Trang chủ Bài nổi bật Ban Văn hoá Trung ương GHPGVN khảo cứu các chùa tiêu biểu...

Ban Văn hoá Trung ương GHPGVN khảo cứu các chùa tiêu biểu tại tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương

363
Hoà thượng Thích Thọ Lạc  - Trưởng Ban Văn hoá Trung ương cùng các cộng sự khảo cứu tại chùa Dâu

 

Nằm trong chuỗi chương trình khảo sát “Kiến trúc Phật giáo Việt Nam – Thống nhất trong đa dạng” thuộc 4 đề án Pháp phục, Ngôn ngữ, Kiến trúc và Di sản, ngày 18/12 (ngày 25/11 năm Nhâm Dần), Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng các cơ quan nghiên cứu đến khảo sát kiến trúc tại các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương.

Trong ngày, đoàn đã đến làm việc tại 8 chùa, gồm: chùa Bút Tháp, chùa Mãn Xá, chùa Dâu, chùa Bách Môn, chùa Phật Tích, chùa Nôm, chùa Hương Lãng, chùa Đống Cao.

Chùa Bút Tháp

Chùa Bút Tháp, tên chữ là Ninh Phúc tự – được biết đến là một trong những danh lam cổ tự đẹp nhất ở vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ, vẫn bảo tồn được tương đối nguyên vẹn kiến trúc cổ cho đến ngày nay.

Phát tích ngôi chùa có từ TK- XIII, được khởi dựng vào Thời vua Trần Thánh Tông. Đến năm 1876, khi vua Tự Đức kinh lý qua đây, thấy có ngọn tháp hình dáng khổng lồ nên gọi tên là chùa Bút Tháp từ đó.

Chùa có bố cục độc đáo, hài hoà giữa kiến trúc với môi trường thiên nhiên. Quần thể kiến trúc chùa Bút Tháp quay về hướng nam, một hướng truyền thống của người Việt, đây là hướng của trí tuệ, hướng của Bát nhã.

Quy mô kiến trúc như hiện nay là kết quả của lần tu tạo lớn vào thế kỷ thứ XVII thời Lê – Trịnh. Kiến trúc các hạng mục công trình được bố trí cân xứng, chặt chẽ ở các khu vực trung tâm ở chùa Bút Tháp bao gồm 8 đơn nguyên chạy song hành được bố trí đăng đối trên một đường “Thần đạo” và được bao bọc bởi hai dãy hành lang chạy suốt dọc chùa, ở hai bên đó là toà tiền đường, thượng điện, cầu đá, toà Tích Thiện Am, trung đường, phủ thờ, nhà hậu đường và hàng tháp đá. Sự bố trí chặt chẽ ở khu vực trung tâm này thể hiện một nội dung tư tưởng về giáo lý của Đạo Phật. Mỗi công trình kiến trúc là một tác phẩm tuyệt khéo kết hợp một cách hài hoà với các yếu tố văn hoá truyền thống của người Việt.

Chùa Bút Tháp có hệ thống các mảng chạm khắc rất đẹp và độc đáo trang trí được thể hiện ở mọi nơi trên các chất liệu gỗ và đá, trên kiến trúc, trên các đồ thờ và  trên các lan can khu vực xung quanh. Có tổng cộng 51 bức chạm đá với nhiều đề tài khác nhau, nhưng đều thống nhất với nhau về mặt chất liệu, phong cách, niên đại. Hình ảnh sống động, tươi vui hàm chứa ý nghĩa Phật đạo và đặc biệt mang đậm nét tính chất nghệ thuật thiền. Các bức chạm đều tập trung về đề tài thiên nhiên phong phú sinh động: Tứ linh tứ quý.

Bên cạnh việc mang giá trị lịch sử, kiến trúc, hiện trong chùa Bút Tháp còn lưu giữ bốn nhóm bảo vật quốc gia được tạo tác từ thế kỷ XVII trên chất liệu gỗ. Với hệ thống gần 100 tượng, đặc biệt là pho “Phật bà Nghìn tay Nghìn mắt” – một báu vật cổ, được xem là độc nhất vô nhị ở Việt Nam được công nhận năm 2012; ba pho tượng Tam Thế, tòa Cửu phẩm liên hoa, hương án cùng được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2020. Ngoài ra, trong khuôn viên chùa còn có hệ thống tháp, gồm tháp Tôn Đức, tháp Tâm Hoa, tháp Ni Châu, tháp Mộ và một số công trình phụ trợ khác

Chùa Bút Tháp là đỉnh cao của một công trình kiến trúc nghệ thuật, tiêu biểu cho phong cách mỹ thuật thời Lê Trung Hưng, thế kỷ XVII. Các cấu kiện kiến trúc được chạm khắc cùng hệ thống hiện vật phong phú, đa dạng… là những di sản văn hóa vô cùng quý giá của dân tộc ta.

Đến nay, chùa Bút Tháp vẫn giữ trong mình những giá trị đặc sắc được tích tụ trong mỗi quá trình tồn tại của mình. Trải qua chiều dài lịch sử, chùa Bút Tháp luôn được bảo vệ, giữ gìn, tu bổ và tôn tạo ngày càng khang trang.

Chùa Mãn Xá

Điểm đến thứ 2 là chùa Mãn Xá, nơi huyền bí linh thiêng mang tên Man Nương

Ngôi chùa Mãn Xá hay còn gọi là chùa Tổ, Phúc Nghiêm tự nằm bên bờ sông Lục. Từ ngàn xưa, chùa Tổ là nơi nổi tiếng cổ kính thâm nghiêm với truyền thuyết linh thiêng về Phật mẫu Man Nương – Tổ mẫu của Phật giáo hệ thống tứ pháp.

Đây là điểm di tích lịch sử quan trọng của Phật giáo vùng Bắc Ninh, gắn liền với hệ thống các chùa thờ Tứ Pháp vùng Dâu. Theo thư tịch cổ và truyền thuyết dân gian, cụ thể là truyền tích “Cổ Châu Phật bản hạnh”, Phật mẫu Man Nương là người “sinh” ra Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện). Chùa Tổ (chùa Mãn Xá) không chỉ nổi tiếng về câu chuyện huyền bí mang tên Man Nương mà còn là chốn Tổ có kiến trúc đặc sắc của đời Nguyễn. Phía trước chùa có 2 giếng cổ gọi là giếng mắt rồng. Tương truyền, giếng này do Man nương cắm gậy thiêng của thiền sư Khâu-đà-la cho mà trở thành giếng để cứu dân quanh vùng khỏi nạn hạn hán.

Chùa Tổ qua nhiều triều đại trùng tu, đến nay chỉ còn tòa Tam Bảo thượng (thượng điện) là công trình kiến trúc của thời Nguyễn còn giữ gìn khá nguyên vẹn. Trung tâm điện Phật (Tòa thượng điện) là nơi thờ Phật mẫu Man Nương. Khuôn mặt của tượng Phật Mẫu Man Nương hiền từ thánh thiện, thân hình được tạo tác trong tư thế tọa thiền trên tòa sen, cao gần 1,70m, giống với các tượng Tứ Pháp, toàn thân phủ một lớp sơn mầu mận chín đầy vẻ huyền bí linh thiêng. Phía trên cao hơn là tượng ông bà Tu Định là thân phụ và thân mẫu của Man Nương, toàn thân sơn mầu nâu sẫm, áo cà sa khoác ngoài trùm kín đùi. Góc bên phải của Thượng điện tôn thờ tượng sư tổ Khâu-đà-la, ngồi thiền trên tòa sen, với lối tạc tượng tinh xảo.

Chùa Tổ tại huyện Thuận Thành là tinh hoa của sự dung hội giữa Phật giáo Ấn Độ khi du nhập vào nước ta với tín ngưỡng bản địa của người Việt cổ thờ các lực lượng tự nhiên (mây, mưa, sấm, chớp). Vì vậy, chùa Tổ và hệ thống của Tứ Pháp đã trở thành dấu tích quan trọng của quá trình hình thành và phát triển Phật giáo Việt Nam.

Chùa Dâu

Chùa Dâu còn có tên là Diên Ứng, Pháp Vân, hay Cổ Châu, toạ lạc tại xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Chùa còn được người dân gọi với những tên gọi khác nhau như chùa Cả, Cổ Châu tự, Thiền Định tự. Đây là ngôi chùa được coi là có lịch sử hình thành sớm nhất Việt Nam là một danh lam bậc nhất của xứ Kinh Bắc.

Hoà thượng Thích Thọ Lạc  – Trưởng Ban Văn hoá Trung ương cùng các cộng sự khảo cứu tại chùa Dâu

Chùa Dâu là một trong bốn ngôi chùa thuộc hệ thống phật Tứ Pháp ở Bắc Ninh bao gồm Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện cùng do bà Phật Mẫu Man Nương người mẹ xứ sở sinh ra.

Chùa Dâu được xây dựng theo kiểu kiến trúc “Nội công, ngoại quốc”, với ba tòa nhà tiền đường, thiêu hương, thượng điện nối tiếp nhau như chữ công, và toàn bộ diện tích hơn 177m2 của chùa được bao quanh bởi bốn bức tường hình chữ quốc. Đi từ tam quan vào thì tiền đường, thiêu hương, thượng điện được xây dựng cao dần theo từng nấc.

Theo sự biến thiên của lịch sử chùa đã trải qua nhiều lần hư hại nhưng cũng được nhiều lần trùng tu; đợt khởi công trùng tu lớn cuối cùng trong các triều đại phong kiến Việt Nam là vào năm 1918 dưới triều vua Khải Định.

Tượng Ngọc Nữ, chùa Dâu

Chùa Dâu còn là nơi ghi dấu sự hình thành và phát triển của dòng Phật giáo Thiền tông ở nước ta, để từ đó lan tỏa ra mọi miền đất nước, tồn tại trong nhiều thế kỷ và trở thành nét không thể thiếu trong văn hóa Việt Nam.

Chùa Bách Môn

Chùa Bách Môn (Linh Cảm tự) là một ngôi chùa nằm trên núi Khám Sơn, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh. Đây là ngôi chùa được biết đến với lối kiến trúc độc đáo hiếm có bậc nhất Việt Nam.

Theo nhiều nghiên cứu, chùa Bách Môn vốn được xây dựng từ thời nhà Lý, vào khoảng thế kỷ 16. Trong thời kỳ chống Pháp, chùa đã bị phá hủy để phục vụ cho công cuộc tiêu thổ kháng chiến. Hiện nay, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bắc Ninh đang tiến hành phục dựng lại ngôi chùa độc đáo này.

Chùa Bách Môn có bố cục mặt bằng hình vuông chữ điền (田) có 2 trục đối xứng và có hành lang bao quanh 4 phía. Đây là bố cục rất đặc biệt, duy chỉ có tại chùa Bách Môn. Bên cạnh đó, trong mô hình kiến trúc này, toàn bộ kết cấu chùa bao gồm tổng cộng 100 cái cửa, và tên chùa Bách Môn cũng xuất phát từ đó.

Chùa Bách Môn là một ngôi chùa rất độc đáo trong lịch sử kiến trúc Phật giáo Việt Nam. Cho đến nay chưa tìm thấy ngôi chùa nào có kiến trúc tương tự. Ngôi chùa này chứa đựng trong mình nhiều giá trị về lịch sử, kiến trúc và cảnh quan. Nếu được phục dựng và sử dụng một cách phù hợp, trong tương lai, kiến trúc chùa Bách Môn sẽ trở thành một điểm quan trọng trong hệ thống kiến trúc thuần Việt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Chùa Phật Tích

Chùa Phật Tích đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 2408/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2014.

Theo Tu Thư Đại Học Vạn Hạnh, chùa làm từ năm Long Thụy Thái Bình  tức năm 1057, Theo sách “Đại Việt Sử Ký toàn thư” và các dấu tích, di vật tìm thấy ở khu vực chùa, Vạn Phúc tự đư­ợc xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ VII – X. Các văn bia khác cũng cho thấy chùa làm đời Lý Thành Tôn.

Được biết, xưa chùa Tiên Sơn là nơi hội tụ và dừng chân của các nhà truyền giáo đầu tiên từ Ấn Độ sang nước ta và các thiền sư Đạo Cao, Pháp Minh. Mô hình sinh hoạt, tu tập tại chùa mãi đến năm (1010-1025) có quy mô bởi lúc này chùa trở thành quốc tự.

*Thờ cúng: Trong chính điện, thờ tượng bằng đá cao 3m70 vào năm 1041, Lý Thái Tông cho xây Viện Từ Thị Thiên Phúc và đúc tượng Phật A Di Đà nặng 7.560 cân để tôn thờ, ngoài thờ các tôn trượng chư Phật, Bồ-tát ra, còn thờ Lý Thái Tôn, Ngọc Hoàng, Thập Điện Diêm Vương, Hộ Pháp, Bàn đức ông, Ban Thánh Tăng, Bát Bộ Kim Cang, bà Trần Ngọc Am (là vợ của Trịnh Tráng)…

Kiến trúc chùa Tháp: chùa có 5 gian, Ngôi Tam bảo xây theo lối kiến trúc chữ “công” trong đó có; Tiền đường, Thượng điện, Thiêu hương.

Khu vườn tháp mộ gồm: tháp Phổ Quang, tháp Hiển Quang, tháp Viên Quang, tháp Báo Nghiêm, tháp Linh Quang, tháp Viên Dung…

Từ năm 1949 – 1952, Pháp chiếm chùa Phật Tích và phá hủy hoàn toàn ngôi quốc tự này, chỉ còn nền gạch và một số pho tượng Tổ, và một vài Pháp khí khác. Năm 1959, chùa Phật Tích được Nhà nước cho xây dựng lại theo quy mô nhỏ để giữ gìn các di vật còn lại. Còn các công trình của ngôi chùa hiện nay rất trang nghiêm là xây mới trên nên cũ của ngôi cổ tự ấy. Để tiếp nối mạng mạch Phật Pháp, ý Tổ trao truyền.

Chùa Nôm

Chùa Nôm hay còn gọi là Linh Thông cổ tự (hay còn gọi là chùa Đại Đồng), thuộc quần thể di tích làng Nôm, thuộc xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, Hưng Yên, là ngôi chùa còn lưu giữ được nhiều nét xưa ở vùng Bắc bộ. Chùa nằm ngoài ranh giới làng Nôm với khuôn viên rất rộng khoảng 15ha và đối diện với chợ Nôm là trung tâm buôn bán của nhiều làng.

 

Linh Thông cổ tự được khởi dựng khá sớm có thể vào những thế kỉ đầu công nguyên, bố cục kiến trúc theo kiểu “nội công ngoại quốc” (mặt bằng bên trong chùa có dạng chữ công (工), còn phía ngoài có khung bao quanh giống chữ khẩu, hay chữ quốc (国) trong tiếng Hán). Chùa có kết cấu kiến trúc bao gồm nhiều hạng mục công trình: Tam quan, gác chuông, gác trống, sân chùa, tòa Tam bảo, nhà Mẫu, nhà Tổ. Đăng đối hai bên là hai dãy hành lang. Tam bảo chùa có bố cục mặt bằng tổng thể kiểu “nội đinh ngoại quốc” gồm tiền đường – thượng điện – hai dãy hành lang. Ngoài ra, trong khuôn viên chùa còn có giếng nước cổ và khu vườn tháp, nhà Tổ, nhà khách, khu phụ trợ.

Di vật tiêu biểu tại chùa và đình còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý giá như: Tượng phật, cây hương đá, tháp đá, chuông đồng, nhang án gỗ, câu đối, đại tự, sắp phong, thần tích, sập thờ, ngai thờ, kiệu…Với những giá trị trên, ngày 07/01/2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 50/QĐ-BVHTTDL xếp hạng Quần thể di tích làng Nôm, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên là Di tích lịch sử – kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Chùa Hương Lãng

Chùa Hương Lãng ngôi chùa vẫn giữ được vẻ đẹp cổ kính, nghiêm túc vốn có và tọa lạc giữa làng quê yên ả. Chùa toạ lạc tại xã Minh Hải, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên trên thế đất rất đẹp, tương truyền là thế đất hình cô tiên. Chùa còn có tên chữ là Thạch Quang Tự, hay còn gọi là chùa Lạng – một trong những ngôi chùa có lịch sử lâu đời nhất Việt Nam. Tương truyền chùa do Thái hậu Ỷ Lan (1044 – 1117)  xây dựng từ khoảng năm 1115. Đáng tiếc là chùa bị phá hủy trong kháng chiến chống Pháp, từ năm 1955 bắt đầu được trùng tu lại.

Chùa có quy mô lớn, trên diện tích gần 1ha, gồm nhiều tòa, bố cục kiến trúc kiểu “nội công ngoại quốc”. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, biến thiên của lịch sử và nhiều lần tu tạo nhưng hiện ngôi chùa vẫn lưu giữ sắc thái mang đặc trưng kiến trúc nghệ thuật điêu khắc đá từ thời nhà Lý.

Với các di vật còn để lại từ thời Lý đến nay, chùa Hương Lãng xứng danh trở thành một di tích lịch sử lịch sử, văn hóa truyền thống cổ truyền lâu năm. Đây chính là niềm tự hào của Phật giáo nước nhà trước những chứng tích lịch sử hào hùng đánh dấu sự gắn bó mật thiết giữa tiến trình phát triển đạo Phật đã luôn  đồng hành cùng lịch sử dân tộc ta.

Chùa Đống Cao

Vào năm Giáp Thìn (1304) trong một chuyến du hóa qua trấn Hải Dương, sơ tổ Trúc Lâm là ngài Trần Nhân Tông đã dừng chân nơi đây. Thấy thế đất “rùa vàng ngắm trăng, phượng múa lân chầu” nơi đây sẽ sản sinh ra hiền tài nguyên khí, Ngài đã sắc chỉ dân chuyển miếu thành chùa, lập am phụng Phật, đem giáo lí dạy cho dần chúng trong vùng hưởng lợi ích. Tuân theo sắc chỉ của vua, các vị kỳ mục của ba làng Khuê Liễu, Thanh Liễu, Liễu Tràng đã chung sức xây lại miếu thành ngôi chùa với ba gian tiền tế và hậu cung thờ Phật. Từ đó chùa Đống Cao hình thành. Chùa chính tọa lạc trên gò cao với thế đất Hoàng quy vọng nguyệt – Phượng múa long triều; nhìn về hướng Đông – Nam, với tổng diện tích khuôn viên chùa trên 1 ha. Phía trước chùa là ao sen, xung quanh chùa xưa kia được bao bằng những luỹ tre xanh biếc, nay được thay thế bằng những bức tường thành xây trang nhã.

Từ khi khởi lập đến nay, chùa đã qua 10 bậc cao Tăng về đây hoằng đạo và trở thành một chốn tổ ảnh hưởng của dòng thiền Trúc Lâm, một biệt phái Thiền tông Việt Nam. Vì vậy, chùa Đống Cao từ xa xưa đã là chốn tổ đình gắn liền với Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử…

Chùa Đống Cao trải qua 7 thế kỷ đầy biến động lịch sử, có nhiều cổ vật và tư liệu thất lạc, không còn giữ được. Ngoài những pho tượng đã tô lại và một số tấm bia đá, đáng kể nhất có lẽ là những ngôi bảo tháp. Tuy nhiên di sản giá trị tinh thần tại đây rất quý báu đối với người dân trong và ngoài tỉnh.

Ban Văn Hoá TƯ GHPGVN