Trang chủ Diễn đàn Chấn hưng Phật giáo Báo động đối với PGVN, phần 2: Thiếu đoàn kết nội bộ

Báo động đối với PGVN, phần 2: Thiếu đoàn kết nội bộ

164

Sự thiếu đoàn kết trong nội bộ Phật giáo dẫn tới tình trạng ly tán và suy yếu.

Khi nhìn vào những vấn đề và hiện trạng của Phật giáo ngày nay, rất nhiều người cùng có chung một nhận xét là tính đoàn kết trong nội bộ Phật giáo rất yếu. Tại sao lại có cái nghịch lý đó khi mà tư tưởng “Lục hòa” được coi là nguyên tắc cơ bản nhất trong hành xử của cộng đồng Phật giáo?

So với các tôn giáo khác, Phật giáo đã có một đặc trưng, cũng là một điểm yếu, và cũng là một thiệt thòi trong thời đại ngày nay, đó là tính tổ chức rất lỏng lẻo.

Nếu dùng một hình ảnh để ví von tính liên kết trong nội bộ Phật giáo Việt Nam thì đó là “những củ khoai tây đựng trong một bao”, có nghĩa là khi đổ ra thì mỗi củ lăn đi một nơi. Chúng ta ít nghe được những tiếng nói thống nhất từ các tổ chức đoàn thể Phật giáo.

Ngay cả khi Giáo hội đưa ra một phát biểu nào đó mang tính chính thống thì thường ai cũng hiểu đó là phát biểu của Giáo hội, chứ không phải là tiếng nói đồng thanh của toàn bộ Phật giáo Việt Nam.

Trong thời đại ngày nay, cụm từ “Liên kết để phát triển” hay câu khẩu hiệu “Đoàn kết là sức mạnh vô địch” là một triết lý mà ai cũng thấm thía, thì có nghĩa là thiếu đi sự liên kết, đoàn kết thì sẽ không có sự phát triển, và không có sức mạnh.

Những người Phật tử chúng ta mỗi lần nghĩ đến đạo Phật lại chạnh lòng vì sự phát triển yếu ớt và không có quy hoạch chung. Lâu nay có rất nhiều tiếng nói cất lên nhưng đều sau đó chìm đi và tan vào khoảng không gian vô tận. Vì chúng ta thiếu tính tổ chức nên nói lên điều gì thì ai cũng nghe, nhưng ít có ai hành động.

Một trong những nguyên nhân của sự thiếu đoàn kết trong nội bộ Phật giáo là tư tưởng địa phương chủ nghĩa. Cuối năm trước, tôi có dịp được tiếp xúc với một vị hòa thượng đức cao vọng trọng, một bậc giáo phẩm tôn kính trong Ban Trị sự Phật giáo của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, người có đóng góp rất lớn cho sự nghiệp hoằng pháp.

Tiếp xúc với Người, tôi được biết một sự thực đáng buồn là những giảng sư lớn ở miền Nam muốn ra ngoài Bắc để đóng góp vào sự nghiêp hoằng pháp thì bị một vài thầy ngoài đó, thậm chí cả một số cơ sở giáo hội địa phương tìm mọi cách ngăn cản.

Nguyên nhân sâu xa được tìm ra là họ sợ những bậc Tôn túc ấy sau khi hoằng pháp sẽ làm cho họ bị mất Phật tử. Nghe thầy tâm sự điều đó mà lòng tôi choáng váng và đau xót. Hình như việc Phật tử hiểu được Phật pháp là một nguy cơ đối với những tu sĩ này.

Họ chỉ mong Phật tử nơi mà họ có chùa không được tiếp xúc với những quý Thầy đến từ nơi khác để khỏi có sự bị so sánh, khỏi bị nhìn thấy sự yếu kém của mình. Đáng tiếc là tình trạng đang diễn ra trên mảnh đất đã từng là cái nôi của Phật giáo Việt Nam.

Một nguy cơ nữa cùng đang đe dọa đến sự tồn vong của Phật pháp, đó là chủ nghĩa cá nhân. Ai cũng hiểu người xuất gia theo Phật là con người đã quyết tâm dứt bỏ những ích kỷ hẹp hòi và ràng buộc thế gian để cống hiến trọn cuộc đời cho sự nghiệp tu hành khắc kỷ lợi sinh. Mục tiêu cao nhất của người xuất gia là ngày càng tiến đến vô ngã, không còn cái tôi, không còn cái của tôi v.v..

Tất nhiên để đạt được mục tiêu ấy thì là một hành trình dài qua nhiều kiếp sống, chứ chẳng thể nào ai đó dám khẳng định là mình sẽ nhất định đạt được mục tiêu ấy trong một kiếp này. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là tuổi đạo của người xuất gia càng cao thì cái “tôi” và cái “của tôi” sẽ càng ngày mỏng đi, ít đi và yếu đi.

Vậy mà khi nhìn vào toàn cục thì không ít người nhận ra rằng đối với một số tăng sĩ, mục đích họ theo đuổi lại là có uy danh riêng, có chùa riêng, có Phật tử riêng, v.v.. Những cái riêng này càng lớn thì cái tôi càng lớn theo, con đường đạo càng đóng lại. Song song với nó là nhu cầu bảo vệ những cái riêng đó cũng tăng trưởng. Và sự suy yếu bắt đầu từ đó.

Nếu người nào quá coi trọng uy danh thì khó tránh khỏi gây chuyện thị phi, nói hay cho mình và nói xấu cho người. Đây là nguyên nhân của sự mâu thuẫn nội bộ, đi ngược lại nguyên tắc lục hòa.

Nếu người nào nóng lòng muốn gây dựng Phật tử riêng của mình không theo cách “hữu xạ tự nhiên hương”, mà bằng những thủ thuật và mưu toan thì sẽ dẫn tới cảnh chùa này nói xấu chùa kia, thầy này nói xấu thầy kia. Những người Phật tử khi phải chứng kiến những cảnh đó đều thấy đau lòng mà không biết phải làm sao.

Rồi mong muốn xây dựng một chùa riêng cho mình sẽ dẫn tới việc phải huy động tiền của cúng dường rất nhiều của Phật tử. Nếu bản thân người tu sĩ đó uy đức chưa đủ lớn, mức độ lợi ích đem lại cho quần chúng chưa đủ tương xứng với quy mô ngôi chùa mình kêu gọi xây dựng thì đó sẽ là một gánh nặng cho quần chúng, cũng như cho chính người tu sĩ đó.

Những hiểm họa do chủ nghĩa cá nhân đem lại sẽ là không thể nào lường hết được. Nói điều này không phải con có ý đả phá Phật giáo hay làm méo mó hình ảnh của người xuất gia. Con chỉ mong sao ngày càng có nhiều chùa mọc lên trên khắp đất nước, uy đức của các vị thầy ngày càng lớn mạnh và tỏa sáng, và quần chúng Phật tử ngày càng đông đảo và rộng khắp, giáo pháp của đức Phật ngày càng thấm sâu vào đời sống thế gian.

Chỉ có điều nếu người tu sĩ gây dựng những sự nghiệp đó bằng tâm lợi tha thì đó là phúc lành vô lượng, nhưng nếu bằng tâm cá nhân ích kỷ thì đó sẽ là thảm họa cho Phật giáo.

Có một thực tế khiến chúng ta cũng cần phải nhìn nhận khách quan, đó là đời sống của các chùa dựa hoàn toàn vào sự cúng dường của tín đồ Phật tử. Nếu mất tín đồ thì nguồn sống của các chùa sẽ bị suy giảm. Đây là một vấn đề tế nhị mà rất thiết thực.

Cái thử thách của Ma vương đối với người tu cũng nằm chính ở đây. Ai vượt qua được thì thành con của Phật, ai không vượt qua được sẽ làm con của Ma. Chỉ có một con đường chân chính là trau giồi giới hạnh, tích cực hoằng dương chính pháp, ngày càng khiến cho cộng đồng dân cư xung quanh biết đạo và hiểu đạo thì người tu sĩ mới vượt qua ải một cách an toàn để bước vào ánh hào quang của chư Phật.

Nếu dùng những cách khác để kéo thêm tín đồ về chùa mình thì đều là tà, và càng đẩy Phật giáo gần hơn đến bờ vực nguy hiểm.

Nguyên nhân cuối cùng mà người viết xin trình bày ở đây là sự thiếu hiểu biết sâu sắc về thời cuộc và ý thức hành động chung sẽ biến người tu sĩ trở nên ngây thơ và dễ bị các thế lực chống đối đạo Phật ly tán.

Có lẽ chưa có một giai đoạn lịch sử nào mà những chông gai thử thách với người tu sĩ lại lớn như thời đại này. Cuộc sống, thời cuộc bên ngoài chùa thay đổi với tốc độ chóng mặt. Các tôn giáo khác thì đang ráo riết giành giật tín đồ của Phật giáo, thậm chí quyết tâm loại bỏ Phật giáo ra khỏi đời sống tâm linh của người Việt Nam.

Bản thân trong nội bộ Phật giáo đang tồn tại bao nhiêu kẽ hở của sự thiếu đoàn kết để các thế lực xấu lợi dụng chia rẽ, nếu cộng với sự “ngây thơ” của những người tu sĩ do không hiểu sâu sắc thời cuộc thì những nguy cơ tan vỡ sẽ vô cùng lớn.

Hơn lúc nào hết, Phật giáo phải thay đổi mình cho phù hợp với thời đại. Nếu chúng ta là những con thuyền nhỏ buộc chằng tạm bợ với nhau trên một biển lớn với sóng gió ngày càng dữ dội thì tất cả sẽ bị đánh cho tan tác. Đến bản thân mình còn không thể tự cứu nổi mình thì làm sao có thể cứu được chúng sinh để đưa đến bờ giác ngộ?

Đã đến lúc chúng ta cần xây dựng Phật giáo Việt Nam thành một con thuyền lớn có thể chịu được dông bão, theo sự điều khiển của một người thuyền trưởng tài ba, và lèo lái của một đội ngũ thủy thủ dũng cảm, gan dạ. Có như vậy những người hành khách mới có thể an toàn về đến bờ bên kia.

(Còn nữa)