Từ Thánh địa phật giáo đến di sản thế giới Sukhothai
Dưới con mắt của những du khách quốc tế, miền Nam nước Lào có hai điểm đến không thể bỏ qua là di sản thế giới Wat Phou ở Champasak và Thánh địa Phật giáo That Ing Hang ở ngoại vi tỉnh lỵ Savan.
That Ing Hang xây dựng cách đây 2.000 năm, tương truyền là để ghi dấu nơi đức Phật đã dừng chân trên đường hành đạo. Cũng có truyền thuyết kể xưa kia tại chỗ Tháp Stupa hay còn gọi là Tháp Xá lợi, tọa lạc chính giữa khu di tích ngày nay có một cây cổ thụ. Có một vị sư già hằng ngày đến tựa lưng ngồi thiền dưới gốc cây. Một hôm vị sư già thăng thiên trong tư thế ngồi tọa thiền. Chỗ nhà sư tịch người ta dựng lên tháp cao hơn 10 mét chứa xá lợi của nhà sư. Ba phía quanh tháp là những ngôi nhà dài, đặt hàng trăm tượng Phật sát nhau, dưới ghi tên những vị sư đã viên tịch. Toàn bộ That Ing Hang được trùng tu lại vào năm 1548 bởi vua Saysethathirath và là nơi rất linh thiêng. Anh Vivalam, một hướng dẫn viên Việt kiều ở Bangkok cho biết ngoài những ngày lễ Phật hằng tháng, một lễ hội mang tên That Ing Hang hằng năm được tổ chức vào rằm tháng giêng để du khách khắp nơi đến hành hương, cầu lộc. Du khách được các sư già buộc chỉ cổ tay, thắp nhang viếng Tháp Xá lợi và quỳ gối cầu phước trước tượng Phật bằng đồng khá nặng…
Trên đất miền Bắc Thái Lan, chúng tôi đến thăm nhiều chùa cổ nổi tiếng khác, nhưng ấn tượng nhất vẫn là cố đô Sukhothai. Cạnh những di tích cổ là cố đô của Vương quốc Pra Ruang, Thái Lan từ thế kỷ 13 dưới thời vua Ramkhamhaeng được phục dựng khá hoàn hảo trong một công viên lịch sử. Tại đây có ngôi chùa cổ Wat Mahathat theo đạo Hindu, xây dựng dưới thời đế chế Khmer. Vua Thái Lan Phokhun Si Intharathit lập kinh đô đầu tiên tại Sukhothai và kéo dài 120 năm sau đó. Quốc vương Ramkhamhaeng thuộc triều đại này đã sáng lập ra chữ Thái, đặt ra các nền tảng về chính trị, tôn giáo và mở rộng lãnh thổ.
Ngồi xe điện hoặc thuê xe đạp chạy vòng quanh di sản văn hóa này, một địa chỉ không thể bỏ qua là ngôi chùa cổ kính Wat Mahathat. Đây là một công trình tôn giáo kỳ vĩ nhất với một tượng Phật ngồi giữa những cây cột khổng lồ bằng đá ong và hai tượng Phật khác đứng ở hai bên. Có tất cả 200 tượng Phật ở Wat Mahathat, bên trong có chứa hài cốt (stupa) các danh sư ngày xưa.
Một Sukhothai hoành tráng từ thế kỷ 13 nay vẫn còn lại nhiều chùa, tháp lớn nhỏ luôn nhộn nhịp khách du lịch châu Âu, cho thấy loại hình du lịch tâm linh đang rất hấp dẫn ở đất Thái…
|
Bất ngờ Wat Rongkhun
Từ tỉnh Sukhothai để đến thành phố Chieng Rai kế bên, chúng tôi đã đến thăm ngôi chùa Bạc có tên Wat Rongkhun và thật bất ngờ với một ngôn ngữ kiến trúc, mỹ thuật vừa hiện đại vừa thấm đẫm văn hóa Phật giáo truyền thống.
Họa sĩ nổi tiếng Chalermchai Kositpipat đã bỏ toàn bộ tiền bạc của mình ra xây dựng ngôi chùa bạc hết sức tinh tế và hùng vĩ này. Ông được biết đến như một họa sĩ thành công trong nghệ thuật Phật giáo, trở thành người giàu có, nổi tiếng và được sự ngưỡng mộ của mọi người dân Thái Lan. Sự gắn bó sâu sắc với nghệ thuật Phật giáo và tình yêu quê hương đã khiến ông trở lại quê nhà sau khi thành danh và xây dựng nên ngôi chùa này với quyết tâm dâng hiến cho đạo Phật và hy vọng trong tương lai nó sẽ trở thành một báu vật của quốc gia.
Chalermchai bắt đầu học mỹ thuật tại trường Poh Chang, tốt nghiệp khoa điêu khắc và nghệ thuật đồ họa thuộc trường đại học nổi tiếng Silpakorn của Thái Lan. Năm 1995, ông trở thành một trong những họa sĩ được nhà vua Thái Lan mời tham gia vẽ minh họa cho bộ sách Mahajanaka của hoàng gia suốt 2 năm ròng.
Đó là lúc Chalermchai có được mọi thứ, từ tên tuổi, của cải và tiền bạc. Các tác phẩm của ông đã có mặt ở nhiều bộ sưu tập nghệ thuật trong và ngoài Thái Lan với giá cả tác phẩm vượt lên hàng đầu cả nước. Ông quay về quê hương, nơi mà trong suốt tuổi thơ ông từng mơ sẽ thực hiện các mục đích cao nhất trong đời là phụng sự cho Tổ quốc, cho Phật giáo và nhà vua (Rama IX) cũng như chứng tỏ với thế giới biết rằng tầm vóc rộng lớn của nghệ thuật Phật giáo đương thời bao gồm kiến trúc, mỹ thuật và điêu khắc là mang một tầm vóc mỹ học có giá trị toàn cầu…
Chalermchai lựa chọn những nông dân ở quê nhà có năng khiếu mỹ thuật để huấn luyện họ, mỗi năm khoảng 5-6 người và đến năm 2009 đã có hơn 60 môn đệ nhằm từng bước thực hiện việc xây dựng ngôi chùa. Với vốn đầu tư ban đầu là 18 triệu baht và tăng dần lên hơn 300 triệu. Từ mảnh đất chùa cũ rộng 3 rai (rai = 1.600 m2), ông mua thêm hơn 10 rai để mở rộng ngôi chùa mới… Vào năm thứ 12 trong quá trình xây dựng (2009) khi Chalermchai bước vào tuổi 54, đã có 5 triệu người đến thăm chùa Bạc, trong đó có 200 ngàn khách ngoại quốc và đưa ngôi chùa này lên hàng đầu trong những điểm du lịch ở tỉnh Chiang Rai.
Bằng cá tính mạnh mẽ trong tư duy và táo bạo trong sáng tạo nghệ thuật, Chalermchai đã làm một cuộc cách mạng là xóa bỏ đi tính đơn điệu và thế tục trong nghệ thuật Thái Lan, hướng nó theo một phong cách mới và hiện đại. Việc quản trị bên trong ngôi chùa cũng được cải cách theo các tiêu chuẩn quốc tế, chú trọng đến vẻ đẹp, trật tự, sạch sẽ và giản dị. Chalarmchai không muốn lợi dụng việc truyền đạo gạ gẫm tiền bạc từ các du khách Phật tử qua việc bán các tặng phẩm, vật thiêng liêng, bùa chú, hoặc chia cắt không gian trong khuôn viên chùa để làm các quầy cho thuê bán hàng lưu niệm.
Nội thất của chùa được chia làm 3 phần: Buddhavasa hay nơi Đức Phật ngự, Sanghavasa làm chỗ ở cho các nhà sư và Gharavasa dành cho các hoạt động thế tục như triển lãm nghệ thuật, nhà vệ sinh vàng, và một giảng đường lớn để tổ chức các lễ hội vào những ngày cuối tuần và giảng kinh Phật…
Bên cạnh các phong cách kiến trúc, tất cả các sáng tác điêu khắc, chạm trổ và mỹ thuật đều thấm đẫm triết lý đạo Phật do chính Chalermchai sáng tác và tổ chức thi công. Tất cả được thể hiện bằng một màu trắng tinh khôi, nhân bản. Phía trước các công trình xây dựng là một cầu Luân hồi thể hiện niềm vui và nỗi buồn nhân thế, diễn tả hành trình giác ngộ đạo Phật, niềm hạnh phúc và sự hủy diệt nơi địa ngục tăm tối, thể hiện lòng khao khát của con người…
Vị họa sĩ tài danh năm nay bước sang tuổi 55 viết trong tài liệu giới thiệu ngôi chùa: “Màu trắng bạc của ngôi chùa là thể hiện sự siêu nghiệm của trí tuệ và cái toilet màu vàng rực rỡ kia lại là biểu tượng cho thân xác với những ham muốn trần tục của con người. Mọi người đến đây để hiểu rằng con người cần phải tiến lên nhưng không phải níu lấy vật chất và tiền bạc. Đừng thấy cái thân xác giả tạo kia là có thật, mà hãy giữ lấy ánh sáng của đức hạnh và sự trong suốt của tâm hồn…”.
Trong hàng chục ngôi chùa cổ hơn hàng trăm năm tuổi trên đất nước Thái Lan và Lào mà chúng tôi đã đến thăm, bất ngờ lại có một Wat Rongkhun hiện đại và độc đáo với một ngôn ngữ nghệ thuật – triết lý hoàn toàn mang tính cách tân nhưng gần gũi. Một công trình tín ngưỡng, nghệ thuật độc đáo do cá nhân đầu tư đã thu hút hàng triệu du khách là điều bất ngờ và hiếm thấy. Nhưng những thông điệp mà tác giả của nó gửi gắm như trên lại càng trở nên quý giá hơn trong một thế giới mà con người mãi cứ bị cuốn vào những vòng quay khốc liệt của kim tiền…
Chiang Rai, Thái Lan 3.2010