Thuở ấy, không biết bao nhiêu tên tuổi của nhân loại, từ đại sư Pháp Hiển, triết gia Arthashastra ở phương Đông cho đến Thánh Thomas từng đến đãnh lễ và lĩnh hội giáo lý vi diệu của Đức Phật. Còn bây giờ, một ngày xuân của những năm đầu thế kỷ 21, tôi đến Taxila lòng rưng buồn, một mình cô đơn đi giữa những điêu linh đền đài Sikrap, Dharmarajiaka, Julian hoang vu trong cỏ dại muôn chiều không gian. Trên một ngọn đồi hiu quạnh cao 92m, Julian là tu viện chào đón nhiều bước chân hành hương của nhân loại bởi tại đây, vẫn còn đọng lại dưới bầu trời những thánh thất vốn là nơi học hành, ăn ở sinh hoạt của các tu sỹ Phật giáo.
Trong tiếng quạ kêu sầu muộn một trời phượng tím Taxila, trong tiếng nắng hoang hoải cỏ cây, trong tiếng phế tích rợn gió, cõi nhớ tôi chợt xôn xao biết bao khi bước vào một thánh thất. Không biết bao nhiêu tu sỹ đã niệm kinh trong căn buồng nhỏ này, không biết bao nhiêu con người đến và đi sau khi được khai ngộ tâm linh! Dù đã biệt tích hơn 10 thế kỷ trôi qua kể từ ngày Taxila trở thành miền đất của lời kinh Qur’an, nhưng khi tận tâm với những phế tích Julian, dường như tôi nghe quanh đây, tiếng rầm rì kinh Phật đang vang lên môi mắt, tiếng trang kinh sột soạt những bàn tay quá khứ, nhặt từng hạt ngôn từ huyền ảo nuôi dưỡng tâm linh chân tu.
Như một người học sinh cũ từ trong tiền kiếp về thăm mái trường xưa, tôi chạnh lòng lau sạch nền đá, hoài mong một không gian thanh tịnh đón những linh hồn xa xưa về đây, ngồi bên tôi hát những khúc hát thiền ca như các thiền giả hát cho hạt bụi nghe. Quanh tôi bây giờ, quả nhiên chỉ có tiếng hát tâm tư, bởi tất cả hình hài của Đức Phật vì sự tàn phá của thời gian và những cuộc chiến đeo đẳng kiếp người. Con người chỉ có nỗi buồn là muôn năm còn bao nhiêu đế chế, kể cả tôn giáo cũng sẽ lụi tàn phải không Đức Phật! Tôi mãi hoài đuổi theo những ý niệm hư không đến thế lương rơi rớt dưới bầu trời Taxila cho đến khi người giữ đền kéo tôi đến một giếng nước có những gian phòng bao quanh. Đây là nơi tắm gội, nấu nướng của các tu sỹ, người gác đền bảo vậy, và tôi không nghi ngờ điều đó khi ánh mắt chạm phải một tấm đá hư hao mưa nắng sờn nằm cạnh tường đá. Tấm đá ấy, chính là vết tích của một bếp lửa! Lỗ tròn đục chạm giữa tấm đá, chính là nơi hàng ngàn năm trước, lửa được thắp lên, để dâng chín những món ăn đạm bạc nuôi nấng các tu sỹ. Một niềm ngạc nhiên kinh hãi dấy lên trong tim tôi! Bởi ai ngờ rằng, chân dung và đền thờ giáo lý của Đức Phật có thể đổ nát nhưng cái bếp thì vẫn còn đây, nhỏ nhoi mà vĩnh hằng đến kỳ lạ. Ở nơi này Julian, nơi Phật đến rồi đi, nơi Alexandre Đại Đế mang quân từ Hy Lạp tràn sang góp tay tạo dựng nên một dòng nghệ thuật hòa quyện triết lý Đông Tây, nơi bây giờ thánh Allah ngự trị, chỉ còn một bếp lửa nguyên sơ.
Cái bếp, có phải chăng như mặt trời sưởi ấm con người mà không có một tôn giáo nào, dù đó là Phật giáo hay Hồi giáo, làm cho bếp lửa lịm tắt. Tôi nhớ ngày thơ ấu, mỗi khi mùa đông về, xứ Nhật lệ gió phùn mưa bấc, cả nhà quây quần bên Mẹ để sưởi ấm và ngóng chờ món ăn quê làng Mẹ nấu nướng. Ngày xưa ấy có lẽ như tôi bên bếp lửa quê nhà, các tu sỹ mặc áo gai sồi, chân đi dép cỏ, nương tựa vào bếp lửa Julian mà vượt qua những mùa đông mưa tuyết tràn về từ Hymalaya, vượt qua nỗi cô đơn no đói thân phận để ngày đêm hóa giải những ẩn ngữ của Đức Phật. Từ trên đỉnh đồi trong nỗi niềm tương kính bếp lửa, tôi ngắm nhìn thung lũng Taxila rộng mở những stupa- bảo tháp hoang phế giữa cánh đồng lúa mì vàng đang vào vụ gặt trong tay nông phu Hồi giáo. Những nông phu Hồi giáo kia, có biết trên cao này, có một bếp lửa ngày đêm nhung nhớ Phật Pháp? và Đức Phật, Ngài đang hiện hữu chốn nào, sao không về đây, nhóm lửa làm ấm lại những góc bếp rì rào lời kinh?
Phật không trả lời tôi, chỉ có trời xanh và tiếng rụng vài quả sung chín vào lòng tôi hư không. Mang nỗi hoài mong sầu kính ấy đi qua bao miền đất Pakistan, cho đến một ngày, tôi mới bất ngờ được hóa giải khi phước lành gặp được Mohammad Irshad, người bạn hiền cưu mang tôi trong những ngày lang thang ở miền Peshawar ở vùng biên giới Afghanistan lửa đạn. Mohammad đưa tôi về nhà, mời anh em bạn bè đến chung vui, thết đãi tôi một mâm cơm xứ Hồi.
– Bánh mì thơm tho này, anh hãy ăn đi- Mohammad mời tôi- nó được làm từ ruộng lúa nhà tôi ở quê hương Mardan. Nó được nướng từ bếp lửa nhà tôi, nơi anh đang ngồi. Ăn đi để tạ ơn bếp lửa! Vì trước bếp lửa hay dưới bầu trời của Đức Allah, tất cả chúng ta, tín đồ Phật giáo hay Hồi giáo, đều là anh em nếu chúng ta có lòng thành!
Có được lòng thành, Huyền Trang đã gạt qua bao nỗi u sầu khi chứng kiến cảnh hoang tàn Taxila, dấn thân vào con đường thỉnh kinh. Còn tôi hôm nay, có được lòng thành mới gặp bếp lửa trên đồi Julian! Bếp lửa kia không phải là một phế tích, mà như một kỷ vật vượt ra ngoài mọi giáo lý! Vậy thì hà cớ gì tôi lại những mong Đức Phật trở về Taxila! Ngài có bao giờ ra đi đâu mà có ngày trở lại, như cái bếp lửa chẳng bao giờ chia tay tổ ấm nhân loại vì nơi nào có lửa là nơi ấy hiện hữu hình bóng con người. Lửa quê nhà nước Việt, lửa Pakistan, lửa quẻ Li kinh Dịch, hay lửa xuyên thấu, lửa hấp thụ, lửa tái sinh trong Upanisads đều là một ngọn lửa không bao giờ đánh mất bản tính nguyên thủy cao quý séraphine của mình. Đó là đức tính giữ gìn ánh sáng riêng của bản thân và khả năng đẩy lùi, xóa bỏ mọi tối tăm của tự nhiên và lòng người để soi sáng vũ trụ.