Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Bảo vệ và phát huy giá trị đối với những bảo vật...

Bảo vệ và phát huy giá trị đối với những bảo vật văn hóa Phật giáo trong các chùa ở Huế

126

Như chúng ta đã biết: Hoàng Cung, Bảo tàng cổ vật, các lăng vua Nguyễn ở Huế là những nơi lưu giữ các cổ vật quý của triều Nguyễn và Huế xưa.


Sự thật thì những nơi đó chỉ mới ra đời sớm nhất là hai trăm năm (1802-2002) và đã trải qua nhiều chế độ, với mấy cuộc chiến tranh, các cổ vật quý trong các di tích Nguyễn đã bị hư hại, mất mát, đánh tráo rất nhiều, trong khi đó các chùa ở Huế đã ra đời hơn bốn trăm năm (chùa Thiên Mụ 1601-2002), hoặc trên dưới ba trăm năm (các Tổ đình), bảo vật của các Tổ đình, các ngôi chùa cổ còn giữ lại khá đầy đủ.



Chùa Huyền Không – TT. Huế


Vấn đề đặt ra là một số lớn chùa cổ đang xuống cấp trầm trọng và không có hy vọng có đủ kinh phí để trùng tu, các bảo vật lưu giữ trong các chùa đang xuống cấp đó như thế nào?


Các bảo vật đó là gì, làm sao có thể giới thiệu với người xem để góp phần xây dựng bản sắc Huế, bản sắc dân tộc?


Nếu không có biện pháp quản lý thích hợp kịp thời thì liệu có giữ được chúng trước sự hủy hoại của khí hậu, thời gian và các nhà buôn bán cổ vật “năng động” hiện nay không? Nên chăng xây dựng một Bảo tàng văn hóa Phật giáo ở Huế để không những góp phần cứu các cổ vật mà còn phát huy được giá trị của chúng nữa?


1. Quan hệ giữa chùa Huế với lịch sử xứ Đàng trong và triều Nguyễn


Các chùa Huế ra đời trong nhiều thời kỳ khác nhau: Chùa Thiên Mụ do chúa Nguyễn Hoàng xây dựng từ đầu thế kỷ XVII (1601), các ngôi Tổ đình lớn do các vị du tăng Trung Hoa sang khai sơn, đều nằm vào thế kỷ thứ XVII, XVIII.


Các Tổ đình do các thiền sư Việt Nam khai sơn, trừ Tổ đình Thuyền Tôn có từ đời Lê Dụ Tông (1708) tức là vào khoảng đầu đời Chúa Nguyễn Phúc Chu, còn đa số đều ở vào thời Nguyễn sơ (khoảng 1802) cho đến nửa thế kỷ XIX.


Kể từ đời Tự Đức (1848 – 1883) cho đến đời Khải Định (1917 – 1925), hàng loạt chùa đã được các bà trong cung Nguyễn như các bà Thừa Thiên Cao Hoàng hậu, bà Thuận Thiên Cao Hoàng hậu, bà Từ Dũ nguyên phi của vua Thiệu Trị, bà Trang Ý Thuận Hiếu nguyên phi của vua Tự Đức, và lớp cung tần, thái giám các triều đại dưới thời các bà… quyên góp trùng tu, xây dựng.



Chùa Báo Quốc – Huế


Vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, có một số quan lại lập chùa cho người trong gia đình tu hoặc làm nơi an táng sau nầy như  chùa Ba-la-mật, chùa Phó Quang, chùa Qui Thiện…


Một số Nho sĩ, quan lại khác tuy không lập chùa nhưng đã hộ đạo Phật bằng cách viết bia để kể sự tích chùa, làm câu đối cúng vào chùa như các cụ Nguyễn Đình Tân, Lâm Mậu v.v. và v.v.


2. Chùa Huế – nơi lưu giữ những báu vật văn hóa Phật giáo


Do mối quan hệ với lịch sử, với vua quan và người trong gia đình các vua, chúa, quan lại nên trong hầu hết các ngôi chùa cổ ở Huế không nhiều thì ít đều quản thủ, lưu giữ được một số cổ vật, pháp khí, pháp tượng có giá trị đối với lịch sử văn hóa Phú Xuân nói riêng và của văn hóa Việt Nam nói chung.


Trừ những tổ đình như chùa Thiên Mụ, chùa Báo Quốc, chùa Thuyền Tôn, chùa Trúc Lâm… những pháp khí, pháp tượng và cổ vật văn hóa quí giá được gìn giữ tốt, những ngôi chùa nhỏ, nhất là những ngôi chùa bị biến dạng hoặc có nguy cơ bị sụp đổ mà không có hy vọng được trùng tu thì những cổ vật quí hiếm lưu giữ bao năm nay trong chùa có nguy cơ bị thất tán trong những hoàn cảnh khác nhau.



Chùa Trúc Lâm – Huế


3. Tại các chùa ở Huế đang lưu giữ một khối lượng lớn cổ vật văn hóa Phật giáo


a) Những cổ vật lưu tán vì chiến tranh


Do các chùa bị triệt bỏ, hay vì chiến tranh cho nên nhiều cổ vật bị lưu tán lung tung, nhiều cái mất tích chưa biết còn hay mất.


Nguyên trên núi Lựu Bảo có chùa Bảo Sơn, sau khi chùa bị triệt bỏ (1908), pháp khí, pháp tượng đều lưu tán, quả chuông gia trì lại lạc về chùa Khánh Vân. Sau đó trên nền Bảo Sơn xây dựng chùa Kim Sơn, quả chuông gia trì vẫn nằm yên ở Khánh Vân;


Am Hộ Quốc ở làng Hạ Lang (huyện Quảng Điền) có một quả chuông đúc vào năm Kỷ mùi (1799 đời Cảnh Thịnh), sau khi am Hộ Quốc không còn, quả chuông cổ chuyển về chùa làng Hạ Lang;


Theo ĐNNTC, Thừa Thiên Phủ, tập thượng, chùa Thiền Lâm có Đại hồng chung cao 4 thước mộc (# 4 x 0.425 = 1,60 mét), lưng tròn 6 thước (# 6 x 0,425 = 2, 55 mét), đúc năm Vĩnh Thạnh 12 (1716), thời chiến tranh bị lưu tán, đến đời Gia Long, sửa chùa xong dời về lại chùa Thiền Lâm.


Nhưng từ sau ngày làm Nam Giao Tân Lộ (1897), chùa Thiền Lâm bị di dời vào chỗ hiện nay, cái chuông cổ không biết bị đưa đi đâu, còn giữ ở đâu đó hay đã nấu chảy rồi!!!


Cũng theo ĐNNTC, tập Kinh sư, trong kinh thành, ở địa điểm Chính dinh của Võ Vương Nguyễn Phúc Hoạt, vua Minh Mạng cho lập chùa Giác Hoàng (1839) làm nơi lui tới tụng niệm của Hoàng gia.


Giác Hoàng là một danh lam thắng cảnh của Kinh đô Phú Xuân. Đến hồi thất thủ Kinh đô (1885) quân Pháp chiếm chùa Giác Hoàng, một số pháp khí pháp tượng phải chuyển qua chùa Diệu Đế, chùa Giác Hoàng trở nên hoang phế.


Dưới thời Thành Thái, người ta triệt phá hoàn toàn cơ sở của chùa Giác Hoàng để xây dựng Viện Cơ Mật. Tất cả đồ thờ đều chuyển qua chùa Diệu Đế.


Vậy, những pháp khí pháp tượng và đồ thờ quí giá của Hoàng gia hiện còn giữ được những gì tại chùa Diệu Đế hoang vắng hiện nay?


Và, như báo chí đã từng cho biết: Trong chiến dịch đi tìm vàng ở Huế hồi đầu thế kỷ XX, Khâm sứ Pháp Mahé đã lấy 7 tượng vàng trên tháp Phước Duyên chùa Thiên Mụ. Bảy pho tượng ấy còn hay đã bị nấu chảy thành vàng rồi? Nếu còn thì hiện nay ở đâu?



b) Những cổ vật ẩn mình nơi hẻo lánh


Ở các làng xã đều có chùa, nhiều ngôi chùa thuộc làng xã mà rất nổi tiếng và có nhiều pháp tượng, pháp khí quí giá nhưng vì phần lớn các chùa ấy ở những nơi hẻo lánh, không được giới thiệu đầy đủ nên ít người biết. Có thể lấy một số ví dụ:


Đại hồng chung tại chùa Sùng An thuộc làng An Lưu xã Phú Mỹ (huyện Phú Vang), đúc Lê Vĩnh Trị (1678) (thời chúa Nguyễn Phúc Tần), cao 1,24mét, đường kính 0,62mét;


Đại hồng chung tại chùa làng La Chữ đúc thời Quang Trung, (1791), từ miệng chuông lên đến đỉnh quai chuông cao 1,26mét, chu vi gần miệng chuông 1,78 mét. Quai chuông đúc rất đẹp;


Đại hồng chung tại chùa làng Hạ Lang, đúc năm 1799 (thời Cảnh Thịnh), như trên đã viết do nhiều chức chưởng triều Quang Toản góp tiền đúc tại Bắc Thành và chuyển vào làng Hạ Lang.


Đại hồng chung chùa Giác Lương thuộc làng Hiền Lương (huyện Phong Điền) đúc vào cuối triều Gia Long (1819), trên thân chuông khắc tên những quan lại, những người thợ rèn tài ba; đặc biệt có tên ông Hoàng Văn Lịch – “kỹ sư” chế tạo máy chạy hơi nước thời các vua đầu triều Nguyễn. v.v. và v.v.


Những hiện vật vừa nêu chỉ là một phần rất nhỏ so với thực tế. Những hiện vật ấy quan hệ đến nhiều mặt của lịch sử và văn hóa Thuận Hoá Phú Xuân nhưng mấy ai ngày nay được thưởng lãm?


c) Những cổ vật quí hiếm mà không được phát huy tác dụng


Không những các báu vật trong các chùa địa phương không mấy người biết đến, ngay cả những báu vật lưu giữ trong các chùa lớn ở Huế, hằng ngày có hàng ngàn khách đến vãng chùa mà cũng ít người được chiêm ngưỡng những báu vật ấy. Một phần vì các báu vật ấy được giữ quá kỹ, một phần vì không được giới thiệu một cách đầy đủ. Ví dụ:


– Chùa Thiên Mụ có chiếc khánh đồng đời Nguyễn Phúc Tần, đại hồng chung, bia đá lớn đứng trên lưng rùa đời Nguyễn Phúc Chu, thủ bút 4 chữ “Linh Thứu Cao Phong” của Nguyễn Phúc Chu, bức hoành Linh Mụ Tự đời Tự Đức; khánh Bình Trung Quang Khánh có từ thời Nguyễn Phúc Tần;



– Chùa Thuyền Tôn có đại hồng chung đúc từ năm thứ 7-8 đời Cảnh Hưng (1747) mà sau nầy Nguyễn Du đã có dịp đến thăm và làm thơ;


– Chùa Đông Thuyền có chiếc trống lớn, chu vi bụng trống lớn đến 3, 72 mét; có tượng cổ Quan Âm Thủ Quyển;


– Chùa Viên Thông có bộ tượng Thập Bát La Hán;


Ngoài pháp khí, pháp tượng, các chùa ở Huế còn lưu giữ được nhiều cổ vật khác rất có giá trị đối với lịch sử văn hóa xứ Huế như:


– Chùa Báo Quốc có sách Hàm Long Sơn Chí thực hiện hồi cuối thế kỷ XIX, có tấm bản đồ định vị 43 ngôi chùa cổ ở Huế.


– Các chùa Báo Quốc,Từ Hiếu, Viên Thông, Diệu Đế… còn giữ được nhiều bộ ván khắc in Kinh Phật;


– Một số chùa có những trước tác nổi tiếng như chùa Tra Am có bộ Lược ước tùng sao của Viên Thành Thượng Nhân; chùa Qui Thiện có bộ Thủy Nguyệt Tùng Sao của Hoà thượng Bích Phong;



Lư trầm chùa Trúc Lâm



Bộ kinh Kim Cang được thêu trên nền gấm lót nhiễu điều lớn nhất Việt Nam


– Chùa Ba-la-mật có các bức tranh màu do Hoạ sĩ Lê Văn Miến vẽ ông bà Nguyễn Khoa Luận hồi đầu thế kỷ XX; chùa Diệu Hỷ có bức tranh chân dung Hoằng Hoá Quận Vương do một họa sĩ Pháp vẽ năm 1891 khi Vương đi sứ sang Pháp;


– Nhiều chùa còn giữ được ảnh, tượng, sách báo ra đời từ sau ngày ra đời của An Nam Phật Học Hội.


Trên đây chúng tôi chỉ mới đề cập đến một số ví dụ để minh họa cho nội dung bài viết, nếu đọc các bộ sử có liên quan đến Phật giáo xứ Huế sẽ lọc ra được thêm hàng trăm ví dụ khác nữa. Điều đó chứng tỏ các chùa ở Huế đang lưu giữ một khối lượng rất lớn báu vật văn hóa Phật giáo.


Vậy thì làm sao phát huy giá trị của khối lượng báu vật ấy để đóng góp vào sự nghiệp xiển dương đạo Phật ngày nay đồng thời làm phong phú thêm nội dung của trung tâm văn hóa du lịch Huế?


4. Thành phố Huế nên xây dựng một nhà Bảo tàng văn hóa Phật giáo


Đây là ước mơ của nhiều vị lãnh đạo Phật giáo ở trong cũng như ở ngoài nước từ mấy chục năm qua. Người viết bài nầy không có ảo tưởng quyền lực của Giáo hội Phật giáo hiện nay có thể qui về Nhà bảo tàng văn hóa Phật giáo trong tương lai những gì mình muốn. Bởi vì những báu vật hiện được lưu giữ trong các chùa là tài sản riêng của các chùa.


Tuy nhiên qua tìm hiểu các lần trưng bày hiện vật văn hóa lịch sử Phật giáo tại các chùa Từ Đàm, Từ Hiếu… chúng tôi nghĩ chuyện chủ trương xây dựng một Nhà bảo tàng văn hóa Phật giáo ở Huế có nhiều khả năng hiện thực. Nhiệm vụ của Nhà bảo tàng không những lo xây dựng và trưng bày tại nhà Bảo tàng mà còn giúp vào những việc như:


– Lập một bộ atlas đánh dấu có hệ thống các chùa vua, chùa Tổ, chùa làng, chùa dân lập trên toàn cõi Thừa Thiên Huế;


– Điều tra, thống kê, chú giải về hoàn cảnh ra đời của các hiện vật cổ trong các chùa (Có thể nhờ sinh viên các Học viện Phật giáo thực hiện); nếu cổ vật không được đưa về trưng bày ở Nhà bảo tàng, những người ngưỡng mộ xem Atlas có thể đến tham quan tại chỗ (cũng giúp cho các chùa ở các vùng hẻo lánh có dịp đón khách đến thăm);


– Tham mưu cho Giáo hội soạn thảo một qui chế hoạt động của Nhà Bảo tàng, qui định rõ quyền sở hữu của các chùa đối với những hiện vật đưa đến trưng bày trong Nhà Bảo tàng;


– Thương lượng với các chùa mượn những hiện vật mà các chùa không có điều kiện bảo quản, chăm sóc, hoặc không cần đến nữa (như các bộ ván in Kinh), cho phép phục chế những cổ vật có thể phục chế và có khả năng tài chính để phục chế (như các tranh ảnh, Kinh, sách);


– Các chùa ở các địa phương cần tài chính để tu sửa chùa có thể nhượng lại các cổ vật cho các nhà hảo tâm để các nhà hảo tâm mua tặng lại cho Nhà Bảo tàng và đề rõ danh tánh người tặng và xuất xứ của hiện vật được tặng;


– Tham mưu cho Giáo hội kêu gọi Phật tử trong và ngoài nước dành một phần tiền làm chùa mới, tiền cúng dường cho Quỹ Xây dựng Nhà Bảo tàng văn hóa Phật giáo Huế.


Trước khi viên tịch, Hoà thượng Thích Thiện Siêu có tâm sự với những người quan tâm đến Bảo tàng văn hóa Phật giáo ở Huế rằng chính quyền Thừa Thiên Huế cũng đã rất quan tâm đến vấn đề nầy. Như thế ý của nhà nước và lòng Phật tử Huế đã gặp nhau. Phải chăng chỉ còn vấn đề thời gian?