Trang chủ Diễn đàn Phật tử và Dân tộc Biển Đông dậy sóng với cái nhìn của Phật giáo

Biển Đông dậy sóng với cái nhìn của Phật giáo

734
Vừa qua, ngày 01/07/2011, tại khoá tu Thiền của chùa Từ Tân, TT.Thích Chân Quang – Trụ trì Thiền Tôn Phật Quang đã có bài Pháp thoại mang tính thời sự với chủ đề BIỂN ĐÔNG DẬY SÓNG với sự tham dự của gần 2000 Phật tử. Tinh thần bài Pháp nhằm un đúc tinh thần yêu nước đồng thời nhắc nhở, chia sẽ, gợi ý cho mọi người, không ai được chủ quan lơ là trong việc chuẩn bị tư tưởng và năng lực để đối phó với những hành động bành trướng bá quyền đang diễn ra như hiện nay của Trung Quốc.  
 
Ai cũng biết, Trung Quốc đã vi phạm Luật biển Quốc tế, khiến Biển Đông trở nên căng thẳng. Tình hình này đã trở thành mối quan tâm của những quốc gia bị xâm phạm, đặc biệt của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Và vì Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc nên Phật giáo cũng góp tiếng nói của mình trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia.
 
Tuy rằng, TT.Thích Chân Quang là một nhà Sư Phật giáo, nhưng những kiến giải Phật pháp đem đạo vào đời từ tư tưởng văn hóa đến chính trị xã hội thì lại vô cùng sâu sắc, tạo được sự đồng cảm đối với những ai đã vài lần nghe qua những bài Pháp thoại mà Thượng toạ đã thuyết. Điều này cho thấy, các nhà tu hành chẳng những không bi quan yếm thế hay trốn đời mà họ rất yêu thương cuộc đời bằng những hành động dấn thân, hy sinh với tinh thần hướng thượng. Người đã đưa ý thức sống vượt lên tầm cao thời đại, xây dựng một nền tảng văn hóa tâm linh cho dân tộc, khẳng định tinh thần giải thoát, vị tha và nhập thế của đạo Phật trước mọi dòng thời gian.
 
Thật vậy, liên tiếp trong thời gian qua, chúng ta nghe nhiều tin không vui là người Trung Quốc anh em với ta, bỗng nhiên tuyên bố rằng toàn bộ biển Đông này là của họ, rồi thường xuyên xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam để đánh bắt cá. Chẳng những vậy họ còn bắt giữ ngư dân, phá tàu của Việt Nam, tịch thu hải sản và đòi tiền chuộc đối với ngư dân trên vùng biển đánh bắt của họ (quần đảo Hoàng Sa). Trước hành động ngang ngược của Trung Quốc, Chính phủ Việt Nam phải lên tiếng phản đối và nhiều người dân Việt Nam, nhất là thanh niên đã đổ ra đường biểu tình. Còn dư luận quốc tế thì ủng hộ Việt Nam.
 
Trước tình hình đó, Thượng toạ đặt vấn đề “Chúng ta đứng trên quan điểm của đạo Phật, ta vừa là một công dân Việt Nam, vừa là một người Phật tử thì nên hiểu vấn đề này như thế nào? nên có thái độ ra sao”? thì hôm nay với đề tài BIỂN ĐÔNG DẬY SỐNG sẽ gợi mở cho chúng ta nhiều khái niệm dựa trên quan điểm của đạo Phật.
 
Mở đầu bài Pháp thoại, đi ngược lại lịch sử bốn nghìn năm trước, Thượng toạ dẫn chứng câu chuyện Vua Đế Minh (vua Đế Minh là vua của Trung Hoa), cho thấy Trung Quốc và Việt Nam có mối quan hệ anh em không chối cãi được. Lúc đó vua Đế Minh có nhiều người con. Con trưởng của ông là Đế nghi và người con thứ là Kinh Dương Vương hay còn gọi là Lập Tục. Theo truyền thống, Đế Nghi đương nhiên sẽ là Vua nước Trung Hoa, nhưng ông ngạc nhiên khi thấy người con thứ mới vĩ đại hơn.
 
Người con thứ này cực kỳ đạo đức, cực kỳ thông minh, đức độ siêu việt, ai nhìn cũng thương và ông nghĩ rằng người con thứ hai này mới thực sự là Vua chứ không phải người con trưởng. Thế là ông quyết định bỏ người con trưởng không lập thái tử nữa mà đưa Kinh Dương Vương lên làm Vua nước Trung Hoa.
 
Tuy nhiên, với bản chất hiền lành, nhân hậu, Kinh Dương Vương biết rằng quyết định của Vua cha sẽ làm anh mình buồn và lòng ông cũng không tham vọng uy quyền, cho nên một mực khước từ “Xin Vua cha cứ để anh con làm Vua như cũ, còn con phận làm em, con cũng hỗ trợ anh mình hết lòng, không có gì trở ngại”. Trước lời nói quá khẩn khoản tha thiết của Kinh Dương Vương thì Vua Đế Minh quyết định cắt đôi đất nước Trung Hoa, phân nửa phương Bắc từ hồ Động Đình giao cho người anh là Đế Nghi, còn hồ Động Đình xuống về phương nam cho tới Việt Nam hiện nay là giao cho Kinh Dương Vương. Mặc dù kính trọng anh nhưng không dám cãi lời cha, Kinh Dương Vương đành chấp nhận làm Vua phân nửa nước Trung Hoa từ hồ Động Đình xuống về biên giới ải Nam Quan. Tuy nhiên thái độ của Kinh Dương Vương lúc nào cũng nhường nhịn, cũng xem mình là phần em, xem mình như một Chư hầu, mặc dù trong tâm của Vua cha, thực sự coi trọng Kinh Dương Vương hơn cả Đế Nghi.
 
Đến khi Kinh Dương Vương sinh ra Lạc Long Quân thì người con này cũng nhiễm tinh thần “Nhường nhịn) đó của cha nên không coi trọng Vương quốc giang sang, cùng uy quyền. Thế là Lạc Long Quân nhân lúc đất nước được thanh bình nhàn hạ, ông vượt khỏi Trung Quốc về Việt Nam. Ông phiêu bạt lần lần về vùng Bắc Ninh thì gặp một người nữ chúa, đó là Âu Cơ. Không ngờ khi đến đây, phải duyên chồng vợ, họ kết thành phu thê và theo truyền thống mẫu hệ của nhà vợ, Lạc Long Quân phải ở rễ. Lúc đó, ở phía Bắc họ thấy phương Nam trống, quyền lực không ai cai quản, nên họ chiếm lần lần lấy hết giang sang.
 
Người anh lấy hoài mà mấy nghìn năm qua vẫn chưa thỏa mãn, cứ thòm thèm, vì sao vậy? Xét về mặt tâm thức của Tổ tiên truyền đời thì tâm thức của Kinh Dương Vương là nhường nhịn, truyền tới người Việt Nam ta đến bây giờ. Còn tâm thức của vua Đế Nghi thì ông buồn bực còn truyền mãi đến nay. Nói về nguồn gốc thì đúng là anh em. Trung Quốc là anh, Việt Nam là em. Mà theo đạo lý của Á đông “Em phải kính trọng anh”. Từ xưa đến nay (cả mấy ngàn năm qua), người Việt Nam luôn có thái độ kính trọng người Trung Quốc đàng hoàng, không bao giờ mất cái lễ này, không bao giờ mất cái đạo lý của người em, tức là về phần người em mình đã làm đầy đủ bổn phận là luôn kính trọng người anh. Chỉ có một lần mà Lý Thường Kiệt hơi hỗn, sau khi nghe tin ông anh sắp đánh mình, ông đem quân đánh trước, diệt hết tất cả những hậu cứ làm bàn đạp đánh sang Việt Nam như thành Châu U, Châu Ly, Châu Âm. Còn lại thì đa số ta đều bày tỏ lòng kính trọng với Trung Quốc.
 
Tuy nhiên, theo đạo lý Á đông, anh đối với em thì sao? Phải yêu thương đùm bọc chứ không có chuyện ỷ làm anh mà ăn hiếp em. Nhưng mà ông anh Trung Quốc đã mấy nghìn năm qua, luôn làm sai bổn phận của người anh. Hôm nay ta chính thức nhắc ông anh “Anh đã làm sai bổn phận quá nhiều trong đạo lý của Á Đông, em lúc nào cũng kính trọng anh nhưng mà anh toàn ăn hiếp em mãi”. Nên nói về đạo lý, ta không hổ thẹn vì ta đã làm đầy đủ bổn phận mình, nhưng mà ông anh Trung Quốc yêu cầu xem lại, coi chừng sống trái với di huấn của tổ tiên từ đời vua Đế Minh.
 
Đây là giữa Việt Nam với Trung Quốc thôi mới có chuyện anh em, còn nếu theo Luật pháp Quốc tế thì các quốc gia đều bình đẳng với nhau hết. Cho dù anh chỉ là một đảo quốc nhỏ như Singapore hoặc anh to như hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Còn trong thương mại và trong trao đổi gì đó, có sự thương lượng đôi bên đều có lợi thì đó là một chuyện khác.
 
Tuy nhiên, nói vậy chứ trong cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ vừa qua để dành độc lập thống nhất thì Trung Quốc đã giúp đỡ Việt Nam rất nhiều. Điều này ta không phủ nhận, thậm chí ta sẽ không có cuộc chiến Điện Biên Phủ oai hùng nếu không có sự giúp đỡ của Trung Quốc. Lúc đó các khí tài (lương thực, quần áo, vũ khí, đạn dược) đều là của Trung Quốc, thậm chí Trung Quốc còn đưa qua nhiều cố vấn về quân sự. Giúp thì giúp nhưng cái máu buồn bực từ đời vua Đế Nghi truyền xuống chưa hết. Cho nên Tổng bí thư Lê Duẩn đã báo cáo với Bộ Chính Trị trong một lần ông sang Trung Quốc, ông gặp Chủ tịch Mao Trạch Đông. Mao Trạch Đông lúc đó ngồi bên cạnh Đặng Tiểu Bình, Mao Trạch Đông mới nói với Tổng bí thư Lê Duẩn rằng “Đất nước của tôi có năm trăm triệu dân mà không đủ đất để sống, tôi sẽ mang đại quân xuống chiếm hết Đông Nam Á”. Đặng Tiểu Bình ngồi một bên gật đầu nói “Đúng như vậy vì người Trung Quốc không đủ đất sống”.
 
Tổng bí thư Lê Duẩn cười cười, không nói gì. Sau đó Mao Trạch Đông mới hỏi tiếp “Nước anh đời nhà Tống, anh đã đánh tôi phải không?” – “Dạ có”. Rồi “Đời nhà Minh có đánh không?” – “Có”, “Đời nhà Thanh cũng đánh luôn phải không?” – “Có”. Vậy “Bây giờ các anh có đánh chúng tôi không?”. Tổng bí thư Lê Duẩn nói “Cũng đánh luôn nếu cần”.
 
Và sự thực ở biên giới phía Bắc ta đã đánh nhau nhiều lần. Sau này giữa Việt Nam với Lào, có những cái hiệp ước hợp tác cho nên Lào với Việt Nam như là một khối với nhau không tách rời được. Thực ra Việt – Miên – Lào không thể tách rời, bất cứ ba nước này mà tách ra là ta bị nước khác ăn hiếp liền. Đặc biệt nước Lào thì cũng lại là anh em với ta, cùng nguồn gốc của mẹ Âu Cơ, nên người Lào rất giống người Việt Nam. Trung Quốc cũng hỏi Bí thư Lê Duẩn “Đất nước Lào có bao nhiêu dân”? Lê Duẩn trả lời “Khoảng hai triệu dân”. Mao Trạch Đông nói “Nước rộng quá mà có bao nhiêu đó, chúng tôi sẽ xuống đó ở”. Thế là rất nhiều lần người Trung quốc đã đưa người và đưa quân về Lào nhưng vì Lào trong hiệp ước hợp tác yêu cầu Việt Nam bảo vệ, nên ta đánh bật hết tất cả những lần Trung Quốc xâm nhập vào Lào. Đó là nói chuyện ân nghĩa đời xưa (đạo lý), trong thời cận đại, Trung Quốc đã giúp ta rất nhiều.
 
Bây giờ nói về chính trị. Nếu mà định nghĩa theo chữ nghĩa thì chính trị là gì đó như chính sách, chính quyền, chính phủ, v.v… nhưng mà nói về bản chất của chính trị thì thủ đoạn, hơn thua, giành giật lừa gạt, mưu mô, thậm chí làm điều bỉ ổi nhất nếu cần, miễn dành được quyền lợi cho mình, hoặc cho đất nước, bất chấp tất cả là vậy. Tuy nhiên nhân quả là nhân quả, đạo lý là đạo lý. Luật nhân quả lúc nào cũng dành cho những anh hùng quân tử, cho sự công bằng chính đáng. Thượng toạ minh chứng về cuộc đời và sự nghiệp của các vị vua đời nhà Trần, đặc biệt là Trần Hưng Đạo. Một con người không đi theo con đường chính trị thủ đoạn mà đi theo con đường nhân nghĩa, quân tử, anh hùng. Chính vì vậy đất nước ta đời đời tôn thờ bậc Thánh Trần Hưng Đạo. Cho nên nói luật nhân quả vẫn công bằng, vẫn dành vị trí xứng đáng đó cho người tốt là vậy. Đến nỗi trong đạo Phật, chúng ta có Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông đã đắc đạo vậy mà trong dân tộc, ta vẫn xếp hai người đó dưới Trần Hưng Đạo vì cái nhân nghĩa, cái quân tử, cái anh hùng này.
 
Phải chăng, chính những người nắm quyền lực cao nhất phải là người giữ giềng mối đạo đức, đạo lý cho dân tộc, cho loài người. Đừng dại khờ khi ta nắm quyền lực cao nhất lại là một người thủ đoạn thì sau này sẽ bị trả giá, lịch sử sẽ phán xét công tội đâu đó rõ ràng. Mà quan trọng là người dân thờ một vị lãnh tụ của họ, anh hùng của họ trên hai phương diện là công lao với Tổ quốc và phẩm chất đạo đức của cá nhân người đó. Vì vậy, những người làm chính trị, quyền lực càng cao thì phải cư xử như một bậc Thánh, đó là yêu cầu. Yêu cầu của đạo lý không thể nào là khác hơn được. Dù chính trị là thủ đoạn nhưng mà tình nghĩa vẫn là ngọn hải đăng soi rọi cuộc sống này, làm cho mọi người ấm lòng, tin cậy và làm cuộc sống có ý nghĩa hơn. Ví dụ bây giờ, khi người dân họ nhìn lên những người lãnh đạo cao cấp nhất như Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước, Thủ tướng, v.v… thì họ mong mỏi gì ở những người đó? Họ mong rằng những người đó là thật lòng vì dân vì nước, có tài có công lo cho nước mà phẩm chất đạo đức cá nhân là sáng ngời. Mà chính cái phẩm chất đạo đức cá nhân sáng ngời đó mới làm cho lòng người yên, dân tin và một lòng theo Nhà nước. Người lính có thể đổ xương đổ máu, người dân đứng lên có thể sẵn sàng chiến đấu chết vì màu cờ Tổ quốc, hy sinh cho đất nước này, bởi vì người ta tin được Lãnh tụ của mình là những người tài đức. Dù yêu nước cách mấy nhưng nếu họ nghi ngờ tư cách của người Lãnh tụ thì không dám hy sinh, vì sợ sự hy sinh của họ là vô nghĩa.
 
Mặc dù mọi người vẫn phê bình chính trị là thủ đoạn, là ác nhưng trên bình diện của Luật Nhân Quả, trong đạo lý thì cái đạo đức, cái tình nghĩa luôn luôn là chỗ nương tựa của mọi người. Thì bây giờ cũng vậy, trong cái tình nghĩa đối với người Trung Quốc, người Việt Nam ta đã chọn lối sống là tình nghĩa đạo đức chứ ta không chọn lối sống thủ đoạn, mà ta đã bày tỏ sự kính trọng đối với người anh của mình đúng mức trong nhiều nghìn năm qua, thậm chí ta còn nhường luôn cả một nửa đất nước Trung Hoa đó cho người anh của mình, nếu nói về lễ, ta không còn gì phải phân vân.
 
Hiện nay, mỗi khi báo chỉ đăng tin là bên Trung Quốc bị sập hầm mõ làm bao nhiêu người công nhân phải chết, ta nghe vẫn đau lòng giống như người dân Việt Nam mình gặp nạn, rồi ta nghe bão tố lụt lội gây khốn đốn khổ sở cho người Trung Quốc thì người Việt Nam ta vẫn bày tỏ một sự cảm thông chia sẻ như là đứt một khúc ruột của mình, v.v… Đó là cái tình cảm chia sẻ, đồng thời ta cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với văn hóa của Trung Quốc.
 
Thật sự trên thế giới này, cái nền văn minh văn hóa Trung Quốc hết sức là vĩ đại, đến nỗi bây giờ các bộ phim Hollywood đều ghi lại “dấu ấn của Trung Hoa”, nội cái võ thuật thôi là cả thế giới bắt đầu học theo. Rồi đạo Nho, là đạo của Khổng Tử truyền dạy thì nhiều nghìn năm nay, người Việt Nam cũng xem đó là khuôn vàng thước ngọc. Thế là cả một thời gian rất dài, người Việt Nam chấp nhận cái văn hóa của Trung Quốc là đúng và học một cách hết sức trân trọng. Người xưa mà thấy có tờ giấy viết chữ Nho là không dám quăng bậy, phải dùng đi nếu không thì đốt, vì họ chắc chắn rằng trên đó viết những lời của Thánh hiền.
 
Mà những lời Thánh hiền cũng là Trung Quốc, cho nên văn hóa văn minh của Trung Quốc so với Việt Nam lớn hơn rất nhiều và đôi khi ta nói Trung Quốc như là thầy của Việt Nam. Những bộ kinh của Khổng Tử để lại vẫn là khuôn vàng thước ngọc cho đến ngày hôm nay, nhiều khi người ta chê Khổng Tử phong kiến, nhưng bây giờ xem lại thì những đạo lý đó không ai có thể bắt bẻ được. Rồi những nhà Nho của Việt Nam tuân thủ những đạo lý của Khổng Tử thành xương thành máu của mình nên ta đối với người anh Trung Quốc hết sức là kính trọng, kính trọng cả văn hóa của họ.
 
Còn nói đến những công trình kiến trúc thì họ cũng lớn gấp trăm gấp ngàn lần Việt Nam. Ví dụ như Vạn Lý Trường Thành, Cung điện của Vua, Lăng tẩm, những đền những chùa, nhiều thắng cảnh nguy nga tráng lệ, v.v… Và trong đạo Phật có nói sáu vị Tổ của Thiền Tông, Lục Tổ cuối cùng là Lục Tổ Huệ Năng được người Trung Quốc tôn thờ, trong khi Ngài chính là người Việt Nam. Đây là thái độ cởi mở của họ.
 
Ngoài ra Thượng toạ còn nêu lên sự vĩ đại của Vua Càn Long trong cách đối nhân xử thế. Nếu ta có một anh hùng áo vải Quang Trung cực kỳ vĩ đại thì lúc đó bên Trung Hoa cũng có một ông Vua Càn Long rất tuyệt vời (Ông uyên bác cả về Phật học, cái học của ông cũng rất là giỏi). Ta nghĩ đời đời thế hệ lãnh đạo người Trung Quốc phải học, đó là tinh thần hào hiệp của một người anh yêu thương bảo bọc người em, đúng với đạo lý của Á Đông.
 
Ngoài một vài vị Vua như vậy, còn đa phần các vị Vua Trung Quốc lại có khuynh hướng tiềm tàng là cứ thích xâm chiếm mở rộng bờ cõi của mình, như khi năm 49 là chiếm mất Tây Tạng. Vừa rồi Trung Quốc dùng tiền để mua chính quyền, mua quốc hội, mua luôn cả một lãnh thổ mấy trăm ngàn cây số vuông của Pakistan giáp với Trung Quốc, Đài Loan thì nằm trong tầm ngắm, nhưng mà vẽ một bản đồ chiếm hết Biển Đông của các nước Đông Nam Á.
Đây là cái bệnh của Trung Quốc, bệnh này cần chữa trị, nếu không nó tổn hại cho người Trung Quốc rất nhiều, vì khi anh xô láng giềng ra xa tức là anh kéo kẻ thù lại gần. Bởi vậy dân gian có câu “Bán bà con xa mua láng giềng gần”. Nếu Trung Quốc gây hấn với láng giềng, ăn hiếp một vài nước Đông Nam Á thì buộc họ phải kiên kết với các nước khác để về chặn đứng Trung Quốc. Anh Trung Quốc hiểu điều này nên tìm cách vuốt ve Mỹ, yêu cầu Mỹ đừng xen vào Biển Đông nhưng có được không? Do Đó, khi ta đối xử tệ với láng giềng thì tự nhiên tạo thành vòng vây của kẻ thù chung quanh mình, điều này bất lợi cho Trung Quốc, vì gây mất uy tín trên cộng đồng thế giới.
 
Sau này người Trung Quốc đi đến đâu sẽ bị nghi kỵ, tự nhiên sẽ mất rất nhiều hợp đồng kinh tế khác đối với thế giới vì không ai tin nữa.
 
Chúng ta thấy, cả một vũ trụ mênh mông này chưa ai khám phá, mà muốn thám hiểm được vũ trụ thì cả loài người phải chung sức chứ một hai quốc gia làm không nổi. Nếu cả loài người không đoàn kết chung sức mà lo đánh nhau thì nó làm hao tổn tài nguyên của nhân loại, bởi vì lấy tài nguyên đó để làm vũ khí. Ví dụ, ta đem tất cả vũ khí của các nước trên thế giới như Nga, Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Canada, Anh, Pháp tính ra hết thì ứng với số tiền đó ta đủ để xây dựng cả trái đất này thành thiên đường, cực lạc, tuyệt đối không còn người đói nghèo, đất nước nào cũng đủ ăn đủ mặc, con người ta sống thịnh vượng, ấm no hạnh phúc.
 
Vì vậy người nào gây hấn tạo thành chiến tranh thì đó là người kích động những sự hao tổn tài nguyên của nhân loại, quả báo nước đó sẽ rơi vào nghèo khổ, sẽ bị những cơn khủng hoảng làm cho kinh tế suy sụp hẳn. Nhưng mà chưa đợi sau này, ngay bây giờ mưa lũ đang kéo đến tàn phá Trung Quốc liên tiếp trong thời gian gần đây. Cái đập Tam Điệp là niềm tự hào của Trung Quốc bây giờ trở thành cơn ác mộng, nó là hiểm hoạ đối với con người và môi trường. Rồi việc sập hầm mỏ cũng không ngừng xãy ra, đồng thời sự kiện hàng loạt dưa hấu nổ làm người dân rơi vào cảnh “Dở khóc, dở cười”, v.v…
.
Thế giới đã tới lúc chung tay góp sức lại, làm những điều tốt đẹp cho văn minh loài người, chứ không phải là gây hấn đánh nhau để làm hao tổn tài nguyên của nhân loại. Cho nên việc ta cư xử theo đạo lý, đạo đức, trước mắt thấy thì không có lợi nhưng phần thưởng về sau sẽ rất lớn. Nếu Trung Quốc đối xử với tấm lòng như Vua Càn Long ngày xưa thì không cần phải xâm chiếm nước nào, tự động người ta xin qui đồng với mình vì người ta biết về với Trung Quốc người ta được hạnh phúc, ngược lại, nếu anh hành xử côn đồ thì chung quanh anh đầy kẻ thù và người ta sẵn sàng chiến đấu liền.
 
Vì vậy người Trung Quốc phải xem lại, muốn cộng đồng thế giới kính trọng hay khinh ghét mình? nếu muốn cộng đồng thế giới kính trọng thì người Trung Quốc phải chữa cái bệnh “Khoái giật đất thiên hạ”. Trung Quốc tự nhiên vẽ bản đồ, vạch đường lưỡi bò lấy hết toàn bộ Biển Đông các nước Đông Nam Á. Hành động này không phải là anh đang sử dụng luật quốc tế mà là luật của cướp biển. Không gì tốt đẹp hơn, anh hãy thực hiện đạo lý mà chính mình đã dạy cho thế giới là sống như một người quân tử, tức là nhường nhịn, yêu thương, độ lượng, nhân nghĩa. Vì cái đạo lý đẹp đó lại từ Trung Quốc mà ra.
 
Lâu nay, Việt Nam ta có ba vùng chiến công:
 
1/  Trên bộ: biết bao nhiêu nghìn năm qua đánh nhau với giặc ở trên bộ ta đều thắng.
 
2/  Trên sông: sông Bạch Đằng chôn vùi không biết bao nhiêu quân thù.
 
3/ Trên không: ta đánh rơi tất cả những máy bay của kẻ thù.
 
 Nhưng ta chưa có chiến công trên biển. Ta xin báo với Trung Quốc và Thế giới, lần này Việt Nam sẵn sàng lập chiến công trên biển dù đeo đuổi cuộc chiến này hai mươi năm. Bây giờ người Trung Quốc đã nói rằng họ sẵn sàng dùng sức mạnh quân sự trên Biển Đông, khi mà họ tuyên bố như vậy thì Việt Nam ta cũng phải sẵn sàng, vì ông anh ông ép mình mà.
 
Để bắt đầu bước vào chiến tranh, sẵn sàng chiến đấu thì ta phải làm sao? Thượng toạ chỉ ra công thức chiến tranh, kỹ thuật quân sự theo nhãn quan của đạo Phật:
 
– Trước hết, tất cả người Việt Nam ta phải củng cố lòng yêu nước, chẳng tiếc hy sinh vì Tổ quốc mình, phải xác định lập trường này trước trong từng con người của ta ở mọi lứa tuổi. Có 3 khẩu hiệu mà chùa Phật Quang đã dạy cho các em thanh thiếu niên tham gia khóa sinh hoạt hè (2011) phải hô to sau mỗi lần tập luyện thể lực. Khi người huynh trưởng dõng dạc hỏi:  “Tu nghĩa là gì?”, mấy em hô lên “Diệt trừ  bản ngã”. Câu hỏi thứ hai “sống nghĩa là gì”, các em trả lời “Phụng sự mọi người”. Câu hỏi thứ ba “Khi Tổ quốc bị xâm phạm thì sao”, các em đồng trả lời “Cả nước đứng lên”. Đây là những câu trả lời rất đúng với Phật pháp và rất chuẩn. Nhưng đó không phải là chuyện chỉ riêng của các em, tất cả chúng ta cũng đều phải biết và nằm lòng ba khẩu hiệu này.
 
– Bước thứ hai là cố gắng làm phước. Trong một cuộc chiến tranh nước nào có phước nước đó thắng chưa nói đến chính nghĩa hoặc phi nghĩa. Cái chính nghĩa bắt đầu làm cho người ta tăng cái phước lên rồi mới thắng sau, nhớ như vậy. Tất cả mọi người phải lo nỗ lực làm phước gấp năm gấp mười lần trước đây. Khi cái phước của mọi người lớn lên rồi cũng chính là phước chung của toàn dân tộc. Đừng xem thường việc này, coi chừng đó chính là yếu tố quyết định cho việc thắng thua trong cuộc chiến.
 
– Bước thứ ba, từng người phải rèn luyện cơ thể, rèn luyện thể lực hết sức vất vả, vì có những lúc khó khăn thì người nào đã rèn luyện người đó mới vượt qua được. Ví dụ trong một cuộc chiến bom nổ đạn bay, không có lương thực để sống trong vài ngày, với người không có rèn luyện thể lực sẽ không chịu nổi nhưng người có tập luyện họ chịu đựng được 3 ngày đói khát, chờ tiếp tế để sống và chiến đấu tiếp.
 
– Bước thứ tư, chúng ta phải biết làm giàu hơn nữa, tức là đẩy mạnh kinh tế kỹ thuật Việt Nam lên một bước cao hơn nữa. Bằng cách làm hết trách nhiệm của mình, để làm sao từng người giàu lên thì cả nước mới giàu và như thế mới đánh nhau được.
 
– Bước thứ năm, là học sinh phải học giỏi hơn nữa, nhất là giỏi những kỹ thuật số về vi tính (phải biết lập trình, phải biết chống lại Hacker, v.v…), vì trong những trận chiến sắp tới, cái phương tiện khí tài nó lệ thuộc vào các thiết bị kỹ thuật số rất nhiều.
 
– Bước thứ sáu, khi chiến tranh xãy ra, mỗi người chúng ta sẽ đứng đằng sau để ủng hộ chiến sĩ chiến đấu bằng những gì mình có được (tài vật, rèn luyện thể lực, làm phước, làm giàu, học tập). Cả nước phải vào trận thì ta mới chiến thắng chứ không phải là chỉ ỷ vào quân đội. Trong lịch sử của ta, chỉ có một lần ỷ vào quân đội ta chiến thắng, đó là Vua Quang Trung đánh quân Thanh, không cần tới dân, tức là Ngài tuyển quân xong, luyện quân trong hai ngày, dắt ra Bắc đánh thắng liền, trên thế giới chưa có người thứ hai anh hùng vĩ đại như vậy. Còn hầu hết như đời quân Nguyên đánh nhà Trần thì cả nước phải vào trận.
 
Và trong cuộc chiến tranh lần này cũng vậy, CẢ NƯỚC PHẢI VÀO TRẬN nhưng không phải cả nước ai cũng cầm súng đi đánh, ai đánh thì đánh nhưng người không đánh thì đứng đằng sau ủng hộ, tiếp sức kế thừa, nuôi quân thăm hỏi, động viên an ủi mọi thứ để cho những người chiến sĩ của ta yên lòng mà chiến đấu, dù cuộc chiến sẽ kéo dài tới đâu. Mặc dù ở hậu phương nhưng tình thần ta lúc nào cũng như một người chiến sĩ ngoài trận tuyến.
 
– Bước thứ bảy là ta đứng sau lưng Nhà nước đoàn kết một lòng trên dưới. Không thể có chiến thắng nếu người dân không tuân phục, không ủng hộ Nhà nước. Thượng tọa đặt câu hỏi “Lịch sử thế giới từ xưa đến nay có một nhà nước nào, có một chính quyền nào hoàn hảo tuyệt đối 100% không? Nhưng để gọi là một Nhà nước chính nghĩa nếu nhà nước đó trên 60% là tốt, chứ còn nói đúng hoàn toàn thì tuyệt đối không bao giờ có từ xưa tới nay. Nhà nước nói tốt có những nhà nước tốt 10% còn 90% là bóc lột.  Còn nói tốt lắm thì được 70% tốt, 30% tham nhũng. Tất cả các nước trên thế giới kể cả nước văn minh nhất đều như vậy.
 
Việt Nam ta thì sao? Cũng bị tham nhũng và tham nhũng khá nhiều, làm mất tiềm lực quốc gia, đôi khi làm mất niềm tin của quần chúng nữa. Tuy nhiên, Nhà nước này vẫn là Nhà nước chính nghĩa đại diện cho dân tộc Việt Nam, không có Nhà nước nào khác. Vì sao vậy, vì ta điểm lại trong thời gian gần đây nhất, bất cứ Nhà nước nào cũng phải làm tay sai cho một nước khác, chịu sự chỉ đạo của một nước khác, chỉ có Nhà nước Việt Nam đứng độc lập một mình không sợ ai, dám đánh với bất cứ ai ăn hiếp mình, dù có nhận viện trợ, đây là một điều rất lạ.
 
Khi các Nhà Sử Học thế giới nghiên cứu về lịch sử Việt Nam, họ thấy trong chiến tranh, ông Hồ Chí Minh cũng nhận viện trợ của Liên Xô nhưng mà không lệ thuộc Liên Xô, ông nhận viện trợ Trung Quốc nhưng không hề lệ thuộc Trung Quốc, sẵn sàng đánh nhau với Trung Quốc. Nên đây là một Nhà nước độc lập nhất từ xưa tới giờ. Việt Nam làm bạn với các nước, giúp đỡ các nước, nhận sự giúp đỡ các nước nhưng luôn luôn độc lập. Và nếu họ độc lập, họ không chịu sự chỉ đạo của ai thì họ dành quyền lợi cho dân của mình, mặc dù có thể cấp dưới có vi phạm, có tham nhũng. Điều đó làm ta buồn, ta đau lòng khi có những con người biến chất đó (lòng tư riêng quá lớn mà vơ vét, tham nhũng, hối lộ). Hôm nay ta lên án những Cán bộ tham nhũng đã làm mất tiềm lực Quốc gia, mất niềm tin của nhân dân đối với Nhà nước.
 
Ta mong rằng, hễ ai làm Cán bộ quan chức phải sống cho thanh liêm, hết lòng vì dân vì nước. Vì đó là chủ trương của Nhà nước, Nhà nước nào cũng muốn Cán bộ lo cho dân cho nước, chứ không ai muốn Cán bộ mình tham nhũng.
 
Thử hỏi, khi chiến tranh xãy ra, anh còn sống, anh còn tham nhũng được không? Nước mất thì nhà tan, tài sản anh gom góp được sẽ không còn. Vì vậy đừng tham nhũng mà làm mất đi tiềm lực Quốc gia, trái lại phải chung tay góp sức để cùng nhau đánh thắng giặc. Đó là lời mà ta nói với những người quan chức tham nhũng, chứ còn trên tổng quát theo đa số Nhà nước ta hiện nay vẫn là chính nghĩa, thật lòng lo cho dân lo cho nước, giữ được độc lập Quốc gia không bị lệ thuộc nước nào, thậm chí còn vươn tay ra giúp đỡ hai nước láng giềng là Lào và Campuchia. Vì ba nước này là một khối, không thể nào tách ra được. Nước nào tách ra là bị ăn hiếp liền.
 
Và Việt Nam là đàn anh nhưng Việt Nam cư xử rất quân tử, không bao giờ Việt Nam ăn hiếp Lào và Campuchia, mặc dù phải hết sức thuyết phục hai nước đó hợp tác với Việt Nam vì lợi ích chung của ba nước. Cho nên Việt Nam rất có thái độ quân tử từ xưa nay. Nếu có người hỏi quân tử gì mà diệt luôn nước Chiêm Thành chiếm mất của người ta thì chúng ta trả lời rằng, Việt Nam phải chiếm Chiêm Thành, đó là trách nhiệm không thể làm khác được, vì sao? Vì Chiêm Thành có một tục lệ man rợ, Vua chết thì chôn theo hết những vợ hoặc cung tần.
 
Rồi mấy ông quan, mấy ông nhà giàu cũng bắt chước theo. Đó là tục lệ giết người, đất nước đó không thể tồn tại được. Giống như Maya ở Nam Mỹ, đất nước này cũng rất văn minh nhưng lại có tục lệ rất là man rợ, mỗi khi mất mùa người ta thường nói là do thần linh giận, cho nên họ bắt người đem về, đưa lên đài tế lễ, cắt cổ lấy máu tưới xuống đất. Như vậy họ nói là làm vừa lòng thần linh để thần linh cho mùa màng được tươi tốt. Chính vì tục lệ man rợ đó mà dân tộc Maya diệt chủng luôn.
 
Ta nhớ là khi có những cái tục lệ man rợ liên quan đến hành động giết người thì đất nước đó phải biến mất, đó là nhân quả. Cho nên, việc mà cha ông ta đã chiếm hết Chiêm Thành, đó là sự công bằng của Luật Nhân Quả, không thể để một quốc gia có tục lệ man rợ đó tồn tại trên trái đất này. Vì vậy cha ông ta chiếm Chiêm Thành là một công lao chứ không phải là tội lỗi. Ngày hôm nay, khi ta dạy con cháu, ta phải nhắc điều này, đó là một chiến công và cùng là một công lao. Cũng giống như năm 1979, ta đem quân qua giải phóng Campuchia, đánh tan Polpot thì đó cũng là một công lao, công đức lớn của dân tộc ta. Nếu ta không đem quân qua kịp, Polpot giết sạch Campuchia không còn sót người nào.
 
Ta đã giúp họ giữ gìn được chủng tộc của Campuchia, đó là công đức rất lớn của dân tộc ta, cho nên chính những công lao đó mà Nhà nước Việt Nam hôm nay, thực sự là một Nhà nước chính nghĩa của Việt Nam.
 
Tiếp theo, Thượng tọa kể câu chuyện Bác Hồ thành lập ngày 27/07 (Ngày thương binh liệt sĩ) tại cái Đền mà ngày nay có tên là Đền 27/07 ở Thái Nguyên. Bên cạnh cái Đền có nhà thờ Phật rất là nghiêm trang, mà nhà thờ Phật này có trước cả trăm năm.
 
Như vậy ý Bác Hồ muốn là phải đưa hương linh các anh hùng liệt sĩ về nương tựa với Phật. Khi giải mã được thâm ý Bác Hồ, Thượng tọa mạnh dạn kiến nghị lên TW Nhà nước “Từ đây bất cứ nơi nào có nghĩa trang liệt sĩ, Nhà nước phải xây thêm nhà thờ Phật để cho anh em liệt sĩ được về nương tựa với tâm linh của đạo Phật”.
 
Rõ ràng Bác Hồ là người cực kỳ yêu quý đạo Phật vì bố Bác Hồ (Cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc) là người có công chấn hưng đạo Phật VN. Vì vậy Nhà nước ta tuy nói là Nhà nước Cộng sản nhưng thật sự có nguồn gốc tâm linh của đạo Phật. Do đó, ta không còn có con đường nào để chọn lựa, ta chỉ có một Đất nước này để yêu thương, một Nhà nước này để ủng hộ và một Phật pháp này để phát triển.
 
Vì sao nói Đạo pháp đồng hành cùng Dân tộc? Vì trong thẩm sâu tâm linh Nhà nước này theo đạo Phật, ủng hộ đạo Phật. Vì vậy trong cuộc chiến tranh sắp tới, ta ủng hộ chiến sĩ cũng phải ủng hộ Nhà nước, tức là làm cho Nhà nước tốt hơn nữa. Chính dân đã đưa những người con ưu tú ra làm Cán bộ -Quan chức lãnh đạo Nhà nước thì khi họ hư dân phải dạy. Tuy nhiên lâu nay thấy Cán bộ tham nhũng dân chì biết chê chứ không mạnh dạn dạy.
 
Dạy Cán bộ cho tốt hơn đó là nhiệm vụ của dân. Chính sự góp ý của dân làm cho Chính quyền tốt lên từng ngày. Mà Chính quyền tốt lên từng ngày, nhân dân tin tưởng, ta mới đoàn kết trên dưới một lòng chuẩn bị đi vào chiến tranh. Nếu trên dưới không một lòng ta sẽ thua trong trận chiến sắp tới.
 
Tóm lại, Nhà nước phải thật lòng lo cho dân, kiểm điểm những Cán bộ sai của mình và người dân phải giúp cho Nhà nước tốt lên từng ngày. Đó là sự tương quan giữa Nhà nước và dân là như vậy.
 
Sau nữa, ta phải tu tập vô ngã. Đạo lý vô ngã của nhà Phật rất quan trọng trong chiến tranh. Khi ứng dụng vô ngã trong tu tập thì ta đi đến giải thoát. Còn khi ứng dụng tu tập vô ngã trong đời sống thì ta tạo thành vô số công đức. Và khi ứng dụng vô ngã trong chiến tranh ta sẽ chiến thắng được kẻ thù, vì người vô ngã là người dám quên mình, có thể yêu thương được cả thế giới này, chứ không còn trong phạm vi đất nước của mình nữa, đồng thời phải yêu thương kẻ thù dù ta đánh tan họ. Đó là thái độ của người chính nhân quân tử.
 
Thái độ này là Trung Hoa dạy ta và ta ứng dụng thái độ đó để đối xử lại với họ. Ta sẽ chiến thắng họ, sẽ đánh tan họ nhưng vẫn yêu thương họ. Đây là đạo lý vô ngã. Vì vậy từng người phải tu tập lại đạo lý vô ngã cho thật kỷ để dám hy sinh, dám quên mình và dám yêu thương kể cả kẻ thù của mình. Mỗi ngày ta phải quỳ trước Phật nguyện diệt trừ bản ngã.
 
Ta nhớ lời Bác Hồ “Khi trong hòa bình thì lúc nào cũng sẵn sàng như trong chiến tranh nhưng khi bước vào chiến tranh thì ung dung như đang trong hòa bình”, đây là bản lĩnh mà Bác Hồ dạy lính của mình. Cũng vậy, hiện tại chiến tranh chưa xãy ra, nhưng ta chuẫn bị sẵn sàng như đang chiến tranh nhưng nếu ngày nào chiến tranh xãy ra thì ta không sợ hãi, rất bình tĩnh để đối phó.
 
Mặc khác ông bà dạy ta “Giặc đến nhà đàn bà cũng phải đánh”, tức là cả nước đều vào trận nếu phải đánh.
Hiện nay hàng Trung Quốc tràn ngập ở VN vì giá rẽ. Bình thường ta mua hàng Trung Quốc không có vấn đề gì, ta mua hàng của họ cũng là ủng hộ anh em mình thôi nhưng bây giờ khi cầm hàng Trung Quốc ta phải suy nghĩ “Hôm nay TQ đã gây hấn ta tới đâu rồi, nếu mua một món này là ta giúp cho anh em TQ có thêm một viên đạn, một khẩu súng để bắn vào nhân dân ta. Vậy sao không mua hàng của Việt Nam để chiến sĩ ta có thêm một viên đạn, một khẩu súng. Điều này cho thấy, chưa cần chiến đấu chỉ mua hàng thôi là ta chuẩn bị chiến tranh được rồi.
 
Ta quở trách những ai ăn chơi lêu lỏng, phí phạm. Bây giờ phải chuẩn bị mọi thứ để cả nước bước vào cuộc chiến. Hễ bước vào chiến tranh rồi thì cả nước là cha là mẹ của nhau. Lúc này ai mà phí phạm một đồng, một hạt gạo, một giọt nước là ta được quyền nhắc nhở, phê bình. Cả nước phải đồng lòng tập trung sức mạnh để chiến đấu, bằng cách sống có kỷ cương như quân đội. Và ta dồn sức để rèn luyện, lao động, học tập, tu hành cùng cả nước chiến đấu.
 
Đặc biệt là yếu tố tu hành. Ta đánh giặc không phải chỉ có vũ khí mà Thần Thánh cùng đánh với ta. Khi đất nước ta có một nền tâm linh mạnh mẽ thì Thần Thánh cùng vào trận với ta. Vì vậy ta phải xây dựng cho dân tộc mình một nền tâm linh mạnh mẽ.  Đó là, trong cả nước mỗi người đều biết tu hành (lễ Phật, ngồi thiền, làm phước) thì ta chiêu cảm được sự gia hộ của Thần Thánh, để khi vào trận không chỉ có những chiến sĩ mà Thần Thánh cùng ta đánh giặc. 
 
Bây giờ nên xây dựng tình đoàn kết cả nước lại để chuẩn bị chiến đấu, vì vậy ta nghiêm khắc quở trách bất cứ những ai làm mất đoàn kết trong đất nước này. Một lời nói chê bai, chỉ trích, gây hiềm khích đều tiếp tay cho giặc. Khi đất nước đang vào cuộc chiến mà ta làm lạc lòng người, làm mọi người lung lay, không còn sức mạnh để chiến đấu là có tội lớn với Tổ quốc.
 
Lúc này ta chỉ được nói những lời yêu thương, đem đến sự hòa thuận. Tránh trường hợp con người nói xấu nhau, đạo này chê đạo kia, dân tộc này chê dân tộc kia, nhất là chê Nhà nước. Tinh thần này mọi người phải nghiêm khắc thực hành, ai nói những lời gây chia rẽ, ta phải quở trách và nói rằng anh vừa tiếp tay cho giặc ngoại xâm.
 
Cuối cùng ta nói với thế giới rằng người VN yêu chuộng hòa bình nhưng sẵn sàng chiến tranh. Người VN ta kính trọng Trung Quốc nhưng sẵn sàng đối phó và VN không bao giờ ăn hiếp nước nhỏ hơn mình. Ta sống xử sự với tư cách của một người anh, người quân tử.
 
Đồng hành với dân tộc VN này là Phật giáo, thăng trầm theo từng bước khổ, vui của dân tộc. Cho nên ta tinh tấn tu hành, cầu nguyện và giáo dục lẫn nhau, để mọi người nâng cao nhân cách, tinh thần mình lên mà xây dựng, bảo vệ đất nước. Ta gửi một thông điệp đến tất cả Tôn giáo bạn cũng phải giống như đạo Phật vậy. Hãy quên đi nguồn gốc từ đâu đến mà nhớ rằng dù đạo nào anh cũng là người Việt Nam, cùng cái khổ, cái vui với dân tộc này. Nên đặt tình yêu dân tộc cao hơn tình cảm tôn giáo của ta. Khi đất nước bị ngoại xâm, nếu ai không đủ lòng yêu nước, không đủ lòng hy sinh thì người đó có tội lớn. Và cái tội đó nó không phân biệt anh thuộc tôn giáo nào.
 
Thời Pháp thoại kết thúc bằng những tiếng vỗ tay vang rền, biểu hiện sự đồng cảm của thính chúng trước những lập luận rõ ràng, mạnh mẽ, dứt khoát của một nhà Sư có tinh thần yêu nước nồng nàn và cổ súy tinh thần này cho mọi người, nhất là lớp trẻ thanh thiếu niên. TT.Thích Chân Quang là một người tu hành đáng phải kính nễ.