Theo báo The Guardian, tin tức Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch lan khắp thế giới trong ngày 22-1, hàng loạt nhân vật hàng đầu từ Đông sang Tây, thuộc đủ mọi lĩnh vực từ tôn giáo, chính trị, tâm lý học, công bằng xã hội… đã bày tỏ sự cảm mến và tưởng nhớ ông.
Đức Đạt Lai Lạt Ma, thủ lĩnh tinh thần của Phật giáo Tây Tạng, ca ngợi Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã sống “một cuộc đời thật sự ý nghĩa”. Ông nói: “Tôi tin rằng cách tốt nhất để chúng ta tưởng nhớ là tiếp tục hành trình của ông ấy thúc đẩy hòa bình trên toàn thế giới”.
“Cuộc đời phi thường” của Thầy Thích Nhất Hạnh – theo cách gọi của The Guardian – đã để lại một di sản đồ sộ cho nhân loại, có những thứ nhìn thấy được, và có những thứ không thể nào đo đếm.
Ít ai biết Thiền sư có ảnh hưởng lớn trong ngành nghiên cứu tâm lý học lâm sàng. Quyển sách “Phép màu của chánh niệm” (1975) do ông viết đặt nền móng cho một phương pháp chữa bệnh trầm cảm sau này gọi là liệu pháp nhận thức dựa trên chánh niệm.
“Ông ấy đã ở đó, từ những ngày sơ khai mang chánh niệm truyền bá từ Đông sang Tây” – giáo sư Mark Williams, chuyên gia tâm lý học lâm sàng thuộc Đại học Oxford (Anh), chia sẻ.
Ông Williams lần đầu nghe khái niệm “chánh niệm” từ bà Marsha Linehan, giáo sư tâm lý học lâm sàng thuộc Đại học Washington (Mỹ). Bà Linehan kể với ông rằng luôn giữ quyển sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong túi như “cuốn Kinh thánh”.
“Tôi lần đầu gặp bà ấy vào cuối thập niên 1980, còn quyển sách đã xuất bản năm 1975, như vậy bà ấy đã đọc và chịu ảnh hưởng từ nó trong một thời gian dài. Chính những nghiên cứu và lời khuyên của bà ấy đã giúp chúng tôi tìm tòi kết hợp chánh niệm vào phương pháp chữa bệnh trầm cảm” – giáo sư Williams kể lại.
Ngày nay chánh niệm đã trở nên phổ biến trong cuộc sống hiện đại, nhưng nếu không có ảnh hưởng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, giáo sư Williams tin rằng việc thực hành chánh niệm ở phương Tây không thể đạt được như hôm nay.
Ông chia sẻ thêm: “Những gì ông ấy làm được là lan tỏa tinh hoa của trí tuệ Phật giáo, giúp mọi người trên thế giới dễ dàng tiếp cận, và xây cây cầu nối giữa thế giới hiện đại của khoa học tâm lý/hệ thống chăm sóc sức khỏe tiên tiến và kinh nghiệm thực hành cổ xưa”.
Bà Marianne Williamson, tác giả đồng thời là cựu ứng viên tổng thống Mỹ, gọi Thiền sư Thích Nhất Hạnh là “người thầy tinh thần vĩ đại, người đã giúp hàng triệu người trên thế giới hiểu sâu sắc hơn các nguyên lý của Phật giáo và ứng dụng chúng vào đời sống hằng ngày”.
“Món quà ông ấy dành cho nhân loại quá lớn lao, tôi không nghĩ nó sẽ giảm đi chút nào ngay cả khi ông không còn nữa” – bà xúc động nói.