Trong lịch sử báo chí Việt Nam, tờ báo xuân đầu tiên ở nước ta là tờ Ðông Pháp Thời báo ra đời năm Mậu Thìn, 1928; Kế đến là các tờ Thần Chung xuân Canh Ngọ 1930, rồi Phụ nữ Tân Văn xuân Canh Ngọ 1930, Công Luận xuân Tân Mùi 1931, Trung Lập, xuân Ất Hợi 1933, Ðuốc Nhà Nam xuân Ất Hợi 1935…(1)
Báo xuân Phật giáo xuất hiện muộn hơn, đến năm 1937 trở đi mới có một số tờ thể hiện rõ nét về nội dung và hình thức, nhưng không có những giai phẩm xuân riêng biệt như báo chí sau nầy mà vẫn đánh số thứ tự theo năm. Nhân 80 năm ngày ra đời tờ báo Phật giáo đầu tiên, xin điểm qua vài số báo xuân của những năm đầu thế kỷ XX:
-Tập chí Duy Tâm Phật học (2) số 17, xuân Đinh Sửu, ra ngày 1-1-1937 với câu đối:
Đêm trừ niên tống quỉ vô minh “tát đát da đa”, phong pháo miệng.
Tiết chánh đán nghinh thần đại giác, “phi phan phủ phất” nén hương lòng.
-Tờ Đuốc Tuệ (3) số 78 xuân Mậu Dần, ra ngày 1-2-1938 với bài Đuốc Tuệ mừng tuổi đăng bên dưới tiêu đề “Cung chúc tân niên”;
-Từ Bi Âm (4) xuân Đinh Sửu 1937 ngay trang đầu có ba bài thơ liên hoàn mừng Xuân của Giảng Trai và bài xã luận khá dài của hòa thượng Liên Tôn với nhan đề Mừng xuân bằng cách nào;
-Tạp chí Bác Nhã âm (5) số xuân Mậu Dần 1938 với bài Bác Nhã chào xuân của Giác Quang…
Giai đoạn nầy, Mặt trận bình dân trong đó có Đảng Cộng sản Pháp làm nòng cốt đã thắng thế và lên nắm quyền ở Pháp. Do vậy chính sách của Chính phủ Pháp đối với thuộc địa có sự thay đổi. Cuối năm 1936 phong trào cách mạng Dân chủ Việt Nam bắt đầu đi lên với khí thế mới, tiếp tục phát triển trong năm 1937. Năm 1938 có thể coi là đỉnh cao với phong trào Đông Dương Đại hội, đã giành được thắng lợi trên nhiều mặt, trong đó báo chí có vai trò rất quan trọng. Đây cũng là thời kỳ đỉnh cao phong trào chấn hưng Phật giáo nhằm đứng lên phục hồi lại giá trị truyền thống của mình. Do đó báo chí Phật giáo nói chung và các tờ báo xuân trong giai đoạn nầy cũng hòa nhập vào dòng chảy lịch sử và đã không hề bàng quan trước những sự kiện xã hội quan trọng. Tập chí Duy Tâm Phật học số 17, xuân Đinh Sửu, ngày 1-1-1937 ngay trang đầu đăng bức thư như sau:
“Quan thủ hiến J.Brevié Toàn quyền Đông Dương và quan Tổng trưởng đại biểu chánh phủ Bình Dân Justin-Godart mới đến Đông Pháp lần thứ nhứt mà chúng ta được thấy hai ngài có lẻ hai ngài là Bửu tinh giáng lâm hai ngài đến xứ nầy cũng vì lòng chan chứa đức từ bi tâm công bình để thay mặt cho nước Pháp. Sau khi quan sát trực tiếp, có lẻ dân trong năm xứ được hưởng cái hạnh phúc giải phóng: chánh trị, xã hội kinh tế, học thuật giáo dục vệ sanh, ngôn luận....
Báo Đuốc Tuệ số xuân Mậu Dần, ra ngày 1-2-1938 đăng bài Đuốc tuệ mừng tuổi bộc lộ tâm tình ước nguyện đầu năm“Lại nhờ có ngày hôm nay, nhân lễ mừng xuân được lúc thanh nhàn, khắp cổ công sĩ nông, có dịp ngồi mà tính cuộc tiền trình, mong cho năm nầy hơn năm trước. Cho đến những người trù mưu việc nước, thấy tin xuân cũng cầu cho thế vận nhật tân”. Đáng chú ý trong mục Văn uyển số nầy có bài “hài văn” giải ách đầu nămcủa Quảng Tràng Thiệt cư sĩ nêu thực trạng xã hội đương thời và kêu gọi tu tâm dưỡng tánh, giáo dục trong gia đình, lập thêm trường học, mở nhiều bệnh viện, mở mang kỹ nghệ, tôn trọng nhân đạo, giảm thuế, hạ sưu, tăng tiền công….
– “Hoặc ngộ tranh quyền cướp nước, phân giống chia nòi, chỗ sướng như trời, chỗ như địa ngục chi ách, kim nhật kim thì, học phật bình đẳng, kim đường thỉnh giải.
-“Hoặc ngộ thất giáo thất học, dốt nát u mê, rút rát (nhút nhát) vụng về, đành thân trâu ngựa chi ách, kim nhật kim thì, lập nhiều trường học, đương kim thỉnh giải…
Đặc biệt, trong bài Nhiệm vụ của tăng chúng đạo phật đối với xã hội ngày nay, tác giả ĐNT viết “Ngày nay là thời đại ngày càng thịnh hành về chủ nghĩa xã hội, là cái chủ nghĩa giải phóng triệt để cho loài người. Thế mà đạo Phật chính lại là vì cái mục đích giải thoát cho chúng sinh được thoát mọi sự khổ nảo mà hưởng mọi sung sướng, cái tông chỉ của chủ nghĩa từ bi đạo phật là hoàn toàn ở đó.
Như vậy tông chỉ giải thoát của đạo Phật với tông chỉ giải phóng của chủ nghĩa xã hội ngày nay thực là khác đường mà lại cùng về một chỗ” (Nhiệm vụ của tăng chúng đạo phật đối với xã hội ngày nay – ĐNT- Đuốc tuệ số 79, tháng 2-1938).
Từ sau năm 1940, nhất là sau thất bại cuộc Nam kỳ khởi nghĩa, tình hình chính trị xã hội trong nước u ám hơn sau những cuộc đàn áp khốc liệt của nhà cầm quyền, báo chí Phật giáo nói chung và những giai phẩm xuân trong giai đoạn nầy cũng không thoát khỏi tâm tư ấy:
“Nông nổi thống khổ của loài người từ khi có lịch sử tới nay, thực chưa thấy có bao giờ thống khổ ác liệt đến như ngày nay. Chẳng nói đâu xa cứ xem ngay những biến cố trên thế giới bây giờ cũng đủ thấy cái nổi thống khổ của loài người đã không thể hồi đầu được nữa…”(bài “Chúng ta phải nương theo lời Phật mà xây đắp nên cái nền dân gian Phật giáo – Đuốc Tuệ xuân 1941, ngày 1-1-1941)
“Xuân về, xuân đã mang đến cho mọi người mọi vật mỗi điều toại chí, nên muôn vật vui tuơi, còn riêng ta, đối với xuân ta không hi vọng…Đã vậy mà mỗi lần xuân về muôn vật vui tuơi thì riêng ta lại lo nghĩ trong người không an….Nghĩ cách súc dưỡng năng lực để đảm nhận cái trọng trách chấn hưng phật giáo, hoằng pháp lợi sanh và cải tạo cỏi ta bà trở nên cảnh cực lạc” (Xuân về -Thích Hiển Thụy-Từ Bi Âm số 217, tháng 1-1944).
Hòa thượng Thích Minh Nguyệt trong Bác nhã âm số 17, xuân Canh Thìn 1940 tổng kết “Thế giới hiện nay đương bồng bột phấn khởi cái thảm khốc về nổi chiến tranh mấy triệu lương dân của các dân tộc, mặc dù không thù khích nhau, chỉ vì cái quan niệm sâu ác của kẻ có thế lực trong một quốc gia gây nên mà phải xô xát đẩm dẫm nhau, chẳng những biến máu non xương mà không khí oán sầu của nhơn loại đang phiêu diêu giữa vũ trụ kết nên cái thảm họa bi oan.”(bài Một nguyên nhân sẽ đưa thế giới và nhân sanh vào con đường tuyệt diệt)
Cũng trong số xuân nầy, tác giả Giác Quang viết:
Người trần tục khờ chi hóa bấy
Thấy hoa cười trở nói hoa vui
Vui xuân tuy thấy hoa cười
Mặt hoa thường ứa một vài giọt sương
(Bác Nhã cao hứng xuân- Bác Nhã âm số 17- tháng 1-1940)
Tám mươi năm, từ khi tờ báo Phật giáo đầu tiên ra đời, ở cấp độ đậm nhạt khác nhau, ta thấy báo chí Phật giáo trong sự nghiệp xiển dương Phật pháp và chấn hưng Phật giáo luôn gắn liền với nhân sinh thời cuộc, bộc lộ những ưu tư trăn trở trước hoàn cảnh mất nước và sự cùng khổ của đồng bào, mặc dù đâu đó cũng có những người "chấn hưng Phật giáo là vì Phật giáo chứ không phải vì nhân sinh" như tác giả Ngộ Không đã lên án trong bài viết về Phật Giáo Và Xã Hội trên tạp chí Pháp Âm năm 1937. (6)
Chú thích:
1. Phan Thứ Lang – Những tờ báo xuân đầu tiên ở Nam Bộ. Tạp chí Xưa và nay số 71B, tháng 1-2000).
2. Tập chí Duy Tâm Phật học, xuất bản hàng tháng số 1 ra tháng 10-1935. Chủ nhiệm Nguyễn Văn Ân (tức Hòa thượng Huệ Quang); Quản lý Nguyễn Văn Khoẻ. Tập chí có hai vị Hoà thượng nổi tiếng chứng minh: Đại đạo sư Thích Từ Phong và Đốc học sư Lê Khánh Hòa. Tòa soạn đặt tại Lưỡng xuyên Phật học hội tỉnh Trà Vinh.
3. Đuốc Tuệ, Tuần báo ra ngày 1 và 15 hàng tháng. Số 1 ra ngày 10-12-1935. Số cuối cùng năm 1945. Báo quán đặt tại chùa Quán Sứ- Hà Nội. Chủ nhiệm Nguyễn Năng Quốc, chủ bút Phan Chung Thứ, Quản lý Cung Đình Bích.
4. Từ Bi Âm: Xuất bản mỗi tháng 2 kỳ. Năm thứ nhất số 1 ra ngày 1-1-1932, số cuối cùng 223 năm thứ 11; Chủ hiệm Phạm Ngọc Vinh. Tòa soạn đặt tại chùa Linh Sơn, số 149, đường Rue de Douaumont- Sài Gòn.
5. Bác Nhã Âm, Tạp chí ra hàng tháng, số 1 tháng 3-1936; Chủ nhiệm Đỗ Phước Tâm, tự Minh Chánh. Là cơ quan tuyên truyền của Thiên Thai Tiền giáo tông. Tòa soạn đặt tại chùa Thiên Bửu, tỉnh Bà Rịa.
6. Pháp Âm số 5 (tháng Năm, 1937)