Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Ban văn hóa Trung ương tiếp tục khảo sát kiến trúc các...

Ban văn hóa Trung ương tiếp tục khảo sát kiến trúc các ngội chùa tiêu biêu tại tỉnh Thái Bình, Nam Định

157

PTVN – Ngày 21/12, Đoàn công tác Ban văn hóa Trung ương tiếp tục khảo sát kiến trúc các ngội chùa tiêu biêu tại tỉnh Thái Bình, Nam Định.


Tại Thái Bình, HT Thích Thanh Hoà – Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Thái Bình cùng Chư Tôn đức Tăng Ni huyện Vũ Thư, sư thầy trụ trì chùa Keo – Đại đức Thích Thanh Quang, chính quyền các cấp huyện Vũ Thư, và bà con Phật tử xã Duy Nhất  thân mật tiếp đoàn.

Tại đây đoàn đã được cung cấp rất nhiều thông tin về lịch sử hình thành và pháp triển của chùa Keo.

Tiếp đến, đoàn đã đến thăm một số chùa nổi bậc tại  Nam Định:  (1) Chùa Đại Bi thuộc thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, cách thành phố Nam Định 10 km theo đường 55. Chùa là một địa điểm di tích hiếm hoi vùng hạ lưu châu thổ sông Hồng, thờ Thánh Từ Đạo Hạnh; (2) Chùa Cổ Lễ (tên gọi là Thần Quang tự) nằm sát QL21A, thuộc thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Chùa là một quần thể kiến trúc đạo Phật và tín ngưỡng Việt Nam mang sự kết hợp kiến trúc cổ truyền Việt Nam với kiến trúc gothic Châu Âu. Đây là ngôi chùa có quả chuông lớn nhất Việt Nam.

Chiều cùng ngày, HT Thích Thọ Lạc – Trưởng Ban VHTWGHPGVN, Trưởng đoàn công tác cùng Chư tôn đức và các nhà khoa học đã có cuộc trao đổi công việc với Chư tôn Thiền đức Tăng Ni tại Trung tâm, trao tặng Pháp bảo .v.v….

HT Thích Quảng Hà – Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Nam Định đã trò chuyện cùng Chư tôn đức, đáp từ Chư Tôn đức Tăng Ni cùng các thành viên đoàn công tác đã và đang triển khai hiệu quả 4 đề án lớn mà Trung ương Giáo hội đã giao Ban Văn hoá thực hiện, trong đó, 2 đề án về ngôn ngữ và Pháp phục đang triển khai rộng, đề án kiến trúc Phật giáo đang tiếp tục được triển khai.

___________________________

 Thông tin thu thập tại thực địa trong chuyến khảo sát ngày 22/12

Chùa Keo (tên chữ là Thần Quang tự)

Chùa Keo là một trong những ngôi chùa cổ ở Việt Nam được bảo tồn hầu như nguyên vẹn kiến trúc 400 năm tuổi. Chùa toạ lạc tại thôn Dũng Nhuệ, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Theo Sử ghi lại: Năm 1061, thời vua Lý Thánh Tông, thiền sư Không Lộ đã dựng nên chùa Nghiêm Quang – tiền thân của chùa Keo ngày nay.

Ngoại trừ giống như nhiều ngôi chùa miền Bắc, đồng thời thờ Phật là thờ thánh, thờ mẫu v.v… thì chùa Keo Thái Bình còn thờ Thánh Dương Không Lộ và những người có công dựng xây chùa. Sau 19 năm chuẩn bị, 28 tháng thi công, đến tháng 11 năm Nhâm Thân (1632), chùa Keo được tái tạo nguyên vẹn. Toàn cảnh chùa Keo xây dựng thời đó gồm 21 công trình với 157 gian trên khu đất rộng 58.000m2. Gần 400 năm tồn tại, qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo, chùa Keo vẫn giữ nguyên bản sắc kiến trúc độc đáo có từ thời Lê Trung Hưng – thế kỷ XVII.

Hiện kiến trúc của chùa Keo gồm 17 công trình với 128 gian trên diện tích 2022m2. Quần thể kiến trúc chùa Keo xây theo kiểu “nội công ngoại quốc” đăng đối chặt chẽ. Tam quan ngoại và tam quan nội chùa Keo được bố cục theo kiểu chữ “công” gồm tiền đường, toà giá roi và thượng điện. Tiền đường 5 gian với các pho tượng Hộ Pháp, Khuyến Thiện, Trừ Ác, tượng Đức Ông, Thập Điện Diêm Vương. Thượng điện thờ 3 pho Tam thế và Bộ Tam Thánh. Chùa Keo còn lưu giữ rất nhiều di sản quý giá như gác chuông, 2 quả chuông và khánh đá… Tất cả cần phải được gìn giữ cẩn thận làm những pháp khí tâm linh và nghiên cứu của quốc gia.

Chùa Đại Bi

Chùa được xây dựng theo hướng nam, là công trình kiến trúc đẹp của miền đất này. Theo sử sách ghi lại, chùa được xây dựng thời vua Lý Nhân Tông (1072 – 1127). Kiến trúc chùa độc đáo, tam quan nằm về hướng đông. Mặc dù trải qua nhiều lần trùng tu, chùa vẫn giữ được kiến trúc của thời hậu Lê (thế kỷ XVII – XVIII).

 

Chùa Cổ Lễ

Chùa Cổ Lễ (tên gọi là Thần Quang tự) nằm sát QL21A, thuộc thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, chùa là một quần thể kiến trúc đạo Phật và tín ngưỡng Việt Nam mang sự kết hợp kiến trúc cổ truyền Việt Nam với kiến trúc gothic Châu Âu.

Chùa Cổ Lễ được xây lại vào năm 1902, hiện thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam quản lý. Chùa được khởi lập thời vua Lý Thần Tông, người sáng lập là Quốc sư Nguyễn Minh Không. Là ngôi chùa thờ Phật nhưng mang dáng dấp một thánh đường Thiên Chúa giáo.

Trước chùa là ngôi tháp Cửu Phẩm Liên Hoa cao 32 m, có 8 mặt, dựng năm 1927. Đế tháp đặt trên lưng rùa lớn, đầu quay vào chùa. Rùa nằm giữa một hồ nước hình vuông, 4 góc là 4 hòn núi giả, có đắp 4 con voi to như voi thật.

Trong lòng tháp có cầu thang 98 bậc xoắn ốc đến đỉnh. Nhờ sự kết hợp tinh hoa kiến trúc cổ truyền VN với các phong cách kiến trúc phương tây, chùa Cổ Lễ là danh lam có giá trị ở vùng đồng bằng sông Hồng.

Đây là ngôi chùa có quả chuông lớn nhất Việt Nam. Cố HT. Thích Chính Long (HT. Thích Thế Long) đời 46 dòng Tào Động, Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự, Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCNVN cho đúc Đại hồng chung này.

Thiền viện Trúc Lâm Thiên Trường

Thiền viện Trúc Lâm Thiên Trường (tên gọi khác là Trung tâm Phật giáo Trúc Lâm Thiên Trường, Nam Định) toạ lạc tại phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, gần QL.10 thuận tiện giao thông.

Trung tâm được xây dựng năm 2006 có diện tích 34.000m2. Nơi đây được đặt là Văn phòng trụ sở của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Nam Định; Đồng thời, nhiều công trình có giá trị tâm linh đã được xây dựng tạo nên bức tranh tổng quan về một khu tu hành, chiêm bái thu hút khách thập phương tìm về cửa thiền.

Chùa Tháp Phổ Minh

Chùa Tháp Phổ Minh thuộc thôn Tức Mặc, xã Lộc Vương, ngoại thành Nam Định. Chùa được xây dựng dưới triều Trần, niên hiệu Thiệu Long thứ năm (1262), ở phía tây cung điện Trung Quang, nơi các thái thượng hoàng nhà Trần sau khi nhường ngôi cho con về ở.

Chùa có quy mô bề thế, là nơi tu hành của vua quan nhà Trần. Chùa là đại danh lam của nước Đại Việt. Đây là một trong những nơi tu hành của Vua Trần Nhân Tông (1279-1293) cùng với sư Pháp Loa và Huyền Quang. Vua Trần Nhân Tông đã sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm được gọi là Trúc Lâm Tam Tổ một dòng thiền của Phật giáo Việt Nam thế kỷ XIII, XIV và Ngài là đệ nhất tổ. Sau khi Kim Thân – Trần Nhân Tông viên tịch, vua nối ngôi là Trần Anh Tông đã sai làm cổ kiệu bát cống bằng đá, đặt 7 trong 21 viên xá lị của vua cha và xây tòa tháp bên trên.

Tháp Phổ Minh là công trình kiến trúc cùng thời đó, có 14 tầng, cao 19,5 m, hai tầng dưới xây bằng đá có chạm khắc hoa lá tinh xảo, 12 tầng trên xây bằng gạch bắt mạch để trần, mỗi đầu viên gạch có dòng chữ “Hưng Long thập tam niên” (1305) và khắc họa con rồng nổi thời Trần. Xưa kia, ba tầng trên cùng xây bằng đồng, đặt 1 chum đồng và có nhiều di vật cổ, nổi tiếng là vạc Phổ Minh, một trong tứ đại khí của đất nước Đại Việt thế kỷ XIII, XIV, nặng tới ngàn quân, đặt trước tháp cổ… ngày nay đều không còn. Trong thượng điện có tượng Trần Nhân Tông Niết bàn là 1 tác phẩm có giá trị cao về mỹ thuật, sử học và tư tưởng…

Chùa Phổ Minh đã được tu sửa nhiều lần, vẫn giữ được những di vật văn hóa đậm sắc, góp phần nghiên cứu kinh tế xã hội nước ta dưới triều Trần. Cùng với đền Thiên Trường (nơi thờ các hoàng đế nhà Trần) và điện Cố Trạch (thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn) tạo thành khu di tích thời trần ở quê hương Tức Mặc, thu hút khách hành hương từ nhiều thế kỷ nay. Ngày 28-04-1962, Bộ VHTT đã ra quyết định công nhận Chùa và Tháp Phổ Minh là di tích lịch sử Văn hoá Quốc gia.

 

Sau hành trình 5 ngày thực hiện chuyến công tác, đoàn khảo sát Kiến trúc Phật giáo Bắc bộ đang tiếp tục hoàn thành các đề mục công việc, các công tác chuẩn bị, đề xuất các vấn đề cần thiết để tiến tới phục vụ Hội thảo về Kiến trúc Phật giáo trong tháng 4.2023 đạt hiệu quả./.

Tổ Truyền thông BVHTW