Trang chủ Bài nổi bật Biển đảo trong tim người xuất sĩ

Biển đảo trong tim người xuất sĩ

208
Các Tăng sĩ nhận quyết định bổ nhiệm trụ trì các chùa ở Trường Sa vào ngày 19-1-2021 - Ảnh: Thích Tâm Như

Tổ quốc là thiêng liêng, là bất khả xâm phạm. Với Phật giáo, tinh thần tri ân – báo ân được đặt lên hàng đầu trong nhắc nhở Tăng tín đồ. Nhiệm vụ chung tay cho sự bình yên bờ cõi chủ quyền cũng chính là giữ yên cho đời sống tâm linh của Phật tử.


Chủ quyền quốc gia ai cũng phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ. Những nhà sư trong vai trò của mình cũng phát nguyện góp sức bảo vệ chủ quyền biển, đảo bằng Phật sự làm trụ trì những ngôi chùa trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa).

Những nhà sư ra đảo

Tôi nhớ cách đây 10 năm, trong một lần được hầu chuyện, Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho biết Hòa thượng từng được ra Trường Sa cùng với đoàn lãnh đạo TP HCM do bà Phạm Phương Thảo, lúc đương nhiệm Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP HCM, dẫn đầu.

Trong ký ức khó quên, Hòa thượng Thích Giác Toàn kể: “Tôi là tu sĩ duy nhất trong đoàn. Hôm đó là một sớm tháng 4-2008, trời vừa hừng đông, đoàn cán bộ và nhân dân, đại diện chính quyền và khối đại đoàn kết dân tộc đến Trường Sa với niềm xúc động, bồi hồi. Tôi cùng đoàn đã được đi hầu khắp các đảo ở Trường Sa, như Trường Sa Lớn và các đảo xung quanh”. Theo Hòa thượng, dân cư và chiến sĩ ở xa bờ, đời sống khá khó khăn nhưng hình ảnh quê hương và Tổ quốc thì rất gần, ở ngay trong tim họ.

Cuộc thi viết về chủ quyền biển đảo: Biển đảo trong tim người xuất sĩ - Ảnh 1.
Hòa thượng tham gia trồng cây lưu niệm trên huyện đảo Trường Sa

“Tôi cảm nhận được sự gắn bó và hy sinh ấy của chiến sĩ và người dân trên đảo. Họ đã sống và gìn giữ biển đảo từ bao đời, tiếp nối truyền thống và ước nguyện của tổ tiên” – Hòa thượng Thích Giác Toàn xúc động.

Cảm được tình non sông gắn kết giữa đất liền – biển đảo, quân – dân đó, Hòa thượng Thích Giác Toàn với bút danh Trần Quê Hương (nhà thơ – NV) đã làm bài thơ ngay tại đảo và đọc cho chiến sĩ cùng đồng bào trên đảo nghe.

Bài thơ này cũng được vị giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam đọc trên sóng truyền hình trong dịp cầu truyền hình hướng về Trường Sa, gửi tấm lòng của người xuất sĩ có duyên đến đất thiêng của Tổ quốc:

Tôi đến Trường Sa buổi rạng đông

Trời chưa lên, nắng sớm chưa hồng

Tình quân dân sáng ngời ánh mắt,

Tay bắt mặt mừng – Đẹp núi sông

Cầu tàu, phi đạo, sân bia đảo

Đài gác không lưu vùng biển xa

Xanh thẳm bốn mùa, bàng vuông lá

Hàng phong ba mưa nắng gánh sơn hà

Giếng nước, vườn rau… ươm thắm tươi

Bạc hà, cải bẹ, muống, mồng tơi

Bí, bầu trĩu nặng… xinh xinh quả

Sức sống bừng lên – Đất Mẹ cười

Những mái nhà dân, tăng sức dân

Dân thành, dân đảo… nối tình thân

Ngọt bùi san sẻ tình dân tộc,

Con cháu Rồng Tiên huyết thống thần

Đá Lát, Đá Tây… Trường Sa Đông

Phan Vinh, Tốc Tan… trái tim đồng

Ba nấm mộ thiêng hương khói quyện,

Đời đời tạc dạ với non sông

Tôi về nhớ mãi Trường Sa ấy,

Vùng đảo thân yêu của tổ tiên

Những đứa con hùng vì Tổ quốc,

Ngày đêm gìn giữ biển thiêng liêng!

Sau đó, Hòa thượng Thích Giác Toàn còn được đến Trường Sa thêm lần nữa để dự lễ khánh thành hai ngôi chùa trên Trường Sa Lớn, Song Tử Tây và đại lễ cầu siêu những người đã nằm xuống nơi đất thiêng cho bờ cõi liền một dải. Hiện tại, quần đảo Trường Sa có 6 ngôi chùa. Theo Hòa thượng, chùa nào cũng đẹp, cũng là cột mốc tâm linh nơi hải đảo, là điểm sinh hoạt văn hóa thuần thiện của người dân nơi đây. Đó là các chùa Vinh Phúc ở đảo Phan Vinh, chùa Nam Huyên trên đảo Nam Yết, chùa Sơn Linh (đảo Sơn Ca), chùa Song Tử Tây (đảo Song Tử Tây), chùa Sinh Tồn (đảo Sinh Tồn) và chùa Trường Sa Lớn (trung tâm thị trấn Trường Sa, trên đảo Trường Sa lớn). Tất cả các ngôi chùa đều uy nghiêm như chính câu đối ở chùa Song Tử Tây:

“Quần đảo huy hoàng chất ngất biển Đông ngời thắng cảnh

Chùa chiền sừng sững nguy nga đất Việt nổi danh lam”

Hòa thượng Thích Giác Toàn chia sẻ: “Từ buổi lễ trang nghiêm nơi đảo mà mình tham dự, tôi cảm nhận hình ảnh của Phật, của những vị Tổ sư đã có mặt nơi mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc”.

Theo Hòa thượng, hình bóng những ngôi chùa trên đảo cũng góp phần gieo hạt giống bình yên cho nơi này.

Phát huy truyền thống “hộ quốc an dân”

Tôi có duyên tiếp xúc với nhiều vị tu sĩ Phật giáo, kể các các vị đã từng làm nhiệm vụ trụ trì ở các chùa nơi đảo xa như thầy Thích Nhuận Đạt, Đại đức Thích Minh Huy, Thượng tọa Thích Tâm Hiện… Tất cả tu sĩ Phật giáo đều nằm lòng tinh thần của Phật giáo Việt Nam là “hộ quốc an dân”.

Từ xưa, vua Trần Nhân Tông cũng là vị được xưng tôn Phật hoàng – vị Phật của Việt Nam, người sáng lập dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử – đã từng lãnh đạo quân dân đánh tan giặc ngoại xâm Nguyên – Mông. Nối tiếp truyền thống đó, có những lúc tu sĩ Phật giáo đã phải “cởi cà-sa khoác chiến bào” để giữ gìn bờ cõi trước khi tiếp tục đời tu. Chiến tranh là điều không ai mong muốn, nhất là những vị tu sĩ, nhưng phải cầm súng hoặc đấu tranh cho hòa bình, tự do. Tinh thần tùy duyên của Phật giáo trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc đã được biểu hiện đến hôm nay. Những ngôi chùa ở đảo và cuộc dấn thân hành đạo của người tu cho thấy điều đó.

Cuộc thi viết về chủ quyền biển đảo: Biển đảo trong tim người xuất sĩ - Ảnh 2.
Các Tăng sĩ nhận quyết định bổ nhiệm trụ trì các chùa ở Trường Sa vào ngày 19-1-2021 – Ảnh: Thích Tâm Như

Sự kiện gần đây nhất, vào ngày 19-1-2021, tại chùa Long Sơn – trụ sở Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Khánh Hòa, 5 Tăng sĩ đã được Tăng sai làm nhiệm vụ trụ trì tại các chùa ở huyện đảo Trường Sa. Nghe lời nhắn nhủ của Hòa thượng Thích Minh Thông – vị giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa, mà thấm thía tinh thần hộ quốc an dân của người học Phật. Ngài gửi gắm đến các vị tân trụ trì những chùa trên đảo: “Hãy đem hết sức mình làm nhiệm vụ thiêng liêng tại huyện đảo Trường Sa thân yêu. Hoằng pháp tại Trường Sa là thể hiện rõ nét nhất tinh thần đạo Phật đồng hành cùng dân tộc…”.

Tổ quốc là thiêng liêng, là bất khả xâm phạm. Với Phật giáo, tinh thần tri ân – báo ân được đặt lên hàng đầu trong nhắc nhở Tăng tín đồ. Bốn ân trọng của người học Phật có ân “quốc gia thủy thổ”, tức là ân cưu mang của đất mẹ, sự lãnh đạo của những người điều hành đất nước, hi sinh giữ gìn lãnh thổ vẹn toàn của những lính đảo…

Theo duyên sinh, người tu không thể yên tu nếu non sông không yên sóng gió. Nhiệm vụ chung tay cho sự bình yên bờ cõi cũng chính là giữ yên cho đời sống tâm linh của người Phật tử.


 Lưu Đình Long (Cuộc thi viết về chủ quyền biển đảo của Báo Người Lao Động)