Nó có ý nghĩa sâu sắc, đối vần chỉnh tề, âm điệu hài hòa với hình thức nghệ thuật độc đáo của tiếng Hán là mỗi chữ một âm. Nghệ thuật câu đối có thể nói là tài sản văn hóa quý giá của dân tộc Trung Hoa.
Câu đối thường được dán trước cửa nhà vào mỗi dịp Tết đến, trở thành biểu trưng của năm mới. Nhiều năm trở lại đây, xã hội Trung Quốc đã có nhiều chuyển biến, nhiều giá trị truyền thống được thay bằng những tập quán mới. Thị dân Trung Quốc không còn xa lạ với việc tổ chức sinh nhật theo lối phương Tây, vui Lễ Noel, Tết dương lịch hay mừng ngày Lễ tình nhân Valentinday…
Dù vậy, song song với những sinh hoạt văn hóa phương Tây được du nhập, nhiều tập quán truyền thống vẫn được bảo lưu, trong đó có tục dán câu đối vào ngày Tết. Tất nhiên, câu đối không chỉ sử dụng vào mỗi dịp Tết, mà còn được dùng rộng rãi trong nhiều bối cảnh khác nhau, như cưới hỏi chẳng hạn.
Câu đối thường có kết cấu đa dạng, câu ngắn thậm chí chỉ có 1 chữ, câu dài dài đến hàng mấy trăm chữ với nhiều hình thức như chính đối, phản đối, đối lưu thủy, đối liên câu, đối tập cú… Về đặc điểm của câu đối, dù ở bất cứ hình thức nào, nó cũng phải đảm bảo:
Thứ nhất, số chữ của hai câu phải cân nhau, câu đoạn thống nhất.
Thứ hai: Bình trắc tương hợp, âm điệu hài hòa. Theo truyền thống, trắc lên (trắc khởi), thì bình xuống (bình lạc), tức chẳng hạn chữ cuối của câu trên dùng thanh trắc, thì chữ cuối của câu dưới phải dùng thanh bình.
Thứ ba, tính chất dạng từ phải tương ứng, vị trí đối xứng với nhau, hư đối hư, thực đối thực, danh từ đối với danh từ, động từ đối với động từ… Những từ tương đối cũng phải nằm ở những vị trí tương ứng với nhau.
Thứ tư, hai câu phải có nội dung tương quan, trên dưới tiếp nhau, nhưng lại không được lặp lại.
Ngoài ra, theo truyền thống, câu đối còn phải được viết từ trên xuống dưới, khi dán phải thẳng, từ phải qua trái, từ trên xuống dưới, không dán ngược. Về hiện tượng đảo ngược chữ, thường thấy là chỉ có một chữ phúc, với ý nghĩa phúc đảo, đồng âm với phúc đáo, có nghĩa là phúc đến. Nhưng, kiểu dán chữ đó thuộc tập quán dán “Huy xuân” nói chung, chứ không phải câu đối. Đi kèm với câu đối có khi kèm thêm cả hoành phi. Hoành phi có thể hiểu là tiêu đề của câu đối, là chủ đề chính. Những câu hoành phi hay góp phần làm nổi bật, cũng như bổ sung thêm ý nghĩa cho câu đối.
Ở đồng bào người Hoa tại thành phố Hồ Chí Minh, tập tục dán huy xuân (một tập hợp gồm nhiều vật trang trí như hình Chiêu tài tiến bảo, các chữ Cát, Tài, hay Bách vô cấm kỵ, Xuất nhập bình an, Ngũ phúc lâm môn, Tiếp dẫn tài thần; nhà nào buôn bán thì Khai trương hồng phát…) nói chung diễn ra vào dịp trước Tết âm lịch một tuần. Khoảng gần tới ngày ông Táo lên trời, người Hoa thường mua Huy xuân về để trang trí nhà cửa. Trong đó có cả câu đối. Nhưng, không phải gia đình nào cũng dán câu đối.
Mặc dù tập quán truyền thống của người Hoa hải ngoại được bảo lưu tốt hơn tại bản xứ, nhưng riêng tục dán câu đối vào dịp Tết, ở Trung Quốc vẫn luôn phổ biến. Song, câu đối đã hình thành như thế nào? Nó ra đời từ bao giờ? Cho đến hiện tại, người ta vẫn chưa tìm ra câu trả lời.
Có người cho rằng, câu đối xuất hiện sớm nhất vào thời kỳ Tần, Hán, bấy giờ vào dịp Tết, bà con thường treo bùa Đào (Bùa đào là hai miếng gỗ lớn làm bằng gỗ cây đào) lên hai bên cửa ra vào, trên viết tên của đại thần Giáng quỷ trong truyền thuyết, dùng để trừ ma đuổi quỷ.
Về sau, để tiện người ta viết thành câu đối. Căn cứ vào sách sử ghi chép, thời Ngũ đại chúa Hậu Thục Mạnh Sưởng viết một câu đối vào đêm 30 rằng “Tân niên nạp dư khánh, Giai tiết hiệu trường xuân”. Nhiều người cho rằng, đó là một câu đối xuất hiện sớm nhất trong sịch sử Trung Quốc. Sự thật có phải là như vậy? Vì, thời gian quá xa xôi, nguồn gốc của tập tục này đã trở thành một điều bí ẩn.