Trang chủ PGVN GHPGVN Báo cáo thành quả 25 năm hoạt động của Giáo hội Phật...

Báo cáo thành quả 25 năm hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (Phần II)

211

7. Từ thiện xã hội:

Đã hoạt động tích cực và có hiệu quả cao. Hiện nay trong toàn quốc có trên dưới 25 Tuệ Tĩnh Đường, 655 phòng thuốc chẩn trị Y học dân tộc, đã hoạt động một cách có hiệu quả, khám và phát thuốc trị giá trên 23 tỷ đồng; Chương trình phát triển hệ thống Tuệ Tĩnh Đường đang mở rộng mạng lưới xuống các Quận, Huyện trong cả nước.



Trong phạm vi cả nước hiện có 165 lớp học tình thương và có 16 cơ sở nuôi dạy trẻ mẫu giáo bán trú, nhà nuôi trẻ em mồ côi, khuyết tật. Cả nước hiện có khoảng 6.467 em theo học các lớp học tình thương này, tuy nhiên lực lượng Giáo viên chuyên môn do Tăng Ni Phật tử đảm trách còn hạn chế. Để giải quyết sự khó khăn này, Ban Từ Thiện xã hội Trung ương đã tổ chức khóa Bồi dưỡng nuôi dạy trẻ cho 92 Tăng Ni, Phật Tử học viên. Ban cũng phối hợp với trường Đào tạo Cán bộ Y tế Trung cấp của Tp.Hồ Chí Minh mở lớp bồi dường cán bộ y tế sơ cấp thời gian học là 01 năm cho 250 Tăng Ni, Phật tử cả nước theo học và đào tạo được 98 Lương y Tuệ Tĩnh Đường để tăng cường hiệu năng hoạt động về y tế và từ thiện xã hội, nhằm góp phần chia sẻ gánh nặng cho xã hội và nhân dân trên tinh thần từ bi, trí tuệ của Đạo Phật.



Bằng tinh thần từ bi cứu khổ của Đạo Phật và đạo lý của dân tộc Việt Nam “Lá lành đùm lá rách một miếng khi đói bằng một gói khi no”, Ban Trị sự các Tỉnh, Thành hội Phật giáo, Tăng Ni Phật tử cả nước, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Giáo hội, đã nỗ lực vận động tài chính, phẩm vật, cứu trợ đồng bào bị lũ lụt tàn phá thuộc các tỉnh miền Bắc, miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long, thăm và tặng quà cho đồng bào dân tộc, các tỉnh Tây Nguyên.



Đặc biệt, với tinh thần từ bi cứu khổ của Đạo Phật và thực hiện thông bạch 003/TB/HĐTS ngày 04/01/2005 của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Ban Từ thiện Xã hội Trung ương đã kêu gọi chư tôn đức Tăng Ni và quý mạnh thường quân, ân nhân Phật tử trong và ngoài nước phát đại bi tâm, đóng góp tịnh tài để cứu trợ những nạn nhân vùng Nam á đã bị cơn động đất gây nên sóng thần tàn phá.



Ngoài ra Tăng Ni Phật tử cả nước đã nhiệt liệt hưởng ứng các phong trào ích nước lợi dân, đền ơn đáp nghĩa, ủng hộ nhân dân Cu Ba anh em, ủng hộ nạn nhân nhiễm độc Tréc Nô bơn – Liên Xô cũ (nay là Liên Bang Nga), xây dựng nhà tình nghĩa, xây dựng ủng hộ tuyến đầu tổ quốc, chiến sĩ biên phòng hải đảo, thăm viếng ủy lạo thương bịnh binh và bịnh nhân nghèo khó tại các bệnh viện, trại tâm thần, nhà dường lão v.v… nhất là chương trình tư vấn chữa trị cho những bịnh nhân nhiễm HIV/AIDS có hiệu quả bước đầu, chi phí hàng tỷ đồng.



Trong 25 năm qua, công tác từ thiện xã hội của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thực hiện trên 400 tỷ đồng, trong đó Tp. Hồ Chí Minh chiếm 315 tỷ đồng và hàng chục ngàn ký gạo, hàng ngàn chiếc xuồng, hàng chục ngàn tấn quần áo, thuốc men v.v…

8. Kinh tế Tài chính:

Đối với vấn đề Kinh tế tài chính, từ buổi đầu, Trung ương Giáo hội đã quan tâm thiết lập chương trình, hoạt động cụ thể vào một số hạng mục, chương trình kinh tế nhằm tạo nguồn tài chính cho Giáo hội. Ngoài số công đức phí do các Tỉnh – Thành hội Phật giáo cúng dường hằng năm trên 300 triệu đồng. Từ nhiệm kỳ I, Giáo hội đã thành lập xí nghiệp 711, khai thác 21 héc ta rừng bạch đàn (Lâm Đồng), Trung tâm Tin học Ngoại ngữ Quảng Đức, phòng phát hành văn hóa phẩm Phật giáo, Công ty Cổ phần Thiện Tài v.v… Tuy nhiên, do điều kiện khách quan, cũng như hiệu quả không khả quan của một số hoạt động nêu trên, nên đã tự giải thể, chỉ còn Công ty Cổ phần Thiện Tài đang hoạt động có hiệu quả bước đầu và một vài dự án khác như xây lò Hỏa táng, thành lập Công ty In ấn phát hành Văn hóa Phật giáo v.v… đang triển khai thực hiện.

9. Phật giáo Quốc tế:

Trước sự mở cửa và bang giao rộng rãi của Nhà nước ta và chủ trương đoàn kết, hữu nghị với các tổ chức Phật giáo trên Thế giới là thuận duyên tất yếu để công tác hoạt động Phật giáo quốc tế của Giáo hội đạt được nhiều kết quả tốt đẹp kể từ ngày thành lập.
Năm 1982:
– Tham dự Hội nghị Phật giáo Châu Á Vì Hòa Bình tại Mông Cổ.
– Tham dự Hội nghị những nhà lãnh đạo tôn giáo chống chiến tranh hạt nhân
Năm 1983:
– Tham dự hội nghị vì hòa bình và sự sống, chống chiến tranh hạt nhân tại Tiệp Khắc
Năm 1984:
– Tham dự hội nghị bàn tròn tại New Delhi tại Ấn Độ.
– Dự hội nghị Đạo Phật Và văn hóa dân tộc tại Ấn Độ.
– Dự hội nghị bàn tròn quốc tế về vũ trụ không có vũ khí hạt nhân tại Liên Xô
Năm 1985:
– Dự hội nghị “Những nguy hiểm mới cho sự sống thiêng liêng và trách nhiệm của chúng ta” tại Liên Xô.
Năm 1986:
– Tham dự hội nghị về nghèo đói, chạy đua vũ trang, trật tự đạo đức mới tại Liên Xô
Năm 1987:
– Dự Hội nghị về Những nguyên tắc và một nền an ninh chung và giá trị trật tự tinh thần và đạo đức tại Liên Xô.
Năm 1988:
– Dự Hội nghị hòa bình và an ninh khu vực Thái Bình Dương tại Liên Xô.
– Dự hội nghị cầu nguyện hòa bình tại Ý do “Tổ chức con người và Tôn giáo” tổ chức.
– Dự Hội nghị Tin Lành Châu Á tại Ấn Độ
Năm 1989:
– Dự đại hội Phật giáo Lào tại Viên Chăng.
– Dự Hội nghị Tôn giáo và Hòa bình tại Úc.
Năm 1990: Dự hội nghị Tôn giáo thế giới tại Ý.
Năm 1991: Dự hội nghị sự lãnh đạo của Phật giáo và hòa bình tại Nam Hàn.
Năm 1992: Cùng Phật giáo Nhật bản hợp tác thành lập ủy ban hành động Phật tử Kyoto Nhật Bản – Việt Nam.
Năm 1993: Cùng ABCP tổ chức hội nghị giải trừ quân bị lần thứ V tại Hà Nội – Việt
Nam.
Năm 1994: Dự hội nghị Phật Quang Sơn tại
Canada.
Năm 1995: Thăm hữu nghị Hội Phật giáo Đồng Tu – Đài Bắc, Đài Loan.
Năm 1996: Dự hội nghị Phật Quang Sơn tại Pháp.
Năm 1997:
– Dự Hội nghị vì hòa bình thế giới thông qua Phật giáo do Hội Phật tử Như Lai Tối Thượng tổ chức tại Tích Lan.
– Dự Hội nghị tìm một nền đạo đức môi sinh do Phật giáo Vương quốc Campuchia tổ chức tại Phnom-pênh.
– Thăm hữu nghị và liên kết với Đại học Phật giáo Mahachulalongkonra- Thái Lan.
Năm 1998:
– Dự hội nghị truyền bá Phật giáo lần thứ I tại Nhật Bản.
– Dự hội nghị Văn hóa Phật giáo hội nhập vào các văn hóa dân tộc tại Đức.
– Dự hội nghị giải trình Bức Thông điệp Vĩnh hằng của Đức Phật ở Tích Lan.
Năm 1999: Thăm hữu nghị Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc và thiết lập mối quan hệ giữa Phật giáo hai nước.
Năm 2000:
– Dự hội nghị các nhà lãnh đạo tôn giáo và tinh thần xưa nhất thế giới đầu thiên niên kỷ tại
New York – Hoa Kỳ do Liên Hiệp Quốc tổ chức.
– Tham dự hội nghị Thượng đỉnh Truyền bá Phật giáo lần thứ 2 tại Thái Lan.
Năm 2001:
– Dự hội nghị những nhà lãnh đạo tôn giáo trong khu vực Châu Á tại Tân Gia Ba.
– Dự hội thảo về Giáo dục Tăng Ni trong thế kỷ 21 tại Trung Quốc.
Năm 2002:
– Thăm và làm việc với các nhà lãnh đạo Tôn giáo theo thư mời của Tổng hội các Nhà thờ và xã hội Mỹ thuộc nhà thờ Giám Lý thống nhất Mỹ.
– Thăm hữu nghị Phật giáo Nhật Bản.
– Dự hội nghị Tôn giáo Châu Á tại Indonesia.
– Tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Thế giới lần thứ III tại Vương Quốc Campuchia.
Năm 2003:
– Tham dự Đại hội X Phật giáo Châu Á vì Hòa bình tại Vientaine – Lào.
– Tham dự Hội nghị Tư vấn Liên Tôn giáo Khu vực Châu Á Thái Bình Dương với chủ đề: Tìm kiếm nền Công lý Hòa bình và phát triển bền vững, tại
Indonesia.
– Thăm, giúp đỡ Hội Phật tử Việt Nam tại Pháp và Thiền Viện Trúc Lâm – Paris
– Tham dự diễn đàn các nước Châu Á tại Calcutta – Ấn Độ.
Năm 2004:
– Dự Lễ phát bằng Tốt nghiệp M.A của Trường Đại học Phật giáo Hanazobu tại Tokyo – Nhật Bản.
– Thăm và làm việc với Hội Phật tử Việt Nam tại Pháp và Thiền Viện Trúc Lâm- Paris.
– Dự Hội thảo Phật giáo Thế giới tại Đài Loan, do Hội Phật Quang Sơn tổ chức.
– Tham dự Diễn đàn Châu á (Asem V) tại Hà Nội.
– Tham dự Lễ Khánh thành Bảo tháp HT. Thích Thiện Châu tại Thiền Viện Trúc Lâm – Paris, Pháp.
– Tham dự Hội nghị Phật giáo Châu Á vì Hòa bình tại Mông Cổ và Liên Bang Nga.
– Tham dự Lễ công nhận Bồ Đề Đạo tràng là Di sản Văn hóa thế giới do cơ quan Unessco tổ chức và tham dự Hội thảo Du lịch Tâm linh tại Ấn Độ.
– Tham dự Lễ thụ phong lần thứ 64 Phái Ramma Nikoya tại Srilanka.
Năm 2005:
– Tham dự Lễ cầu nguyện Hòa bình tại Osaka – Nhật Bản.
– Tham dự Diễn đàn quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ tại Trung Tâm Hội nghị Quốc tế – Hà Nội.
– Tham dự Hội thảo Đại lễ Phật đản PL.2550 tại Thái Lan.
– Thăm Hội Phật tử Việt
Nam tại Pháp và Thiền Viện Trúc Lâm – Paris, Pháp.
– Thăm hữu nghị Phật giáo Vương Quốc Campuchia và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
– Dự Hội nghị Thượng đỉnh phật giáo Thế giới lần thứ IV tại Thái Lan.
– Dự lễ Khánh thành chùa Việt Nam Phật Quốc tại Népal.
Năm 2006:
– Tham dự Đại hội Phật giáo Thế giới lần thứ I tại Triết Giang – Trung Quốc.
– Thăm Hội Phật tử Việt
Nam tại Pháp và Thiền Viện Trúc Lâm – Paris – Pháp.
– Tham dự Đại lễ Phật đản PL. 2550 tại Thái Lan do Cơ quan Unessco, Phật giáo Thái Lan và Trường Đại học Maha Chalalongkorn tổ chức.
– Tham dự đại hội Tổ chức Sakyadhita (Con gái dòng họ Thích Ca) lần thứ 9 tồ chức tại
Malaysia.
– Tham dự Diễn đàn Hợp tác Hữu nghị giữa Việt
Nam – Campuchia tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Qua đó Giáo hội đã liên kết thân hữu với các nước Phật giáo: Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Triều Tiên, Mông Cổ, Tích Lan, Ấn Độ, Nhật Bản, Pháp, Trung Quốc, Đài Loan và một số nước Châu Âu, Tây âu v.v… Chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội và Ban Phật giáo Quốc tế đã đón tiếp hàng trăm phái đoàn, cá nhân khách quốc tế đến thăm hữu nghị Việt Nam và Giáo hội tại trụ sở TW Giáo hội ở Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh đạt được kết quả tốt đẹp.



Nhìn chung, công tác Phật giáo giao lưu quốc tế trong thời gian qua đã đều đặn tăng cường số lượng và chất lượng, đạt những thành quả rất khả quan. Với nhận thức đúng đắn, tư duy, hành động thiết thực trong tinh thần đoàn kết, hợp tác hữu nghị với các nước Phật giáo bạn, công tác Phật giáo quốc tế đã từng bước vượt qua các khó khăn trở ngại, hoàn thành nhiệm vụ được Giáo hội giao phó. Đây chính là những thành tựu tốt đẹp về công tác quan hệ quốc tế, góp phần tạo uy tín và sự hiểu biết nhiều hơn nữa cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong nước và thế giới.

10. Nghiên cứu Phật học:

Thực hiện chương trình hoạt động của Viện và Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, từ năm 1989, Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội đã xuất bản Tạp chí nghiên cứu Phật học, qua 16 năm hoạt động đã xuất bản hơn 96 số, đáp ứng phần nào nhu cầu độc giả Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước. Đồng thời, Viện và Phân viện Nghiên cứu Phật học đã tổ chức các cuộc hội thảo chuyên đề về Phật học, văn hóa, đạo đức giáo dục Phật giáo đạt kết quả tốt đẹp và phong phú, tham dự kỷ niệm 700 hình thành phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử và vai trò của Trúc Lâm Yên Tử trong sự phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói riêng và dân tộc nói chung. Hội thảo Thiền uyển Tập Anh, Bồ tát Quảng Đức, Sư Thiện Chiếu, Phật giáo ‘thời đại mới cơ hội và thách thức”, Thiền sư Trần Thái Tôn – Phật giáo đời Trần, Hòa thượng Trí Hải và những phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam, về đạo đức Phật giáo, Giáo dục Phật giáo trong thời đại mới, Phật giáo hội nhập và văn hóa dân tộc, Thiền Phật giáo đời Trần, về Tôn giáo tính do Đại học Khoa học xã hội và nhân văn tổ chức. Dự hội thảo, hội nghị Quốc tế tại các nước như: Ấn Độ, Thái Lan, Srilanka, Trung Quốc, Đức, Đài Loan v.v…

* In ấn, dịch thuật:

Về công tác in ấn Đại Tạng Kinh Việt Nam đã hoàn tất 5 bộ Nikaya, 4 Bộ A Hàm và một số Kinh thuộc Tiểu Bộ. Tổng cộng 33 tập, trên dưới khoảng 200 ngàn trang, và đang hiệu đính các Bộ Đại Thừa thuộc Hán Tạng, tái bản các đầu sách liên hệ.



Đồng thời đã in và phát hành các đầu sách như: Luận Đại Trí độ, Luận Câu Xá, Thành Duy Thức, Luận Nhân Minh, Đại cương Giới luật, Thanh tịnh đạo luận, Luật tăng kỳ, Luật tứ phần. Tâm và Đạo, Lão học giảng theo Phật giáo, Thiền Nguyên thủy và Thiền Phát triển, Thắng pháp tập yếu, Pháp hoa huyền tán, Chân đạo chính thống, Toàn Nhật Quang Đài, Đại Ma Tổ Sư Luận, Triết học Thế Thân, Văn học Phật giáo Tổng Luận, Việt Nam Phật giáo toàn tập, Những phát biểu mới về Bồ tát Quảng Đức, Mâu Tử Lý hoặc Luận, Trần Thái Tôn toàn tập, Lục độ tập, Đạo đức Phật giáo, Giáo dục Phật giáo, Kinh Pháp cú, Tịnh độ Tam kinh, Kỷ yếu Bồ tát Quảng Đức, Đức Phật của chúng ta, Hương Hải toàn tập, Chân Nguyên toàn tập, Phật học Khái luận, Kinh Pháp Hoa, Di Đà, Kim Cang yếu lược v.v…



Đối với các Thư viện tại Học viện Phật giáo và Viện Nghiên cứu Phật học tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh cũng như một số Tỉnh Thành, luôn luôn phát triển đồng bộ và nâng cao về một số đầu sách hiện hữu. Có trên dưới 15 bộ Đại Tạng bằng các ngoại ngữ khác nhau cũng như hàng chục ngàn đầu sách có giá trị trên các lĩnh vực nghiên cứu, học tập và đọc tụng đáp ứng yêu cầu của Tăng Ni, Phật tử đồng bào các giới.

11. Công tác xây dựng phát triển và bảo vệ tổ quốc:

Giáo hội luôn nỗ lực phát huy tinh thần phụng đạo yêu nước, thiết thân cùng xã hội hiện hữu trong lòng dân tộc, quyết tâm giữ vững tinh thần độc lập dân tộc, đúng theo ý nghĩa phụng sự chúng sanh tức là cúng dường chư Phật, trang nghiêm cho thế gian tức là trang nghiêm Tịnh độ chư Phật tại thế gian. Với tư cách là thành viên trong khối Đại đoàn kết toàn dân, Giáo hội Phật giáo Vlệt Nam, Tăng Ni, Phật tử Việt Nam luôn luôn gắn liền với dân tộc trong mọi hoạt động xã hội, thực hiện đúng phương châm: “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”. Các Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo trong toàn quốc đã thường xuyên động viên Tăng Ni, Phật tử tại địa phương hoàn thành tất các phong trào ích nước lợi dân, bảo vệ tổ quốc, bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn hóa văn minh trên địa bàn dân cư, góp ý xây dựng chính quyền vững mạnh, góp ý báo cáo chính trị của Đảng ở Trung ương và địa phương, tham gia ứng cử Đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, Mặt trận tổ quốc các cấp từ Trung ương đến địa phương và nhiều đoàn thể xã hội khác. Qua đó đã xuất hiện những tấm gương Người tốt việc tốt của Tăng Ni Phật tử trong cả nước, được Nhà nước tặng thưởng các Huân chương cao quý: HT. Thích Đức Nhuận, HT. Thích Thiện Hào, HT. Thích Thế Long, HT. Thích Minh Nguyệt, HT. Thích Tâm An, HT. Thích Tâm Tịch, HT. Thích Trí Tịnh, HT. THích Minh Châu, HT. Thích Thiện Siêu, HT. Thích Tâm Thông, HT. Thích Thuận Đức, HT. Thích Giải An, HT. Kim Cương Tử, HT. Thích Định Quang, HT. Thích Thanh Tứ, HT. Thích Hiển Pháp, HT. Thích Huệ Thành, TT. Thích Tôn Thật, TT. Thích Thiện Chiếu. TT. Thích Minh Thiện, TT. Thích Huệ Thông, NT. Thích Nữ Huỳnh Liên, NT. Thích Nữ Ngoạt Liên, Ni trưởng Đàm Nhượng, Ni trưởng Đàm Để, Ni sư chùa Đức Sơn – Huế, NS Diệu Nghĩa – Bình Dương, Ban Biên Tập báo Giác Ngộ, Chùa Kỳ Quang II và nhiều phần thưởng cao quý khác của Bộ ngành, Ủy ban Nhân dân các cấp trao tặng chư Tăng Ni, Phật tử tại các địa phương.

III. KẾT LUẬN:

Giáo hội Phật giáo Việt Nam qua 25 năm thành lập và phát triển, với tinh thần đoàn kết hòa hợp của Tăng Ni Phật tử Việt Nam đã góp phần xây dựng và tăng cường các mục tiêu tôn chỉ đúng đắn mà GHPGVN đã đề ra trong Hiến chương Giáo hội kể từ ngày thành lập. Những thành quả đạt được trong thời gian qua là do sự chung tay, góp sức nhất tâm đoàn kết của Tăng Ni Phật tử không phân biệt tổ chức, hệ phái. Thực tế hiện nay là bộ máy lãnh đạo thống nhất Phật giáo được thành lập cách nay 25 năm đã tự hoàn thiện, củng cố và mở rộng nhân sự để thể hiện trọn vẹn các nguyên tắc thống nhất đã đề ra. Chính vì thế những thành quả mà Giáo hội đạt được đã khắng định một ưu điểm lớn, quyết định sự phát triển của GHPGVN.



Hơn nữa truyền thống yêu nước, gắn bó với nhân dân, Tăng Ni cũng như Phật tử đã tiếp nối truyền thống của các bậc tiền bối, Tổ sư, một lòng một dạ tích cực tham gia vào sự nghiệp bảo vệ xây dựng tổ quốc thân yêu. Trong mọi lãnh vực của đời sống, chính trị, kinh tế, giáo dục, văn hóa xã hội, quốc phòng… đều có bóng dáng của Tăng Ni, Phật tử, trong số đó không hiếm những cống hiến xuất sắc cho tổ quốc nhân dân, rất xứng đáng với truyền thống hộ quốc an dân của các bậc tiền bối trong chiều dài lịch sử 2000 năm của Phật giáo Việt Nam.



Mặt khác tinh thần “Khế lý, Khế cơ” của Giáo lý Đức Phật cũng là một trong những yếu tố quan trọng hướng dẫn chúng ta trong sự thành lập và điều hành công tác Phật sự của Giáo hội. Tinh thần “Khế lý” đã giúp Giáo hội chúng ta nắm vững chân lý, quy luật muôn đời của vũ trụ và nhân sinh. Tinh thần “Khế cơ, khế thời, khế xứ” giúp Giáo hội chúng ta biết vận dụng chân lý ấy cho thích hợp với tâm lý, căn cơ, hoàn cảnh thời đại và sự phát triển của đất nước Việt Nam cùng hội nhập vào cộng đồng thế giới.

Tiếp nối tinh thần đoàn kết hòa hợp trong lòng dân tộc và sự lãnh đạo sáng suốt có kỷ cương của Giáo hội, cùng sự tích cực phục vụ Đạo pháp của tất cả Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước, cũng như sự hỗ trợ chân tình của các cơ quan chức năng lãnh đạo Trung ương, Tỉnh, Thành và địa phương. Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục phát huy những thành quả, các tiền đề đã đạt được và thực hiện hữu hiệu lý tưởng bảo vệ Đạo pháp và Dân tộc, kết thành những bông hoa tươi thắm trong tinh thần đoàn kết hòa hợp của người con Phật, để chào mừng Đại hội Phật giáo các Tỉnh – Thành và Đại hội Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ VI của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhiệm kỳ của thế kỷ 21, thế kỷ của hòa bình, thịnh vượng và phát triển toàn cầu.

Ban Thường trực Hội đồng Trị sự
Giáo hội Phật giáo Việt
Nam