Kính bạch chư Tôn đức lãnh đạo GHPGVN!
Lời đầu tiên chúng con xin tri ân công đức của quý Ngài đã không quản vất vả để lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo VN ngày một vững mạnh, làm nền tảng cho hàng Phật Tử tại gia chúng con tu học. Các thầy mãi mãi là những cây đại thụ của Phật pháp để che chở cho hàng hậu học chúng con!
Nghĩ đến công sức của quý Ngài và sự vững mạnh của Phật pháp chúng con xin kính bạch một việc như sau để chư tôn đức có hướng giải quyết.
Mấy hôm rồi con đi lên xe buýt trong thành phố Hà Nội đều gặp những người mặc quần áo bình thường để truyền đạo Tin Lành ngay trên xe cho người đi đường.
Họ nói nghe mà kinh khủng quá, đường lối của họ đi ngược lại với truyền thống văn hóa dân tộc của ông bà tổ tiên bao đời nay. Họ khuyên mọi người dỡ bỏ bàn thờ, đổ bát hương và chỉ tôn thờ đức chúa trời. Họ nói tôn giáo khác là tà ma, thờ ma quỷ. Nói xong họ còn phát cho mỗi người một quyển kinh thánh nữa.
Chúng con nghĩ trên xe mà họ còn truyền đạo nhiệt thành như vậy thì ở những nơi khác như vùng nông thôn hay vùng dân tộc thì còn mãnh liệt cỡ nào.
Sự thờ cúng tổ tiên là nền tảng tâm linh của dân tộc Việt Nam suốt bao đời nay, một truyền thống tốt đẹp thể hiện tinh thần báo hiếu, tri ân, tiếp nối của các thế hệ đi sau đối với thế hệ trước. Thờ cùng tổ tiên còn là một phương thức giáo dục con cái về công đức Tổ tiên, dòng họ, cha ông, là sợi dây tâm linh vô hình gắn kết các thế hệ, đoàn kết người dân Việt con Lạc cháu Hồng chung cội nguồn.
Hàng năm hết thảy người Việt yêu nước, yêu dân tộc đều hướng về đền Hùng, nhớ về ngày giỗ Tổ vào dịp 10/3 Âm Lịch. Bác Hồ từng dạy: "Các vua Hùng đã có công dựng nước / Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Việc giữ lấy nước trong thời đại ngày nay không chỉ là giữ gìn biên cương, lãnh thổ, mà còn phải giữ lấy những truyền thống quý báu đã kết tinh bao đời nay, giữ lấy sự đoàn kết dân tộc chung một gốc, chung cội nguồn.
Trong thời gian nước nhà bị Pháp đô hộ, tôn giáo phương Tây đã tìm mọi cách để xóa bỏ truyền thống ấy mà không được, buộc phải tìm cách thích nghi. Thế nhưng trong thời đại ngày nay, tận dụng bối cảnh mở cửa, sự lung lay của các giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống trước các luồng gió phương Tây, nhất là luồng gió kinh tế và văn hóa, tận dụng sự tranh tối tranh sáng của đời sống tôn giáo, tín ngưỡng, tôn giáo cũng từ phương Tây này tận dụng sự nhiệt tình của tín đồ, tìm mọi cách len lỏi để truyền đạo, xâm phạm vào các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Phật giáo được truyền vào nước ta hơn 2000 năm qua đã đồng hành cùng dân tộc, hòa nhập với đời sống tín ngưỡng, văn hóa truyền thống dân tộc, góp phần duy trì, thăng hoa các giá trị đó. Phật giáo cũng phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong thời đại ngày nay. Bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có tập tục thờ cúng tổ tiên cũng chính là bảo vệ Phật giáo.
Vậy nên chúng con thiết nghĩ chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội nên cân nhắc vấn đề này, có sự chỉ đạo đến các tỉnh, thành hội, các tự viện về một số vấn đề sau:
– Giáo hóa Phật tử, quần chúng nhân dân về Ý nghĩa và giá trị tốt đẹp của các giá trị văn hóa, đạo đức, tâm linh, truyền thống của dân tộc, nhất là tập tục Thờ cúng Tổ tiên. Bàn thờ tổ tiên là một báu vật của cha ông truyền lại, không thể để mất.
– Đẩy mạnh việc hoằng dương Phật pháp, nhấn mạnh vị trí, vai trò của ngôi chùa trong việc truyền bá Phật pháp và là một thành lũy trong việc bảo vệ các giá trị truyền thống dân tộc. Không thể để ngôi chùa chỉ là một miếu thờ Phật và nhà sư là người canh miếu.
– Khuyến khích ông bà, cha mẹ giáo dục con cháu về truyền thống dân tộc, khuyến khích cha mẹ cho con tới chùa học đạo đức, học đạo làm người. Thế hệ trẻ là tương lai của Phật giáo, trong khi họ là những người dễ bị dao động, dễ bị lung lạc, dễ bị mất gốc nhất, nhất là sinh viên, người lao động xa nhà.
Một lần nữa chúng con xin thành kính tri ân và kính chúc quý Ngài luôn là thạch trụ của Phật pháp, mãi là đóa hoa thơm,là bóng cây lớn che mát chúng con!