Hoành tráng nhất Việt Nam
Bảo tháp Liên Hoa được khởi công xây dựng từ năm 2009. Đến nay, công trình này đạt hơn 80% khối lượng, chỉ còn các hạng mục phụ: Lát gạch, sơn phết, trang trí và điện nước… Dự kiến đến cuối năm nay, Bảo tháp Liên Hoa hoàn thành đưa vào phục vụ dân sinh.
Bảo tháp Liên Hoa được xây dựng trên diện tích 1.500m2 với 9 tầng lầu, tượng trưng cho 9 cánh sen. Chiều cao của tháp 51 mét, đường kính phần trệt 15 mét, phần đỉnh 7 mét. Tháp được thiết kế theo kiểu hình lục giác. Bảo tháp Liên Hoa được xem là lớn nhất Việt Nam, với tổng kinh phí dự kiến 15 tỉ đồng. Nguồn kinh phí này do chùa Trường Sanh vận động bà con phật tử, mạnh thường quân xa gần đóng góp.
Tầng trệt rộng nhất được dùng làm nhà tang lễ, 7 tầng còn lại dùng để lưu giữ hài cốt người quá cố. Riêng tầng thứ 9 (trên cùng) dùng để thờ Xá Lợi Phật (thỉnh từ Thái Lan), trưng bày một đại Hồng Chung và lưu giữ hài cốt các chư vị Thánh Tăng. Theo thiết kế, Bảo tháp Liên Hoa có khả năng lưu giữ khoảng 45.000 bộ hài cốt. Hiện nay, có khoảng 9.000 hài cốt đang lưu giữ tại chùa Trường Sanh đang chờ bảo tháp hoàn chỉnh để đưa vào. Để xây dựng bảo tháp có quy mô lớn và mang nét đặc trưng riêng của Việt Nam, vị trụ trì chùa Trường Sanh đã hợp đồng với doanh nghiệp xây dựng Phước Lộc Thọ (TPHCM) – doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm xây tháp – để xây dựng. Ngoài ra, các hạng mục như hoa văn, chạm trỗ phải “mời” nhiều thợ chuyên nghiệp nghề từ Huế vào.
Tấm lòng của một nhà sư
Đại đức Thích Quảng Lộc, trụ trì chùa Trường Sanh, là người rất tích cực với các hoạt động từ thiện xã hội, chăm lo đời sống cho người dân nghèo khó, hoạn nạn trong và ngoài tỉnh. Thời gian qua, sư Lộc luôn có mặt trong các chương trình từ thiện “Mái ấm nghĩa tình”, “Căn nhà mơ ước” của tỉnh, các hoạt động hỗ trợ người nghèo tàn tật của Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo, Hội khuyến học… Chính đại đức Thích Quảng Lộc là người có ý tưởng xây dựng Bảo tháp Liên Hoa.
Sư Lộc cho biết: “Theo đạo Phật “sống có nhà, thác có mồ” nên chúng tôi rất quan tâm đến người quá cố. Thời gian qua, bản thân tôi đã chứng kiến và thấm thía hoàn cảnh nhiều hộ nghèo ở TP.Mỹ Tho khi qua đời không có nơi làm tang lễ, thậm chí không có chỗ an táng. Trong khi đó các dịch vụ mai táng thì giá cả “đắt đỏ”. Gần đây, khi TP.Mỹ Tho thực hiện giải tỏa mặt bằng xây dựng các khu, cụm công nghiệp hay làm các công trình chỉnh trang đô thị thì việc quy tập hài cốt luôn gặp khó khăn do không có nơi cải táng. Vì vậy tôi quyết định vận động kinh phí để xây dựng bảo tháp nhằm giải quyết vấn đề trên”.
Sau khi đưa vào hoạt động, Bảo tháp Liên Hoa sẽ phục vụ hoàn toàn miễn phí cho tất cả mọi người dân có nhu cầu không phân biệt là người sang hèn, trong đạo hay ngoại đạo. Bảo tháp Liên Hoa xây dựng không theo một mô hình tháp nào trên thế giới. Toàn bộ ý tưởng, thiết kế này đều do đại đức Thích Quảng Lộc nghĩ ra.
Đại đức Thích Quảng Lộc chia sẻ: “Khi bảo tháp hoàn thành chúng tôi sẽ thành lập đội ngũ nhân viên phục vụ người dân tại đây. Toàn bộ hài cốt sẽ được vi tính hóa, có mã vạch riêng biệt để thuận tiện cho thân nhân họ dễ dàng tìm kiếm, cúng bái. Trong tương lai, chúng tôi sẽ xây dựng hoạt động của Bảo tháp Liên Hoa theo hướng “liên hoàn”. Tức là khi người dân qua đời, nơi đây sẽ có dịch vụ mai táng. Sau khi hỏa táng xong, đưa hài cốt vào bảo tháp. Các gia đình nghèo sẽ được hỗ trợ chiếc hòm từ thiện. Tất cả những người quá cố ở địa phương nào, là người trong nước hay nước ngoài thực hiện đúng quy định có nhu cầu lưu giữ tại Bảo tháp Liên Hoa đều được giải quyết với thủ tục nhanh gọn và miễn phí hoàn toàn. Đặc biệt với đại Hồng Chung nặng 200kg đặt ở tầng 9, chúng tôi bố trí gióng chuông vào những thời khắc quan trọng trong ngày như để “báo giờ” cho người dân thành phố Mỹ Tho”.
Theo Lao động