“Trôi dạt” về chùa
Trong cái nắng chói chang như đổ lửa của Sài Gòn ngày đầu tháng tư, chúng tôi lặn lội đến chùa Lâm Quang (Bến Bình Đông, quận 8), chùa Diệu Pháp (quận Bình Thạnh)… đúng vào giờ trưa nóng nực. Không gian càng trở nên bức bối hơn khi những căn phòng nhỏ trở nên quá tải với mấy chục chiếc giường 1,2m kê gọn theo từng dãy. Đồ dùng cá nhân như: quần áo, thau chậu và nhiều thứ khác được các cụ sắp xếp ngăn nắp một cách tối đa nhưng không tránh khỏi sự ngổn ngang. Một vài chiếc quạt điện không xua tan được sức nóng trong căn phòng nhỏ. Đấy là nơi an cư của những người già cô đơn, hiu quạnh không sống cùng gia đình, con cháu như bao người khác. Nhằm giải nhiệt cái nóng, cụ nào cụ nấy đều phe phẩy cái quạt nan cùng than thở: “Đúng là tránh trời không khỏi nóng. Nắng nóng kéo dài ăn cơm không thấy ngon miệng”. Thấy khách lạ tới, nhiều cụ già ngước lên hỏi thăm: “Các cô đến thăm hay tìm ai?”. Khi nhận được câu trả lời rằng, chúng tôi tới thăm tất cả các cụ thì ai nấy đều cảm thấy vui và cười móm mém.
Trò chuyện cùng các cụ một hồi lâu, chúng tôi không khỏi chạnh lòng khi biết được mỗi cụ có một hoàn cảnh éo le khác nhau nhưng tất cả các cụ có điểm chung là “không nhà hoặc không chồng con”. Cũng có người bị con cái hắt hủi hay có những người lâm vào bước đường cùng hoặc sa cơ lỡ vận nên phải nương nhờ nơi cửa chùa. Nhìn vào tấm hình người chị quá cố, bao nhiêu tình cảm lại hiện về khiến cụ Nguyễn Kim Liên, 74 tuổi, rưng rưng nước mắt kể về hành trình đi tìm người chị ruột của mình. Bà kể: Hai chị em gái mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Khó khăn đưa đẩy, người chị gái lên Sài Gòn mưu sinh rồi biền biệt không về. Mẹ mất, chị đi biệt xứ nên bà Liên cố gắng làm lụng và dựa vào bà con sống qua ngày. Song cảnh khổ cứ kéo dài khi bữa đói, bữa no. Năm 15 tuổi, bà quyết định bỏ Rạch Giá (Kiên Giang) – vùng quê gắn bó tha thiết của tuổi thơ để lên Sài Gòn vừa mưu sinh vừa tìm người chị ruột. Với mong muốn có thể sinh sống qua ngày, bà Liên phải bươn trải qua nhiều nghề khác nhau, từ việc bán vé số dạo đến mua ve chai… Cuộc sống cực khổ, nỗi lo cơm – áo – gạo – tiền đè nặng lên vai buộc cụ phải lăn lộn mưu sinh nên chẳng còn thời gian nghĩ đến chuyện lập gia đình. Thế là cái tuổi nó cứ đuổi cái xuân đi lúc nào không hay, hơn nữa lúc đó mong muốn lớn nhất của cụ chính là sớm tìm được chị gái. Rồi trời không phụ lòng người, hai chị em cũng tìm được nhau. Sau mấy chục năm chị em xa cách, đến ngày trùng phùng cả 2 đã ở độ tuổi “gần đất xa trời”. Do tuổi già, sức yếu, khả năng lao động kiếm sống qua ngày không còn, hai chị em dắt díu nhau vào chùa Lâm Quang nhờ được nương tựa nơi cửa Phật. Những tưởng cuộc hội ngộ sẽ kéo dài để chị em cùng bù đắp tình cảm mất mát của thời thơ ấu. Ai ngờ chỉ được 5 năm, chị gái bà Liên qua đời, bỏ lại bà một mình chống chọi với căn bệnh đau lưng quái ác.
Do neo đơn nên các cụ phải nương nhờ nơi cửa Phật
Thèm người, “khát” tình thân
May mắn hơn những người già neo đơn sống nương tựa nơi cửa Phật, bà Nguyễn Thị Cúc (75 tuổi, quê ở Huế) vẫn còn có niềm vui lúc về già. Nghĩa là bà cũng có một tấm chồng và một đứa con gái. Tuy nhiên, chồng mất sớm, cô con gái đi lấy chồng nhưng do gia cảnh quá nghèo, không thể nuôi được mẹ già nên đành để bà ở lại trong chùa và thỉnh thoảng ghé thăm. Với chất giọng đặc sệt Huế, bà Cúc rưng rưng tâm sự: “Cả đời tui nghèo, tui có nuôi được hắn mô. Giờ tui già thì hắn cũng nghèo. Thôi thì bớt gánh nặng cho hắn chút nào hay chút đó, hơn nữa tui ở đây cũng được các sư lo cho đầy đủ”. Niềm vui hằng ngày của bà Cúc rất đơn giản là mong sao cho hết ngày, hết tuần để lại được gặp con gái. Theo bà Cúc, tuần nào con gái cũng đến thăm bà dù chỉ mấy phút thôi nhưng bà rất vui. “Tuần nào hắn bận việc không vào thăm tôi được tôi buồn chẳng muốn ăn cơm vì nhớ hắn vô cùng” – bà Cúc bộc bạch. Không chồng con, chỉ có những người thân họ hàng xa cho nên các cụ rất hiếm khi được đón khách đến thăm. Thậm chí, đối với các cụ già neo đơn sống “tầm gửi” những ngày cuối đời nơi cửa Phật thì việc có một người thân đến thăm là điều vô cùng xa xỉ. Vì thế, tuy nhận được sự quan tâm của các sư cô, phật tử thường xuyên lui tới chùa giúp đỡ, chăm sóc, song các cụ vẫn thèm người, “khát” tình thân máu mủ. Chẳng vậy mà, lâu lâu cụ nào có người thân đến thăm các cụ khác xúm lại hỏi han, chia sẻ liên tục. Vui với niềm vui của bạn đồng cảnh ngộ là thế, nhưng các cụ cũng không giấu nổi sự chạnh lòng vì khi hỏi han xong có cụ ngồi tủi phận rồi rưng rưng lau nước mắt.
Theo sư cô Thích Nữ Huệ Tuyến – Trụ trì chùa Lâm Quang, năm 1990 khi tiếp quản ngôi chùa này, sư cô thấy nhiều bà cụ ban ngày đi ăn xin, ban đêm lại vào chùa tá túc. Nghẹn lòng trước những hình ảnh đó, sư cô Huệ Tuyến đưa các cụ vào chùa chăm sóc. Dần dần nhiều người biết đến và xin tá túc ở chùa ngày một nhiều, cho nên chùa cũng cố gắng mở rộng trong phạm vi cho phép để tiện tiếp đón và chăm sóc các cụ. 24 năm kể từ khi đến trụ trì chùa, sư cô Huệ Tuyến đã nâng niu, cưu mang không biết bao nhiêu mảnh đời khốn khổ trong lúc tuổi già, bóng xế. Người đến cũng đông, người mất đi cũng nhiều. Chỗ cũ chưa nguội hơi đã có người mới lấp vào. Hiện tại chùa đang chăm sóc 137 cụ. 137 con người với 137 tính cách và 137 hoàn cảnh. Ai cũng già và run rẩy như nhau, thậm chí có những cụ đã phải nằm liệt giường liệt chiếu, có cụ mất trí nhớ, có cụ tâm thần… Những cụ còn khỏe mạnh thì có thể tự chăm sóc cho bản thân mình chứ nhất định không đành ngồi yên một chỗ. Đối với các cụ già, được chăm sóc và được nương tựa tại chùa chính là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn nhất khi cuối đời.
Rời chùa khi ánh nắng cuối ngày đang dần tắt, cái nóng đã giảm nhiệt song những con mắt mờ đục vẫn chất chứa đầy tình cảm, những câu nói mộc mạc đại loại như: “Hôm sau lại đến đây nói chuyện con nhé!!!”. Những câu nói ấy cứ theo mãi trong tâm trí của chúng tôi.