Hội chủ làng Hà Trung (trưởng thôn) Trần Ngọc Hoạt kể: xưa để làm được ngôi chùa, những người thợ xây dựng lúc đó phải chở một lượng đá rất lớn từ nơi khác đến. Một hôm, trời bất ngờ nổi cơn bão to thổi từ biển Đông vào và ném một tảng đá thật khổng lồ vào làng Hà Trung; nhờ đó, dân làng đem bổ ra chạm khắc thành cột thành kèo rồi làm thành một ngôi chùa đá và đặt tên là chùa Bão Đông.
Như vậy, tên chùa Bão Đông có từ niên đại nào đến chưa biết, chỉ biết xuất hiện tên chùa Bình Trung vào khoảng thế kỷ XV, cư dân Đại Việt di cư vào Đàng Trong và từ khi làng Hà Trung được thành lập, dân làng sử dụng “ngôi chùa đá” làm nơi thờ Phật cho mình.
Trong suốt một thời gian dài, ngôi chùa trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa của làng. Sang đầu thế kỷ XVIII, vào năm 1703, vị Tham chính chánh đoán sự Trần Đình ân sau khi nghỉ việc nước, ông về làng và đến tu thiền tại chùa. Từ khi về ở chùa, ông cho sửa sang chùa, đúc khánh và đồ tự khí trong chùa rồi đổi tên thành chùa Bình Trung mà di vật làm chứng là “Bình Trung quán khánh” rất đẹp hiện còn trưng bày tại chùa Thiên Mụ, Huế.
Qua thực tế, chúng tôi thấy hiện trạng Bão Đông cổ tự đã không còn mà chùa Bình Trung xưa cũng chỉ là một phế tích. Một hệ thống cột kèo làm bằng đá tương đối lớn sắp thành khối ngay trước nhà bia có nhiều hình dáng to nhỏ, ngắn dài khác nhau mọc đầy rêu phong và cỏ dại che phủ. Trên nền đất cây cối um tùm, xuất lộ những nền móng bằng đá xanh có chạm khắc hoa văn hoa lá cành đường nét còn rất tinh xảo.
Trong khuôn viên nền có diện tích khoảng 120m2 có 2 trụ đá cao khoảng 3m, một trụ có khắc chữ ba mặt theo mẫu tự Chàm cổ (chữ Phạn) đã bị thời gian làm mờ đi rất nhiều; một trụ khác phía trên dầu và bên thân có lỗ sâu hình chữ nhật và hình vuông, đây là dấu hiệu của những điểm khớp mộng giữa cột và kèo. Nhiều viên đá tán cột có hình tròn nằm rải rác bốn góc khuôn viên di tích.
Một nhà bia bên trong có dựng bia cổ bằng đá xanh. Từ trên xuống, đầu bia có chạm khắc hồi văn lá giữa là hình mặt trời và vờn mây; tiếp đến là 4 chữ Hán trong vòng tròn “tứ công thần bi”. Thân bia có 2 lớp hồi văn bút mây và hoa thị, chân bia cũng có có 2 lớp hồi văn hoa sen và sóng nước. Lòng bia khắc toàn văn chữ Hán bài tự và bài thơ của chúa Nguyễn Phước Châu ban tặng cho Trần Đình n khi ông cáo quan về tu thiền tại chùa này. Rùa đội chân và mai có khắc vảy rất đẹp, đầu rùa đã bị vôi hóa, mục rữa dần.
Được biết, trong số những di tích lịch sử văn hóa Phật giáo tồn tại trên đất Quảng Trị, chùa Bão Đông nổi trội về mặt nghệ thuật kiến trúc bằng đá cũng như giá trị về văn hóa lịch sử giúp ích rất nhiều cho giới khảo cứu văn hóa Phật giáo.
Có thể nói, Bão Đông cổ tự của dân tộc Chăm và chùa Bình Trung xưa của người Việt vừa mang tính chất tôn giáo đa sắc tộc vừa mang tính di sản văn hóa quốc gia, đồng thời là nơi ghi dấu ấn một con người trung tín của dân tộc vậy. Hiện trạng những di vật quý – những di chỉ cuối cùng của ngôi chùa cổ – chất đống tại khuôn viên chùa hoang đang rất cần được bảo vệ.