc sĩ Y Vân, “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào. Tình mẹ tha thiết như ngọn gió chiều rì rào”. Lạ làm sao, tôi thấy ai hát cũng hay dù giọng ca chẳng được thiên phú. Lý do trở nên hay rất rõ, vì với bài này người hát bao giờ cũng để hết tâm, để cả hồn vào. Một khi người đã có tâm, có hồn, dù ca vụng về cũng nghe hay. Một phần trong lúc hát, người ta đã được thụ hưởng từ lòng mẹ biết bao điều êm ái. Sự thụ hưởng biểu lộ ở người hát đôi khi nhắm tít cả hai mắt. Cử chỉ ấy cho biết người đang nhập vào biển xanh, lòng mẹ, bơi lội tung tăng hồn nhiên như là không biết biển rộng đến dường nào, biển khó dường nào, người bơi về đâu, đi đâu. Vô tư chẳng nghĩ, tấm lòng của mẹ còn là lòng từ bi đâu chỉ dành riêng cho một ai.


***


Từ kinh nghiệm cuộc sống, ngài Khổng Tử đúc kết lại, trên cõi đời có ba loại con hiếu thảo. Bậc hạ là sinh con trai nối giòng (điều này ngày nay đã lỗi thời và trái với tự nhiên môi trường). Bậc trung là sớm hôm tối viếng lo chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ. Điều này là đạo đức cơ bản của đứa con. Tuy nhiên bậc thượng cao hơn hết là không mang danh dự về cho cha mẹ thì thôi, đừng làm nhục cha mẹ. Tỷ như trộm cắp tham nhũng để cho mình rơi vào chỗ tù tội là bất hiếu. Chỉ những ai chai lì mới nghĩ việc của mình làm không dính dáng đến cha mẹ. Ở đây, lại một lần nữa những tư tưởng lớn gặp nhau. Trong kinh Trường Bộ, Phật có kể câu chuyện, đại ý… Nhà vua trước khi mang quân đi xâm lấn nước láng giềng, tìm đến Phật hỏi ý kiến. Phật đưa ra hàng loạt câu hỏi, trong đó có câu: “Ở xứ sở ấy cha mẹ có xấu hổ vì con cái không?”. Nhà vua trước đó đã cho thám tử đi do thám tình hình nên trả lời không. Lập tức Phật khuyên: “Ở một nước mà vua tôi, vợ chồng, con cái như vậy, dù là nước đó nhỏ vẫn không cho phép ai xâm chiếm”. Tuy hỏi ý kiến Phật nhưng nhà vua cũng còn cố mang quân đi, kết quả đoàn quân phải gặt lấy chiến bại quay về. Rõ ràng giữa Đức Phật – Đấng Toàn giác với Khổng Tử –  bậc Vạn thế sư biểu tình cờ có chung suy nghĩ. Nhưng với Bậc Toàn giác, chữ hiếu không dừng lại chỗ này mà còn cao hơn, sâu rộng hơn. Nhưng Đức Phật có nói cao hay không, hay chỉ cần người những phút giây bình tâm, quên mình đi để hiểu nguyên lý tồn tại của đời sống. Để rồi hiểu cha mẹ mình hơn mà đền  đáp công ơn cho trọn vẹn.


***


Nguyên lý tồn tại trong thế giới quan của Phật cũng là nền tảng cho các phẩm hạnh là, người không phải chỉ có một mình, thế giới không chỉ của riêng ai, xung quanh, xa hơn cõi trời cao kia còn có rất nhiều thế giới. Và rồi mỗi người, mỗi thế giới như tấm gương soi phản chiếu những thế giới khác.


Thí dụ như mặt trời nằm trong giọt sương chẳng hạn, để rồi tiến trình phản chiếu tiếp tục đến vô tận. Cuối cùng tất cả nằm trong một. Và một sinh ra tất cả. Không có một, không có hai, ba. Như vậy, một người có thể là nguyên nhân cho toàn thể, vừa lại được toàn thể làm nguyên nhân, nguyên lý tồn tại cuộc sống chính là quần thể được tạo thành bởi nhiều cá thể. Đây là những gì tôi rút ra được nhờ học lóm từ kinh Hoa Nghiêm. Ở đoạn một, tôi có viết, mẹ là biển rộng, sông dài, còn là lòng từ bi đâu chỉ dành riêng cho một người, là vận dụng ở kinh này. Tôi chẳng phải có ý dạy, có mục đích viết bài này là đưa ra bài học đạo đức luân lý cho ai.


Thú thật khi tìm tòi đọc sách, lắm trang sách như kinh Hoa Nghiêm chẳng hạn có hiểu hết đâu, bụng theo đeo đẳng niềm hoài nghi, thắc mắc lại không dám hỏi ai. Không dám hỏi vì biết căn cơ mình thấp chắc gì có tiếp thu được mà ham trèo cao để rồi té đau. Thôi thì cứ mang niềm hoài nghi, từ từ chân lý rồi cũng hé lộ dần qua thực tế. Tôi chỉ muốn đem ra trao đổi và mạn phép kể lại câu chuyện mình thấy. Số là nhà tôi ở gần chợ, mỗi ngày một anh bạn trẻ đi ngang qua nhà. Anh này thiệt thà, nói năng hệch hạc, vậy mà tôi thấy anh là một đứa con hiếu thảo. Cha mất sớm, trong số mấy người con, như chỉ có anh lo lắng cho mẹ từ miếng ăn giấc ngủ. Ra chợ gặp món ngon vật lạ, mùa nào thức nấy, mắc mấy cũng mua cho mẹ. Bỗng một hôm anh đến chơi, thì thầm tâm sự: “Chú giải nghĩa giùm cho cháu. Tự nhiên hai năm nay má tôi mặt mũi buồn dàu dàu chẳng thấy bả cười. Rước bác sĩ đến nhà khám, bả kêu tốn tiền không cho, nói tao chẳng bệnh hoạn gì hết. Hay đó là dấu hiệu tuổi già sắp chết”. Tôi vội vã gật đầu đồng tình. Sẵn dịp tôi đi thăm, vì bấy lâu tiếng là ở chung một xóm, kẻ lại ở đầu trên, người thì ở đầu dưới chẳng mấy khi gặp nhau, thêm nữa, đợi người qua đời mới đến viếng chẳng hay lắm. Bà mẹ gặp tôi như nắm áo chuyện trò, nói riêng cho tôi nghe, những điều trong khi với con lại ngại. Bà vui vẻ cười, tới tuổi thì chết, ai cũng vậy sợ gì. Nhưng sao độ rày tôi thấy thím có vẻ buồn?


Nghe theo lời người bạn, tôi mạnh dạn hỏi. Hóa ra mẹ chết không sợ mà sống lại buồn vì con cháu đứa nghèo, đứa giàu. “Giàu cha giàu mẹ thì ham, giàu anh giàu chị ai làm nấy ăn”, ngặt như vậy. Nhà đứa nghèo nhất lại có đứa con ghiền ma túy đang bị giam trong trại cải tạo. Lỡ sa chân vô con đường này khó rút chân ra. Bà suy nghĩ nhiều biện pháp để giúp cháu, cuối cùng bà thấy chỉ có biện pháp, là các con mướn một chiếc xe cùng bà đi thăm đứa nhỏ. Bà tin nhờ sự hợp lực tình thương gia đình sẽ chuyển hóa tâm hồn thằng cháu. Nghe tới đây, tự nhiên lòng tôi bồi hồi xúc động, thấy bà già thật là cao cả. Lòng mẹ bao la như sông dài, biển rộng, chẳng những làm cho con cháu vui vẻ hạnh phúc mà còn nghĩ cách cùng con chia sẻ nỗi khổ đau. Chắc là bà chẳng hiểu gì kinh sách, nhưng suy nghĩ, hành động của bà lại minh họa cho tôi hiểu, thế nào là “một là tất cả”.


Tất cả ở trong một của lưới trời Hoa Nghiêm nôm na, rõ ràng chẳng phải đó là lý thuyết. Chính lòng người, lòng mẹ từ bi mới nghĩ ra được như vậy, gia đình hợp lực tình thương có sức mạnh chuyển hóa đứa lầm đường lạc lối. Không có lòng từ bi thì không có suy nghĩ độc đáo này. Đúng mẹ là vị Bồ tát, do các con bận lo làm ăn chẳng có thì giờ, đường sá xa xôi, bà mẹ khó nói ra điều mình mong ước. Bởi nếu nói ra được thì phép Phật, phép lạ hàng ngày luôn xảy ra chung quanh chúng ta. Về phần những người con, nếu lòng hiếu thảo của con đồng tương thuận, đồng tương tức với suy nghĩ của mẹ thì cũng là người đang làm phép Phật. Đạo làm con giữ chữ hiếu là trọn vẹn, chẳng những không gây khổ đau, tội lỗi cho mình mà còn mang những điều tốt đẹp cho đời. Đó cũng là lý do, trong đạo Phật chữ hiếu được đề cao, được nâng lên thành giới.