Trang chủ Tu học Bước đầu học Phật Bát quan trai giới

Bát quan trai giới

1913

 

Bát quan trai giới là một phương pháp tu hành của người tại gia thọ trì 8 giới, áp dụng trong một ngày một đêm (24 giờ).

“Bát” là tám, “Quan” là cửa, cửa ngăn chặn 8 điều tội lỗi. “Trai” nghĩa là khi đã qua giờ ngọ (12 giờ trưa) không được ăn.  Vậy “Bát quan trai giới” là sự giữ gìn cho thân tâm được thanh tịnh trong 24 giờ bằng cách ngăn chặn 8 điều tội lỗi:

1. Không sát sinh;

2. Không trộm cướp;

3. Không dâm dục;

4. Không nói dối;

5. Không uống rượu;

6. Không trang điểm, dầu thơm, múa hát và xem múa hát;

7. Không nằm ngồi giường cao rộng đẹp;

8. Không ăn quá giờ ngọ;

 

Theo HT.Thích Tuệ Sỹ: “Bát quan trai, nghĩa đen là tám điều kiêng cữ, như là tám cửa ải chận đứng các pháp bất thiện. Giới bát quan trai chính xác được gọi là giới cận trụ. Nghĩa là, sống gần đời sống xuất gia, gần chùa chiền, gần nơi thanh tịnh. Tập quen với đời sống thanh tịnh.

Còn cao hơn nữa, cận trụ được hiểu là tập sống gần đời sống một vị A La Hán, là bậc Thánh xuất thế gian.

Ngoài nghĩa cận trụ, giới bát quan trai còn được gọi là giới bố tát hay trưởng tịnh: trì giới làm phát triển phần thanh tịnh, những đức tính tốt trong mình….”



 
1. Giới thứ nhất Không sát sinh.

Dứt mạng sống gọi là sát, loài hữu tình là sinh. Chúng sinh có hình dáng khác nhau, nhưng cùng tham sống, sợ chết, biết đau khổ, vui mừng. Là Phật tử , nghĩa là những người theo đạo Từ bi, cần phải cố gắng không sát hại sinh vật. Sát hại người, trong Ngũ giới Phật đã tuyệt đối cấm. Do đó khuyến khích người Phật tử ăn chay, không giết hai sinh vật. Trong ngày thọ Bát quan trai, chúng ta hãy giữ giới không sát sinh. Ta không giết, không trù tính mưu mô giết, cũng không nên bảo người khác giết, không vui khi thấy người giết.

Được như thế là ta giữ được trọn vẹn giới sát, mặc dù chỉ trong một ngày đêm, nhưng lợi ích sẽ lớn lao vô cùng cho việc tu hành.

2. Giới thứ hai Không trộm cướp.

Những vật thuộc quyền sở hữu của người khác, từ vàng, bạc, châu báu, đất ruộng nhà cửa, cho đến đồ đạc, cây kim sợi chỉ, cọng rau, người ta không cho mà mình lấy, là trộm cướp. Lường thăng tráo đấu, đo thiếu lấy thừa, đi làm trễ giờ, boc lột công nhân, lấy của công, ăn hối lộ, được của người không trả lại, đều là trộm cướp. Ngày thọ Bát quan trai giới, chúng ta hãy quyết không trộm cướp đã đành, mà cũng không được để cho một ý nghĩ tham lợi móng lên trong tâm.

Giữ được giới này, dù thời gian ngắn ngủi trong 24 giờ, chúng ta cũng đã gieo được những nhân lành tốt đẹp cho sự tu hành.


3. Giới thứ ba Không dâm dục.

Dâm dục là cái gốc của sinh tử luân hồi, Phật tử tại gia, chưa có thể hoàn toàn đoạn trừ dâm dục, Phật chỉ cấm tà dâm, nghĩa là ngoài vợ chồng, không được ngoại tình.

Ngày thọ Bát quan trai giới, phải giữ giới tịnh hạnh, không được hành động dâm dục, cũng không được nghĩ đến những điều dâm dục.

4. Giới thứ tư Không nói dối.

Nói dối là tâm nghĩ miệng nói trái nhau. Nói dối có 4 cách, đó là: nói không thật, nói thêu dệt, nói lưỡi hai chiều, nói lời hung ác.

Nếu thực hành giới cấm này, thì dù chỉ trong một ngày đêm, chúng ta cũng đã gieo được một hột nhơn quý báu rất hiếm có trong đời này là: lòng chân thật.


5. Giới thứ năm Không uống rượu.

Rượu làm say mê, tối tăm trí não người uống. Nó còn nguy hiểm hơn cả thuốc độc. Bởi thế, trong Kinh, Phật dạy: “Thà uống nước đồng sôi cho tan mất thân này, chứ không nên uống rượu”. Là Phật tử , những người đang trau dồi Trí tuệ để được sáng suốt, chúng ta không được uống rượu. Chúng ta không uống rượu, mà cũng không khuyên mời người uống rượu. Tự mình uống rượu tội còn nhẹ, khuyên mời người khác uống, tội lại nặng hơn.

Ngày thọ “Bát quan trai giới”, chúng ta  không được uống đã đành, mà còn khuyên răn người khác đừng uống rượu.

6. Giới thứ sáu Không trang điểm, thoa dầu thơm, múa hát …

Phật cấm Phật tử trang điểm, sơn phấn, dầu thơm, múa hát… là vì muốn cho chúng ta khỏi đọa vào địa ngục. Nhưng trong đời sống hằng ngày của người Phật tử tại gia, vì còn tiếp xúc với đời sống xã hội, nên phải ăn mặc tề chỉnh trang nghiêm, đôi khi cũng phải đi dự những buổi hòa nhạc, hay múa hát…

Ngày thọ giới Bát quan trai, chúng ta không được trang điểm, múa hát hay đi xem múa hát…Đưọc như thế, thì tuy thời gian chỉ ngắn ngủi có 24 giờ, ảnh hưởng tốt đẹp của nó vô cùng quý báu cho sự tu hành của chúng ta.


7. Giới thứ bảy Không được nằm ngồi giường cao đẹp.

Noi gương người xưa, các vị xuất gia chỉ nằm trên một cái giường nhỏ hẹp, vừa ngủ, chứ không bao giờ dùng giường rộng nệm cao. Kẻ tại gia cũng nên tập dần đức tánh giản dị đạm bạc ấy. Nếu chưa làm được trong ngày thường, thì ngày thọ giới Bát quan trai, cũng phải thi hành giới thứ bảy này.

8. Giới thứ tám Không được ăn quá giờ ngọ.

Trong luật Phật dạy: “Chư thiên ăn sớm mai, Phật ăn giờ ngọ, súc sanh ăn sau giờ ngọ, ngạ quỷ ăn tối, chư Tăng học theo Phật, phải ăn đúng giờ ngọ”.

Vì những lợi ích thiết thực nói trên, nên người xuất gia cần phải thực hành. Còn Phật tử tại gia, khi tu Bát quan trai giới cũng phải giữ đúng giới này.


Trong Kinh Phật Thuyết Trai: Do có một lần Đức Phật trụ ở nhà Thừa tướng tại Xá Vệ Thành. Sáng sơm hôm đó, mẹ Thừa tướng là bà Duy Da phu nhân dậy sớm tắm rửa sạch sẽ dẫn con cháu đồng đến chỗ Phật lễ lạy.  Đức Phật hỏi: “Sáng sớm đến có việc gì không?” Duy Da phu nhân bạch Phật” “Chúng con cỉ muốn thọ Trai giới”. Đức Phật dạy: “Các vị phát tâm muốn thọ trai giới điều này rất tốt và rất khó được, nhưng có ba thứ là Mục Ngưu trai, Ni Kiền trai và Phật pháp trai. Vậy quý vị muốn thọ thứ nào?”. Phu nhân Duy Da không hiểu ba loại này khác nhau chỗ nào, xin Phật chỉ dạy. Nhân duyên này Đức Phật giải thích Mục Ngư Trai, Ni Kiền Trai và Phật pháp Trai. Đặc biệt Phật pháp trai chính là Bát Quan Trai Giới chúng ta đang đề cập đến hôm nay.


Tóm lại “Bát quan trai giới” là một pháp tu rất lợi ích cho Phật tử tại gia. Trong thời gian tu hành thân, khẩu, ý của người thọ giới được hoàn toàn thạnh tịnh, tuy chỉ có 24 giờ đồng hồ, nhưng 24 giờ ấy còn quý báu hơn cả một đời của người không tu hành. Tuy lượng rất ít, mà phẩm lại nhiều. Nó chỉ là giọt nước, nhưng là một giọt nước trong sạch hoàn toàn, cho nên nó còn quý hơn cả một ao nước đục bùn nhơ, nó chỉ là một viên ngọc nhỏ xíu, nhưng đó là viên ngọc Ma ni, nên còn quý hơn trăm ngàn châu báu khác.


Giới bát quan trai được Phật thuyết cho các Thánh đệ tử; những người tuy sống đời tại gia, hưởng thụ ngũ dục của thế gian, nhưng tâm tư đã vững chắc trên Thánh đạo. Trong ý nghĩa này, tu có nghĩa là phát triển, làm cho bản thân càng lúc càng cao thượng ngang tầm Thánh đạo, để càng lúc càng nhìn thấy rõ dấu chân dẫn đến Niết bàn. Tu như vậy là tu giới, tu định và tu huệ. Ba khoản tu tạo thành một chuỗi quan hệ liên tục.

Trí Bửu- Tháng 11/2014